Không hề nói quá khi cho rằng hai anh em Jean-Pierre Dardenne, Luc Dardenne là hai trong số những nhà làm phim về bi kịch xã hội xuất sắc nhất đương đại. Họ luôn đưa cho ta một cái nhìn trực diện vào cuộc sống, lôi ra ánh sáng sự bức bối của xã hội, dùng sức mạnh của máy quay để lột tả đến tận cùng những thân phận còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, mà đôi khi, sự chuyển động vội vàng của xã hội hiện đại khiến ta không để tâm chú ý đến. Những tác phẩm trước đây như La Promesse (1996), Rosetta (1999) hay The Kid with a bike (2011) đã đủ chứng minh lời khẳng định đấy, và tác phẩm mới nhất Two Days, One Night (2014) chỉ thêm vào sự nghiệp của họ một tác phẩm xuất sắc khác nói về thân phận con người mà thôi.

Tại một thành phố của Bỉ, một người mẹ trẻ của hai đứa con nhỏ bị cho nghỉ việc sau một cuộc bỏ phiếu được tổ chức giữa những đồng nghiệp của cô, những người mà việc sa thải cô sẽ giúp họ có được mỗi người 1000 euro tiền thưởng thêm. Một người đồng nghiệp của cô đã bảo cô rằng người ta gây sức ép với những người tham gia bỏ phiếu để sa thải cô, vì họ cho rằng cô không đủ sức khoẻ để làm việc sau khi trở lại từ cơn suy sụp tinh thần. Người đồng nghiệp đó đã khuyên cô đi hỏi lại người phụ trách để xin được bỏ phiếu lại vào sáng thứ hai. Sandra chỉ có hai ngày cuối tuần để đi đến từng người sẽ tham gia bỏ phiếu để thuyết phục họ từ bỏ 1000 euros tiền thưởng nhằm giúp cô quay lại với công việc, vốn rất cần để cô trang trải cuộc sống cùng chồng đang làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ăn uống.

Hai ngày một đêm, Sandra trong cơn cùng cực của cuộc sống, và phải hạ thấp mình đi cầu cạnh người khác, cô đi đến gõ cửa từng nhà, gọi điện, hẹn gặp làm mọi thứ có thể trong sự giúp đỡ của chồng để lấy lại cơ hội giữ được việc làm cho mình. Đã có những lúc cô muốn từ bỏ, trong tâm trạng luôn luôn sẵn sàng bị suy sụp và khó thở, Sandra trông giống như một người chết đuối đang kêu cứu. Nhưng lòng tự trọng của sự kêu cứu đó đang bị tổn thương, và lòng tốt của cô đang khiến cô cảm thấy có lỗi khi đề nghị người khác bỏ đi 1000 euro, một khoản tiền không nhỏ để cứu cô. Những người được thưởng đều là những người phải làm thêm để trang trải cuộc sống. Ai cũng khó khăn, ai cũng ở trong một hoàn cảnh mà một khoản tiền như vậy có thể giúp đỡ rất nhiều. Sandra rất hiểu điều đó, cô vẫn chiến đấu cho cuộc sống của mình, đồng thời không quên đặt mình vào hoàn cảnh người khác để thông cảm và hiểu khi người ta không thể chấp nhận từ bỏ số tiền lớn đó.

Camera được sử dụng nhiều ở góc cận cảnh, lột tả khuôn mặt đầy bi kịch của Sandra, khuôn mặt buồn, lo lắng, chán nản nhưng luôn luôn muốn cố sức mình vì chồng con, vì cuộc sống. Trái ngược với Rosetta, nhân vật trong bộ phim cùng tên được sản xuất năm 1999, Rosetta mạnh mẽ, kiên quyết và luôn luôn sống chết bám trụ với cuộc đời trong cô độc thì Sandra yếu đuối và mệt mỏi nhưng luôn luôn có người thân ủng hộ bên cạnh mình. Sự mệt mỏi được Marion Cotillard lột tả vô cùng xuất sắc. Một cảm giác về sự cạn kiệt năng lượng và rệu rã vô cùng trong tâm hồn.

“Giá mà em có thể giống chúng”, “Ai”, “Những con chim đang hót”.

Một mẩu đối thoại trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi của hai vợ chồng trên đường đi gặp những người đồng nghiệp khác. Sandra cho ta thấy một tâm hồn bị mắc kẹt trong xã hội đang khủng hoảng, trong thân phận nghèo khó phải vật lộn với cuộc sống nơi còn rất nhiều hoàn cảnh tương đồng với mình.

Tôi thích cách biên kịch và đạo diễn xây dựng những nhân vật phụ, là những người đồng nghiệp mà Sandra phải đối mặt yêu cầu sự giúp đỡ. Có những người sẵn sàng giúp, có những người đồng cảm nhưng không thể giúp vì phải lo trang trải cho gia đình, ngược lại có những người thẳng thừng từ chối, thể hiện thái độ thù địch khó chịu vì một yêu cầu không công bằng cho những khó khăn mà họ đang rất cần tiền để duy trì cuộc sống, họ tạo nên sự đa đạng trong xã hội, nhưng nó cũng xây dựng một sự chung nhất cho những khó khăn mà cuộc sống mang lại cho mỗi người liên quan đến tiền bạc. Ta không thể trách họ vì những cách mà họ thể hiện thái độ trong chuyến hành trình đi tìm kiếm sự bình yên cho mình.

Qủa vậy, trong chủ nghĩa tối giản của bức tranh nơi anh em nhà Dardenne sử dụng để kể chuyện, Sandra đang đi tìm sự bình yên cho mình hơn mọi mục đích khác. Liệu có dễ dàng gì để một cá nhân tính đi cầu cạnh những cá nhân khác. Nội tâm đấu tranh, gia đình đấu tranh, cuộc sống đấu tranh, Sandra bắt buộc phải đi để làm mọi thứ cân bằng lại trong cuộc sống của mình. Sức mạnh của một tài năng như Marion Cotillard đã biểu hiện được điều đó một cách vô cùng tuyệt vời chỉ với một nụ cười và tiếng thở hắt ra nhẹ nhõm. Cameraman đi theo Sandra trong mọi khuôn hình, bắt được những cảm xúc tự nhiên nhất, những cú máy dài đi theo nhân vật như thử thách chính người xem trong việc tạo cảm giác chân thực của một hành trình giữa trời nắng hay trong đêm tối. Không có âm nhạc làm nền, chủ nghĩa tự nhiên được dùng tới như một điều nữa thách thức người xem, gây cảm giác căng thẳng và tạo hiệu ứng cảm xúc thật theo bước chân Sandra.

Không phải là một chủ đề mới, nhưng với khả năng diễn xuất tài tình của Marion Cotillard, và sự thấu hiểu đến tận cùng tầng lớp lao động phổ thông trong thành phố hiện đại, hai anh em Dardenne đã mang đến một lần nữa, sự trần trụi của cuộc sống, những áp lực vô hình cho con người, và những thân phận nhỏ nhoi trong xã hội. Bộ phim không dễ xem dành cho nhiều người, vì những áp lực đè nén lên Sandra, được cô đọng lại trong 95 phút của bộ phim đã vô hình chung tạo thành một chủ thể hữu hình tác động thẳng đến người xem, gây cảm giác bức bối và ngột ngạt và cho những khán giả đã đồng hành cùng Sandra trên hành trình hai ngày 1 đêm của cô, nụ cười của Sandra ở cuối phim đã giải phóng tất cả, cô mang lại cảm giác của một con chim đang hót trong ngày hè rực rỡ đầy nắng hanh vàng.

Comment