Tôi vẫn thích xem phim sử thi về chiến tranh, về lịch sử, những phim như “Lawrence of Arap”, “Braveheart”, “Barry Lyndon” là những bộ phim tôi thực sự yêu thích. Những bộ phim sử thi như thế vừa hào hùng, vừa lãng mạn, vừa mạnh mẽ, bạo liệt nhưng luôn có những chất liệu rất mềm. Chiến tranh là cuộc chơi của đàn ông, còn phim chiến tranh lại dành cho những người lãng mạn. Và thậm chí phim về đề tài chiến tranh gần đây nhất của một nước châu Á, cụ thể là Đài Loan “Warriors of the rainbow: Seediq Bale” đẫm máu nhưng cũng không thoát khỏi sự lãng mạn.
Bộ phim dựa theo sự kiện có thật ở đảo Đài Loan khi Trung Nhật kí hiệp ước Mã Quan 1895 nhượng lại quyền tại Đài Loan cho Nhật Hoàng. Khi đó, tại khu vực vùng cao Xã Vụ, quân Nhật nhận thấy có nhiều tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác nên đưa quân đến, và tại đây đã vấp phải sự kháng cự của các dân tộc thiểu số ở vùng này, mà nhân vật chính là Mạc Ná Lỗ Đạo, người sau này là tộc trưởng của tộc người Mã Hách Pha. Sau do không kháng cự lại được tiềm lực quân sự mạnh mẽ của quân Nhật, tộc Phiên bị Nhật chiếm đất, xây dựng một khu dân cư mới. Nhưng với sự ngoan cường không chịu đầu hàng, tộc Phiên dưới sự lãnh đạo của Mã Hách Pha đã vùng lên chiếm lại vùng đất của mình.
Mọi cuộc chiến đều đẫm máu, chiến tranh bạo lực đều bằng với việc máu trả bằng máu, trong bộ phim Seediq Bale, việc đổ máu ở đây không chỉ giữa tộc Phiên và quân Nhật. và phần đầu phim đã cho thấy sự đẫm máu hoang dại trong cách sống của các tộc Phiên. Họ sống bằng cách thô sơ nhất đó là săn bắn hái lượm, đàn ông thì săn bắn thể hiện sức mạnh, sự dũng cảm của mình, họ săn không chỉ thú rừng mà còn săn đầu người, đầu người của các bộ lạc khác, những đầu người săn được như chứng tỏ là một người đàn ông đích thực, được săm lên mặt hình totem của tổ tiên. Người đàn ông đích thực như lời cha của Mạc Ná nói đó là người mà có đôi bàn tay dù rửa thế nào cũng không sạch vết máu. Chính vì vậy mà giữa các bộ lạc với nhau luôn có chiến tranh ngầm, luôn lợi dụng bất cứ lúc nào để chặt đầu nhau, chém giết nhau. Đó cũng chính là mắt xích quan trọng cho việc tại sao khi quân Nhật đến họ không thể chống lại. Một câu chuyện khác khi Mạc Ná được đi sang Nhật, ông kể về việc trong một bữa tiệc người Nhật mời những tộc trưởng của các bộ lạc, thì các tộc trưởng đều nhìn nhau với ánh mắt thù địch, chính vì nắm được điểm yếu này mà suốt 20 năm, người tộc Phiên phải làm nô dịch cho người Nhật với giá nhân công rẻ mạt.
Sự đẫm máu lại chuyển tiếp từ việc thể hiện mình của cá nhân trong bộ lạc đến sự tàn nhẫn của sự xâm lược. Sự tàn nhẫn thể hiện ở việc chiến tranh không bỏ qua người già, trẻ em, phụ nữ, chiến tranh khiến đứa trẻ con cũng cầm gươm lên giết người. Chiến tranh mang đến sự hèn hạ của người thắng, và sự thê thảm của kẻ thua, chỉ còn lại nụ cười nanh ác của thần chiến tranh Ares. Quân Nhật đến làng Mã Hách Pha giết hại nhiều phụ nữ trẻ em là chuyện đã đành vì quân Nhật vốn nổi tiếng là đội quân tàn ác vì bản tính của người Nhật đã làm gì là làm cho đến tận cùng của bản năng (cái này là nhận xét của riêng tôi, có tính chất chủ quan). Và tôi những hy vọng rằng người tộc Phiên sẽ khác, sẽ nhân đạo hơn khi trở ngược lại thành người chiến thắng, nhưng không. Với bản chất vốn hoang dại, cộng thêm 20 năm bị kìm kẹp, bị áp bức họ đã giết tất giết cả phụ nữ, cả trẻ con, đấy là hình ảnh đau đớn, hình ảnh buồn trong màu máu của những sinh linh vô tội. Và cái buồn nhất là một đứa trẻ khoảng 13 tuổi cũng cầm kiếm giết người. Tất nhiên nếu xét ở bối cảnh về địa lý, lịch sử thì hoàn toàn có thể hiểu, khi mà việc săn đầu người làm phần thưởng, đôi tay nhuốm càng nhiều máu thì càng dễ được trở về với tổ tiên… Xét cho cùng thì chiến tranh ban đầu ta có thể phân biệt được bên nào đúng bên nào sai, nhưng rồi dần dần cái danh giới mỏng manh đó cũng bị xóa nhòa, xóa sạch, chỉ còn lại những kẻ thắng người thua trong vũng máu của cái được cho là danh dự, là lẽ sống, là tham vọng, là tự do.
