Mấy tuần gần đây, cái tên “Kong: Skull Island” đang làm dậy sóng các rạp chiếu. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử, có một bộ phim bom tấn của Hollywood được lấy bối cảnh ở Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang tới nhiều cơ hội để phát triển du lịch. Thế nhưng hãy tạm quên một “Kong: Skull Island” hời hợt đi, bởi trước đó, sâu sắc, nổi bật và danh giá hơn, phải kể đến “Indochine” (1992) – một bộ phim nói về cuộc chiến giữa Đông Dương và Pháp do chính những nhà làm phim người Pháp, tiêu biểu là đạo diễn Regis Wargnier làm nên. Phim đã từng đạt giải thưởng “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất” tại lễ trao giải Oscars lần thứ 65, và đem cho diễn viên Catherine Deneuve một đề cử cho Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất.
“Indochine” (Đông Dương) là một bộ phim của Pháp, nói về chính vùng đất thuộc địa mà họ đã mất, cuộc chiến mà họ đã thua. Phim không tập trung nhiều đến mặt trận vũ trang, cuộc bắn giết giữa hai bên mà lại lấy bối cảnh vào những năm 30 của thế kỷ trước, sau khởi nghĩa Yên Bái, nhân dân Đông Dương dần có sự thay đổi về tư tưởng, dần biết đứng lên đấu tranh, phản kháng. Phim kể về cuộc đời éo le của hai mẹ con Eliane (Catherine Deneuve) và Camille (Phạm Linh Đan). Camille vốn sinh ra trong dòng dõi hoàng tộc, là “cô công chúa nhỏ của xứ An Nam”, sau khi cha mẹ mất thì được một người bạn thân của gia đình là Eliane nhận nuôi. Eliane là chủ đồn điền cao su rộng lớn, giàu có và nổi tiếng trong giới người Pháp ở Đông Dương. Cô yêu thương Camille như con ruột và muốn bảo vệ, dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho con. Mọi chuyện dần trở nên éo le khi Camille phải lòng một sĩ quan hải quân Pháp – Jean Baptiste, mà không lâu trước đây là người tình của mẹ. Vì sự can thiệp của Eliane nên Jean bị điều chuyển công tác ra Vịnh Hạ Long. Còn Camille phải nghe theo sự sắp đặt môn đăng hộ đối từ trước, cưới Thành – một thanh niên trí thức yêu nước. Đám cưới không ngăn được cô gái trẻ đến với tình yêu đích thực của đời mình, Camille thuyết phục Thành rồi bắt đầu chuyến hành trình ra Bắc, một mình đi tìm Jean. Cuộc đời các nhân vật từ đó mà phát triển, biến đổi theo những ngã rẽ khác nhau, mà vận mệnh của họ đều gắn liền với hoàn cảnh xã hội bấy giờ.
Làm phim về chiến tranh, chính trị vốn không hề dễ dàng. Bởi trước khi là nhà làm phim, người nghệ sỹ thì họ cũng chỉ là những con người bình thường trong xã hội, mang một quốc tịch và được dạy dỗ để nhìn thế giới dưới những lăng kính khác nhau. Trong lịch sử điện ảnh, ta cũng bắt gặp không ít tác phẩm nghiêng hoàn toàn về một bên, hoặc ngợi ca hoặc bôi nhọ. Thế nhưng, chắc chắn “Indochine” không phải một trong số đó. “Đông Dương” cho người xem một góc nhìn khách quan, thể hiện thái độ tôn trọng với lịch sử, với người Việt, với chính cuộc chiến mà họ – người Pháp đã thất bại. Phim cũng không đề cao, ca ngợi hay bôi xấu hoàn toàn bên nào. Ta sẽ thấy có những người Việt yêu nước, hi sinh cả tuổi trẻ, mạng sống để làm cách mạng, nhưng cũng có những kẻ vì lợi ích mà sẵn sàng hại đồng bào mình. Hay cũng có những người Pháp sang Đông Dương để xâm lược, để áp bức bóc lột, nhưng cũng có người dám đứng về cuộc cách mạng của những kẻ yếu thế.
Ở phía Việt Nam, hai nhân vật ấn tượng nhất đối với tôi là Thành và Camille. Thành mặc dù xuất hiện khá ít trong phim nhưng lại toát lên vẻ của một thanh niên trí thức, được học tập dưới sự giáo dục của Pháp. Anh thậm chí còn được du học Paris. Thế nhưng, với tình yêu nước nồng nàn, tiêu biểu cho phần lớn thanh niên bấy giờ, anh biểu tình rồi bị trục xuất khỏi Pháp, quay lại quê hương rồi dùng chính những chữ “Bình Đẳng – Tự Do – Bác Ái” của người Pháp để chống lại họ. Còn Camille lại là nhân vật có sự biến đổi tâm lý đặc sắc nhất trong phim. Ban đầu, Camille là một tiểu thư đài các, mang những nét ngượng nghịu của một thiếu nữ. Sau khi gặp Jean, cô trở nên mơ mộng, lãng mạn. Mối tình đầu ấy rõ ràng không hề hời hợt, mà vô cùng mãnh liệt, thiết tha. Chính nó đã tạo nên một Camille dũng cảm dám băng sông vượt núi để đến với người mình yêu. Đặc biệt, sau khi giác ngộ lý tưởng cách mạng, cô lại trở thành một con người khác. Ánh mắt cô sắc lạnh, vô cùng kiên định. Camilla trước kia đã chết, thay vào đó là một cô gái trưởng thành từ chính đau thương của đời mình, của đồng bào mà cô chứng kiến được trong những năm tháng lưu lạc. Và rồi, cô chọn cách từ bỏ cuộc sống của một tiểu thư đài các êm đềm, giàu có bên người mẹ nuôi, để làm cách mạng, để đấu tranh cho quê hương, cho độc lập. Thế nhưng, mọi thứ vỡ òa khi ánh mắt của Camille bối rối hỏi về con trai mình – con của cô và Jean trong những năm tháng trốn chạy. Phạm Linh Đan đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Càng về những phân đoạn phức tạp, màn trình diễn của cô càng xúc động. Cô cũng là một diễn viên rất tâm huyết khi quay không chỉ một, mà là hai phân cảnh bán nude khi mới 18 tuổi.
