Song Lang là bộ phim điện ảnh chính kịch được sản xuất năm 2018. Kịch bản phim được chắp bút bởi chính đạo diễn Leon Lê và biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, với sự tham gia diễn xuất của Liên Bỉnh Phát và ca sĩ – diễn viên Isaac. Song Lang đưa người xem ngược dòng quá khứ, trở về Sài Gòn đầy hoài niệm của thập niên 80 khi người ta vẫn chuộng dùng radio, tái hiện hình ảnh những khu chung cư xưa cũ và trong phim thường xuyên vang lên các bài hát gợi nhớ một thời như Hà Nội mùa thu, Biển Hát Chiều Nay,… trong hành trình xuyên suốt bộ phim chính là sự xuất hiện của loại hình nghệ thuật sân khấu hoàng kim thời bấy giờ – nghệ thuật cải lương. Song Lang không những tái hiện lại Sài Gòn thân thương của một thời xưa cũ mà còn dẫn dắt người xem bước vào câu chuyện nơi ánh đèn sân khấu, cất lên khúc ca thê lương của một kiếp người.

Dũng – hay còn được gọi là Dũng “thiên lôi” sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật Cải lương. Mẹ anh là nghệ sĩ Hồng Điểu nổi tiếng còn cha là nghệ nhân đàn nguyệt. Tình yêu anh dành cho cải lương và sân khấu đã bén rễ từ những ngày còn bé. Khoảnh khắc cậu bé Dũng đứng từ sau cánh gà nhìn mẹ biểu diễn với đôi mắt hồn nhiên tràn ngập niềm hạnh phúc, trái ngược hẳn hoàn toàn với ánh mắt lạnh lùng, chất chứa nhiều muộn phiền ở hiện tại của một Dũng thiên lôi mà người đời khiếp sợ.

Và tình yêu dành cho nghệ thuật ấy đã phải lùi bước trước sự khốc liệt của cuộc đời, khi có sự thay đổi cơ cấu trong đoàn hát khiến gia đình Dũng mâu thuẫn dẫn đến chia ly, còn anh buộc phải lựa chọn con đường trở thành một tay giang hồ đòi nợ thuê, khoác lên mình vẻ ngoài tàn bạo, lạnh lùng và ôm một nỗi cô đơn không thể giãi bày. Cuộc đời Dũng giống như câu thoại mà anh đã nói từ đầu bộ phim: “Chiếc song lang không chỉ giữ tiết tấu nhịp nhàng cho lời ca, tiếng đàn mà nó còn là âm thanh nhịp sống, nhắc nhở chúng ta phải theo đó để giữ gìn khuôn khổ đạo đức của một người nghệ sĩ, nhưng từ lâu rồi, cuộc đời của tôi đã không còn vang lên những âm thanh này nữa.” Cuộc đời của anh bây giờ như một bài cải lương không có song lang giữ nhịp, từ khi bắt đầu vòng lặp của chuỗi ngày giang hồ, anh đã đánh mất đi nhịp sống, đánh mất khuôn khổ đạo đức của một người nghệ sĩ.

TỪ ÁM ẢNH VỀ QUÁ KHỨ

Xuyên suốt tác phẩm, quá khứ là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với Dũng. Ở những phân đoạn đầu phim, những cảnh flashback (Hồi tưởng) liên tục xuất hiện, dần hé lộ cho người xem câu chuyện của quá khứ và cũng nhằm nhấn mạnh những đổ vỡ trong quá khứ ấy có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống và hành vi của anh ở hiện tại. Nỗi đau từ sự kiện mẹ bỏ đi, sau đó cha mất sớm đã để lại cho Dũng một vết thương âm ỉ. Qúa khứ không những giam cầm cảm xúc, mà còn giam cầm cả tình yêu đối với nghệ thuật vẫn luôn chực chờ trong con người anh. Mất đi người thân, lựa chọn từ bỏ nghệ thuật. Dũng cô độc bước trên con đường mưu sinh mà cuộc sống đã tàn nhẫn bắt anh phải lựa chọn.

ĐẾN NỖI CÔ ĐƠN Ở HIỆN TẠI

“Không thân thích, không bạn bè, một mình tìm ăn, một mình chống chọi lại thú dữ. Đường xa, nghĩ mà ngại ngùng và kinh sợ.” Đó là đoạn văn được Dũng gạch chân trong cuốn sách mà Linh Phụng tìm thấy khi ở nhà Dũng. Người ta thường nói, con người tìm thấy chính mình thông qua những cuốn sách. Dũng đã nhìn thấy mình qua hình ảnh chú voi cô độc, bị tách khỏi bầy đàn và sống với một tương lai mù mịt. Nỗi cô đơn còn được thể hiện qua những phân cảnh Dũng ở trên sân thượng, lúc thì vào bình minh, lúc lại rơi vào khoảnh khắc hoàng hôn. Hình ảnh anh luôn một mình ở trên cao thể hiện rõ sự cô độc, trơ trọi dù là khi bắt đầu ngày mới, hay khi một ngày dài đã kết thúc.

Quá khứ và nỗi cô đơn đẩy cuộc đời Dũng trở nên bí bách, như một vòng luẩn quẩn không thể nào thoát ra được. Thế nhưng kỳ lạ thay, ngọn lửa nghệ thuật trong tâm hồn anh dường như chưa bao giờ bị dập tắt.

