Trong The Clown, tiểu thuyết của tác giả người Đức Heinrich Boll, một người đàn ông chuyên đóng vai hề trên sân khấu, trong một đêm mất tất cả, ông trở về nhà, tuyệt vọng cầu cứu đến tất cả mọi người, nhưng không ai giúp được ông, muốn giúp ông. Ông chỉ còn lại 1 mình, cô đơn và tuyệt vọng, bị cả thế giới ruồng bỏ như thế. Tôi nhớ ngay lập tức đến anh hề đó, khi xem bộ phim của đạo diễn kiêm biên kịch Charlie Kaufman, Anomalisa. Vì trong Anomalisa, người đàn ông của Kaufman không tuyệt vọng, nhưng cô đơn đến cùng cực. Một cảm giác như thể, trên đầu ông ta, trong mắt ông ta, trên cơ thể đang già nua từng ngày đó, một cỗ áp lực lớn đang ép ông ta xuống, ép kiệt sức lực của ông ta, để còn lại trong ông là một người đàn ông trung niên, thành đạt, nhưng trống rỗng và bất định. Một trạng thái có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, vì bản thân ông đã ruồng bỏ thế giới xung quanh, tự trói bản thể mình vào thế giới riêng, mà trong đó, chỉ có tình yêu, đến với ông trong 1 tình huống bất thường, mới có thể cứu rỗi được phần nào. Nhưng chỉ phần nào đó mà thôi.

Kết hợp với nhà làm phim Stop-Motion Duke Johnson, Charlie Kaufman tạo dựng nên một tác phẩm hoạt hình vô cùng độc đáo. Những con búp bê còn giữ nguyên những đường ráp nối để liên kết các bộ phận trên mặt, cảm giác có thể rơi ra bất cứ lúc nào với một độ rung được dàn dựng một cách cố tình. Bộ phim tạo cho ta cảm giác về một thế giới mà trong đó những con người chỉ là những ảo ảnh, những sự phản chiếu, như thể, Charlie Kaufman đang, một cách chính xác, mô phỏng cuộc đời của những cả thể người bất toàn, tầm thường và nhàm chán nhưng chân thật.

Ngay từ đầu phim, trên một chuyến bay, ta đã thấy có sự bất thường, một người phụ nữ hiện lên với đầy những lời trách mọc khi người đàn ông hồi tưởng lại quá khứ, nhưng giọng nói người phụ nữ đó lại là giọng đàn ông. Một giọng gay gắt, nhưng trầm ổn, và đơn điệu. Rồi cứ thế, trên quãng đường từ sân bay về đến khách sạn, ta chợt nhận ra tất cả những khuôn mặt người trên phim đều có cùng một hình dạng, chỉ có kiểu tóc khác nhau, phong cách ăn mặc khác nhau. Nhưng cùng khuôn mặt và cùng giọng nói. Chỉ có nhân vật chính, Michael Stone (giọng của David Thewlis) là khác. Khác biệt về hình dạng, và về giọng nói. Như thể, ông đẩy mình ra khỏi thế giới, một thế giới nơi ai cũng giống nhau, đơn điệu, nhàm chán và tầm thường, từ người lái xe taxi với những câu chuyện vô vị gợi chuyện cùng ông, về nhân viên quầy lễ tân khách sạn, cho đến anh chàng phục vụ mang giúp ông hành lý về phòng. Họ có cùng một khuôn mặt, cùng một giọng nói (giọng của Tom Noonan).

Stone là một người đàn ông thành đạt, một diễn giả thành công với hai cuốn sách bán rất chạy, một trong hai cuốn có tên là How May I Help You Help Them?. Ông đến Cincinati, nghỉ tại khách sạn một đêm vì có một buổi diễn thuyết trước khán giả đại chúng về Phục Vụ Khách Hàng. Nhưng tất cả những gì ông thể hiện, chỉ cho ta cảm thấy ông là một người thiếu kiên nhẫn với những người ông không quen, có khuôn mặt mệt mỏi và chán nản. Mọi hành động cử chỉ đều cho ta thấy ở ông thiếu một sự kết nối với thế giới mà ông cố gắng tạo ra khi nói chuyện với con trai, hoặc nhất là khi ông quyết định gọi cho người phụ nữ mà ông đã ruồng bỏ cách đây 11 năm. Nhưng không thể, một sự trống rỗng quá lớn mà không gì bù đắp được. Michael Stone lạc vào ảo ảnh của mình, thứ ảo mảnh khiến trong 1 tích tắc, khuôn mặt ông dường như tách ra ở khớp nối, như thể thế giới có thể vụn vỡ bất cứ lúc nào.

