Hôm nay tôi cảm thấy mình khá tệ, tôi không đến một buổi tiệc chia tay một người anh sắp đi xa, vài người trong buổi tiệc gọi điện và nhắn tin nhiều với những lời trách móc tôi đáng được nhận. Nhưng tôi không muốn đến, chỉ là bữa tiệc tàn, chấm dứt hết những ngày tháng đã qua ở nơi xa xôi này. Tôi nghĩ đến chẳng để làm gì, tôi muốn gặm nhấm nỗi buồn của mình ở nhà, ru rú ở nhà. Có lẽ tôi đã rất ích kỉ khi làm theo ý mình, có lẽ tôi đã quyết định đúng, anh em tôi không phải có điều gì đó hơn là một bữa tiệc chia tay. Nhưng thôi, tôi muốn kể chuyện bóng đá. Tôi vừa mới xem xong trận bóng giữa Bồ Đào Nha và Mỹ, một trận bóng thật hay, quá nhiều may mắn cho Bồ, cho CR7, thật tiếc cho người Mỹ, đội bóng mà tôi ủng hộ, cùng cô em gái đang học bên Anh.
Tôi ngồi xem một mình, cả world cup này tôi vẫn theo dõi những trận mà tôi có thể xem khi tôi không phải đi làm, đa phần tôi ngồi xem một mình, cùng với 1 ít nước ngọt, bia hay trà đại loại là thứ gì đó có thể uống nhấm nháp, một ít đồ ăn vặt, hoặc đôi khi tôi vừa ngồi xem bóng đá vừa xem phim (phim gì đó không cần theo dõi kĩ, hoặc xem lại), vừa chơi game… tôi cảm thấy tôi đang co trong thế giới của mình, trong bốn bức tường và mái nhà nghiêng nghiêng, chẳng ai động vào, chẳng ai muốn cùng tôi xem, hoặc giả tôi chẳng muốn xem cùng ai. Tôi nhớ bác tôi.
Khi tôi mới chỉ là cậu bé học lớp 4, tôi và bác xem Euro 1996 ở trong Dak Lak. Ngoài bố mẹ thì bác là người gần gũi, yêu thương tôi nhất. Tôi cũng vậy, tôi vô cùng yêu mến bác, bác rể, chồng của chị gái mẹ tôi. Nhà bác ở Quy Nhơn, nhà tôi ở Đak Lak, thỉnh thoảng bác có việc phải xuống Đak Lak, bác ở nhà tôi, và cả cái mùa euro đó, bác ở với tôi. Bác mê bóng đá, vậy là tôi vốn đã quấn lấy bác, lại càng không rời bác. Một cậu bé 10 tuổi và người bác gần 40 tuổi cùng thức đêm, cùng ngồi xem bóng đá. Lúc đó, hằng đêm xem bóng đá, bác hay pha mì tôm, hai bác cháu ngồi ăn. Có lần tôi ăn được tận 2 gói liền, thế là đi đâu bác cũng khoe thằng cháu ăn được hai gói mì tôm một lúc. Tôi chẳng nhớ được nhiều điều cụ thể. Tôi chỉ nhớ vậy. Euro 1996, tôi thích Đức từ đó, tôi biết xem bóng đá từ đó. Và được xem bóng đá cùng bác là điều tuyệt vời nhất mà tôi có thể có đối với môn thể thao này.
Tôi nhớ, khi tôi ra Hà Nội, lần đầu tiên tôi nghe giọng bác qua điện thoai, tôi đã khóc nức nở, tôi khóc nấc từng tiếng. Giữa những người lạ bạn bè bố mẹ tôi, tôi ngây ngô và đa cảm. Tôi vừa thấy xấu hổ vừa cảm thấy nhớ bác kinh khủng. Rồi thỉnh thoảng bác ra Hà Nội chơi, may mắn nhất là những mùa hè bác ra đúng lúc có bóng đá. Hai bác cháu lại thức xem. Màn đêm thật tuyệt, mát lành và thanh khiết. Bóng đêm như ôm trọn và bảo vệ bác cháu tôi đang ngồi trước màn hình tivi, một già một trẻ, một to lớn một bé nhỏ. Những ánh sáng chuyển động chiếu ra từ màn hình, bóng đêm vừa nhảy múa vừa hát ru nhẹ nhẹ theo tiếng gió, theo tiếng ễng ương kêu to từ bể nước nhỏ trước sân nhà trẻ đối diện nhà tôi, tiếng ve, tiếng dế, tiếng thế giới hòa nhịp vui và đầy sôi động cùng bóng đá. Thoảng thoảng vọng từ dưới đường, vang lên tầng 2 phòng hai bác cháu xem bóng đá là tiếng cô bán bánh mì dạo “Bánh mì nóng đây”. Tôi và bác đều đói, chúng tôi chạy vội ra ban công gọi với theo, tiếng thì thầm thật to, bác đùa gì đó, tôi bật cười. Bác luôn là người vô cùng hài hước. Chúng tôi lấy hai đến ba ổ bánh mì, cô bán hàng rong lấy sức liệng mạnh lên tầng hai, tôi gói vò tiền lại thành cuộn nhỏ và ném trả lại cho cô như trao đổi nhau những thư từ bí mật gì đó giữa đêm khuya, một dạng hoạt động điệp viên bí mật mà tôi hay thấy được làm phim trên truyền hình.
