The Blue Kite là một bộ phim của đạo diễn Điền Tráng Tráng được sản xuất năm 1993 nói về đề tài cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Phim xoay quanh câu chuyện về mẹ con Thiết Đầu từ giữa những năm 1950s đến 1960s. Đây là một trong số những bộ phim hiếm hoi đầu tiên làm về đề tài nhạy cảm này ở Trung Quốc. Đạo diễn Điền Tráng Tráng có chia sẻ: “Sự thật rằng bộ phim có thể tồn tại và trình chiếu được đến mọi người là cả một phép màu”. Và tôi phải cảm ơn phép màu đó đã cho tôi cơ hội được biết và hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đen tối đầy biến động của Trung Quốc.
Một bộ phim của những sự kiện.
Lúc xem phim tôi đã chuẩn bị tâm lý nhiều, tôi cứ nghĩ phải xúc động, phải xót xa như Bá Vương Biệt Cơ, nhưng The Blue Kite lại khiến tôi chưng hửng, những nhân vật không được đào sâu vào tâm lý, mọi thứ cứ trôi tuột qua như một bộ phim tài liệu và tôi thì hi hoáy ghi lại từng thời điểm để về tìm hiểu thêm. Nhưng cũng chẳng có gì lạ, vì đây là câu chuyện do Thiết Đầu – một đứa trẻ đang kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Tôi nhớ trong cuốn “Giết con chim nhại” có câu: “Bố Atticus bảo tôi xóa đi các tính từ và tôi sẽ có các sự kiện”. Và The Blue kite chính là bộ phim như vậy, nó là câu chuyện tường thuật chân thật của một cậu bé đang cố ghi nhớ lại những sự kiện xung quanh mình và vì là câu chuyện của trẻ con nên không hề áp đặt ý kiến, quan điểm gì cả. Toàn bộ những sự kiện diễn ra từ 1953 đến 1968 trong một gia đình điển hình Bắc Kinh được ghi lại đầy đủ, trung thực qua giọng kể của trẻ thơ. Chỉ có điều câu chuyện xảy ra trong một giai đoạn có quá nhiều sự kiện đặc biệt của đất nước Trung Hoa: Trăm hoa đua nở, đại nhảy vọt, phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa,… Những sự kiện mà sức ảnh hưởng của nó còn kéo dài tới tận bây giờ và khiến biết bao nhiêu người vẫn còn sợ hãi khi nhắc lại. Tôi nghĩ đạo diễn cố ý chỉ muốn cung cấp những sự kiện lịch sử để mỗi người xem sẽ tự có những suy nghĩ, nhìn nhận của riêng mình.
Những câu chuyện dang dở
Như một bộ phim tài liệu, The Blue Kite chẳng có nhân vật phản diện, chính diện, chẳng có cao trào, chẳng có tình tiết thắt mở, cũng chẳng có nguyên nhân kết quả. Thế nhưng tôi vẫn bị cuốn theo 140 phút phim vì những tình tiết quá đỗi bất ngờ ập đến xuyên suốt bộ phim. Chỉ vừa mới mấy phút trước người này có thể là đảng viên tiêu biểu, vài phút sau họ đã bị đấu tố, đưa đi cải tạo. Gia đình của Thục Quyên, từng thành viên một bị cuốn vào vòng xoáy của cách mạng, của đấu tố và cải tổ. Tiểu Long người công nhân chăm chỉ trong thư viện phải đi cải tạo vì bị bỏ phiếu trong cuộc đấu tố nội bộ và chết tức tưởi không kịp gặp mặt vợ con lần cuối. Cậu út tầng lớp trí thức trẻ cũng bị đưa đi học cải tạo chỉ vì nói lên suy nghĩ của mình và sau những năm tháng đó, cậu trở thành một con người sống chán nản và bất mãn. Cả dì lớn, một người chỉ biết sống và phục vụ cho lý tưởng của Đảng, của đất nước, phút cuối vẫn lâm vào cảnh đấu tố. Cô văn công hát hay diễn giỏi sắp vào Đảng bỗng dưng bị bắt đi cải tạo, rồi lại cuốn đi đâu đó trên chuyến tàu vội vã… Thiết Đầu bảo: “Những gì xảy ra với dì Trúc Thanh luôn luôn là bí ẩn đối với tôi”. Và cả với tôi nữa, tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra với cô ấy hay những nhân vật khác trong phim. Mỗi nhân vật chỉ xuất hiện vài phút ngắn ngủi nhưng đủ khắc họa số phận thăng trầm, chua xót của mình. Câu chuyện riêng của một gia đình nhưng lại thể hiện được nỗi thống khổ chung của cả dân tộc Trung Hoa trong những năm 1950s – 1960s.
