Đã lâu lắm rồi mới có giải Oscar Best Picture mà tôi cảm thấy đồng tình và hài lòng như Green Book. Có thể với nhiều nhà phê bình cũng như khán giả chiến thắng của Green Book không thuyết phục. Cũng dễ hiểu bởi Green Book không có vẻ đẹp lấp lánh như Roma, đề tài cũ, cách thể hiện cũng không có gì mới hay đặc sắc ấn tượng trong thủ pháp nghệ thuật. Vậy điều gì khiến Viện Hàn Lâm trao giải Phim Hay Nhất cho Green Book?

Lâu nay các bộ phim thường xây dựng hình ảnh nhân vật ông chủ da trắng, người da đen làm nô lệ. Ngược lại, Green Book xây dựng một mối quan hệ có vẻ như ngược đời. Toney Lip – người đàn ông da trắng lại làm tài xế cho người đàn ông da đen Don Shirley – một nghệ sĩ dương cầm giàu có và nổi tiếng. Đó chính là điểm khác biệt đặc sắc của Green Book khi đặt nhân vật và người xem đứng ở phía bên kia, phía mà chúng ta vẫn tự cho rằng là phe đối lập. Khi đặt mình vào vị trí của người khác, chúng ta sẽ thấy những khía cạnh mà có thể mình vẫn đang ngộ nhận. Khi đặt mình vào vị trí của người khác, chúng ta sẽ thấy chính mình.

“Anh biết anh đang ở đâu không? Địa lý có thực sự quan trọng lắm không? Nếu tôi ở một quán bar ở trong khu phố của anh liệu cuộc nói chuyện sẽ khác đi không?”

Chúng ta vẫn thường phân loại con người theo địa lý, vùng miền, màu da, hay giới tính. Chúng ta vẫn thường tự cho rằng mình là người giàu sang phú quý hay tự ti về sự nghèo hèn thấp kém. Để rồi chúng ta cũng giống như Tony luôn tự cao về nguồn gốc địa vị của mình, như Don luôn tự ti vì màu da, giới tính hay về con người thật của mình. Chính điều đó xây nên những bức tường của định kiến ngăn cách ta với người khác. Nhưng Green Book đã chỉ ra một góc nhìn mới về phân biệt sắc tộc hay kỳ thị giới tính. Vấn đề không phải là sự khác biệt mà là sự ngộ nhận mới là thứ chia rẽ con người.

Gã tài xế Toney vẫn ngộ nhận mình là dân da trắng nhưng trên chuyến hành trình xuyên Mỹ anh nhận thấy thực ra mình “đen” hơn tay nghệ sĩ dương cầm Don. Còn Don cũng ngộ nhận chỉ có người da trắng mới kỳ thị người da đen, nhưng không phải chính nhữn người cùng màu da với anh cũng có cái nhìn soi mói chỉ bởi anh khác họ, chỉ bởi anh mặc vest có tài xế riêng, còn họ thì chỉ là nông dân làm việc trên những cánh đồng.

Đó là khi Toney nhận ra rằng:

“Chúa ơi, tôi còn đen hơn anh nữa. Còn anh, anh ngồi trên ngai vàng đi vòng quanh thế giới biểu diễn hòa nhạc cho mấy người giàu. Tôi sống trên đường phố. Anh thì ngồi trên ngai vàng. Vì vậy, đúng, thế giới của tôi đen hơn của anh.”

Và lúc này Don nhận ra thực chất thì mình trắng hơn gã da trắng Toney:

“Đúng vậy, tôi sống ở tòa lâu đài, Tony! Một mình. Và những người da trắng giàu có trả tiền cho tôi để tôi chơi dương cầm cho họ bởi vì điều đó khiến họ cảm thấy có văn hoá. Nhưng ngay khi tôi bước xuống sân khấu đó, thì với họ tôi cũng chỉ là một thằng da đen khác mà thôi. Bởi vì đó chính là thứ văn hóa thực sự của họ. Và tôi chịu đựng điều đó một mình bởi vì tôi không được chính những người như mình chấp nhận. Bởi vì tôi cũng không giống họ. Vậy, nếu tôi không đủ đen và tôi không đủ trắng và tôi cũng không đủ đàn ông, thì nói cho tôi nghe đi, Tony, tôi là gì?”

