Cannes là một liên hoan phim nổi tiếng với việc ưu ái những phim liên quan đến tình dục và bạo lực, có lẽ qua tình dục và bạo lực hai thứ bản năng của con người, họ đánh giá được tính nghệ thuật và khả năng sáng tạo của người đạo diễn cũng như sự sáng tạo của kịch bản để miêu tả được những ẩn ức mà con người luôn gánh trong mình. Phải chăng vì bộ phim “Blue Is The Warmest Colour” hay tên tiếng Pháp là “La vie d’Adele” với những cảnh sex táo bạo và đầy đặc tả là lý do bộ phim dành được Cành Cọ Vàng danh giá? Phải xem phim để thấy rằng, tình dục chỉ là một phần lý do, một phần lớn khác, bộ phim đã làm được điều mà không có nhiều bộ phim làm được, đó là vượt qua ranh giới của giới tính để miêu tả được sự đặc sắc của tình yêu, thứ khiến người trẻ phải vấp vào để lớn, để trải nghiệm, để tự hiểu mình và để nhận ra giá trị của cuộc sống.

Bộ phim chia thành hai chương, hai chương lớn của quãng thời gian tuổi trẻ của Adele (Adèle Exarchopoulos), từ khi là cô gái 15 đang học trong trường phổ thông với những bối rối ban đầu của giới tính, cho đến chương hai mở ra cuộc đời khi Adele đã  tự tách ra gia đình sống cuộc sống tự lập với công việc, tình yêu, đam mê và những va vấp. Mở đầu phim trong lớp học về văn học, người thầy ở lớp Adele đã hỏi: ” How do you understand that the heart is mising something?” Đấy cũng chính là câu hỏi mà đạo diễn người Pháp gốc Tunisie Abdellatif Kechiche đã dùng 3 tiếng của bộ phim để trả lời cho Adele. Như mọi cô bé bình thường khác, Adele có những cảm xúc với một thanh niên đẹp trai, giàu cảm xúc. Giọt nước mắt của cô khóc khi cô cảm thấy có gì đó thiếu trong tình cảm của hai người, trong lần quan hệ đầu tiên, sự “thiếu” đã khiến cô không thể tiếp tục đi cùng Thomas (Jérémie Laheurte).

laviedadele07

Trong cô có dục vọng, một dục vọng đến từ vô thức, sau lần tình cờ gặp một người phụ nữ tóc ngắn, nhuộm màu xanh Emma (Léa Seydoux) với đôi mắt buồn và nụ cười ấm áp nhưng phớt đời, dục vọng đó đã khiến Adele không kiểm soát được cảm xúc của mình, khiến cô băn khoăn về giới tính của mình và rồi như một sự thành thực cô nhận mình là đồng tính với một người bạn gái khác. Để rồi sau đó cô đi tìm, như thể duyên phận, định mệnh dẫn lối cho cô tìm thấy Emma trong một quán bar dành cho đồng tính nữ. Họ đến với nhau, từng chút một, họ yêu nhau, tình yêu của hai người phụ nữ, cũng chẳng khác gì cách một người đàn ông và đàn bà đến với nhau, nhưng ở đây họ phải giấu giếm, họ hay ở đây chính là Adele vẫn phải tránh xa những lời cay nghiệt của bạn bè xã hội nếu họ biết. Nhưng Adele chỉ là một cô bé đang lớn,  một người phụ nữ đang trưởng thành, trong cô, bản năng trong cô có một điều gì đó không quyết đoán và kiên định, tình cảm cô dành cho Emma đôi khi có những sự lung lay một cách vô thức, mà cô không hiểu rằng đối với tình yêu đó là điều tối kị, dù cho đó là tình yêu không phải theo lối thông thường đi chăng nữa.