Một đám đông đáng thương
Bộ phim chẳng có đến một nhân vật phản diện, chẳng có người lãnh đạo, cái tôi nhìn thấy chỉ là một đám đông lạc lối trong phim. Họ là ai? Là cô trưởng thôn vác theo dùi trống kêu gọi mọi người quốc hữu hóa. Là đám nhân viên thư viện trầm lặng ngồi bỏ phiếu đấu tố nhau. Là đám học sinh ngây thơ đang hò reo lôi cô hiệu trưởng thường ngày vẫn hay mắng nhiếc chúng ra sỉ nhục. Là đám hồng binh toàn nam thanh nữ tú, những con người hừng hực sức trẻ thanh niên hăng say lôi ông già mắc bệnh tim đi không nổi ra đấu tố. Nhưng tôi chẳng trách ai cả. Tất cả họ chỉ là nạn nhân, nạn nhân của những âm mưu, tính toán chính trị. “Nhân chi sơ tính bản thiện” con người được sinh ra với bản tính lương thiện. Chẳng ai muốn mình làm kẻ ác, chẳng ai muốn làm việc sai trái, ai cũng chỉ muốn đấu tranh vì một xã hội công bằng và cuộc sống tốt đẹp hơn. Đáng tiếc thay mong muốn chính đáng và trong sáng đó lại được dẫn dắt bằng đường lối sai lầm và những toan tính cá nhân đầy vụ lợi của một nhóm người. Một xã hội hỗn loạn với những định nghĩa đúng sai mập mờ lẫn lộn. Bi kịch của một dân tộc mà chẳng ai có thể thoát khỏi. Thục Quyên một cô giáo trẻ chắc cả đời chẳng biết đến chính trị là gì, cô sống với mong ước nhỏ nhoi là được ở bên cạnh con, nhưng những gì thực tế xảy ra với người thân của cô lại quá đau xót. Những sóng gió bất ngờ cứ ập tới mà cô chẳng kịp hiểu gì “Càng nghĩ nhiều về nó, em lại càng không hiểu gì cả”. Không chỉ riêng Thục Quyên mà còn rất nhiều những người dân Trung Quốc tại thời điểm đó cũng ngơ ngác, chẳng lý giải nổi chuyện gì đang xảy ra.
Và cánh diều xanh mãi mắc kẹt ở trên cây.
Đạo diễn Điền đã rất khéo léo ghi lại được tình người đẹp đẽ giữa bầu không khí ngột ngạc của một xã hội hỗn loạn, mất định hướng. Đó là tình hàng xóm láng giềng của cụ bà, của dì Lan chủ phòng trọ. Tình người tử tế từ những người dưng sống rất chân thành của Bác, của Cha Dượng. Tình máu mủ ruột thịt của các dì, các cậu và tất nhiên tình mẫu tử thiêng liêng nữa. Tôi nhớ mãi cảnh đêm giao thừa mọi người chia nhau phần sủi cảo, sao mà ấm áp thân thương quá đỗi giữa cái lạnh lẽo của đêm giao thừa và giữa cả thời cuộc biến động khôn lường. Họ chỉ là người dân lương thiện luôn cố làm tốt việc của mình và cư xử tử tế với nhau theo đúng lương tri con người. Như những cánh diều chập chờn cứ xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Cánh diều xanh chính là biểu tượng tượng trưng cho những ước mơ giản dị, khát khao cuộc sống yên bình, tư do của người dân – những khao khát giản đơn và chính đáng. Nhưng những cánh diều kia dù có cố gắng bay xa đi nữa thì khốn khổ thay, số mệnh của chúng lại nằm trong tay kẻ giật dây và đành chịu rách bươm, hết lần này đến lần khác mắc kẹt trên cành cây kia. Và bầu trời xanh tự do mãi vẫn còn xa vời vợi…
Victor Hugo từng nói: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ” (What is history? An echo of the past in the future; a reflex from the future on the past). Đạo diễn Điền Tráng Tráng đã vất vả, xoay sở mọi cách để bộ phim được lưu hành, được công chiếu đến công chúng để chúng ta có cơ hội quay lại nhìn nhận lịch sử. Nhưng tôi nghĩ đạo diễn nào chỉ muốn dừng lại ở việc gợi nhớ lịch sử. Lịch sử là tấm gương cho hiện tại, mà mỗi người trong chúng ta hãy tự soi mình vào đó để xem chúng ta có lúc nào bị lẫn vào đám đông kia chăng? Tự soi về quá khứ để điều chỉnh suy nghĩ, để học, để biết phân biệt đúng sai phải trái. Và hơn hết là để biết suy nghĩ và hành động tốt hơn cho xã hội vì chính chúng ta là người làm nên xã hội đó.
Lê Thiều