Bộ phim mở đầu bằng một căn hộ trống và kết thúc cũng là một không gian trống đang đợi người ta đến để làm đầy bằng sự sống. Nhưng căn hộ trống ở đầu phim là chỉ dấu cho một nỗi niềm hạnh phúc riêng tư đang được ươm mầm một cách nhọc nhằn, còn không gian trống ở cuối phim lại là sự khao khát thành công của một thành phố đang thay đổi. Một sự đồng dạng mà tương phản như cách mà bộ phim đã diễn giải cho khán giả về sự cô đơn của con người và sự vận động của một thành phố. Ở đây là Đài Bắc của Đài Loan.

Tôi luôn chú ý đến nụ cười trên khuôn mặt A Trinh, tôi muốn nhìn cô cười, vì lúc nào tôi cũng thấy trên khuôn mặt đấy một nỗi buồn của sự bế tắc, hoang mang, của những mong ước đổ vỡ dần, theo thời gian khi thành phố chuyển động, con người chuyển động, còn cô với A Long của cô, mọi thứ cứ đổ sập dần theo ước mơ đến Mỹ xa vời không bao giờ có thể chạm đến nữa.

Câu chuyện phim bắt đầu hình ảnh A Trinh (Thái Cầm) nói về dự định của mình cho A Long với căn hộ trống mà cô định mua. Chỗ này sẽ đặt cái gì, chỗ kia cô sẽ làm gì, chỗ khác cho A Long (Hầu Hiếu Hiền)… Không khó để hình dung ra một cặp tình nhân trẻ đang dự tính cho tương lai của mình. Nhưng A Long sắp đi Mỹ, anh có vẻ thờ ơ, anh đang có những dự tính của riêng mình, và có vẻ như không có dự tính nào trong đó là dành cho căn hộ này.

Những bức tường khóa lại góc nhìn của máy quay, Dương Đức Xương thường xuyên đưa máy quay ra phía bên ngoài hoặc bên trong của cánh cửa, hành lang để nhìn vào nhân vật, máy quay không giao lưu, không đi vào trong lòng đời sống của nhân vật, thay vào đó, với vị trí của mình, máy quay đóng vai trò quan sát, quan sát một đôi tình nhân Thanh Mai Trúc Mã, đã quen biết nhau từ khi còn nhỏ, và giờ đây, ở độ tuổi không còn trẻ, họ đang cố gắng tìm chỗ đứng cho mình, với góc nhìn khác nhau, và vì thế, tạo nên một bi kịch thành thị buồn bã hiện hữu trên khuôn mặt A Trinh.

Thanh Mai Trúc Mã là một câu chuyện tình yêu, nhưng thiếu yếu tố lãng mạn khi A Long cứ mải miết theo đuổi tương lai, nhưng lại mắc phải rất nhiều những “sai lầm” do bị tình cảm chi phối nền dần dà tiền bạc của anh cũng đi hết, để rồi ước mơ đi Mỹ định cư của cả hai người trở thành một nỗi buồn đau đáu và buồn bã mà ở đây, A Trinh phải chịu đựng hết thảy. Cô đã có căn hộ như ý mình, nhưng mỗi lần góc máy chuyển dời về căn hộ của cô, Dương Đức Xương thường tập trung vào khung cửa sổ mà hai người đứng ở đầu phim, căn hộ đó thiếu A Long kẻ đang mải miết đi tìm tương lai cho mình. Căn hộ đó chị có A Trinh, cô đơn, và mắc kẹt giữa những người đàn ông không có khả năng giúp cho tương lai của cô. Người cha thất thế may mượn tiền đến nỗi xã hội đen hỏi thăm. Người yêu hờ hững, tấn công người bạn mình trong một tiệc rượu vì anh ta canh khóe gì đó về việc A Long từng là một cầu thủ bóng chày mà sao ném phi tiêu dở thế.

Trong bước chuyển mình nhanh chóng của Đài Bắc trong xã hội chuộng tư bản, ánh đèn led, chủ nghĩa hiện đại với ảnh hưởng sâu sắc của Nhật và Mỹ, những con người truyền thống chưa kịp thích nghi đang dần bị lãng quên. Những con người trong phim, họ không nghèo, họ ở mức trung lưu, họ đi bar, đi nhậu, nhưng rồi họ lẫn dần vào trong một thành thị đang chuyển biến, những góc máy của Dương Đức Xường đi qua hành lang ngôi nhà, nhìn từ trong ra qua khung cửa, hoặc từ ngoài vào, để nhìn nhân vật, như thể, tôi luôn cảm giác, như thể chỉ cần nhân vật bước thêm vài ba bước chân thôi, họ sẽ biến mất sau khung hình, như họ sẽ biến mất trong xã hội Đài Bắc mà không kịp để lại cho mình một dấu vết gì của sự tồn tại.

Bộ phim chậm rãi, buồn bã, tịch mịch, đôi khi những nhân vật trong phim họ cũng không thực sự biết mình đang làm gì hoặc đạo diễn cho nhân vật tự cố gắng vùng thoát để rồi cứ luẩn quẩn trong cuộc sống của mình, trong thế giới nhỏ bé của mình, A Trinh thì không thể thoát khỏi quá khứ, khỏi 1 người cha thất bại, còn A Long không thoát dược quá khứ từng khiến anh tự hào, nhưng cũng là rào cản khiến anh không thể đi tiếp về tương lai mà A Trinh mong đợi.

Thanh Mai Trúc Mã đặc biệt ấn tượng ở phần hình ảnh, như tôi có nhắc nhiều lần ở trên. Phần hình ảnh với những cảnh quay ấn tượng dù cận cảnh, ở rất nhiều địa điểm khác nhau, ở tầm cao, hay tầm thấp, đã giúp khán giả hình dung ra hiện mạo thành phố, sức sống, sự đơn điệu đôi khi nhàm chán, những chung cư vô hồn giống hệt nhau, hay sức sống đằng sau ánh đèn led của biển quảng cáo, của quán bar, quán rượu… Đài Bắc đang đổi thay, con người cố gắng đổi thay, nhưng có những người không bắt kịp, họ lạc lõng, bối rối trước tương lai của mình, để rồi không thể đưa ra được quyết định và mãi mắc kẹt không tìm được lối thoát.

Taipei Story là một bộ phim buồn, đẹp, đầy bất an. Nó phần nào thể hiện ra phẩm chất của một đạo diễn xuất chúng trong việc đưa yếu tố thành thị trở thành “nhân tính” và góp phần đưa nhân vật trở nên sáng rõ và hiện hữu hơn bao giờ hết. Thành thị trở thành một mỏ neo, để hình dáng của con người trong đó trở nên sắc sảo hòng đại diện cho một thế hệ, một lớp người và trên hết là những suy ngẫm rất đời thường mà không phải đạo diễn nào cũng có khả năng thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh của mình.

Taipei Story nằm trong danh sách 100 phim xuất sắc nhất châu Á

Comment