Thanh xuân được biểu hiện bằng sức trẻ, tình yêu và sự nổi loạn. Chính vì vậy, ai cũng cho rằng thanh xuân là tuổi đẹp nhất của một đời người.
Thanh xuân là một đề tài không bao giờ lỗi thời trong điện ảnh. Nó luôn luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả mọi thế hệ như một trải nghiệm, một sự nuối tiếc hay một điều đẹp đẽ mà ai cũng không muốn mất đi. Điện ảnh thế giới đã khai thác rất nhiều chủ đề này và có nhiều bộ phim trở thành kiệt tác điện ảnh như Rebel without a case của điện ảnh Mỹ, The brighter summer day của điện ảnh Đài Loan…
All about Lily Chou Chou (Shunji Iwai, 2001)
All about Lily Chou Chou không phải là một phim thơ mộng tuổi học đường như nhiều phim khác cùng chủ đề. All about Lily Chou Chou là tiếng gào thét trong câm lặng của những đứa trẻ lạc lối ở một xã hội mà gia đình và nhà trường không quan tâm đủ đến chúng. Nên những chuyện đáng tiếc đã xảy ra như tình trạng bạo lực, quấy rối tình dục và bắt nạt.
Những nhân vật trong phim đang ở độ tuổi đẹp nhất đời mình nhưng chúng sống trong một thực tại của sự thờ ơ. Vì vậy, tất cả chúng đều mong mỏi tìm đến âm nhạc của Lily Chou Chou như một sự cứu rỗi linh hồn, vì ít nhất nhờ âm nhạc đó, chúng dường như tìm được thiên đường để lẩn trốn.
Thông qua All about Lily Chou Chou, đạo diễn Shunji Iwai đã mô tả những góc khuất tăm tối trong xã hội Nhật Bản bằng câu chuyện bi kịch thô ráp gây ấn tượng rất mạnh khiến khán giả không khỏi day dứt và xót thương cho nhân vật.
You are the apple of my eye (Cửu Bả Đao, 2011)
Với tựa đề tiếng Việt “Cô gái năm đó chúng ta cùng theo đuổi”, bộ phim của đạo diễn Cửu Bả Đao dựa theo tiểu thuyết cùng tên của chính ông là một trong những tác phẩm điện ảnh trong trẻo và đẹp đẽ nhất của lứa tuổi học sinh đầy tinh khôi.
Có lẽ vì câu chuyện dựa theo những trải nghiệm của chính tác giả kiêm đạo diễn nên bộ phim vô cùng chân thực, chân thành và chạm được đến trái tim người xem bằng những nét tinh tế và dễ thương của tuổi học sinh ngây ngô.
Mối tình đầu dù không dễ để có một kết thúc có hậu, nhưng nụ cười của một cô gái đọng lại mãi trong tâm trí một chàng trai đang chuẩn bị bước vào đời thật diễm lệ và tuyệt đẹp biết bao.
Rosetta (Jean-Pierre Dardenne, Luc Dardenne, 1999)
Dành được giải thưởng Cành Cọ Vàng danh giá tại liên hoan phim Cannes năm 1999, Rosetta của anh em Dardenne (hai đạo diễn người Bỉ) là một trải nghiệm buồn bã và tuyệt vọng của một thanh xuân bị tước đoạt bởi nghèo khổ. Cô bé 17 tuổi Rosetta được sinh ra trong một xã hội hiện đại, nhưng sự tồi tệ của người mẹ nghiện rượu đã đẩy em phải tìm cách sinh tồn và cố thoát khỏi nghịch cảnh.
Rosetta không có thanh xuân đẹp như những người cùng trang lứa. Thậm chí cô phải chối bỏ cả tình cảm với một anh chàng tốt bụng vì sự cùng quẫn của cái nghèo. Bộ phim kết thúc trong một phân cảnh mà bất cứ ai cũng phải thổn thức và thương xót cho một thân phận có ham muốn sống mãnh liệt nhưng đầy bi kịch.
Rosetta là một trải nghiệm hoàn toàn khác về tuổi trẻ, nó nói lên hiện thực xã hội, bóc trần sự thờ ơ và khiến chúng ta đoái thương một thân phận bé nhỏ bị rơi bỏ bên lề xã hội.
Rebel without a cause (Nicholas Ray, 1955)
Nam diễn viên James Dean từng là biểu tượng của nổi loạn và hoang dại. Anh chết ở tuổi 24 tuổi để lại cho người hâm mộ ba tác phẩm điện ảnh tuyệt vời trong đó có một trong những bộ phim hay nhất về tuổi trẻ là Rebel without a cause (Tạm dịch: Nổi loạn vô cớ).
Vào vai một cậu thanh niên phớt đời, James Dean đã có màn hoá thân vô cùng xuất sắc. Ở vai diễn của James Dean ta thấy sự phản chiếu những vấn đề của xã hội Mỹ giàu có.
Đó là sự thiếu quan tâm của gia đình, nạn bắt nạt học đường và sự lạc lõng giữa xã hội đang vấp phải khủng hoảng thừa vì sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế.
Bộ phim đặt ra câu hỏi, vì sau đời sống của người trẻ quá yên ổn với vật chất đầy đủ nhưng chúng không thể thoả mãn và vẫn nổi loạn như một cách thoát khỏi sự trống rỗng bủa vây lấy bản thân?
