Bạn cảm thấy điều gì khi nói mình “yêu” một ai đó? “Yêu” là hành động cụ thể hay là cảm xúc giống như xấu hổ, tức giận, thẹn thùng,…? Có bao nhiêu phần trăm yêu trong cái “yêu” bạn trao gửi tới đối phương? Liệu ta đã hiểu hết về từ “yêu” hay chưa để có thể tự tin nói rằng mình “yêu” một ai đó chân thành và hoàn toàn?

Đó chí ít là những gì Kafuku tin tưởng, cho tới khi anh ta phát hiện vợ mình đang ngoại tình. Hai năm sau, khi đã hơn 40 tuổi, Kafuku vẫn là một diễn viên sân khấu tầm tầm, sở hữu chiếc Saab 900 đỏ bền bỉ, còn người vợ thì đã mất vì xuất huyết não. Con gái họ đã chết non năm 4 tuổi. Về cơ bản, anh ta giờ đây là một kẻ cô độc hoàn toàn trên cõi đời này, theo mọi nghĩa. Sự tồn tại của Kafuku chỉ là vệt nối dài của sự lãnh đạm, chứ không phải đau khổ, trong dòng đời chảy trôi. Tuýp nhân vật yêu thích của những cô nàng khát tình và Murakami.

Kafuku nhận lời làm đạo diễn cho liên hoan sân khấu tại Hiroshima, tại đây anh ta bị ép phải giao xe cho một nữ tài xế tên Misaki chở để tránh gây tai nạn. Những gặp gỡ với nhiều người xung quanh dần tác động vào Kafuku, khiến anh ta buộc phải nhìn nhận lại các vấn đề của mình. Rõ ràng, đây là kiểu phim truyện điển hình mà chúng ta đã được chứng kiến trong nhiều năm qua. Vậy tại sao một tác phẩm chuyển thể dài ba tiếng với những cliché cũ kĩ và không có cao trào nào lại giành được nhiều sự khen ngợi như vậy?

Chuyển thể các tác phẩm của Murakami không phải là chuyện dễ dàng. Làm sao để xây dựng nên một thế giới đủ chi tiết chứa đụng quá khứ của nhân vật, vốn được tường thuật chủ yếu qua độc thoại nội, luôn là bài toán khó cho những nhà làm phim tham vọng. Vì thế, Hamaguchi đã dành đến hơn 40 phút cho phần tiền truyện nhằm thực hiện nhiệm vụ này. Đáng chú ý hơn, đạo diễn đã khéo léo mượn ý tưởng từ những truyện ngắn khác trong cùng tập truyện “Những người đàn ông không có đàn bà”, bao gồm “Kino”, “Nàng Scheherazade”, hay “Cơ quan độc lập” để làm phong phú thêm câu chuyện của mình.

Một điểm đáng chú ý nữa của kịch bản là, xuyên suốt Drive My Car luôn luôn tồn tại sự đối sánh. Nó nằm trong sự tương ứng của tình huống phim với các lời thoại trong Cậu Vanya. Nó hiện diện theo cách vừa ấm áp lại vừa đau đớn khi Kafuku ăn cơm cùng gia đình Yoon Su, một cặp đôi hạnh phúc đúng nghĩa dù hoàn cảnh không trọn vẹn. Nó xuất hiện trong tâm trí người xem khi ngầm so sánh mạch phim với (các) truyện ngắn của Murakami. Nó cũng thật rõ ràng khi Kafuku đối đáp với Takatsuki trên xe, về tình yêu của họ dành cho cùng một người đàn bà. Và trong chính cách tiếp cận vở kịch khác thường: Cùng một kịch bản nhưng mỗi diễn viên tới từ nhiều quốc gia sẽ sử dụng chính ngôn ngữ bản địa của mình để diễn. Họ buộc phải nhớ toàn bộ kịch bản để có thể khớp với diễn biến trên sân khấu. Trong quá trình diễn, khi bạn diễn đọc lời thoại, cái mà diễn viên nghe thấy là một ngôn ngữ khác, nhưng trong đầu họ cũng phải tự nhẩm lại lời thoại bằng ngôn ngữ của mình. Họ đang không nói với ai khác ngoài chính bản thân mình. Thứ cảm xúc họ biểu lộ chính là cảm xúc đối với bản thân và văn bản kịch. Quá trình đối chiếu và trao đổi với văn bản (chứ không phải bạn diễn) giúp họ thấu hiểu cả lời thoại lẫn con người mình được phản ánh trong đó. Rồi, có gì đó nảy sinh, phát tiết ra ngoài, và họ đem thứ đó lên sân khấu. Bằng cách tiếp cận tác phẩm như thế, người diễn viên có thể hiểu một cách đầy đủ nhân vật và toàn bộ câu chuyện, từ đó đạt được hiệu quả diễn xuất tốt nhất.