Song song với câu chuyện của người Việt, còn là người Pháp mà Jean – Baptiste và Eliane là đại diện. Jean – Baptiste là một sỹ quan người Pháp trẻ và nông nổi. Anh mang trong mình cả sự nhẫn tâm và nhân hậu khi kiên quyết đốt thuyền của hai cha con người Việt, điều có thể giết chết họ. Nhưng những ngày sau, Jean lại bị ám ảnh và quyết phải đi tìm họ để biết rằng họ chưa chết. Anh cũng là sự kết hợp những nét Đông và Tây. Jean là người Pháp, nhưng lại yêu và có con với một cô gái Việt. Là sỹ quan hải quân Pháp, nhưng lại bị chính người Pháp truy nã do dính líu đến việc giết đồng nghiệp. Mai sau, anh còn làm lễ rửa tội cho con trai trên chính con suối của phương Đông. Hay đó còn là Eliane, chủ đồn điền quyết đoán và độc lập trước những biến động cuộc đời nhưng lại mất bình tĩnh, yếu đuối trước chuyện của con gái. Mai sau, Eliane còn ủng hộ cộng sản, cuộc cách mạng của nhân dân Đông Dương.
Một yếu tố rất quan trọng đã làm nên thành công cho “Indochine” chính là mang được những nét đặc sắc về văn hóa, thiên nhiên Việt Nam lên màn ảnh rộng. Những nhà làm phim đã đầu tư, tìm hiểu nghiêm túc khiến cho những tình tiết đặc sắc về văn hóa, thiên nhiên xuất hiện vừa đủ, khéo léo và tinh tế. Bối cảnh cũng được dựng lên rất công phu, tái hiện lại một Đông Dương đau thương với cái đói, khát, với những góc khuất, những làn khói mờ ảo của thuốc phiện, sòng bạc. Một phân cảnh mang lại nhiều cảm xúc, ám ảnh nhất chính là khi những người đói được một tổ chức nhân đạo phát cơm. Họ đựng cơm trong chiếc nón rách, trên lá chuối, rồi cứ đôi bàn tay lem luốc mà bốc cơm bỏ vào miệng. Từ người già tới trẻ, ai cũng đói, cũng ăn vồ vập. Đối lập với nó là những bữa tiệc lộng lẫy, hào nhoáng của người Pháp, những bản nhạc khiêu vũ được phát ra từ chiếc loa kèn xa xỉ.
Mặc dù vậy, rõ ràng là “Indochine” còn vài hạt sạn. Trước hết là diễn xuất của diễn viên quần chúng Việt Nam khá yếu, còn cứng, đơ. Tiếp đến là những lời thoại của người Việt cũng gượng gạo, không tự nhiên. Dẫu sao thì đây cũng là điều dễ hiểu bởi cả biên kịch và đạo diễn đều là người Pháp. Bên cạnh đó, phim mặc dù có nhịp chậm, khá dài nhưng lại mông lung, không giải thích được gãy gọn. Nếu là người ít quan tâm đến lịch sử Đông Nam Á hay cuộc chiến ở Đông Dương thì sẽ khá vất vả để theo kịp các tình tiết phim. Mặc dù quay được nhiều thước phim thiên nhiên mãn nhãn, nhưng đến phân cảnh đắt thì đôi lúc lại bị cụt lủn, lửng lơ, tạo cho người xem cảm giác khó hiểu.
Tóm lại, “Indochine” là một bộ phim hay, đem lại góc nhìn chân thực và nhân đạo về cuộc chiến chống lại thực dân Pháp của Đông Dương. “Indochine” là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dòng phim chính kịch và lãng mạn, lồng ghép chuyện chiến tranh vào những cuộc tình, cuộc đời rất khéo léo. Là người Việt, ta sẽ cảm nhận bộ phim theo cách mà không đâu trên thế giới này cảm nhận. Ta được nhìn lại quá khứ lầm than mà hùng tráng của dân tộc, để hiểu rõ hơn về lịch sử, về cái giá của tự do độc lập, từ đó mà có cái nhìn nghiêm túc hơn về nhiệm vụ và nghĩa vụ của mình trong tương lai.