Kết thúc của bộ phim Alphaville là câu nói “I love You” từ một người phụ nữ đã từng không hiểu tình yêu là gì, nhận thức là sao. Nó gần như miêu tả chính xác cách mà đạo diễn Jean Luc Godard nhìn vào cuộc sống con người, với đầy đủ tính hiện sinh chủ nghĩa thông qua một tác phẩm điện ảnh khoa học viễn tưởng không dễ xem Alphaville.

Không hề dễ xem, và có một chút gì đó kì quặc, Alphaville là thế giới không tưởng nhưng không dùng kĩ xảo, không tạo ra 1 thế giới riêng, mà lại dùng chính Paris để vẽ nên một thế giới mới ngoài không gian với những thông tin liên quan đến thiên hà, đến phi thuyền. Tất cả cái mà ta có để thấy rằng đây là một thế giới khác là, nằm ở cách sử dụng ánh sáng, góc máy, và sự đối thoại hòng lột tả được một bối cảnh mà ở các bộ phim khoa học viễn tưởng khác, ta dễ dàng nắm bắt thông qua thị giác.

Trong cái thế giới đó, nhân vật chính lại khoác chiếc áo khoác dài, và đội nón rộng vành như một nhân vật đi ra từ phim noir – một kẻ không thiện không ác, một người đàn ông có nhiều sứ mệnh đến từ hành tinh khác, chứng kiến một thế giới không cảm xúc, không nhân tính, nảy sinh tình yêu với một người phụ nữ – không thiện không ác, để rồi cuối cùng, anh nhận lãnh sứ mệnh của một người chống lại sự toàn trị của một cỗ máy có tên Alpha 60 đang điều khiển và thao túng thành phố Alphaville.

Tôi luôn có cảm giác, Alphaville giống như một giấc mơ của Jean Luc Godard, một giấc mơ diễn ra nhiều ngày, lặp lại, nên hỗn loạn với những nhịp dựng phim, nhịp nhảy của câu chuyện đầy bất thường và kì lạ. Một giấc mơ trong đó, ông luôn đặt những câu hỏi về hiện sinh, và căn tính của con người với 2 thứ níu giữ chính yếu: Tình yêu và nhận thức.

Một đoạn thoại thật hay về tình yêu của Natasha von Braun (Anna Karina thủ vai):

“Giọng nói, đôi mắt, bàn tay và đôi môi anh. Sự im lặng của chúng ta, ngôn từ của chúng ta. Ngày đến, rồi ngày đi. Một nụ cười giữa hai ta. Em thấy đêm trở thành ngày còn chúng ta vẫn như vậy. Hỡi người yêu của tất thảy, người yêu của riêng em, người thì thầm những lời hứa hẹn hạnh phúc. Xa em, xa em, nói ghét em; bên em, bên em, nói yêu em. Cái vuốt ve từ thơ ấu ẵm bồng. Em thấy dáng hình con người như cuộc trò chuyện của tình nhân. Trái tim giản đơn. Đời sống ngẫu nhiên. Lời nói không thật lòng. Cảm xúc trôi dạt. Con người lang thang trong thành phố. Một cái nhìn, một lời nói. Vì em yêu anh. Mọi thứ rồi sẽ khác. Chúng ta phải sống. Hướng về phía người em yêu. Em đi về phía anh, về hướng ánh sáng. Anh cười, nụ cười ôm lấy em. Hơi ấm che chở em qua mịt mùng.”

Những lời nói rời rạc, như dòng chảy của suy nghĩ, vốn hỗn loạn, vốn bất an, và vốn không sắp xếp được thành một câu hoàn chỉnh như một nhà văn. Natasha đang dần dần nhận ra tình yêu là gì, để cô thoát khỏi sự kiềm toả của thế giới đang bị Alpha 60 kiểm soát, thế giới mà ngôn từ vận hành bằng cuốn kinh thánh được đặt trong mọi nhà đang ngày càng xoá bỏ đi những từ nghĩ mang nhiều yếu tố cảm xúc, chỉ đề lại đó những ngôn từ của lý trí, logic và máy móc.

Xem Alphaville không phải xem câu chuyện, mà xem tình tiết, xem màn trình diễn ánh sáng với sự tương phản giữa trắng và đen, xem màn đối thoại giữa logic và phi logic, giữa nhân tính và máy móc.

Khi cỗ máy Alpha 60 hỏi Lemmy Caution (chính là gã điệp viên đó) rằng: Đặc quyền của cái chết là gì?, anh trả lời rằng “Là không còn chết nữa”. Một thái độ phản kháng thấy rõ của việc được làm người và bị thành một cỗ máy. Chính nhờ những tiểu tiết đó mà một bộ phim kì quặc như Alphaville trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, khó gần nhưng vẫn đủ hấp dẫn ánh nhìn, cho ta một trải nghiệm về thị giác và suy tư đủ đầy một cách hấp dẫn.

Alphaville được chiếu trong khuôn khổ chương trình Điểm Hẹn Điện Ảnh Pháp của viện Pháp tại Việt Nam. Chương trình được diễn ra hàng tuần, thông tin các bạn có thể tìm xem trên fanpage French Cinema rendez-Vous.

KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ THÊM VỚI TÔI TẠI TRANG FACEBOOK – TUAN LALARME

Facebook Comments Box

Comment