Hai nhân vật chính, câu chuyên gần như chỉ có họ trong từng khuôn hình đặc biệt là Adele, những góc máy cận cảnh mô tả khuôn mặt trong nhiều tình huống khác nhau, đặc biệt là đặc tả khuôn miệng vô cùng quyến rũ của Adele, khuôn miệng mở hé khi mở đầy gợi cảm, đến khuôn miệng trong bữa ăn, vô tư và đôi phần như một đứa trẻ không cần để ý gì khi ăn những miếng ăn ngon lành, đôi chút luộm thuộm nhưng rất đáng yêu và trong sáng, sự đặc tả của camera khi quay đến cô mà sau này cả Emma đã tăng hiệu ứng thị giác, tăng cảm xúc và cảm nhận về chính tâm hồn của Adele, giọt nước mắt khi làm tình, nụ cười khi được ở bên người mình yêu và sự trống rỗng khi mất đi tình yêu tất cả được thể hiện trên màn hình khiến ta cảm giác Adele rất gần gũi, tâm hồn và tính cách của cô. Kechiche đã cũng rất khôn khéo trong kịch bản khi tạo nên hai thế giới của hai người hoàn toàn khác nhau, một người đồng tính công khai, còn một người còn đang phải giấu mình vì những sự phản ứng gay gắt đến từ gia đình và bạn bè. Sự tương phản dù cho đạo diễn không giải nghĩa bằng hình ảnh và sự căng thẳng nhưng đã cho ta thấy hai thế giới khác nhau của hai người, mà sự chung đụng của hai thế giới đó là điều khó có thể tồn tại lâu dài và sự đổ vỡ là tất yếu. Điều tiên là bạn bè ở hai bữa tiệc sinh nhật của hai người, sinh nhật Emma thì chỉ có những người đồng tính, những người chấp nhận sự đồng tính như một điều bình thường trong cuộc sống, còn một bên là gia đình và bạn bè trong sinh nhật của Adele, khuôn mặt và đôi mắt cô luôn biểu đạt sự không hòa hợp vì bên trong cô quá nhiều thứ phải giấu, cô không thể sống thật với mình, điều đó còn thể hiện rõ hơn trong bữa cơm thân mật khi từng người đến nhà người kia để ăn tối. Sự tương phản vừa mang lại sự hài hước, vừa mang lại một cảm xúc buồn, một điều gì đó lấn cấn và thương cảm cho Adele. Emma xét cho cùng có thể coi là mối tình đầu của cô, người mà cô dành cho tình yêu trọn vẹn và đầy ham muốn nhục dục.

Adele (Adèle Exarchopoulos) phải và Emma (Léa Seydoux) trái trong La vie d'Adele.Adele (Adèle Exarchopoulos) phải và Emma (Léa Seydoux) trái trong La vie d’Adele.

Mối tình đó giống như là một phép thử của cuộc sống đối với cô hơn là một điều gì đó bền vững và nghiêm túc, nó mang đến cho Adele sự trải nghiệm về chính cơ thể nữ của mình, về ham muốn của mình, về dục vọng và tình yêu. Để rồi khi sự đổ vỡ là tất yếu, phép thử đó mang lại đau đớn tột cùng vì đã cho cô hạnh phúc tột cùng, sự tột cùng của cảm xúc chính là điều đã ghi dấu ấn mạnh trong lòng người xem, để từ đó người ta nhìn ra được một tình yêu nằm ngoài phim ảnh, một thứ tình cảm rất đời thường và đẹp, một bài thơ đầy cảm xúc và sự thăng hoa, sự thăng hoa khiến mọi trái tim phải cảm động và trân trọng. Chính vì muốn mang lại cảm xúc trọn vẹn, nên bộ phim được kéo dẫn 3 tiếng với những cú máy dài đầy thử thách, những cú máy tạo cho người xem đang thực sự dõi theo những bước đi thực về mặt thời gian của Adele, để ta ít cảm thấy hơn sự cắt gọn khéo léo của đạo diễn. Cái cảm xúc thực, cảnh quay chân thực, và độ dài ở một chừng mực vừa đủ khiến cho ta không bị cảm giác thời gian trôi chậm. Nói thêm về Emma, đó là một người phụ nữ từng trải hơn về mặt cảm xúc rất nhiều so với Adele, là người dù cho đạo diễn không nhắc đến quá khứ, nhưng ta có thể hiểu được cô đã phải trải qua những sự khó khăn nhường nào để có thể công khai về giới tính của mình. Đôi mắt của Emma lúc nào cũng như ẩn giấu điều gì đó, sâu lắng và buồn, cộng hợp với nụ cười của một người từng trải, vừa dịu dàng, sâu sắc và khó hiểu, đầy nội tâm. Emma và Adele yêu nhau say đắm, nhưng ở hai người lại là hai cá tính và sự trải nghiệm ở hai cấp độ hoàn toàn khác nhau, Adele đơn giản, chân thật và sốc nổi bao nhiêu thì Emma sâu sắc, từng trải và chín chắn bấy nhiêu. Họ yêu nhau bằng đam mê và chia tay nhau về những xung đột mà nếu nhìn sâu vào thì đó không chỉ đơn giản là sự xung đột của một mối tình khi có một sự không thỏa mãn về mặt sở hữu, mà đó là sự xung đột như một cái duyên định sắp sẵn từ khi họ gặp nhau đến khi bóng hình Adele đi một mình trong chiếc váy xanh đẹp và buồn.

