Một cô gái không biết vì lý do gì đó, bị một ông già với cái nhìn đầy băng giá và hằn học đổ xô nước lên đầu trên chuyến tài đi từ Seville (Tây Ban Nha) đến Paris (Pháp). Tất cả những người ngồi cùng toa với ông, trong đó có một nhà tâm lý học là người lùn đều tò mò, và kiên quyết rằng, một người đàn ông lịch lãm như ông, mà hành sự có phần thiếu suy nghĩ như vậy, hẳn là vì một lý do cực kì hay ho. Vậy là người đàn ông, như thể tìm được chỗ để giãi bày, bắt đầu kể lại câu chuyện của mình.

Bộ phim cuối cùng của đạo diễn Luis Bunuel bắt đầu như vậy. Ở độ tuổi 77, cha đẻ của chủ nghĩa siêu thực trong điện ảnh vẫn không mất đi nét hài hước của mình, sự sâu sắc trong cách hiểu thấu tâm dạ của đàn ông, và rõ ràng, ông tin rằng, dù ở độ tuổi đó của mình, ông cũng chưa bao giờ hiểu được phụ nữ. Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, được đón nhận nồng nhiệt, ghi dấu rất nhiều đề cử trong các giải thưởng lớn. Chiến thắng của cùng của Luis Bunuel nhờ vào hai cốc Martini.

Nhân vật chính là Mathieu (Fernando Rey), một người đàn ông giàu có, lịch lãm, có địa vị xã hội, nhưng cô đơn, rất yêu người vợ đã mất cách đây 5 năm. Cuộc sống của ông sẽ lãng đạm và nhàm chán như vậy cho đến khi ông chợt gặp Conchita, cô hầu gái mới được thuê trong nhà của mình. Ngay lập tức, ông bị vẻ đẹp của cô lôi cuốn, ngay lập tức ông muốn cô. Là một cô gái Tây Ban Nha, ngang bướng, bất cần, biết được lợi thế của vẻ đẹp mà mình có, hiểu dục vọng của đàn ông. Conchita từ chối ông và biến mất. Lần đầu tiên gặp gỡ là tiếng sét khiến ông mất kiểm soát, lần thứ hai là giấc mộng tình ái mà ông muốn đeo đuổi. Họ tình cờ gặp lại tại Thuỵ Sĩ khi cô đi theo những người bạn của mình lưu diễn trong các quán bar. Conchita không muốn làm gì cả ngoài vũ công. Cô đã nói với điều đó ngay lần đầu tiên với Mathieu, và cô đã sống cuộc đời cô như vậy. Họ gặp lại nhau tại Paris, Mathieu bắt đầu cuộc sống đầy phiêu lưu tình ái với Conchita, một cuộc rượt đuổi giữa mèo và chuột, một trò chơi tình cảm mà Conchita luôn luôn biết cách làm chủ cuộc chơi.

 

Cô kéo Mathieu lại với mình, rồi đẩy ông ra. Cô quá hiểu rằng, đàn ông, khi họ chưa có được cái mình muốn thì họ sẽ phát điên, họ sẽ mất lý trí, họ sẽ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để đạt được. Conchita luôn luôn bảo rằng mình còn trong trắng, luôn muốn ông đợi, luôn chỉ cho phép Mathieu chạm vào cơ thể mà không được làm gì khác. Ông già phải chấp nhận, ông chấp nhận bỏ qua cái điều tự nhiên như ông bảo khi hai người đàn ông và đàn bà sống với nhau sẽ làm, để được sống cùng Conchita. Thảm hại và tội nghiệp, tình yêu hay dục vọng. Đôi khi ranh giới quá mờ đến mức ta không biết liệu Conchita nói có đúng không: “Nếu ông có được điều ông muốn, ông sẽ bỏ em đi”.

Cả cuộc đời ông theo đuổi chủ đề về dục vọng, đam mê, tình yêu, tình dục. Những tác phẩm của ông giống như cánh cửa khám phá thế giới bên trong mỗi căn phòng kín, đằng sau mỗi tấm rèm khép hờ, từ Diary of a chambermaid, đến Belle de Jour, The Discreet Charm of the Bourgeoisie và cuối cùng là That Obscure Object of desire. Đằng sau cánh cửa đó, chân dùng những người đàn ông và phụ nữ hiện ra với đầy những toan tính, những toan tính để thoả mãn bản thân, để điều khiển kẻ yêu mình. Nó không xa lạ, cũng không gần gũi, nó là sự tiếp cận bằng ống kính máy quay để mỉa mai và cười cợt vào những thân phận tưởng như tẻ ngắt trong xã hội.