Nhưng từng ấy sự so sánh được bày ra cũng chỉ nhằm chứng tỏ cho sự trống rỗng mà Kafuku đang mang. Khi thoát vai, dường như anh ta không học được điều gì đáng kể. Anh trở lại một người đàn ông cô độc với những sự tiếc nuối không lời giải và cô đơn thường trực. Anh lặp đi lặp lại những lời thoại phát ra từ băng cát-sét với giọng của vợ trong vô thức để chạy thoát khỏi thực tại của mình. Giống như Misaki lái xe. Cô lái xe vừa để quên đi thực tại, vừa để nhớ về người mẹ đã khuất. Cô dìm sự hiện diện của bản thân về con số không, đến mức Kafuku cảm thấy anh ta quên mất mình đang ngồi trên xe. Nhưng nỗi đau vẫn luôn thường trực ở đó, dù ta có cố gắng trốn chạy như thế nào.

Làm thế nào để tìm được mình giữa dòng đời chảy trôi? Phải đi đến đâu, gặp ai, làm gì? Càng cố gắng thì các nhân vật của chúng ta lại càng tuyệt vọng hiểu rằng: không còn cách nào khác ngoài đối diện với chính bản thân mình.

Nhưng một lần nữa, làm thế nào để đối diện với chính mình? Đó là một hành trình đòi hỏi sự can đảm, và cả thời gian. Sáu năm với Misaki. Hai năm với Kafuku. Dù có phải chạy dọc đất nước, hay đánh người ta đến chết cũng không phải chuyện gì to tát. Dù có phải xem bộ phim ba tiếng thêm một lần nữa cũng không phải chuyện gì to tát. Không như cậu Vanya chỉ còn 13 năm đằng đẵng để sống, chúng ta còn có 20, 40, 50 năm trước mắt. Tại sao phải cố kìm nén và hy sinh vô ích như vậy? Tại sao phải tự dày vò mình trong sự đằng đẵng, mà không phải từng bước tìm trở lại những cảm xúc, dù là cảm xúc đau đớn, để bản thân có thể thích ứng với thế giới này, dù biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ trở lại được như xưa nữa?

Trong phim, Kafuku khẳng định rằng anh và người vợ quá cố đều yêu nhau. Nhưng anh ta dường như chưa thể tường tận được bản thân cũng như đối phương mà đã vội vàng kết luận như vậy. Liệu việc anh ta yêu vợ mình có giống như người vợ yêu Kafuku không? Và sự “yêu” của họ liệu có giống như chúng ta nghĩ không? Tôi tin rằng mỗi người sẽ có riêng cho mình một cách yêu khác nhau. Hiểu chính mình cũng là một cách để yêu. Có lẽ phải bắt đầu từ đó.

Ý tưởng của Drive My Car không mới, nhưng cách truyền tải bình tĩnh, thấu suốt của phim đã thực sự chạm được đến khán giả. Khi mà bộ phim tự giải quyết chính vấn đề của nó mà không đòi hỏi sự phán xét của người xem, chính chúng ta, sau đó, cũng sẽ phải dành thời gian để hiểu và yêu chính mình. Ai đó có thể cầm lái vô lăng xe của ta, nhưng chỉ có ta mới có thể chỉ hướng cho nó trên đường đời.

* Bài viết của bạn Nhím, thành viên CLB Điện ảnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Facebook Comments Box

Comment