2013 có lẽ là năm được mùa đối với người hâm mộ điện ảnh, khi hàng loạt các phim hay và xuất sắc được sản xuất, mang đến những hương vị mới, những sự tìm tòi khám phá mới, và qua đó cũng cho ta thấy được sự sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ làm phim trên khắp thế giới. Mới đây nhất, đạo diễn người Anh Paul Greengrass đã giới thiệu một bộ phim rất xuất sắc dựa trên câu chuyện có thật về đề tài cướp biển Somalia đã từng gây xôn xao dư luận khắp thế giới năm 2009, Captain Phillips. Với sự góp mặt của diễn viên đã hai lần nhận tượng vàng Oscar Tom Hanks, và sự diễn xuất đáng kinh ngạc của diễn viên vô danh người Somalia Barkhad Abdi, Captain Phillips đã mang đến một trải nghiệm sống động đầy khủng hoảng về cướp biển, điều mà ta vẫn không thực sự hiểu và hình dung méo mó đầy hài hước nhờ vào loạt phim “Pirates of the Caribbean” của nam tài tử Johnny Deep.

Như đã nói, bộ phim dựa vào một sự kiện có thật xảy ra năm 2009 tại vùng biển được cho là địa bàn hoạt động vô cùng ác liệt của cướp biển Somalia. Một tàu chở hàng của Mỹ dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Richard Phillips (Tom Hanks) trong quá trình chuyển hàng cứu trợ đến châu Phi đã bị một nhóm hải tắc Somalia tiếp cận và chiếm tàu. Dưới sự dũng cảm và ứng phó nhanh nhạy của Phillips toàn bộ tàu và thuyền viên được cứu. Nhưng ông bị bắt làm con tin theo nhóm hải tặc trong một chiếc thuyền cứu sinh nhằm đòi tiền chuộc. Việc giải cứu thuyền trưởng Phillips được chính phủ ưu tiên hàng đầu, quá trình đó diễn ra và trong quá trình đó, những chân dung của hải tặc được lộ diện phần nào cùng với diễn biến tâm lý được thể hiện rất đạt của dàn diễn viên.

Somalia nói riêng và châu Phi nói chung luôn là lục địa nghèo đói nhất thế giới. Chính trong cái nghèo đói đó mà thanh thiếu niên đã phải cầm súng từ rất sớm do sự cầm đầu đầy độc ác và tham lam của giới quân phiệt. Đôi khi, người ta không thể biết được tính thiện và tính ác liệu còn tồn tại trong mỗi cá thể đó hay bên trong họ chỉ còn duy nhất một thứ gọi là sự sinh tồn. Greengrass đã cho chúng ta một câu trả lời xuất sắc. Đoạn đầu phim diễn ra chậm rãi, đầy đủ nhằm giới thiệu về thuyền trưởng Phillips, một người Mỹ yêu thương gia đình lên đường làm nhiệm vụ vì công việc giao phó, rồi những lát cắt ở bờ biển Somalia, nơi những người dân chài đang làm những công việc bình thường hàng ngày, đánh cá mưu sinh. Tuy nhiên ngay sau đó một nhóm có vũ trang đến yêu cầu một vài người đã từng tham gia cướp tàu thuyền trước đó lên đường ra biển kiếm tiền cho những ông chủ giấu mặt nào đó mà đạo diễn không nêu ra. Cuộc sống của họ quay trong vòng mưu sinh và tồn tại, đó là tất cả những gì mà họ theo đuổi và suy nghĩ, chính vì lẽ đó, khuôn mặt của những tên cướp biển lạnh lẽo và ác cảm, không thân thiện và dễ gây ra một cái nhìn rất tiêu cực. Họ lạnh lùng gan dạ và có vẻ ác độc truy đuổi theo con tàu chở hàng không được trang bị vũ khí. Sự căng thẳng và kịch tính trong cuộc truy đuổi được đẩy cao và gây ra những hoang mang thực sự cho người xem.

Bộ phim đã được dựng một cách tài tình thành ba trường đoạn kịch tính, sau đoạn đầu phim diễn ra với mục đích giới thiệu, mà ở đó mỗi kịch tính sau lại tăng mạnh và căng thẳng hơn kịch tính trước. Từ khi tàu hải tặc bắt đầu đuổi theo, đến khi thuyền trưởng Phillips chỉ có một mình trên chiếc thuyền cứu sinh cùng những tên hải tặc đang thực sự cùng đường. Chân dung của hải tặc hiện ra một cách trọn vẹn, tên chỉ huy gầy gò nhưng gan dạ và liều mạng, một tên nhóc lần đầu tiên làm điều xấu, còn e sợ, khủng hoảng và không biết nên làm gì, một kẻ khác ác độc hơn, điên cuồng hơn và gần như làm theo cảm tính hơn là suy tính thiệt hơn. Một đội quân ô hợp, không có gì hơn ngoài sự liều lĩnh. Những chân dung đó cho ta thấy những cá thể nghèo khổ, mệt mỏi, cuộc đời không có gì hơn ngoài sự cố gắng kiếm sống và sinh tồn. Tên cầm đầu Muse (Barkhah Abdi), là một người vừa đơn giản, vừa biết suy nghĩ, vừa gan dạ, liều lĩnh. Hắn dám làm, luôn cố gắng nghĩ đến thiệt hơn, luôn dò xét xem người đối diện mình nói thật hay không, luôn thể hiện lòng ước muốn đến nước Mỹ. Đôi khi hắn thể hiện cho ta thấy hắn là một người đáng thương hơn là đáng sợ. Hắn luôn nói “Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi”, ánh mắt nhìn hoang mang và buồn bã, như thể hắn rất muốn thoát ra khỏi cảnh sống này nhưng không thể, cuộc đời đã đẩy hắn sinh ra trong một dân tộc quá nghiệt ngã.

