Khi em thức dậy thì anh vẫn còn đang ngủ. Em ngắm nhìn anh thở nhè nhẹ. Có phải anh đang mơ không Alexandre? Anh quơ nhẹ tay như thể muốn tìm em, mi mắt anh khẽ chớp rồi lại chìm sâu vào giấc ngủ. Một giọt nước mắt chảy ra từ mắt anh. Nó lăn, nó lăn rồi biến mất.

Ở bên cạnh, con gái khẽ rên một tiếng nhỏ.

Một tiếng kẹt cửa.
Em bước ra mái hiên… và khóc.

– Này Anna. Dạo này anh hay mơ lạ lắm nhé. Em khóc hả Anna?
– Không phải đâu.
– Rõ là em đang khóc mà.
– Không có chuyện gì đâu. Này anh, trông em thế nào?
– Đẹp như một ngày hè rực rỡ.
– Nói dối! Em có tăng cân vì mang thai đấy nhé.
– Cái váy em mới mua à?
– Anh không nhớ sao?
– Không.
– Anh mua cho em trong một lần đi công tác còn gì. Anh chỉ nghĩ đến cuốn sách anh đang viết thôi. Bao giờ anh mới gửi nó cho nhà xuất bản để chúng mình có thể ở bên nhau?

“… Em ước gì mình có thể giữ lại giây phút đó như ép khô một cánh bướm để nó khỏi bay đi. Em viết cho anh trước biển, nhưng biển im lìm bất động. Trong ngôi nhà gỗ mà anh có thể cảm thấy mùi sữa nóng và hoa nhài ẩm ướt, em viết cho anh, em nói với anh… Em cảm thấy anh thật gần, người thấy sợ hãi và muốn tránh xa khỏi em. Anh nghĩ em là mối đe dọa cho cuộc đời anh sao, Alexandre? Em chỉ là một người phụ nữ đang yêu mà thôi.”

– Bố sắp phải đi xa một thời gian, nên bố mang cho con ít thư cũ của mẹ.
– Thư của mẹ?
– Ừ.
– Bố, cái thư này không có phong bì. Con đọc bố nghe nhé?
– Ừ, con gái.
– Thư đề ngày “Ngày 20 tháng Chín năm 1966.” Ngày sinh của con! Mẹ vẫn thường kể cho con về ngày này.

Em nhìn anh cả đêm. Em không biết anh đang ngủ hay chỉ nằm im. Em sợ phải biết những gì anh nghĩ, sợ phá tan sự im lặng của anh. Cho nên hãy để cho cơ thể em lên tiếng, thứ ngôn ngữ duy nhất mà em biết – bởi vì đó là cách duy nhất không làm cho anh sợ. Em chỉ là một người phụ nữ đang yêu, Alexandre.

Em bước đi trần truồng trên cát. Gió lồng lộng, một chiếc tàu đi qua. Còn anh chưa dậy. Em vẫn cảm thấy hơi ấm của anh trên cơ thể em. Em không dám mơ là anh đang mơ về em. Ôi! Alexandre… Phải chi em có thể tin tưởng điều đó dù chỉ trong chốc lát, em sẽ buông thả để mình hét lên một tiếng.

Em tìm cách bắt cóc anh giữa những cuốn sách. Anh sống bên cạnh chúng em, con gái chúng ta và em, thật gần nhưng lại thật xa. Em biết sẽ có ngày anh ra đi. Ngọn gió sẽ thổi đôi mắt anh đi xa. Nhưng hôm nay , hãy cho em ngày hôm nay như thể đây là ngày cuối cùng. Hãy cho em ngày hôm nay!

Những chuyến đi chơi đảo của anh. Một cái áo anh bỏ quên trên ban công run rẩy trong gió. Anh được che chở bởi bóng tối của căn phòng, bị bắt cóc bởi âm thanh của màn đêm. Em nhìn anh bằng đôi mắt nhắm, em lắng nghe anh bằng đôi tai bịt kín. Không mở miệng, em khẩn nài anh.

Em viết cho anh trước biển, lần nữa và lần nữa. Em viết cho anh, em nói với anh. Một ngày nào đó khi anh nhớ lại hôm nay, hãy nhớ rằng em đã theo dõi nó bằng cả đôi mắt, rằng em đã âu yếm nó bằng cả hai tay. Em đang ở đây chờ anh, run rẩy.

Trong vài tháng sau cùng, mối liên hệ duy nhất của tôi với cuộc đời là người hàng xóm vô danh của mình, người luôn trả lời tôi bằng cùng một điệu nhạc.

Họ là ai?
Họ ra sao?

Một buổi sáng tôi muốn đi tìm gặp người ấy, nhưng rồi tôi lại đổi ý. Có lẽ tốt hơn là chỉ tưởng tượng trong đầu chứ không nên tìm gặp họ. Có phải đó cũng là một người sống ẩn dật như tôi? Hay có khi là một cô gái nhỏ, trước khi tựu trường, với cái tính thích đùa chơi với người hàng xóm vô danh?

