Isle of dogs (Tựa Việt: Đảo của những chú chó) phô diễn trí tưởng tượng tuyệt vời của đạo diễn với phong cách làm phim đặc sắc, độc đáo và lôi cuốn. 

Đạo diễn là tác giả của một tác phẩm điện ảnh, phong cách cá nhân của mỗi vị đạo diễn thể hiện trên nhiều khía cạnh như ngôn ngữ điện ảnh, cách thức kể chuyện và bản thân câu chuyện trong phim. Có những bộ phim chỉ cần xem qua ta cũng có thể phần nào đoán được tên đạo diễn bởi những đặc trưng trong phong cách làm phim của họ, Wes Anderson là một đạo diễn như thế.

Ông mang đến cho màn ảnh rộng những câu chuyện phong phú, tạo ra những nhân vật phóng dụ mang tính điển hình. Qua các nhân vật đó, ông vẽ lại bức tranh xã hội hiện đại buồn bã bằng những câu chuyện nhỏ vui nhộn và hấp dẫn. Anderson phủ lên nỗi buồn thời đại một lớp màu rực rỡ, để rồi cuối cùng, điều khán giả nhận được không chỉ là một câu chuyện giải trí, mà còn đọng lại những suy nghĩ tích cực và sâu sắc về cuộc sống.

Có thể nói, Anderson đã xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bắt đầu từ đống rác.

Isle of dogs tiếp tục là bộ phim phô diễn kĩ thuật tuyệt vời và phong cách làm phim độc đáo riêng biệt của Wes Anderson. Giữa bối cảnh xã hội đầy rác thải và phi dân chủ, khi người lớn chỉ toan tính những mưu đồ xấu xí để trục lợi lẫn nhau, Anderson vẽ nên chân dung tình bạn và sự trung thành thông qua hình ảnh loài chó và nước Nhật.

Bộ phim bắt đầu với một sự hồi tưởng quen thuộc “ngày xửa ngày xưa”. Wes Anderson dẫn khán giả vào một thế giới giả tưởng nơi con người từng đánh nhau với loài chó để bảo vệ loài mèo dưới sự cai trị độc đoán của một tên độc tài ghét chó.

Những hình ảnh được thể hiện rất sinh động, đẹp mắt và gần gũi với văn hoá Nhật: thơ Haiku, những màn đấu kiếm của Samurai và nghệ thuật vẽ tranh in mộc bản. Từ đó, đạo diễn đưa chúng ta đến câu chuyện ở xã hội hiện đại, vẫn là hậu duệ của tên độc tài đó, thị trưởng Kobayashi tuyên bố loài chó đang trở nên nguy hiểm với những căn bệnh lây nhiễm không chữa được gây nguy hại cho xã hội loài người.

Một mệnh lệnh được đưa ra, loài chó bị đẩy đến hòn đảo rác thải. Chú chó đầu tiên bị đầy ra đảo rác tên là Spots.

Bằng cách sử dụng Stop-motion (thể loại phim hoạt hình được thực hiện bằng các con rối và hàng loạt bức ảnh chụp tĩnh liên kết để tạo nên chuyển động cho nhân vật), Anderson mặc sức sáng tạo ra thế giới riêng trong Isle of dogs. Ánh sáng và các lớp hình ảnh được thực hiện khéo léo mang tính gợi mở để mỗi khung hình không thoát ra khỏi câu chuyện mà Anderson muốn kể.

Đảo rác hiện ra mang tính ẩn dụ cho xã hội hiện đại – nơi chai lọ, túi nilon bị sử dụng vô tội vạ tạo ra hàng tấn rác thải khổng lồ. Những con chó bị vứt bỏ sống trong sự đói khát và kiệt sức cho đến một ngày chú bé Akari – chủ nhân của Spots xuất hiện trên hòn đảo bằng một chiếc trực thăng đánh cắp hòng tìm kiếm chú chó cưng của mình.

Cuộc chiến giữa những âm mưu đen tối và khát khao tìm lại cuộc sống của những người bạn nhỏ tuổi bắt đầu.

Dù chủ đề có đôi chút u ám phản chiếu xã hội hiện đại với sự tự huỷ hoại của con người, nhưng Wes Anderson luôn biết cách trình diễn nó với sự hài hước và ngây ngô một cách đáng kinh ngạc.

Vẫn với cách dàn dựng mang đến bố cục đối xứng và màu sắc phim được tô điểm rực rỡ, Isle of dogs lôi cuốn bằng những hình ảnh chỉn chu cùng thứ âm nhạc được thể hiện chủ yếu bằng bộ gõ tạo không khí dồn dập, hồi hộp và gấp gáp. 

Dàn diễn viên lồng tiếng trong phim

Với sự tham gia xây dựng câu chuyện và viết kịch bản của Wes Anderson, Roman Coppola, Jason Schwartzman và Kunichi Nomura, tâm lý nhân vật và diễn biến câu chuyện được phát triển rất chặt chẽ và hợp lý với hàm ý nhấn mạnh vào tình bạn và lòng trung thành của chó và người, qua đó dẫn dắt người xem liên tưởng đến mối quan hệ của con người, sự trung thành và lòng tự trọng giữa con người với con người.

Bộ phim cũng cho thấy một tình cảm đặc biệt của đạo diễn dành cho điện ảnh Nhật nói riêng và văn hoá Nhật nói chung. Âm nhạc từ bộ phim Seven Samurai của đạo diễn Akira Kurosawa, món ăn sushi, kịch Nhật Bản… Đặc biệt hơn, ngay ở đầu phim, đạo diễn đã nhấn mạnh cho khán giả: “Trong phim con người thì nói tiếng Nhật, còn tiếng loài chó thì được phiên dịch sang tiếng Anh”. 

Nó không gây bối rối mà thay vào đó, tạo nên một sự thú vị vô cùng đặc biệt. Một đứa trẻ Nhật Bản nói tiếng Nhật giữa một dàn diễn viên Mỹ lồng tiếng cho các chú chó như Bryan Cranson, Bill Murray và Edward Norton.

Mặc dù mang đến một chủ đề có vẻ lớn lao là lòng nhân đạo, nhưng Wes Anderson không biến Isle of dogs thành tác phẩm chứa quá nhiều hàm ý khó hiểu. Thay vào đó, ông mang vào phim một cái nhìn đơn giản về sự đối lập giữa cái xấu xí và điều đẹp đẽ. Điều này giúp cho câu chuyện ở mức độ nào đó có cách lý giải rất trẻ thơ và dễ hiểu. Con người lạc lối nhưng nếu chỉ cho họ đúng hướng thì họ hoàn toàn có thể thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn.

Thêm một tác phẩm xuất sắc vào gia tài điện ảnh của Wes Anderson, Isle of dogs một lần nữa minh chứng cho tài năng của ông trong việc tạo dựng nên những thế giới giả tưởng độc đáo, riêng biệt nhưng không tách rời với các vấn đề xã hội hiện đại. Ông là một người nghệ sĩ tuyệt vời có khả năng biến hoá các khung hình để khán giả bị mê hoặc, chìm đắm và say mê những bộ phim của mình.

Box: Wes Anderson là một trong những đạo diễn tài năng nhất của Hollywood. Các tác phẩm của ông có những nét chung về sử dụng bố cục, màu sắc cũng như tiết tấu luôn được đẩy nhanh, kịch tính và vui nhộn. Các tác phẩm điển hình của ông như: The grand hotel Budapest (2014), Moonrise kingdom (2012), Fantastic Mr.Fox.

Facebook Comments Box

Comment