CUỘC GẶP GỠ CỦA TRI KỶ VÀ TÂM HỒN NGHỆ THUẬT MỘT LẦN NỮA ĐƯỢC KHƠI DẬY

Ở đoạn đầu phim, trong phân cảnh hồi tưởng cha mẹ cãi nhau, cậu bé Dũng lúc đó đã ôm chặt cuốn sách Ông già và biển cả. Ông già và biển cả kể về hành trình ông lão đánh cá Xantiago chiến đấu với con cá kiếm khổng lồ, biểu tượng cho ước mơ, khát vọng mà con người mong muốn đạt được, nhưng quá trình chinh phục ước mơ lại đầy gian lao và thử thách. Ước mơ và tình yêu dành cho nghệ thuật mà cậu bé Dũng ngày ấy ôm ấp cũng thật lớn lao và sâu đậm, lại được đặt vào phân cảnh khi gia đình cậu rạn nứt như dự báo một tương lai đầy chông gai và con đường nghệ thuật chẳng hề dễ dàng. Ngay cả khi cuộc sống rơi vào vô vọng, tình yêu dành cho nghệ thuật vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn dù Dũng tìm cách chối bỏ, điều này được thể hiện qua phân đoạn Dũng đến nhà hát Thiên Lý để xem cải lương dù cho trước đó từng dọa đốt trang phục diễn, radio của anh thường phát về cải lương hay như anh từng nói với Phụng: ”Phải làm vậy để tụi nó bớt xem thường kép hát”.

“Tui chưa thấy giang hồ nào mà gốc cải lương như anh hết.”

Cuộc gặp gỡ của Dũng với Linh Phụng chính là cuộc gặp gỡ định mệnh. Dù tương phản về tính cách, nhưng tâm hồn của hai người lại được kết nối bởi những vết thương trong quá khứ và sợi dây gắn kết mạnh mẽ là tình yêu dành cho cải lương. Hai người đã vượt qua cái ranh giới của tình bạn, tình yêu thông thường để đến với tình tri âm tri kỷ. Linh Phụng đã đưa cuộc đời Dũng sang một bước ngoặt mới, anh bắt đầu đóng lại cánh cửa quá khứ, cầm đàn để tiếp bước “nghiệp nghệ thuật” mà gia đình để lại, cũng như cho chính mình cơ hội trở về với con đường nghệ thuật.

Dũng đứng trước nhà hát Thiên Lý, sau lưng là chiếc đàn nguyệt, tưởng chừng một tương lai tốt đẹp hơn đang mở ra trước mắt anh, khi anh có thể cầm đàn tiếp tục đánh lên khúc ca, khi anh đã tìm được người tri kỷ là Linh Phụng. Thế nhưng ứng với vở kịch Mị Châu – Trọng Thủy, Mị Châu phản bội tổ quốc thì phải chịu nhát đao đền mạng, Dũng đã phản bội con đường mà mình đi bấy lâu thì phải hứng chịu kết cục bi thảm, dù có là quay lưng với cái ác. Dũng đã từng nói: “Nợ thì phải trả.” Nợ máu thì trả bằng máu, nợ mạng thì phải trả bằng mạng. Khoảnh khắc Dũng nhận lấy mũi dao oan nghiệt đồng hiện cùng phân cảnh Mị Châu bị chém chết của đoạn cải lương Mị Châu – Trọng Thủy đã trở thành cao trào của phim, để rồi vỡ òa, đau đớn, tiếc thương.

“Giờ phút này đây cuộc đời ta đứt đoạn

Nghe tiếng sóng gào như tiếng khóc vạn sanh linh

Thua cuộc chiến chinh ta đứng giữa trời cao biển rộng

Xin lấy giọt máu hồng mà đền tội với núi sông.”

TRIẾT LÝ VỀ LUẬT NHÂN QUẢ CỦA PHẬT GIÁO TRONG SONG LANG

Trong Phật giáo, nhân quả – nghiệp báo được hiểu là từ nguyên nhân – tức hành động, chủ ý cho một việc làm nào đấy dẫn đến kết quả, quả báo tương ứng. Làm việc tốt thì nhận quả tốt, làm việc ác thì sẽ nhận báo ứng tương tự. Vì thế khổ đau hay hạnh phúc là do chính con người định đoạt. Ở Song Lang, Dũng đi theo con đường giang hồ, thường xuyên đi đe dọa, đòi nợ và đã gián tiếp gây ra cái chết cho vợ của Tài Đen, anh đã gây ra nghiệp ác thì bây giờ phải nhận báo ứng bằng chính sinh mạng của mình.

Dũng đã phải trả giá cho những gì mình gây ra. Giờ đây, anh và Phụng chia cắt âm dương, khát khao của anh cũng hóa thành giọt máu đào tan cùng màn mưa, sân khấu hạ màn cũng như khép lại một kiếp người thê lương.

Song Lang với sự đầu tư chỉn chu từ phần bối cảnh, âm thanh cho đến kịch bản đã thành công đưa người xem trở về những tháng năm hoài cổ và mang lại cảm xúc nghẹn ngào. Ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, tác phẩm như một lời tri ân từ đạo diễn Leon Lê đến loại hình nghệ thuật sân khấu lâu đời của dân tộc. Đồng thời bộ phim cũng gửi gắm thông điệp nhân văn rằng hãy buông bỏ quá khứ để có thể sống thật tốt ở hiện tại và tương lai.

Bài của Nhựt Hào đăng tại: Lalarme Cinema

Facebook Comments Box

Comment