Cái tên Vĩnh Cửu (Éternité) thật hay, hay hơn tên sách (Nét duyên goá phụ – l’élégance des neuves) thật nhiều. Vĩnh cửu, ở cái nghĩa tương đối, chính là sự tuần hoàn. Tình yêu vĩnh cửu nghĩa là tình yêu ở cái khoảng khắc thăng hoa nhất của hai người yêu nhau, nó bất biến và trường tồn, nó không thể quên. Cái khoảnh khắc đó, ngắn như một sát na, nhưng nó sẽ lặp lại, ở một mối tình khác, câu chuyện khác, nhưng sự thăng hoa vẫn vậy, trọn vẹn và trường tồn. Vĩnh cửu, vòng lặp vĩnh cửu của sự sống và cái chết, ở đó sự sống sinh ra trong cái chết, cái chết nằm ngay bên cạnh sự sống, không phải sự tái sinh, mà là sự chuyển đổi, để vũ trụ vận hành, giữa sinh và diệt. Nên nó vĩnh cửu, không phải một trạng thái kéo dài đến vô cùng, mà một vòng tuần hoàn luân chuyển đến tận cùng, với tất cả những vệ tinh xung quanh đó, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, tuyệt vọng…Hiện tại chính là quá khứ, tương lai chính là hiện tại, xuân hạ thu đông rồi lại xuân, vĩnh cửu, vòng lặp của kiếp người trong sự bất biến của thời gian.

Chọn một ý tứ như vậy, Trần Anh Hùng đã chọn những khoảnh khắc để biến nó thành vĩnh cửu. Vì ở trong sự vô cùng, ý nghĩa của cuộc đời mỗi người, không còn nữa, mà nhường chỗ cho sự sống – chết, sự sinh tồn, sự kế thừa. Có lẽ vì thế, Trần Anh Hùng mặc nhiên triệt tiêu hết tính cách của nhân vật, anh “điểm hoá” bộ phim, tạo thành một catalog, tập hợp những điểm trong hành trình tồn tại của một gia đình qua nhiều thế hệ. Đó là những điểm kế tiếp giữa sự ra đời những đứa trẻ, và những cái chết lấy mất khỏi họ những người thân yêu. Nụ cười kế theo giọt nước mắt, trẻ con thành người lớn, người lớn lại cho ra đời những đứa trẻ. Một bộ catalog gia đình, Trần Anh Hùng chọn một bối cảnh tuyệt đẹp, ở thời kì “belle Epoque” cái thời kì mà ai đủ mơ mộng cũng đều mong được sống ở đó. Bối cảnh là một dinh thự lộng lẫy, đậm chất quý tộc, với màu sắc được làm tươi một cách rực rỡ. Bộ phim hầu như chỉ được đặt quay ở trong khu dinh thự, những cảnh nội, cảnh ngoại được lựa chọn kĩ và được sắp đặt với một ý đồ lộ liễu, không cần che giấu. Trên nền bối cảnh rực rỡ như vậy, nhân vật hiện ra với rất nhiều cảnh tĩnh, góc máy được di chuyển chậm, kiên nhẫn và toan tính để tạo nên những khung hình đẹp chỉn chu nhất.

Những khuôn hình về một gia đình sống qua nhiều thế hệ, mà ngay cảnh đầu tiên, cú lia máy ngang, rồi tiến về phía trước để cận cảnh vào một gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con gái. Trần Anh Hùng ném người xem ngay một điểm cố định của một gia đình, không có đầu không có cuối, chỉ có giọng kể, như người đọc truyện đêm khuya bắt đầu kể về gia đình đó. Tập trung vào nhân vật nữ trong gia đình, như cách đạo diễn Hùng vẫn luôn rất nhạy cảm với phụ nữ qua các bộ phim trước đó. Vì phụ nữ, những người mang trong mình thiên chức làm mẹ, những người mang nỗi niềm thầm lặng luôn hướng đến gia đình, hướng đến sự sinh trưởng của con cái, và đau đớn vô cùng trước những nỗi mất mát. Ở phụ nữ, có một đặc điểm mà khiến người ta vô cùng thương cảm, đó là không có khả năng che giấu nỗi đau, cũng như niềm hạnh phúc, nên Vĩnh Cửu, như nó vốn là một danh từ giống cái trong tiếng Pháp, không gì có thể biểu đạt tốt hơn là phụ nữ.