Chỉ qua đoạn đối thoại giữa Tony và Don trên chuyến xe đêm, dường như những vấn đề lớn về bình đẳng đã được tháo gỡ. Tony thực chất cũng đâu phải là một người da trắng học thức, cao sang như Don. Và Don thực chất cũng đâu có hiểu và quan tâm tới cuộc sống, văn hóa hay âm nhạc của những người cùng da màu như anh. Họ dần nhận ra con người thật của mình và từ đó đã thay đổi quan điểm của bản thân về người khác.

Từ lời thoại đến hành động trong Green Book đều mang đầy tính ngụ ngôn. Từ khai thác những chi tiết nhỏ như việc Tony vứt 2 chiếc cốc mà 2 thợ sửa ống nước da đen đã uống là đủ để thấy sự kỳ thị của Tony, như việc Don nhận ra ánh mắt soi mói của những người nông dân cùng màu da với mình trên cánh đồng; hay chỉ cần chi tiết Toney nhặt một viên đá màu xanh dưới đất cũng đủ để nói lên cách mà người da trắng đã xâm lược như thế nào. Hay mối quan hệ “qua đường” của Tony với 2 thành viên còn lại trong ban nhạc Don Shirley Trio cũng là một ẩn dụ thú vị về những mối quan hệ mang tính chính trị.

“Buổi diễn cuối cùng. Chiến tranh lạnh kết thúc rồi. Đình chiến thôi.”

Đó là cuộc đối thoại giữa một người Nga – thành viên trong nhóm nhạc của Don, và Toney một người Mỹ. Hai chiếc xe ô tô trên hành trình xuyên Mỹ vạn dặm người xem cũng thấy đầy ẩn ý. Dường như cả thế giới đều xuất hiện trong Green Book. Da trắng, da đen, da vàng, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Đức quốc xã và Do Thái, thế chiến thứ 2 và chiến tranh lạnh,… Lịch sử thế giới cũng như nước Mỹ đều đi lướt qua trên chuyến hành trình của Toney và Don. Green Book đã xuất sắc trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Từ những nhân vật phụ người đàn ông Ấn Độ làm giúp việc cho Don, nhân vật người châu Á chỉ xuất hiện chưa đủ 30 giây khi đến tuyển tài xế, hai ông bà hàng xóm được mời tới bữa tiệc giáng sinh, bạn làm ăn hay những người anh em của Tony,… Họ đều là những biểu tượng đầy ẩn ý mà Green Book đã ngầm dựng lên.

Green Book không đẩy diễn viên vào những tình huống để có thể dễ có cơ hội giành giải Oscar. Phim cũng chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa hai nhân vật của Marhershala Ali và Viggo Morternsen, vì vậy tuyến nhân vật phụ có ý kiến cho rằng là không được làm rõ. Tuy nhiên, dù đất diễn rộng hay hẹp thì tất cả diễn viên đều đã thành công trong xây dựng tính cánh nhân vật.

Có thể nói Green Book không tỏa sáng bởi những thứ gọi là nghệ thuật diễn viên, hóa trang, ánh sáng hay âm thanh… nhưng kịch bản của Green Book quá xuất sắc. Đạo diễn cũng đã tiết chế vừa đủ giữa hai thể loại hài kịch và chính kịch. Mặc dù phim đề cập tới những vấn đề nóng và nặng nề, Green Book lại không khai thác những xung đột gay gắt để gây phẫn nộ cho người xem, không lấy nước mắt của khán giả bằng những nỗi đau, cũng không gây cười một cách mỉa mai, châm chọc. Những chi tiết về phân biệt chủng tộc và giới tính được phim thể hiện bằng những chi tiết rất nhỏ, nhẹ nhàng nhưng mang tính ẩn dụ sâu sắc. Hơn nữa, Green Book không gây chia rẽ cũng như lên án, phản đối phe phải nào. Không có người da đen đứng lên chống lại người da trắng như nhiều bộ phim khác đã làm về phân biệt chủng tộc, ngược lại Tony chính là người lên tiếng bảo vệ cho Don và là người hành động để thay đổi suy nghĩ của những người da trắng. Bởi vậy trong Green Book không ai thắng ai, như lời của nhân vật nghệ sĩ dương cầm Don Shirley đã nói:

“You don’t win with violence, Tony, you win when you maintain your dignity. Dignity always prevails.”