Bối cảnh đằng sau mối quan hệ đầy dục vọng của Mathieu và Conchita là những vụ khủng bố diễn ra ở Tây Ban Nha và Pháp, nó giúp đạo diễn diễn tả được sự đam mê quên hết mọi thứ của Mathieu, những vụ đánh bom trở nên mở nhạt và không hề làm Mathieu hoang mang. Điều ông đau đáu chỉ là Conchita, một Conchita có chút ma mãnh, trong sáng, kiêu kì (Carole Bouquet) và một Conchita có đôi chút lẳng lơ, quyết đoán, hoang dã (Ángela Molina). Vâng, tôi đang nói đến điểm đặc sắc của bộ phim, điều mà khiến bộ phim trở nên đáng chú ý hơn cả cách xây dựng câu chuyển bậc thầy để mô tả sự vụn vỡ của ái tình. Nhân vật Conchita được thể hiện bởi hai nữ diễn viên khác nhau. Họ xuất hiện trong những cảnh khác nhau, đôi khi xuất hiện trong một cảnh chuyển tiếp (diễn viên thay đổi sau khi bước vào và bước ra khỏi tấm rèm). Họ là một người với hai cá tính riêng biệt, hai bộ mặt cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một ẩn dụ rất rõ rằng rằng, dục vọng đã hoàn toàn làm mờ mắt của Mathieu, ông chấp nhận mọi thứ của Conchita, thậm chí là bị cô sỉ nhục.

 

Nếu nhiều nhà phê bình muốn dán nhãn cho bộ phim chất liệu siêu thực vì hình ảnh nữ nhân vật chính được hai nữ diễn viên hoá thân thì câu chuyện cho tình huống này của Luis lại có đôi chút buồn cười. Trong cuốn tự truyện My Last Sigh, ông báo rằng nhờ hai cốc Martini, ông đã nảy ra ý tưởng cho hai nhân vật nữ hoá thân vào Conchita, sau khi nữ diễn viên được chọn vào vai Conchita đầu tiên đã không thể theo tiếp dự án phim này, và bộ phim lúc đó, có nguy cơ không được sản xuất tiếp. Một lý tưởng tình cờ, nhưng hẳn nhiên đó là ý tưởng của một đạo diễn lớn, có đầu óc tưởng tượng phong phú, và sự nhiệt huyết với tác phẩm của mình ở tuổi 77. Ý tưởng đó đã thành công không ngờ. Sự tinh tế trong diễn xuất của diễn viên người Tây Ban Nha Fernando Rey, người đã có nhiều phim hợp tác cùng Luis, khi đối mặt với mỗi Conchita khác nhau, đã khiến ta, đến một lưng chừng phim nào đó, quên mất Conchita là hai diễn viên, ta chỉ nhớ đó là một người, một người phụ nữ sống bản năng, vô cùng xinh đẹp, thông minh, và không thể nắm bắt.

“Em chẳng thuộc về bất kì ai ngoài bản thân mình. Và em sẽ luôn như vậy. Em không có gì quý giá hơn bản thân em hết”. Conchita đã nói vậy, họ là vậy. Bất cứ ai có ý muốn chiếm hữu họ, thất bại là điều tất yếu. Bất cứ ai tỏ ra thông minh và có thể hiểu họ, thất bại cũng là điều dễ hiểu. Giống như cậu bé mới lớn, Mathieu học dần qua mỗi lần thất bại, để đến cuối cùng, ông hiểu, ông chỉ có thể là chính mình, bỏ qua vẻ ngoài đạo mạo, và đức tính của một quý ông, trút sự ghen tuông và giận dữ lên Conchita khi cô sỉ nhục ông, thì người phụ nữ đó, họ mới cảm nhận được giá trị thực sự của mình, giá trị nằm ngoài ham muốn dục vọng của người đàn ông.

Comment