Black Widow là một mảnh ghép phụ của vũ trụ điện ảnh Marvel, nơi nhân vật chính của chuỗi phim chính đã chết trong bộ phim gần cuối cùng của phase 3 (bộ phim cuối của phase 3 là Spider Man – Far From Home). Nên một nhân vật đã chết được làm phim riêng có thực sự đáng xem trong chuỗi phim dài bất tận của Vũ trụ điện ảnh Marvel?
Có. Như một bộ puzzle hàng ngàn mảnh, thiếu một mảnh đều sẽ khiến cho bức tranh cuối cùng trở nên kém hoàn hảo. Black Widow là một mảnh ghép còn thiếu của vũ trụ điện ảnh Marvel, để ta thấy rõ hơn về nhân vật Black Widow, hiểu thêm một chút về cô, thấy thêm một chút nụ cười của cô, và cuối cùng, để biết rằng sau một Black Widow có dáng “pose” ấn tượng khó quên đầy yếu tố “tạo dáng” như lời cô em gái Yelena (Florence Pugh) là một siêu anh hùng đầy nội tâm đã được Scarlett Johansson thể hiện trọn vẹn để cô xứng đáng với một bộ phim riêng tri ân chính mình.
Và xem vì Black Widow của Scarlett Johansson, bộ phim cuối cùng của cô cho vai diễn này, một nữ diễn viên đầy nội lực, một người có khả năng hoá thân vào những phim nghệ thuật, những phim tâm lý phức tạp và ở đây là một siêu anh hùng không có siêu sức mạnh rõ rệt nhưng gây ấn tượng tuyệt vời, khiến ai yêu, cũng như ai vẫn theo dõi MCU sẽ khó lòng quên, như Captain America của Steve Rogers và Iron Man của Robert Downney Jr.
Như tôi đã nói ngay từ đầu, Black Widow là một mảnh ghép của MCU, nên khi đặt bộ phim trong MCU, bạn sẽ thấy nó thú vị hơn việc đặt nó ở một bộ phim điện ảnh độc lập. Và giống nhiều phim thuộc MCU khác, bạn chê nó dở cũng được bạn thấy nó hay cũng được, thực ra cũng không quan trọng lắm, quan trọng là bạn lại được nhìn thấy nhân vật mà bạn đã theo dõi xuất hiện lần nữa, đặc biệt hơn, xuất hiện lần cuối cùng.
Black Widow tái hiện lại khoảng thời gian sau Avengers: Age of Ultron, khi mà biệt đội siêu anh hùng tan đàn sẻ nghé, và bản thân Black Widow phải trốn chạy khỏi chính phụ Mỹ. Khoảng thời gian này cô đã làm gì, đã ra sao, đã cảm thấy thế nào? đạo diễn Cate Shortland sẽ trả lời cho các bạn. Đó là một hành trình cô tìm về với gia đình của mình, một gia đình “chắp vá” với người em gái Yelena và bố mẹ “hờ” gồm Red Guardian (David Habour của Stranger Things thủ vai) và Melina (Rachel Weisz). Chính vì vậy ta không thấy quá nhiều cảm xúc trong sự chia ly ở đầu phim, thay vào đó hành trình trưởng thành của Black Widow là sự đau đớn, và lạnh lẽo cho đến khi cô tìm thấy gia đình Avengers của mình.
Như một phiên bản phim “tri ân” khó có thể nói Black Widow hay được ở những cảnh hành động, và hay ở nhân vật phản diện nếu không muốn nói nó hoàn toàn bình thường. Nhưng khi đạo diễn Cate Shortland đưa nhiều đất diễn cho nhân vật nữ phụ Yelena, đó đã là một sự “tri ân” theo tôi thấy với nhân vật Black Widow, một sự từ biệt Scarlett Johansson và chào đón một “Black Widow” mới trong tương lai của vũ trụ điện ảnh Marvel.
Ai cũng biết (những người đã xem Avengers: Endgame), Natasha Romanoff đã hy sinh. Black Widow sẽ phần nào làm rõ hơn vì sao cô sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu giúp nhân loại và cứu giúp người “bạn” Haweyes của mình. Rất may, nữ đạo diễn đã không đưa vào quá nhiều những thứ “giáo điều” về nữ quyền như ta thường thấy trong điện ảnh Hollywood hiện đại. Thay vào đó, chân diện của Black Widow và rất nhiều những Widow khác hiện ra khá tự nhiên mà không gượng ép và không “bắt” khán gải phải tuân theo một tiêu chuẩn đạo đức nhất định.
Black Widow là một phim ở mức trung bình về câu chuyện, nhưng thêm vài điểm cộng vì Scarlett Johansson, chặng đường cuối cùng của cô sau nhiều năm tham gia MCU. Cũng như cho chúng ta thấy một thế hệ kế tiếp. Vậy thôi, còn sự tham gia của David Habour và Rachel Weisz cũng không có gì đặc sắc và thứ tình cảm gia đình trong phim cũng mỏng manh không đủ sức tạo nên cảm xúc gì cho khán giả.
Tam biệt Natasha Romanoff.