Có một cách diễn giải đơn giản về tôn giáo: con người thường tìm đến nó khi người ta cần sự cứu rỗi cho cuộc đời họ. Chính vì vậy, trong một xã hội phát triển, số nhiều thực thể trong đó không gặp quá nhiều rắc rối để cần tìm đến sự cứu rỗi về mặt tinh thần, tôn giáo khi đó chỉ giống như một con thuyền vắng thủy thủ ngoài người thuyền trưởng duy nhất, bám lấy tàu, đuổi theo con cá voi Moby Dick cho đến tận cùng cuộc đời. Cha James (Brendan Gleeson), mục sư của một thị trấn nhỏ tại Ai Len là người thuyền trưởng như vậy, ông chính là Ahab, còn đạo diễn John Michael McDonagh là Ishmael, người kể lại câu chuyện này bằng những hình ảnh tuyệt đẹp, và bằng một kịch bản giàu ẩn dụ về tôn giáo, về sự vô thường, về sự tha thứ, và đức tin. Tất nhiên, so sánh vậy có đôi phần khập khiễng, nhưng thực sự, Cha James đã theo đuổi sự cứu rỗi với tư cách người đại diện của Chúa cho đến tận cùng.
Nhà thờ Công Giáo luôn có rất nhiều vấn đề với việc lạm dụng tình dục trẻ em, nó giống như một bí mật mà ai cũng biết, một tội lỗi không thể tha thứ nhưng luôn được che đậy, khỏa lấp đi hết thời đại này đến thời đại khác. Dùng vấn nạn đó để mở đầu, John Michael McDonagh dẫn ta đến một cabin thú tôi tại một nhà thờ nhỏ, tại đó mục sư James đang nghe xưng tội từ một người lạ mặt, một lời thú tội đầy đe dọa. Hắn kể về việc bị một mục sư lạm dụng khi còn nhỏ, và lời thú tội của hắn là hắn sẽ giết mục sư James vào chủ nhật tuần tới. Như một sự mỉa mai vốn đầy rẫy trên đời, hắn chọn một vị mục sư trong sạch và không có tội lỗi gì để trả thù cho tội lỗi mà kẻ khác đã gây cho hắn từ khi hẳn còn là một cậu bé. Không xem thường lời đe dọa, nhưng sứ mệnh của một mục sư của ông khiến ông quay lại nhịp sống bình thường. Ông đến với từng người với những nhiệm vụ khác nhau, từ đó chân dung của ông dần hiện ra, cuộc sống của người dân được khắc họa trong nhịp điệu bình thường của cuộc sống, để đến cuối cùng, vào ngày chủ nhật phán xét đó, mục sư James dường như đã tìm được sự bình yên cho mình.
Mục sư James cũng là một người bình thường, ông có một đứa con gái nhưng đã từng rời bỏ và bây giờ đang muốn hàn gắn lại mối quan hệ lỏng lẻo ấy. Ông cũng đang cố gắng thay đổi việc phán xét người khác, hay cá tính thiếu kiềm chế khi giận dữ của con người. Nhưng là một người tốt, một mục sư tốt, biết lắng nghe và đưa ra những lời khuyên thấu đáo, Cha James cố gắng mang đến niềm tin vào Chúa cho những người dân trong thị trấn. Ở một nơi mà những người không tin vào Chúa chiếm đa số, ta thấy Cha James lạc lõng, cô đơn và cam chịu từng ngày, nhưng cũng từ đó nhận ra ông là người tốt thế nào. Thật mỉa mai khi một người tốt sẽ bị giết vì tội lỗi của người khác. Nhưng đó có phải cách đạo diễn đang nhắc ta nhớ đến câu nói Nếu má phải bị tát thì hãy đưa má trái ra chứ không được đánh trả lại? Tội lỗi của mục sư hãy để mục sư gánh chịu hậu quả. Có lẽ vì vậy nên ông không tìm đến cảnh sát để nói về vấn đề của mình, ông đến gặp vị linh mục có chức vụ cao hơn để hỏi ý kiến. Nhưng vấn đề nằm ở chính ông, Cha James, nên không ai có thể giúp đỡ được, chính vị linh mục kia cũng nói vậy. Quả vậy, vấn đề của tôn giáo nằm ở Đức Tin, không nằm ở Pháp Luật.
“Tạo sao chúng ta lại nói quá nhiều đến tội lỗi mà ít khi nói về điều tốt?” Tại sao chúng ta làm cả trăm điều tốt nhưng chỉ cần gây ra một tội lỗi, thì người ta sẽ chỉ nhớ đến tội lỗi đó như thể nó không thể gột rửa. Cuộc sống đầy những phán xét, đầy những cái nhìn chủ quan thành kiến tương phản với vẻ đẹp tuyệt vời của núi, của biển, của cảnh sắc thiên nhiên Ai Len hùng vĩ. Câu chuyện đưa ta vào sâu bên trong bản chất cuộc sống, đi len lỏi vào những giá trị cốt lõi của sự tồn tại bao gồm tha thứ, lạc lõng, những mối quan hệ bạn bè, cha con, từ đó làm tiền đề cho một chủ đề rộng mở hơn là tôn giáo và niềm tin. Khi bị người chủ quán bar đánh bị thương, đồng nghiệp của cha James có bảo rằng, anh tưởng chủ quán bar đó là một Phật tử, khi đó cha James đã giận dữ nói đã là Phật Tử thì không được đánh người, không lạm dụng trẻ em như bất kì ai khác. Điều này khiến tôi nhớ đến vụ việc trẻ em bị bán ở chùa Bồ Đề đang gây xôn xao dư luận. Đúng vậy, trước khi trở thành Phật, hay trước khi lên thiên đàng, con người chỉ là con người, với sai lầm do chính bản chất của mình.