Call me by your name (Luca Guadagnino, 2017)
Đây là một trong những tác phẩm hay nhất 2017 không chỉ về đề tài đồng tính mà còn về tuổi trẻ và tình yêu. Call me by your name mang khán giả đến với một mùa hè trong trẻo ở nước Ý, nơi chàng trai 17 tuổi Elio (Timothée Chalamet) phải lòng thực tập sinh Oliver (Armie Hammer) đã 24 tuổi. Tình yêu của tuổi trẻ lúc nào cũng sục sôi và mãnh liệt, nhưng đạo diễn Luca Guadagnino đã tiết chế và thể hiện nó rất tinh tế.
Những khám phá về giới tính và cảm xúc của Elio dành cho Oliver xứng đáng được khen ngợi vì khả năng xử lý chi tiết rất tốt của đạo diễn qua đó lột tả được những khao khát dục vọng và tình cảm của hai người dành cho nhau.
Call me by your name được đề cử là tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất tại mùa giải Oscar 2017.
The perks of being a wallflower (Stephen Chbosky, 2012)
Là phim của đạo diễn Stephen Chbosky ra mắt vào 2012, The perks of being a wallflower nói về tâm lý bất ổn của tuổi học sinh cấp ba với những bệnh lý về tinh thần, sự hoảng sợ dẫn đến tự sát và tình yêu đầu đời. Bộ phim có sự tham gia của “công chúa Anh Quốc” Emma Watson.
Dựa theo chính tiểu thuyết của mình, Stephen Chbosky đã vẽ lại bức chân dung về thanh xuân với nhiều góc khuất trong xã hội Mỹ. Cả ba diễn viên chính bao gồm Emma Watson, Logan Lerman và Ezra Miller đã có màn trình diễn tuyệt vời đầy thuyết phục.
Bộ phim cho thấy dù nạn bắt nạt học đường không hiếm và gây nguy hiểm cho tinh thần học sinh, nhưng luôn luôn có những người bạn thực lòng giúp đỡ nhau, đó chính là khía cạnh đẹp đẽ của tuổi trẻ.
The lover (Jean-Jacques Annaud, 1992)
Dựa theo tác phẩm tự thuật nổi tiếng của nữ văn sĩ Marguerite Duras, The lover (tựa Việt: Người Tình) là chuyến du hành về với hoài niệm của một người phụ nữ người Pháp nhớ lại thời thanh xuân của mình. Khi bà còn rất trẻ, bà đã phải lòng một người đàn ông Trung Hoa giàu có trong bối cảnh chiến tranh Đông Dương.
Xuôi theo dòng ký ức, bộ phim hiện lên với nhục dục và tình yêu. Hai trạng thái đan cài nhau khiến cho câu chuyện mang dáng vẻ của sự nuối tiếc thanh xuân và những đam mê cháy bỏng khiến cô gái Pháp mãi không thể quên những ngày cô sống ở trong xứ sở ẩm ướt nhiệt đới Việt Nam.
Bối cảnh Sài Gòn xưa cũ, những cảnh quay đẹp và một mối tình nồng nhiệt của thanh xuân trên nền bối cảnh lịch sử của thời đại giúp The lover luôn là một trong những bộ phim đẹp đẽ về tình yêu.
The dreamers (Bernardo Bertolucci, 2003)
Có hai thứ định danh cho tuổi trẻ: tình yêu và sự mộng mơ. Cả hai điều đó đều được thể hiện ấn tượng trong bộ phim The dreamers của đạo diễn người Ý Bernardo Bertolucci. Lấy bối cảnh là những cuộc biểu tình bạo động của thanh niên Paris vào năm 1968, ba người trẻ kết nối với nhau tạo nên một bản hoan ca đặc biệt về sự tự do và tình yêu.
Họ yêu thích phim ảnh, họ yêu nhau, họ làm tình, họ nổi loạn. Bộ phim toát lên một không khí trẻ trung và giàu sức sống. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng cho ta thấy sự thiếu trách nhiệm và thiếu trưởng thành của những sinh viên đang hoang mang với tương lai phía trước.
The dreamers đã đưa tên tuổi của cô đào nóng bỏng nước Pháp Eva Green lên tầm quốc tế.
A brighter summer day (Edward Yang, 1991)
A brighter summer day của đạo diễn Edward Yang là một trong những kiệt tác của điện ảnh Đài Loan nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung. Mặc dù dài đến gần 4 tiếng đồng hồ, nhưng bộ phim không lúc nào khiến người ta thấy nhàm chán vì nó đẹp và buồn đến ngỡ ngàng.
Thiên sử thi tuyệt đẹp của điện ảnh Đài Loan
Cái đẹp của bộ phim đến từ tuổi thanh xuân, sự trong trẻo không vụ lợi của lứa tuổi học trò và tình yêu trong sáng. Trên chủ đề chính đó, đạo diễn đã lồng vào trong phim bối cảnh xã hội Đài Loan lúc bấy giờ với tàn dư của phát xít Nhật, ảnh hưởng của phương Tây và văn hoá Trung Quốc.
Giống như tác phẩm Bá Vương Biệt Cơ của Trần Khải Ca của điện ảnh Trung Quốc, A brighter summer day là một hành trình đi dọc lịch sự nước Đài Loan để khán giả được tận mắt chứng kiến những khúc rẽ quanh của lịch sử đã gây đau đớn cho số phận con người đặc biệt là những người trẻ như thế nào.