Phía bên kia là thuyền trưởng Phillips, một người đàn ông mạnh mẽ, dũng cảm, sẵn sàng làm bất cứ gì để cứu tàu và thuyền viên của mình, đưa ra những quyết định khôn ngoan và sáng suốt nhất khi đối diện với thần chết, có lòng thương cảm và sự thấu hiểu khiến kẻ địch đôi khi bối rối. Cứ thế bộ phim đi từ sự rượt đổi, đến sự xâm chiếm, và rồi là sự giam cầm, tất cả những điều đó làm tăng dần nhịp thở của người xem với sự hồi hộp, gay cấn nhưng rất giàu cảm xúc. Nó không còn là cuộc đấu của thiện và ác, nó là cuộc đấu tranh của sự sống còn. Sự sống còn của những gã trai Somalia nghèo khổ, và sự sống còn của thuyền trưởng Phillips. Xét như vậy, để thấy được cái tính nhân văn vô cùng sắc sảo mà đạo diễn Greengrass – người đã làm bộ phim về chuyến bay United 93 trong vụ khủng bố 11/9 làm lay động lòng người đã làm ra. Greengrass đã biến một tội ác thành nhiều điều trăn trở để người khác khi xem phải suy nghĩ. Và việc phải suy nghĩ đó lại được diễn ra trong một câu chuyện phim đầy chất phiêu lưu và sự gay cấn đậm chất giải trí. Sự tài tình đó chính là việc kết hợp những góc quay như phim tài liệu, nhưng lại vừa thể hiện chất điện ảnh vô cùng rõ nét khiên cho thời gian của phim mặc dù dài nhưng luôn được làm đầy, luôn gây ra sự hưng phấn xen kẽ sự hồi hộp sợ hãi, điều mà khiến người xem không thể rời mắt được khỏi màn hình để theo dõi, để trải nghiệm, để chứng kiến câu chuyện.

Barkhah Abdi là một hàng hiếm mà đạo diễn Greengrass đã tìm ra được. Trong một cuộc phỏng vấn anh đã nói anh muốn được tiếp tục theo nghiệp diễn xuất với những bộ phim khác để chứng tỏ rằng anh không chỉ biết diễn trong mỗi phim Captain Phillips. Anh nói điều đấy không sai, vì sự xuất sắc đến kinh ngạc của anh trong bộ phim này dường như cho ta cảm giác anh sẽ bị đóng khung vào khuôn mặt của Muse, vào nhân vật phản diện đáng thương người Somalia gầy gò khắc khổ nhưng đầy nanh ác đó. Sự đóng khung đó vừa là thành công nhưng vừa sẽ khiến cho anh phải cố gắng hơn nhiều nhiều nữa để chứng tỏ bản thân mình. Tuy nhiên đó là chuyên của tương lại, còn trong nội hàm của bộ phim này, Abdi hoàn toàn có thể xứng đáng một tượng vàng Oscar cho sự nhập vai không thể chê vào đâu được: một kẻ lạnh lùng, một gã độc ác nhưng lại chất chứa nhiều nội tâm về một cuộc đời khốn khổ. Đôi khi hắn thật đơn giản so với sự khôn ngoan của những người Mỹ, một gã quá hiền lành so với đồng phạm của hắn, một con người quá nhiều điều không thể nói. Muse là một bản thể lạc lõng chỉ có sự tồn tại mặc dù luôn muốn sống. Muse diễn xuất quá hay là điều đáng ngạc nhiên, còn Tom Hanks diễn xuất tốt lại trở nên bình thường. Cái tên Tom Hanks đã là thương hiệu, mặc dù dạo gần đây những bộ phim thương mai anh tham gia không được thành công và hầu như rơi vào quên lãng, nhưng khi cần bung ra cho một vai diễn đòi hỏi sự dụng tâm cao thì Tom luôn là chính mình, một người đã được 2 tượng vàng Oscar và chưa bao giờ đánh mất mình khi cần thiết. Nên nói về Tom Hanks chỉ cần nói rằng, diễn xuất vẫn rất xuất sắc, và đơn giản là hóa thân 1 cách kín kẽ vào nhân vật Phillips của mình.

Thêm 1 bộ phim hay, tức là thêm sự nức lòng dành cho những người hâm mộ điện ảnh, nghĩa là thêm vào những khó khăn cho việc dự đoán giải thưởng Oscar sắp tới. Captain Phillips xuất sắc trên mọi phương diện, nhưng nó cũng giống như những đồng chí khác đã ra rạp vào những tháng cuối năm này như Inside Llywen Davis của anh em nhà Coens, như Blue is the warmest color của đạo diễn Abdellatif Kechiche… cũng khó tìm được điểm để chê. Thật ít có năm nào nhiều phim hay như vậy, nhưng càng nhiều phim hay càng tốt, chúng ta – người hâm mộ điện ảnh chỉ mong như vậy, để xem, thưởng thức, và suy ngẫm.

Comment