Mỗi nhân vật trong phim mang đến một cái nhìn khác nhau về niềm tin, về Chúa. Tất cả tạo thành một bức tranh tổng thế sâu sắc và nhiều hàm ý. Một gã bán thịt ly thân với vợ và không quan tâm đến việc cô ta bị hành hạ ra sao. Một gã giàu có muốn quyên tiền cho nhà thờ nhưng cuộc sống trống rỗng, chẳng còn bất kì ham muốn nào cho sự tồn tại của mình. Một ông già tâm sự rằng khi người ta thực sự già, người ta sẽ không còn được nghe người khác nói về cái chết nữa. Một cô con gái đau khổ và thất vọng về cha mẹ mình… Tôi nhìn thấy tổng thể đó là một bức tranh trừu tượng nơi tính cách con người được thể hiện bằng rất nhiều màu sắc trên phông nền đơn giản của cuộc sống của tự nhiên. Con người thì vô thường, còn tự nhiên thì bất biến. Đa phần trong họ không tin vào Chúa, họ mỉa mai Cha James, họ lao vào những lạc thú mà đối với Thiên Chúa đó là tội lỗi, họ vui cười trên tội lỗi của chính mình. “Thời của Cha đã qua rồi” – một người nói, Cha James đáp lại rằng “Thời của tôi sẽ không bao giờ qua”. Tôi ở đây là Chúa, là đức tin, là niềm tin vào sự cứu rỗi của tôn giáo. Có thật như vậy, hay nó chỉ như Ahab đang truy đuổi con cá voi Moby Dick? Để rồi cuối cùng, ông sẽ chết như Ahab trước con cá voi trắng khổng lồ ấy?
Câu hỏi đặt ra ở đầu phim, liệu kẻ đến nhà thờ đe dọa sẽ giết người đó là ai và liệu mục sư James có chết không chợt không còn quan trọng nữa. Vì giống như một hành trình, những trải nghiệm trên đường mới thực sự quan trọng. Có chúng là ta đã đủ cảm xúc và vốn liếng để hiểu được cái đích thực sự là gì. Với một mục sư thì nó là gì? Liệu có điều gì hối tiếc? Liệu có điều gì cần tha thứ? Chúng ta đều đánh giá thấp sự tha thứ, không hiểu biết về sức mạnh của nó. Sự tha thứ mang đến bình yên vô cùng cho những người mang trong mình tội lỗi dù trực tiếp hay gián tiếp.
Brendan Gleeson đã có một vai diễn xuất sắc, điềm tĩnh và đầy nội tâm, ông khiến khán giả nhớ đến vai diễn gã sát thủ trong bộ phim In Bruges (2008) của Martin McDonagh (anh em ruột với đạo diễn Calvary), một vai diễn lấy được nhiều hơn cảm tình của người xem so với anh chàng sát thủ trẻ Ray nông nổi và nóng giận. Brendan Gleeson mang lại cảm giác bình yên cần có ở một cha xứ, sự bình tĩnh khi đối mặt với những bí mật của một con người hay khi lo lắng cho cái chết của mình. Thông qua những câu thoại rất hay của biên kịch kiêm đạo diễn John Michael McDonagh, Cha James được thể hiện là một người có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa, nhưng lạc lối trong việc đi tìm niềm tin đó từ người khác, ngay từ chính những người bạn của mình. Bộ phim có một cái kết rất đẹp, đầy chất thơ và đầy buồn bã, đầy những sầu cảm sâu sắc trong cái nhìn về nhân sinh quan cuộc sống. Những cảnh quay tuyệt vời của Larry Smith (quay phim của Only God Forgives) cho ta thấy vẻ đẹp của Ai Len, sự mông lung của lòng người, gam màu sáng nhưng trung lập, những shot quay cận cảnh, không gian toàn cảnh nhưng không trống trải mà vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau, tạo cảm giác những điều không thể giãi bày đang chất chứa xung quanh.
Như tôi đã so sánh bằng hình ảnh con cá voi Moby Dick, dù cho Cha James không đang đi tìm Moby Dick để trả thù, mà đi tìm sự cứu rỗi, đi tìm niềm tin, nhưng rõ ràng, ông tuyệt vọng. Cuộc sống cứ trôi, con người vẫn đi theo những cái vô thường của cuộc đời, tự làm tổn thương, rồi tha thứ, rồi cứu rỗi rồi lại tổn thương, luẩn quẩn giữa tin và không, loay hoay giữa nỗi thống khổ và sự tồn tại rời rạc của chính mình.
* Moby Dick là tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Herman Melville.