Tôi nghĩ bác là người rang cơm ngon nhất trên đời, chẳng có gì ngoài cơm trắng và muối nước mắm gì đó, nhưng thật ngon, thơm và ngậy. Tôi tin là nó rất ngon, đến tận bây giờ, khi ngồi gõ những dòng này tôi vẫn mường tượng ra được cái vị cơm rang tôi được ăn hồi nhỏ đó, nó đơn giản, tinh tế như chính bác vậy. Hai bác cháu tôi, cứ lầm lũi về đêm như thế, xem bóng đá, bác kể chuyện cho tôi nghe, cùng xem Sác-Lô diễn hài trên tivi ở những giờ nghỉ giải lao 15 phút giữa trận. Tôi tin rằng tôi nhìn thấy thế giới phương tây, thế giới bên ngoài Việt Nam là từ bác, từ âm nhạc của Micheal Jackson, ABBA, Mordern Talking, tất cả những điều đó đến từ bác. Tôi lúc đó giống như tấm gương chiếu lại những gì bác tôi thích: âm nhạc, bóng đá, phim ảnh… Bác chính là người bạn lớn của tôi, trong cả quãng đời của mình.
Tôi đôi khi bị mẹ bắt đi ngủ sớm, không được thức quá khuya. Lúc đó, mẹ tôi không cho tôi ngủ cùng bác, vì bác tôi hay thức khuya, xem tivi cho đến khi hết chương trình mới chịu, bác còn hút thuốc lá, điều mẹ tôi rất ghét. Nhưng tôi hay đợi mẹ tôi ngủ say, tôi lại lẻn xuống nằm với bác, xoa cái bụng to của bác, và nằm nghe bác nói chuyện. Đôi khi bác kể chuyện đời bác, đôi khi bác nói về mẹ, cả những lời khen tặng lẫn những điều bức xúc mà mẹ tôi vì tính áp đặt của mình hay gây ra cho người khác, rồi bác nói về con gái bác, về bác gái tôi. Tôi nằm nghe, trong âm thanh đêm, trong sự ấm áp từ cơ thể bác, và sự to lớn của bác mang đến cảm giác được chở che cho tôi, tôi nghe trọn nhưng luôn luôn im lặng. Tôi quá nhỏ để hiểu chuyện đời, tôi nghĩ bác chỉ cần một chỗ nào đó để có thể kể được hết mọi chuyện, và tôi là một chỗ hoàn hảo, luôn im lặng, kín tiếng và ít nói. Cuộc đời bác thật khổ, cả hai bác. Tôi biết nói gì về điều đó, tôi chỉ nằm im, ôm bác thật chặt.
Đến lúc học đại học, đã lớn, nhưng mỗi lần bác ra Hà Nội tôi lại xuống nằm với bác, lại cùng xem bóng đá, cùng ăn đêm, ngồi ngoài ban công ngắm trời đất và nhìn bác hút thuốc. Dù lớn làm sao thì tôi vẫn chỉ là đứa bé trong mắt bác. Trong suy nghĩ của tôi, những câu chuyện của bác vẫn quá lớn vượt ra khỏi khả năng chia sẻ bằng lời nói, tôi vẫn im lặng nghe, vẫn nằm xoa bụng bác và ôm bác thật chặt.
Cả đời tôi, tôi chỉ muốn hai bác ra Hà Nội, ở gần bố mẹ tôi và tôi, rồi có chuyện gì tôi sẽ chăm sóc hai bác. Tôi luôn muốn những người thân yêu của tôi sống gần nhau, tôi luôn muốn họ có nhau khi vui lẫn khi buồn. Vẫn ở trong đất nước Việt Nam thôi, nhưng thực sự Quy Nhơn và Hà Nội xa nhau quá, mỗi lần hai bác ra chơi thật ngắn ngày, điều đó làm tôi luôn thấy buồn mỗi khi chia tay, mỗi bữa ăn cuối cùng ở nhà hàng hay được làm lớn ở nhà. Tại sao ta cứ phải làm tiệc chia tay, tại sao không đơn giản coi đó là chuyện bình thường của cuộc đời, để sự ra đi không bao giờ mang cái ý niệm được cấy ghép đầy buồn bã qua những bữa tiệc tàn như vậy? Chúng ta chia tay, gặp nhau, nói cười, ăn bữa ăn cuối cùng và coi đó là kết thúc. Tôi chẳng thiết những điều đó, tôi luôn muốn cái tâm trạng của mình đối với một người là tâm trạng xuyên suốt và đồng nhất, có nghĩa là chữ chia tay được cấy vào đầu bằng sự vô thường của đời sống chứ không phải bằng sự bịn rịn của những cuộc gặp gỡ mang đầy sự nông cạn. Có lẽ tôi lại đang tự huyễn hoặc cho tính ích kỉ của mình.
Những đêm này, xem bóng đá một mình, tôi thấy thật nhớ bác. Bác cũng xem bóng đá một mình, không dám bật tiếng vì bác gái khó ngủ, bác sẽ hút rất nhiều thuốc lá. Cuộc đời này, niềm vui cũng thật nhiều mà nỗi buồn còn nhiều vô hạn.