Bạn có bao giờ mong đợi một bộ phim kinh dị, nhưng lại xem “không sợ lắm” không? Hay kinh dị là phải khiến người ta sợ hãi và ám ảnh thì mới gọi là hay? Rosemary’s Baby của đạo diễn Roman Polanski có lẽ sẽ cho bạn một cách đánh giá khác về thể loại này, ở một cách biểu hiện ít gây sợ hãi nhất mà vẫn khiến ta phải theo dõi từ đầu đến cuối với sự thích thú thực sự.
Không tỏ ra bí ẩn và gây tò mò. Bộ phim gần như tiết lộ ngay từ đầu chuyện gì sẽ xảy ra, hoặc khiến khán giả tin rằng câu chuyện sẽ xảy ra đúng như thế. Một đôi vợ chồng trẻ, Rosemary (Mia Farrow) và Guy Woodhouse (John Cassavetes), họ thuê một căn hộ chung cư sang trọng. Tại đây người ta đồn thổi những câu chuyện xưa cũ về quỷ dữ và ma ám. Nhưng bối cảnh phim là năm 1966, không ai còn tin nhiều vào chuyện đó, đặc biệt là những người trẻ hiện đại. Họ chuyển đến đấy sống. Rosemary có thai, và hẳn nhiên, ta không nghi ngờ rằng, có điều gì đó bất thường với cái thai. Với sự ám thị bằng hình ảnh tạo tò mò, và gây ra sự nghi ngờ, đạo diễn khéo léo lừa phỉnh khán giả vào một căn phòng, mà bất kì người xem nào cũng sẵn sàng tâm thế đón chờ những điều kinh dị, khủng khiếp sẽ xảy ra.
Mỗi tiếng cửa đóng, mỗi cử chỉ mơ hồ và kì cục của Rosemary, mỗi bóng hình mà máy quay cố tình hướng tới đều khiến ta căng thẳng và chờ đợi. Sau cái chết bất ngờ, và đầy nghi vẫn của một cô gái mà Rosemary mới quen. Vợ chồng cô kết bạn với một căp vợ chồng già Minnie (Ruth Gordon) và Roman Castevet (Sidney Blackmer)… Họ tốt bụng một cách đáng ngờ, quan tâm sát sao Rosemary một cách đáng ngờ. Thậm chí, mặc dù ban đầu Guy không hứng thú với đôi vợ chồng già, nhưng càng về sau anh càng tỏ ra thân thiết và rất quý mến đôi vợ chồng đấy. Kết cấu rất chặt chẽ của kịch bản với sự dẫn dắt tài tình của đạo diễn Roman Polanski và nhà quay phim Wiliam Fraker (One Flew Over the Cuckoo’s Nest) đã tạo ra hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Người xem vừa cảm thấy mình biết được kết quả sẽ xảy ra, lại vừa nghi hoặc, tò mò và căng thẳng.
Liệu đứa trẻ trong bụng của Rosemary là gì? Một con quỷ có quyền phép có thể thực hiện những mong muốn ngây thơ của người mẹ. Hay thực ra chính những người xung quanh đang bao vây lấy cô với sự tốt bụng đáng ngờ mới thực sự là những dấu hỏi lớn về ma quỷ và phù thuỷ. Rosemary dần dần nhận ra sự khác lạ đến từ đơn thuốc bác sĩ kê cho, đến cơn đau của chính cô, và thái độ của những người xung quanh, mà đặc biệt là cơn đau bệnh bất thình lình của Hutch, một người luôn luôn muốn chỉ cho cô thấy sự bất thường trong cách mang thai và thái độ của người khác đối với cô.
Khi đó, ta lại nhận tiếp được một câu hỏi khác, liệu Rosemary chỉ đang quá hoảng loạn và tưởng tượng ra tất cả. Khán giả tiếp tục nghi ngờ, còn bản thân người mẹ lại đang ở trong một tình trạng kinh dị với những điều khủng khiếp sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Bộ phim giống như một cơn giông ở cuối chân trời, nó khiến ta lo lắng một cơn mưa lớn sẽ đến, nhưng thực sự ta không dám chắc được nó có đến hay không. Đấy chính là điều khiến cho bộ phim thực sự thú vị. Ta thấy mình căng thẳng trong một bộ phim mà đạo diễn không cố tình tạo ra các tình huống giật mình, hay những phương thức hoá trang kinh dị doạ ma người khác.
Không giống như Hitchcock, bậc thầy của phim kinh dị luôn sử dụng một kịch bản có một điểm cao trào, để đẩy kịch tính lên cực hạn và khiến người ta phải ám ảnh về nó cho đến nhiều ngày sau khi xem xong phim. Roman tạo tình huống, đẩy tình huống và cũng ngay sau đó, làm dịu nó lại để khiến cho tâm trạng của khán giả luôn luôn ở mức chới với giữa lo lắng, nghi ngờ, và băn khoăn. Kịch bản phim dựa theo tiểu thuyết của Ira Levin, nhưng Roman Polanski đã viết theo cách mà điện ảnh có thể kể chuyện, và kể chuyện dưới hình thức tốt nhất.
Bộ phim sẽ không thể thành công nếu không có những diễn viên tuyệt vời đặc biệt là Mia Farrow và Ruth Gordon (bà đã dành được giải Oscar cho vai diễn trong phim này). Mia đã thể hiện rất tốt một người vợ ngây thơ, thích đòi hỏi nhưng chiều chồng, và đặc biệt có tình yêu vô cùng lớn dành cho đứa con trong bụng của mình. Cách cô đối diện với sợ hãi, lo lắng, nhưng mạnh mẽ và khôn ngoan trong một thể xác yếu ớt và vô hại quả thực đã tạo ra một hình ảnh Rosemary không thể nào quên trong lòng người xem. Nhưng Ruth mới thực sự khác biệt. Một bà già đồng bóng, luôn tỏ ra sốt sắng và tốt bụng nhưng nhiều lời và nguy hiểm. Một người phụ nữ tạo ra sự ác cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên cho nhân vật. Và sự ác cảm đó luôn mãnh liệt đi theo suốt bộ phim cho tới cảnh cuối cùng.
Roman Polanski cho đến thời điểm đó đã là một đạo diễn rất đáng được chú ý với tác phẩm điện ảnh kinh dị trước đó Repulsion (1965). Và sau Rosemary’s Baby, ông càng khẳng định hơn nữa tài năng của mình, mà điển hình là tác phẩm phản chiến đầy đau buồn The Pianist (2002) – tác phẩm đã mang lại cho ông giải Oscar danh giá. Rosemary’s Baby luôn luôn là một phản ví dụ tuyệt vời cho những người hâm mộ tin rằng chỉ có khiến người khác sợ hãi thực sự mới là một bộ phim kinh dị hay. Bộ phim mang đến một cái nhìn đầy đe doạ của tình yêu của người mẹ, và tham vọng của đàn ông dám bán linh hồn cho quỷ để tìm kiếm thành công cho sự nghiệp, để rồi từ đấy, trong một trạng thái căng thẳng đầy kì lạ trước những cảnh phim bình thường, ta tin rằng điều khiến ta sợ hãi, không phải đến từ ma quỷ, mà đến từ chính con người, những kẻ tôn thờ quỷ dữ.