Những cái ôm, những cái hôn với mật độ lớn, mang ý đồ sắp đặt rất rõ ràng, lặp đi lặp lại, đôi khi ta thấy thật giả tạo. Nhưng hãy nhìn bằng con mắt nhìn vào tổng quát, con mắt nhìn vào vĩnh cửu, ta sẽ thấy được ra, đó chỉ là sự quy ước, quy ước của đạo diễn, để mô phỏng sự vĩnh cửu bằng tình yêu thương, bằng những cái ôm, vui, buồn, những cái hôn nhẹ nhàng để chia sẻ cảm xúc. Quy ước để bộ ảnh catalog mang tên Éternité được hoàn thiện, trọn vẹn và tuyệt đẹp. Một cái đẹp “nữ tính”, cái đẹp hoàn hảo đã triệt tiêu mọi điều. Trần Anh Hùng triệt tiêu tính cách, triệt tiêu xung đột, triệt tiêu hành trình của nhân vật. Bộ phim chỉ là một sự phát triển tuyến tính của một thế hệ, xen vào đó, là những kí ức phi tuyến, những đoạn hồi tưởng, được kết nối trực tiếp đến hiện tại, như sự tham chiếu, như sự tương đồng hoặc tương phản về mặt cảm xúc, niềm vui nối với niềm vui, nỗi buồn nối với niềm vui, và nỗi buồn nối với nỗi buồn.

Đó chính là cái đẹp. Duy Mỹ và Thánh Thiện.

Nhưng ngoài Duy Mỹ và Thánh Thiện, thì phim còn lại gì, chẳng có gì nhiều, khi ý tứ đã bị quy về vĩnh cửu, thì hành trình trở thành sự nông cạn, mọi dụng công để cố gắng bồi đắp nhân vật là vô nghĩa. Hiểu theo nghĩa đó, thì thấy anh Hùng đã làm đúng. Nhưng chính vì khi người ta chẳng thể cảm nhận được hành trình, ngoài vô số những cảnh xen kẽ nhau giữa sinh đẻ và cái chết, thì bộ phim trở nên đơn điệu vô cùng, nó là một album ảnh gia đình, mà mỗi cảnh mở ra, là một bức ảnh được lật sang trang mới, với giọng giới thiệu của những người nắm rõ ai trong bức ảnh, vậy thôi, đạo diễn không cho nhân vật tính cách, ngoài những nụ cười, những câu thoại ít ỏi, chỉn chu, những góc máy sang trọng, trong một bối cảnh quý tộc sang trọng đầy vẻ trưởng giả. Một bối cảnh mà ở đó, đạo diễn triệt tiêu hết mọi thứ liên quan bao gồm, người giúp việc, công việc của từng người, chỉ còn lại cử chỉ, ánh mắt, thái độ và sự nhạy cảm của nhân vật, của bức ảnh trong một album, mà nó sẽ truyền tay nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sự sinh sôi, và cái chết, về sự tồn tại luân chuyển từ nhân vật này qua nhân vật khác, trên nền nhạc của những bản nhạc cổ điển bất hủ của Beethoven, Listz, Ravel, Debussy…

Xét cho cùng, bộ phim là một cảnh trí, trong cảnh trí đó là phả hệ của một gia đình, trong gia đình đó nổi bật lên là những người phụ nữ, phụ nữ mang sự sống, và họ tiễn đưa cái chết. Cái cảnh trí đó, được nối liền với nhau bằng những hoạt cảnh, tại những thời điểm cố định trong chiều tuyến tính của thời gian, trong mỗi hoạt cảnh, tình yêu thương, “nhân tính”, thái độ “nhân văn” được thể hiện bằng những nụ hôn, những cái ôm, nụ cười và nước mắt. Cứ vậy, đạo diễn, đưa vào đó sự Vĩnh Cửu, một cảnh trí vĩnh cửu, của quy luật sống-chết trường tồn trong vũ trụ này.

Comment