Green Book là hành trình thay đổi định kiến và phá bỏ những ngộ nhận của con người về chính mình. Chuyến hành trình 2 tháng đã giúp Tony và Don nhìn ra thế giới nhưng là để soi lại chính mình và thay đổi những định kiến của bản thân. Tony từ một người bộc trực đôi khi là thô lỗ, luôn coi mình là mạnh nhất, sẵn sàng giải quyết mọi việc chỉ bằng vũ lực và dùng tiền mua chuộc để đạt được mục đích của mình. Thì giờ đây anh ta đã cư xử bình tĩnh và trầm lắng hơn. Còn Don từ một người khép kín, lạnh lùng, đoan trang đến cầm miếng gà KFC còn sợ bẩn thì giờ đã cởi mở, tự tin hơn. Họ đã tự tạo cho mình những cái tôi quá lớn. Chính điều đó là hố sâu ngăn cách con người.

Chúng ta, ai cũng giống như người tài xế kiêm vệ sĩ Tony hay nghệ sĩ dương cầm Don cũng chỉ là hai kẻ ngộ nhận. Dù là tự tin hay tự ti thì chúng ta đều là nhữn kẻ ngộ nhận về màu da, sắc tộc và địa vị cũng như con người thật của chính mình. Và Green Book đã trích dẫn một câu rất hay của Kennedy rằng:

“Ask not your country what you could do for it, ask what you do for yourself.”

Chỉ cần chúng ta làm tốt việc của mình đó cũng là cách thay đổi những vẫn đề lớn của quốc gia, thế giới. Và Green Book cũng đã chỉ ra một quan điểm mà tôi nghĩ là quan trọng trong vấn đề bình đẳng, đó là không phải là sự khác biệt mà là sự ngộ nhận. Chỉ khi con người dũng cảm đập tan bức tường định kiến do chính mình xây nên thì ta hoà bình mới được thiết lập.

Dù nhiều ý kiến phê bình phản đối, nhưng phải thừa nhận Green Book đã có cái nhìn nhân văn, hòa giải khi đặt nhiều vấn đề nóng của xã hội hiện đại trong một bối cảnh phim chỉ diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ, 2 nhân vật chính và những nhân vật rất phụ… Nhiều thông điệp ẩn dụ được xây dựng có thể với nhiều người là khiên cưỡng và gượng ép, nhưng không thể phụ nhận những màn đối thoại và hành động trong Green Book đã được chắt lọc vô cùng giản dị mà tinh tế, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Và đó chính là điều giúp cho Green Book xứng đáng đoạt giải Oscar 2019.

Cũng phải bàn thêm rằng trong thời buổi này, khán giả và giới phê bình đang đắm đuối vào thứ gọi là “nghệ thuật điện ảnh” nên họ dễ dàng đánh giá Green Book quá dở, không xứng đáng đoạt giải. Dễ hiểu thôi, một cuộc thi Hoa Hậu mà lại đưa một cô chẳng có gì nổi bật về ngoại hình, trong khi những ứng viên khác thì được make up kỹ càng, thân hình bốc lửa, thẩm mỹ vô cùng hoàn hảo. Tuy nhiên Green Book chiến thắng là nhờ phần thi “ứng xử”. Và cũng có thể vì Oscar thích bất ngờ khó đoán chứ thật sự Viện Hàn Lâm cũng chẳng thích Green Book đâu. Đơn giản như việc nhiều bài báo đưa tin tỏ vẻ bất bình và thất vọng về giải thưởng này. Không chắc đây là chiêu PR dìm nhau hay không, nhưng đã từ khi nào mà đã thành truyền thống, Oscar là giải thưởng gây tranh cãi. Tính từ 2010 tới giờ thì chỉ có The King’s Speech và Green Book là hai phim đoạt giải mà tôi không thể chối cãi. Điều thú vị là cả hai phim đều là câu chuyện về hai người đàn ông trong hành trình hoà giải từ kẻ thù thành bạn.

Tôi thì vẫn thích xem những bộ phim được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh dung dị, nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều thông điệp về chính trị, xã hội. Mà vấn nạn chung của phim ảnh ngày nay, dường như phim nào cũng chỉ thích phô diễn và thể hiện là phim có nghệ thuật, thành ra xem phim bây giờ thấy, các nhà làm phim đang quá bị lạm dụng nghệ thuật hóa trang, ánh sáng, âm thanh, âm nhạc và cả diễn xuất thành ra xem phim nhiều khi như đang xem kịch. Bởi vậy mà tôi đã phát biểu rằng: Ngày nay, khán giả thích xem đánh nhau… kỹ xảo… quay phim… diễn viên… chứ họ không còn thích xem phim nữa. Bạn có thấy thế không?

Comment