Nghe đến lãng mạn chắc nhiều người nghĩ trong phim có mối tình nào đó thật đẹp kiểu của William Wallace với công chúa Isabelle trong Braveheart, nhưng không cái lãng mạn này hơi khác một chút, cái lãng mạn khiến người ta cảm mến hơn với sự thô ráp của chiến tranh, sự thô ráp của tính cách người Phiên, người Nhật. Đó là cái lãng mạn đến từ chính văn hóa của tộc Phiên, những bài hát ca ngợi con người, giống như giọng kể sử thi Đam San của các già làng, giọng ca của cha Mạc Ná cất lên như câu chuyện kể, như những đức tính đã hun đúc từ tổ tiên ngàn xưa về sự dũng cảm, về danh dự của cái chết, về những điều cần đạt được trong cuộc sống để có thể trở về bên tổ tiên mà không hổ thẹn, về người phụ nữ giỏi phải biết đan áo, người đàn ông phải dũng cảm, bản lĩnh và không sợ hãi. Những bài ca, những điệu nhảy của người dân tộc vùng cao này thật sự rất đẹp và trong sáng, làm tôi nghĩ đến những dân tộc vùng Tây Bắc nước mình mà tôi đã được gặp, đấy chính là cái lõi văn hóa đã được truyền tới ngàn đời, cái lõi văn hóa mà nếu mất đi là mất tất cả. Chính vì vậy, dù cho người Nhật đã chiếm đóng 20 năm nhưng họ vẫn luôn luôn giữ bên mình cái bản sắc đấy, cái bản sắc không để mất đi, không được phép để mất đi, nếu không sẽ đánh mất cả tổ tông của mình. Bộ phim này nhắc tôi nhớ nhiều đến anh hùng Núp trong bộ phim “Đất nước đứng lên” của điện ảnh Việt Nam, đều là những người anh hùng không chịu cúi mình, không chịu cam phận, luôn ẩn ở trong cái chí tự do tự tại, sống gần gũi với núi rừng, sống trong một cộng đồng không trói buộc bởi những phép tắc của văn minh. Tất nhiên bối cảnh của 2 bộ phim hoàn toàn khác nhau, và cách câu chuyện được kể cũng chẳng giống nhau, có chăng chỉ có sự giống nhau đều là dân tộc thiểu số, đều đứng lên để tìm lại tự do cho mình và đều dùng chiến tranh du kích. Chiến tranh du kích chính là một phần khác của sự lãng mạn, khi thiểu số chiến đấu với đa số, vũ khí thô sơ chống chọi với sự hiện đại. Chiến tranh du kích có một vẻ đẹp lãng mạn khó tả, cái chiến thắng nhỏ nhỏ trong từng trận đánh dưới tiếng hát của người tộc trưởng, giống như một cuộc đi săn bắt được con thú lớn, nó mang đến khoái cảm khiến người ta phải uống chén rượu đầy để tận hưởng. Và qua chiến tranh đã bộc lộ một cái chủ nghĩa gọi là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khi mà những người con của dân tộc dù đã và đang được sống thoải mái và đầy đủ một cuộc sống mới đầy văn minh của người Nhật nhưng rốt cuộc họ cũng quay đầu về nơi tổ tiên mình đã gây dựng. Trong phim cũng có những nhân vật như thế, nhân vật mà tôi không nhớ tên nhưng cũng đã đóng một vai trò không nhỏ cho cuộc cách mạng của người Phiên.
Warriors of the Rainbow là môt bộ phim sử thi về chiến tranh tương đối lớn của Đài Loan. Bộ phim đã đạt được những thành công nhất định về câu chuyện diễn xuất và kịch bản. Không có nhiều sạn trong phim, những diễn viên đóng vai trò của mình rất tốt, mà có những đoạn còn cảm thấy không thua kém gì phim Mỹ, và so với bộ phim bom tấn mới đây của điện ảnh Hàn Nhật về đề tài chiến tranh My way thì có phần hơn. Bộ phim khá dài hơn 4 tiếng được chia làm hai phần, nhưng có lẽ chỉ cần xem phần 1 là đủ.