Một kẻ mơ mộng sẽ chẳng được chết với mộng tưởng của mình, mà chết với thực tại bên ngoài cơn mê sảng của chính mình. Isabelle (Eva Green) đã cầm theo ống dẫn khí gas vào lều ngủ của mình nơi có người anh trai sinh đôi Theo (Louis Garrel) và bạn tình Matthew (Michael Pitt) để quyết định tự sát. Trước đó, cô đã nói chuyện với Matthew về việc sẽ ra sao nếu cha mẹ phát hiện ra anh em họ nằm ngủ trần truồng với nhau và tượng tưởng tới một cảnh tự sát trong một bộ phim cổ điển cô đã xem, liệu cô có đạt được mộng ảo đó không? Cuộc sống không đơn giản vậy, mơ mộng thật tuyệt vời nhưng thực tại là không thể tránh.

Tên bộ phim đã nói đủ để ta hiểu đạo diễn Bernardo Bertolucci sẽ dẫn ta đến đâu trong hành trình của ba thanh niên, hai người Pháp và một người Mỹ trong tuổi trưởng thành của mình. 

Thời đại không quan trọng, dù bối cảnh cụ thể trong phim liên quan đến những cuộc bạo động của sinh viên Pháp vào năm 1968, nhưng thực sự thì thời đại nào cũng vậy, luôn tồn tại những thái cực bất ổn mà ở đó những kẻ mơ mộng thiếu lý tưởng, hoặc có lý tưởng nhưng chỉ dựa hoàn toàn trên sự tưởng tượng hay chỉ luôn trốn vào sách vở để nhốt mình vào thế giới riêng, cô lập và tách biệt với đời sống bên ngoài. Biên kịch Gilbert Adair và đạo diễn Bernardo mang đến một bối cảnh cụ thể để miêu tả những tính cách điển hình rời xa thực tại để chìm đắm trong những đam mê bất tận của riêng mình. Matthew là một sinh viên Mỹ chuyển tiếp sang Paris học tiếng Pháp. Là một người mê phim ảnh, anh thường xuyên đến Viện tư liệu phim Pháp (Cinémathèque Francaise) để xem những bộ phim cũ, kinh điển và hiếm. Tại đó anh gặp hai thanh niên Pháp, là hai anh em sinh đôi, có tư tưởng tự do và lối sống kì lạ, và tất nhiên là cùng mê phim ảnh như anh. Họ nhanh chóng thân thiết, họ chia sẻ tình yêu và niềm đam mê trong những cuộc chuyện trò đầy thú vị.

Câu chuyện hầu như chỉ xoay quanh ba người họ, tại một căn hộ ở Paris, nơi mà bố mẹ của Theo và Isabelle đang vắng nhà. Họ thắc mắc tại sao lại ít có các rock band hay ở Pháp, họ tranh luận xem ai hơn ai giữa Chaplin và Keaton, Hendrix và Clapton, họ đóng vai và bắt những người kia đoán về bộ phim họ đang muốn nhắc đến. Nếu thua, chờ đón họ sẽ là những hình phạt mang đầy dục tính. Cứ như thế, đột nhiên giữa họ không còn giới tính dù đề cập đến tình dục nhiều, tình dục khi đó dường như chỉ là một điều bình thường mà dần dần Matthew cũng chấp nhận nó với tình yêu vô điều kiện dành cho cả hai anh em sinh đôi kia. Nhưng nói thế không có nghĩa là ở đây có sự phi luân nào đó được lồng vào trong phim gây nghi ngờ. Sự phán xét là điều thường thấy khi người đời quan sát cuộc sống của người khác.

