“The Artist” (2011) – Bộ phim câm, đen trắng ở thế kỷ 21

1
2188
Bérénice Bejo and Jean Dujardin in “The Artist.”

Những chiếc máy quay full HD, 4K hẳn là thứ mà nhiều người làm phim trong quá khứ cực kỳ thèm khát. Màu sắc sặc sỡ trên phim hẳn là điều mong mỏi của hàng triệu khán giả mê điện ảnh khi xưa. Và âm thanh, những cuộc hội thoại hẳn là một tiến bộ vĩ đại trong công cuộc đưa điện ảnh ngày càng phát triển, ngày càng gần gũi với cuộc sống thực. Thế nhưng, “The Artist” mặc dù được sản xuất năm 2011, lại đơn phương độc mã đi theo một con đường hoàn toàn khác, đưa dòng phim câm, trắng đen một lần nữa lên màn ảnh rộng và đưa tên mình vào danh sách những bộ phim dành giải Oscars ở 5 hạng mục danh giá, trong đó có Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

“The Artist” là câu chuyện về George Valentin – một chàng diễn viên điển trai, giàu có và tài năng, đang đứng trên đỉnh cao danh vọng của thể loại phim câm. Thế rồi, bi kịch đời anh ập đến khi thời thế thay đổi, công nghệ mới lên ngôi, người ta đưa được âm thanh, tiếng động vào từng thước phim. Và anh với những thước phim im lặng của anh trở thành thừa thãi, bị lãng quên vào quá khứ. George từ đỉnh cao, nay đã xuống tận đáy của cuộc đời. Anh mất tất cả: nhà cửa, tài sản, quần áo và người vợ với cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã lâu. Anh chỉ còn lại những cuộn phim từng kiếm cho anh bộn tiền, chú chó Uggie và người tài xế trung thành. George cũng mất cả lòng kiêu hãnh của một người đàn ông khi cô vũ công anh từng phải lòng và giúp đỡ, nay lại trở thành một minh tinh của dòng phim nói. Cô đã vô tình xúc phạm anh và thể loại phim câm cũ kỹ mà anh đại diện. Phim là chuyện đời, chuyện nghề và chuyện tình của những người nghệ sỹ chân chính.

Phim Oscars hiếm có phim nào mang nhiều yếu tố giải trí, hài hước hay dễ xem. Thế nhưng đó hẳn chỉ là định kiến dập khuôn bởi “The Artist” hoàn toàn là một bộ phim như thế. “The Artist” không có những twist lồng twist bất ngờ để ta phải ồ à, kinh ngạc. Cũng không có những pha hành động máu lửa để câu khách. Các nhà làm phim cũng không hề biến nền công nghiệp điện ảnh thành cái gì bi kịch, giật gân. “The Artist” cũng không khó hiểu đến nỗi khán giả xem xong chả hiểu nổi. Vậy, bộ phim này có gì?

Bérénice Bejo and Jean Dujardin in “The Artist.”

Phim đặc biệt ở chỗ nó loại bỏ tất cả các yếu tố gây phân tâm cho khán giả như màu sắc, tiếng động nhỏ nhặt hay thậm chí là những đoạn hội thoại không cần thiết để khán giả chỉ tập trung vào nội dung và diễn xuất. Là phim câm, “The Artist” có lối kể chuyên rất riêng. Người diễn viên khi nhập vai hẳn phải chịu rất nhiều thách thức khi không thể biểu hiện quá lố cảm xúc để người xem dễ chú ý, cũng không thể giấu quá kỹ biểu cảm để rồi người xem không nhận ra rằng nhân vật đang vui hay buồn, hơn nữa, người diễn viên cũng không thể dùng câu thoại để thể hiện mình. Thế nhưng, với màn trình diễn xuất sắc của Jean Dujardin và Bérénice Bejo, ta có thể khẳng định rằng im lặng không bao giờ là một chướng ngại vật quá lớn. Jean và Bérénice đều hóa thân trở thành những người nghệ sỹ chân chính, hoạt bát và cá tính nhưng cũng rất thường, rất đời. Cũng chính nhờ việc chỉ cần ngôn ngữ hình thể mà người ta không cần tuyển diễn viên ở cùng một quốc gia, không cần có chất giọng phù hợp với nhân vật họ nhập vai. Chính vì vậy mà mặc dù lấy bối cảnh ở Hollywood hào nhoáng nhưng hai diễn viên chính lại mang quốc tịch Pháp và Argentina.

Một yếu tố thành công khác của “The Artist” chính là nhạc phim tuyệt vời. Chính vì không thể biểu hiện quá lộ liễu cảm xúc, không thể nói lời thoại nên nhạc phim lại có một vị trí vô cùng quan trọng – quan trọng hơn nhiều so với vị trí của nó trong dòng phim hiện đại. Nhạc trong phim có tác dụng rất lớn trong việc dẫn dắt, điều khiển nhịp phim, đồng thời cũng bộc lộ tinh tế tính cách, cảm xúc nhân vật. Khi George thành công, ta nghe được hòa thanh vui nhộn, hối thúc của cả dàn nhạc. Ở những phân cảnh đầu tiên của Peppy Miller, ta lại cảm nhận được nét hóm hỉnh, mộng mơ nhưng cũng đầy nữ tính của giai điệu. Khi George và Peppy khiêu vũ, nhìn sâu vào đôi mắt nhau và nảy sinh tình cảm, ta lại thấy những giai điệu nhẹ nhàng, tế nhị của tình yêu. Và ta cũng ứa nước mắt khi George mất tất cả, trở về trong căn buồng chật hẹp, nghĩ về hào quang quá khứ và anh của hiện tại. Tiếng nhạc buồn bã, xót xa vang lên.

“The Artist” không hề giống những bộ phim đạt giải “Phim xuất sắc nhất” của Viện Hàn Lâm trong những năm gần đây, có lẽ cũng bởi vị đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius đã làm những điều mà chẳng ai trong những cộng sự Hollywood của ông dám làm. Ông đã tìm về “quá khứ tươi đẹp”, tìm về những giá trị mà lâu nay bị lãng quên. Câu chuyện của George trong phim hẳn cũng giống chúng ta, luôn phải tập quen và thích nghi với những thứ mới mẻ để tồn tại và phát triển. Rõ ràng, phim không hề chê bai hay phản đối nền công nghiệp điện ảnh hiện đại với những thước phim màu sắc nét, rực rỡ cùng âm thanh, kỹ xảo đẹp mắt. “The Artist” là một cái quay đầu lại đằng sau để nhìn thấy nơi ta bắt đầu, tìm lại những vẻ đẹp thuần khiết, nguyên sơ của điện ảnh ta từng có, để từ đó tiếp tục kế thừa và phát triển cho tương lai.

Comment