Mọi thứ làm tôi tin tưởng rằng trước khi mùa đông hết, với hình bóng bảng lảng của những chiếc tàu, và sự biến mất đột ngột của chúng trên bầu trời, với những cặp tình nhân dạo bước dưới bóng chiều tà, với lời hứa giả dối của mùa xuân, tất cả làm tôi tin tưởng rằng trước khi mùa đông hết… Niềm hối tiếc duy nhất của tôi, Anna… Nhưng liệu nó có phải duy nhất?

Tôi sống vội vã với những ước mơ và tham vọng. Mừng rỡ vì đã tìm được ý nghĩa và mục đích lớn đời mình, tôi mải mê đắm chìm trong đó. Từng ngày trôi qua, với cảm giác đè nặng thời gian đang rượt đuổi mình trong một cuộc chạy đua bất tận, rằng nếu không thẻ đến gần đích đến vĩ đại thêm một chút sau từng giờ từng ngày, tôi sẽ thất bại.

Nhưng cũng có những ngày hiếm hoi, tôi nằm trong căn phòng hẹp, ngước mắt nhìn lên trần nhà trống trơn, tận hưởng cảm giác cơ thể đang chìm sâu vào trong giường, cái ngai vàng của riêng tôi. Để mà suy tưởng, phiêu với bản nhạc phim “By the sea” của Eleni Karaindrou, để cho những ký ức lộn xộn chiếm lĩnh lấy tâm trí bình thường vốn ngăn nắp ấy. Một cảm giác thỏa mãn nội tại dần xuất hiện, xóa nhòa ranh giới mỏng manh giữa mơ mộng và thực tại, làm tôi nhớ đến Theo Angelopoulos. Tôi nhớ đến Eternity and a Day của ông.

Phim kể về Alexandre, người đàn ông già đang bước vào độ tuổi xế chiều của cuộc đời. Sợi dây kết nối ông với cuộc đời này thật quá đỗi mơ hồ: người vợ Anna ông yêu thương đã chết từ lâu, dù trong những giấc mơ mộng mị bà vẫn còn trẻ như cô con gái tuổi 30; người mẹ già cũng đã qua đời từ lâu, ngôi nhà bên bờ biển đã bị cô con gái bán đi mà không hỏi ý kiến, bản thân Alexander thì bị ung thư và căn bệnh hiểm nghèo này có thể lấy đi mạng sống của ông bất cứ lúc nào.

Về cơ bản, nhà thơ già ấy dường như đã chết.
Một tù nhân lưu đày của thời gian, của sự sống. Mối giao tiếp người/người duy nhất hàng ngày của Alexandre là âm nhạc qua khung cửa sổ hé mở với người hàng xóm ông chưa bao giờ gặp mặt hay nói chuyện. Trước khi quay trở lại bệnh viện làm một xét nghiệm đặc biệt mà phim không hé lộ cho khán giả biết số phận của ông, Alexandre có một ngày, 24 giờ để sống nốt, để hồi tưởng lại những ký ức đời mình, để tìm cho chú chó trung thành một người chủ mới, để giao lại những bức thư tình của vợ cho con gái. Và vô tình chung đường với một cậu bé vô danh, người còn cả tương lai rộng mở phía trước. Lặng lẽ và âm thầm, Alexandre giúp cậu bé tị nạn người Albania này thoát khỏi cảnh sát, lũ buôn người và đưa cậu về nhà – như thể đây là trách nhiệm cuối cùng của ông trên đời. Một chuyến phiêu lưu siêu hình để nhận ra sau cả đời theo đuổi nghiệp chữ nghĩa cuồng si, ông vẫn còn một cơ hội cuối để lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của hạnh phúc, trong khi chờ sự vĩnh cửu của thời gian đang hòa làm một vào cơ thể mình.

Vì mỗi một ngày ngắn ngủi là hạt giống của thiên thu, và chúng ta là những kẻ làm vườn chăm chỉ.

“Eternity and a Day” chân thật, mộc mạc và lộn xộn như chính ký ức của con người. Trong từng con phố Alexandre dạo bước ở Thessaloniki, Hy Lạp, những hồi ức một thời xa xưa tươi đẹp cứ thế tràn về như nước mùa lũ. Những dòng ký ức thoắt ẩn thắt hiện, không theo trật tự nào cứ tự chiếm lĩnh lấy khung hình thực tại giúp ta cảm nhận và nhìn thấy những gì Alexandre đang nghĩ. Những khung cảnh chậm rãi và các trường đoạn dài đặc trưng của đạo diễn Angelopoulos với máy quay xoay nhẹ như lướt, lướt trên các con sóng suy tưởng, khi nhồi thêm vào, lúc lại đẩy lùi những nhân vật trong quá khứ ra khỏi khung hình một cách tự nhiên khiến tôi mất cảm giác phân biệt giữa thực tại và quá khứ. Âm thanh, hình ảnh và mùi vị có tác dụng gợi nhớ mãnh liệt khiến ta chìm đắm và đôi khi khó xác định nổi đâu là thực đâu là ảo, tạo ra không gian cho những giải thích và suy ngẫm không lời, tạo ra một cuộc phiêu lưu nội tâm không thể thích hợp hơn cho định dạng điện ảnh.