Nếu chỉ quan sát và đánh giá như cách Matthew ban đầu đã làm khi nhìn thấy hai anh em sinh đôi nằm ngủ khỏa thân với nhau thì bộ phim mang vác trong nó quá nhiều tình tiết khiêu dâm đáng lên án. Nhưng hãy nhìn qua con mắt của những kẻ mộng mơ. Những kẻ mộng mơ là những người có tâm hồn thuần khiết và trong sáng, nhân sinh quan của họ len lỏi trong những đám mây ngũ sắc mà ta có thể tưởng tượng thành muôn vạn hình thù. Không có giới hạn nào cho họ. Họ ở một nơi cách biệt với thực tại khách quan. Theo và Isabelle thuần khiết và trong sáng, như hai đứa trẻ chưa chịu lớn, chưa sẵn sàng đối diện với thực tại, chúng nhập tâm những gì chúng xem qua phim ảnh hoặc đọc qua sách vở mà không hiểu được thực tế là gì. Chúng không hiểu những trò chơi của chúng về tình dục, về giới tính ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm và có dáng dấp đầy biến thái, như khi Isabelle bắt Theo thủ dâm trước bức ảnh một nữ diễn viên cổ điển ngay trước mặt cô và Matthew, hay Theo bắt Isabelle nộp phạt sau khi thua cuộc là làm tình trước mặt anh. Đạo diễn luôn để ra những điểm nhìn để ta hiểu hai anh em đó không làm gì loạn luân, trái đạo đức, chúng chỉ khám phá nhau, yêu nhau và coi chúng như hai nửa của một bản thể thống nhất, một cặp sinh đôi dính liền.

Dùng giọng kể và bình luận của Matthew, camera luôn đi theo Matthew như người quan sát, chân dung của cả ba hiện lên, lồng trong những cảnh phim trắng đen kinh điển với những lời thoại được diễn lại của những Cinephile (người mê phim ảnh) đích thực, giữa bốn bức tường. Vì Matthew dường như là kẻ ít mộng mơ nhất trong ba người họ. Họ yêu, chia sẻ với nhau cuộc sống của những kẻ không cần biết gì trên đời ngoài đối phương, làm tình, trò chuyện và diễn. Cuộc sống của họ chỉ phảng phất hiện thực khách quan đại diện bằng bức tượng bán thân của Mao Trạch Đông, bằng cuộc tranh luận về chiến tranh Việt Nam với bố của Theo trong bữa ăn đầu tiên Matthew đến nhà họ và bằng những âm thanh ồn ào ngoài đường phố đôi khi vọng vào vô thưởng vô phạt, còn họ thì đang sống ở thế giới khác, một thế giới xưa cũ được dựng lên bằng những thước phim điện ảnh, từ Hollywood đến Pháp. Không có một bộ phim hiện đại nào lọt vào trong tâm trí họ, ngoài Band of Outsiders của Godard làm ra năm 1964. Họ thoát ly thực tại như cách những nhân vật của Godard chạy xuyên qua bảo tàng Louvre mặc kệ tất cả khách tham quan, bảo vệ… trong hơn 9 phút. Thế giới của họ gói gọn trong tâm trí bằng những hình ảnh đại diện nền điện ảnh và bốn bức tường với những tấm séc bố mẹ cho để sống. Họ sẽ cứ thế sống và chết trong suy nghĩ non nớt và dại dột của Isabelle nếu như không có viên đá cảnh tỉnh đến từ hiện thực. Viên đá đó đánh thức họ khỏi cơn mơ kéo dài bất tận, nhưng lôi họ vào nơi họ chưa có sức đề kháng, chưa biết tạo kháng thể để bảo vệ mình. Thực tại là bất lương, và cơn mơ là cuộc sống thú vị duy nhất đã bị đánh thức.