Cho đến khi ông gặp Lisa, mà ông gọi là Anomalisa (Lisa lạ thường). Ở ông có điều gì đó được bù đắp. Một kiểu cô đơn ráp nối được với một nỗi cô đơn khác. Lisa trong 8 năm liền không quen thêm 1 người đàn ông nào sau mối tình cuối cùng. Stone thì đang bị khủng hoảng ở tuổi trung niên. Hai người họ đến với nhau, yêu nhau trong một thời khắc ngắn ngủi, với sự ngại ngùng, thầm kín. Một tình yêu nảy sinh vội vàng, như sợ mất, như một cái phao cứu chuộc con người Stone. Trường đoạn hai người làm tình là một trường đoạn đặc biệt ấn tượng. Từ cái cách họ e ngại, đến những câu đùa, những lời nói lịch sự vì sợ làm tổn thương nhau, thật đặc biệt. Đặc biệt vì nó chân thật và nó mang đến cho khán giả một sự bi thương vô cùng lớn dành cho loài người ở khía cạnh cô đơn. Vì Lisa không mang cùng khuôn mặt như những người khác, cô có giọng nói riêng và giọng hát tuyệt vời (giọng của Jennifer Jason Leigh).

Trong một thoáng chốc, một đêm, Stone vì tình yêu đã giúp giải thoát bản thân khỏi nỗi đau, nỗi cô đơn và sự trống rỗng. Nhưng giống như Her của Spike Jonze về thế giới hiện đại. Stone phải chấp nhận đối diện với cuộc sống của mình. Một cuộc sống lạnh lùng và thực tế. Điều đó đã được cái chất siêu thực vốn là đặc sản của Charlie Kaufman cấy vào để từ không gian siêu thực, Stone được đánh thức khỏi ảo cảnh, và trở về với cuộc đời mình. Một cuộc đời trong đó, mọi khuôn mặt đều như nhau, mọi giọng nói đều như nhau, chỉ có ông là khác biệt, lạc lõng và cô đơn đến tận cùng.

Lisa có thật như cuộc sống có gia đình, sự nghiệp của Stone là có thật vậy. Họ đến với nhau, hai tâm hồn cô đơn trong một trạm trung chuyển như hai nhân vật trong Lost In Translation (Sofia Coppola), để rồi họ phải quay về với cuộc sống của mỗi bản thân họ. Tình yêu của họ chỉ là ảo ảnh, tạo ra trong một thoáng chốc để khiến họ cảm thấy mỗi người đang thực sự sống, yêu thương và hạnh phúc.

Từ một câu chuyện như vậy, với không gian siêu thực đậm chất Kaufman, ta hiểu tại sao ông chọn Stop-motion để thực hiện. Vì ở đây những con búp bê mang một sự bất ổn nhất định, một thế giới như “”Being John Malkovich” với những chi tiết hài hước tinh tế về xã hội loài người, nhưng chứa đựng một sát na vĩnh cửu như “Eternal Sunshine of the spotless mind” để dùng tình yêu cứu chuộc nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng. Charlie Kaufman qua những tác phẩm của mình, dù dưới vai trò biên kịch hay kiêm nhiệm cả đạo diễn, mang đến cho chúng ta một hình dung sâu sắc về mỗi cá thể người trong xã hội hiện đại, ở đó, mỗi con người dường như là một mảnh ghép của tình yêu, cô đơn, tuyệt vọng và nỗi buồn. Những mảnh ghép đó, khép lại thành một cơ thể hoàn chỉnh, cho chúng ta hiểu rằng, cuộc sống là như vậy xen giữa hiện thực và những giấc mơ siêu thực là một bản thể người, luôn luôn tự dằn vặt mình với câu hỏi “chúng ta là ai, cuộc đời này có ý nghĩa gì, sao đôi khi, chúng ta phải khổ sở đến nhường này mà không có cách nào giải thoát?”

Facebook Comments Box

Comment