Trong tiếng Anh màu xanh cũng có nghĩa là nỗi buồn, màu xanh là màu tóc của Emma, là định mệnh của Adele khi tiếng sét tình yêu và giới tính đã đổ ập vào người cô, khiến cho cô được yêu và bị đau khổ, khiến cho dáng đi của cô trong chiếc váy xanh cuối phim như một định mệnh, một định mệnh đã đến để mang yêu thương đến và cùng đó là sự tuyệt vọng đến. Adele là người mạnh mẽ và cá tính, dù cho đau khổ cùng cực thì cô vẫn luôn có thể làm tốt công việc của mình với vai trò giáo viên mẫu giáo. Sự đan xen giữa cuộc đời bình thường, và cuộc sống bên trong của Adele đã tạo nên một Adele ấm áp và giàu tình cảm. Tôi nhắc nhiều đến hai chữ tình cảm khi dành cho bộ phim này cũng phần nhiều vì nó là điều níu tôi lại một cách mạnh mẽ đến mức tôi đi xem đến hai lần chỉ trong 3 ngày.

Một kịch bản tuyệt vời, nhưng điều tuyệt vời trên hết đó là khả năng diễn xuất vô cùng sâu sắc của hai nữ diễn viên chính. Adèle Exarchopoulos một diễn viên chưa nhiều tên tuổi nhưng đã lột tả được quá tuyệt vời một Adele đơn giản, mong manh nhưng mạnh mẽ và độc lập. Khuôn mặt trẻ trung không trang điểm, đôi môi quyến rũ, đôi mắt trong sáng. Dù cho trong những cảnh bình thường, hay đến khi đầy đam mê, trong những cảnh làm tình trần trụi mà ở đó đạo diễn bắt diễn viên của mình phải làm sao lột tả chân thực được nhục dục mạnh mẽ của những kẻ đang yêu, Adele đều làm được rất tốt, những giọt nước mắt của cô dường như thật đến nỗi chính chúng là Adele của phim. Đi cùng với Adele là một Léa Seydoux, từng trải, buồn và đầy nghệ sĩ tính, một sinh viên năm thứ 4 của đại học Mỹ Thuật. Léa đã thể hiện qua đôi mắt và hành động một Emma vừa như người tình, vừa như người hướng dẫn Adele đi sâu vào bản năng và tìm hiểu chính mình. Emma là đam mê của Adele và ngược lại. Nhưng ở Adele nếu đó là tình yêu của mối tình đầu thì ở Emma là sự từng trải, luôn biết điểm dừng và đôi khi có sự hờ hững mà Adele lại nghĩ rằng đấy là sự thiếu yêu thương. Léa không chỉ quyến rũ đối với Adele, mà cô còn vô cùng quyến rũ đối với người xem, sự lạnh lùng, khả năng thẩm mỹ đến từ kiểu tóc và trang phục, nụ cười phớt đời nhưng ấm áp. Họ chính là hai hòn ngọc mà sự tinh tường của Kechiche đã nhận ra.

Adele-Exarchopoulos-as-Adele-in-La-vie-d-adele-Blue-Is-the-Warmest-Color-adele-exarchopoulos-38823775-1920-1080

Bộ phim có nhiều cảnh làm tình trần trụi với sự dụng công tỉ mẩn của đạo diễn, điều mà gây ra không ít giấy mực phê bình và chê trách đạo diễn, và những lời đồn thổi về sự không hài lòng đến từ diễn viên. Nhưng khi chạm vào những cảnh làm tình đó thì ta mới thấy chúng thực sự là một sự dụng công xứng đáng, nó không gây ra cảm xúc về nhục cảm, nó tạo nên một cảm giác an toàn về tình yêu, ở đó, sự thăng hoa của họ đã được diễn ra chân thật và thỏa mãn. Nó nói cho ta hiểu rằng, tình dục chỉ là một phần của cuộc sống, một phần của tình yêu, điều mà nhiều người tò mò, thì với nhiều người khác nó chỉ là sự chín mà khi yêu nhau, những người yêu đạt được, mà đôi khi ta không hiểu, chính thế nên hãy xem để nghe Kechiche kể lại bằng hình ảnh trong bộ phim này. Khi mà đồng tính còn đang gây nhiều tranh cãi và tốn nhiều giấy mực để đồng ý hay phản đối, thì Kechiche đã khéo léo đưa chủ đề đồng tính lồng vào một thứ lớn hơn, một thứ mà ai cũng phải trải qua, đó là tình yêu. Tình yêu qua bộ phim đã cho thấy một điều gì đẹp đẽ và đáng trân trọng dù cho đó là một mối tình cùng giới hay khác giới.

Facebook Comments Box

Comment