Khi điện ảnh hay nghệ thuật nói chung không đơn thuần là giải trí mà còn mang đến cho ta sự chiêm nghiệm về những cuộc đời khác, những con đường khác mà ta không thể đi bằng sự tự thân vật lý của mình. Điện ảnh dẫn ta vào một mê lộ đầy huyễn hoặc mà nếu vô tình, trong nhận thức còn bồng bột và nông cạn, thiếu trải nghiêm và sự va vấp ta sẽ để nó dẫn vào thế giới của những kẻ mộng mơ thực sự, của những người có lý tưởng sống đầy nghịch lý, chấp chới và bấp bênh giữa hiện thực, ảo tưởng và hoài cổ. Bernardo ném viên đá vào cửa sổ để đánh thức họ khỏi cơn mơ, nhưng mơ mộng là điều không chỉ dành cho những cơn say ngủ, nó còn dành cho những người tỉnh thức nhưng thần trí nằm ở thế giới khác không thuộc về thế giới này. Theo và Isabelle lao mình vào cơn bạo động, đầy bốc đồng và ngây thơ như vậy. Đôi khi ta chợt không hiểu đạo diễn đang muốn nói đến điều gì, cổ súy sự tự do tinh thần, sự đào sâu vào nghệ thuật bằng những cử chỉ đam mê chân chính, hay đạo diễn trong cái bối rối của chính mình, đưa người xem vào hang ổ của những kẻ mơ mộng, đồng thời, bật đèn sáng trưng cái hang đó để thấy nó đang bị hủy hoại như nào.

Thời đại nào cũng đầy những kẻ mơ mộng. Chỉ có cách thức mơ mộng là khác nhau. Chúng là vị đắng của thời đại. Christopher McCandless trong Into the wild, Dean Moriarty trong On the Road, Monica trong The Drifts… là vị đắng còn đọng lại của giọt cafe trong họng của những kẻ mơ mộng nửa vời. Nửa vời không xấu, nửa vời tức là còn nhận thức được thực tế. Còn những cái tên trên kia là những kẻ mộng mơ thực sự, họ là những trải nghiệm không ai dám theo đuổi nhưng ai cũng ngưỡng mộ, họ là một bộ phim phi thực tế mà ta chỉ có thể chìm đắm trong đó, yêu thích và bị mê hoặc bởi cuộc sống đó nhưng không thể hoặc rất ít người có thể làm theo. Vậy câu hỏi đặt ra là, họ có hối tiếc rằng phần đời mộng mơ ấy có thể sẽ khiến họ trở thành một kẻ thất bại thảm hại hay không? Bernardo để bài hát Non, Je Regrette Rien của Edif Piaf cất lên ở cuối phim. Tôi nghĩ, ta không được hối tiếc với những gì ta đã lựa chọn cho cuộc đời của mình, dù người ngoài nhìn vào thấy chúng tồi tệ và khó chấp nhận đi chăng nữa.

Eva Green, Louis Garrel, Michael Pitt đã đóng vai những kẻ mộng mơ rất tốt, cảm giác như họ đơn giản sống cuộc đời của chính họ, trong tuổi trẻ đầy sức sống, trong những đam mê vô tận với điện ảnh. Họ tự do trần truồng phô bày chính mình, trong dục vọng nung đốt cơ thể, camera đi theo không do dự, câu chuyện không tránh sự cấm đoán. Trần trụi và chân thật, đơn giản và thú vị, âm nhạc thời đại phá bỏ mọi cấm đoán về lề thói cũ. Đạo diễn Bernardo Bertolucci đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh ám ảnh. Nó khiến những ai sống quá thực tế không thể hiểu và có lẽ khó chịu, còn khiến những kẻ sống một cuộc đời nhiều mơ mộng và đam mê sẽ nhận ra mình trong những hình hài và câu chuyện đó ở bên trong sâu thẳm con người mình, để rồi cứ bải hoải và bồi hồi, cứ tấm tắc và khen ngợi, cứ thấy hoài thương và được nhắc đến trong suốt hành trình của cuộc đời mình, như một mong muốn khao khát đạt tới cuộc sống đó, nhưng lại sợ hãi và lùi tránh nó. Một bộ phim mang đến nghịch lý cho chính cảm xúc của những kẻ sống đầy đam mê, chính nghịch lý làm nó trở thành một tác phẩm tuyệt vời và đáng được nhắc nhớ về vọng tưởng của cuộc đời.

Facebook Comments Box

Comment