Trong những dòng ký ức ấy, những người của quá khứ mang hình hài của quá khứ, còn Alexandre là của hiện tại, với chiếc trench coat đen mặc xuyên suốt phim. Ông bước vào trong những hình chiếu do mình tự tạo ra và ngụp lặn trong đó với ảo vọng rằng nó sẽ dìm mình chết đuối dưới sức nặng của quá khứ. Voltaire đã nói: chúng ta có thể quên đi ký ức, nhưng sẽ không bao giờ quên những tác động của nó lên lịch sử đời mình. Vì quá khứ không thể hồi quy. Thế giới bộ phim mang lại mờ ảo, dựng lên từ từng viên gạch của quá khứ, hiện tại và tương lai đan xen cạnh nhau tạo ra một bức tranh ma mị và dị biệt. Thâu tóm chỉ trong khoảng thời gian của một ngày cuối cùng ngắn ngủi của vị thi sĩ già ấy nhưng “Eternity and a Day” lại có khả năng phác họa ý nghĩa vĩnh cửu của cuộc đời con người, để trả lời những câu hỏi lớn của Alexandre: Tại sao mãi chúng ta không biết cách yêu nhau? Ngày mai sẽ kéo dài bao lâu?

Trái ngược với những phim cùng chủ đề về những người đàn ông sắp chết phải đối mặt với cuộc sống của các đạo diễn huyền thoại khác như Ikiru (Akira Kurosawa) hay Wild Strawberries (Ingmar Bergman), “Eternity and a Day” tập trung phần lớn vào những hồi ức trong tiềm thức của Alexandre. Quá khứ không tách biệt với hiện tại và tương lai của ông, mà là một phần mở rộng của thực tại. Phim chẳng có những cách cắt và chuyển cảnh phim cơ bản, cụt lủn thường thấy để hỗ trợ người xem phân biệt quá khứ/hiện tại, tất cả 132 phút phim chỉ là một dòng chảy vĩnh hằng của đời sống, tưởng dài đến thiên thu nhưng vô cùng ngắn. Alexandre một bước qua cánh cửa ra ban công và đột nhiên ông tìm thấy mình ở quá khứ, bên cạnh người vợ yêu Anna và biển dậy sóng. Quay lại căn nhà bên bờ biển với máy quay khẽ di chuyển, Alexandre bị ném trở lại thực tại với mùi biển nặng nề và sự tĩnh lặng tuyệt đối.

Những câu chuyện chẳng được giải thích, những nhân vật chẳng cần giới thiệu, những khung hình chẳng có ai cắt nghĩa, nhưng bình dị và đẹp, đủ để tôi thực sự quan tâm đến số phận của họ và vỡ òa trong cảm xúc nức nở. Một bài thơ sắc nhọn đâm thẳng vào lồng ngực ấm nóng, một bài thơ viết bằng thứ ngôn ngữ đã chết, giờ chẳng ai dùng nữa. Đương nhiên đó chẳng phải tiếng Hy Lạp mà bằng thứ ngôn ngữ thị giác kỳ diệu, tinh tế của một bậc thầy điện ảnh.

Những người phê bình phim đôi khi sa lầy và nghĩ rằng công việc của họ là tìm ra một ý nghĩa nhất định của mỗi bộ phim. Nhưng những tác phẩm của Theo Angelopoulos như nhắc ta rằng, phim ảnh mang lại những hiệu ứng nhất định trong lòng khán giả, và ý nghĩa hay nội dung chỉ là một khía cạnh nhỏ trong đó. Phim của Angelopoulos mang lại một trải nghiệm khơi gợi nhiều suy tưởng, ngẫm nghĩ và cảm xúc hơn là nội dung hay là đi tìm chủ đề chủ đạo. Và với tôi, đó là ý nghĩa tuyệt vời nhất của điện ảnh.

“Eternity and a Day” cũng giống như âm nhạc của nhà nữ soạn nhạc Eleni Karaindrou (người cộng sự ăn ý của Angelopoulos), điềm đạm, im lìm, ít nói, chẳng đao to búa lớn hay gồng lên nhưng có sức nặng ám ảnh và mang nhiều suy tưởng mạnh mẽ. Chúng đào sâu dưới làn da ta và tạo ra những khoảng không nhỏ, từng chút một dọn chỗ cho sự tĩnh lặng và buồn bã lấp đầy.

Comment