Thật buồn khi chúng ta xem một bộ phim, trong phim nhân vật thật trẻ, ấy vậy mà diễn viên đóng nhân vật thật trẻ đó đã chết. Anh chết ở độ tuổi mà sự nghiệp bắt đầu phát triển, tài năng đang được công nhận. Tôi đang nói về bộ phim Like Crazy của đạo diễn Drake Doremus và nam diễn viên Anton Yelchin. Anh chết trong một tai nạn kì quặc, để lại rất nhiều nuối tiếc cho gia đình, người thân, đồng nghiệp và người hâm mộ. Yelchin không phải là một diễn viên hạng A với những vai diễn nổi bật. Ở độ tuổi 27, anh có một sự nghiệp diễn xuất chuyên nghiệp, với rất nhiều vai diễn khác nhau. Tài năng đang được công nhận, là yếu tố quan trọng trong nhiều phim thương mại, và là sự lựa chọn mới mẻ của nhiều nhà làm phim độc lập. Đơn giản, nụ cười sáng, khuôn mặt thư sinh và cách diễn xuất giàu năng lượng. Chẳng ai nghĩ Yelchin sẽ rời thế giới này sớm như vậy. Nhưng cuộc đời vốn chẳng thế biết trước được điều gì. Giống như bộ phim tình cảm Like Crazy, khi chúng ta đang dành cho cuộc đời này nhiều năng lượng của chính mình nhất, thì trớ trêu thay cũng là lúc chúng ta phải chia tay với nó.

Like Crazy không phải là một bộ phim lãng mạn tình cảm thông thường, với mô típ về sự lệch pha trong xã hội của hai nhân vật chính. Nó kể một câu chuyện đơn giản, tình cảm, chân thành, một câu chuyện thực về tình yêu, những khó khăn cuộc việc duy trì một mối quan hệ với nhiều cách trở, trách nhiệm và đặc biệt là sự ràng buộc, liệu với rất nhiều khó khăn, chúng ta có nên ràng buộc nhau lại hay không?

Anna yêu Jacob trước, chắc hẳn vậy, cô chủ động bắt chuyện với anh, cô nhìn anh với ánh mắt ưa thích và giàu tình cảm. Anna là sinh viên người Anh đang du học ở Mỹ, cô học cùng tường với Jacob. Cả hai được xây dựng là những sinh viên bình thường, đang bối rối với công việc mình sẽ làm. Họ yêu nhau ngay lần gặp mặt đầu tiên. Một thứ tình yêu được hai diễn viên Anton yelchin và Felicia Jones thể hiện rất xuất sắc. Không gượng gạo, không kịch, họ cứ vậy yêu nhau như thể người này tìm thấy ở người kia mảnh ghép còn thiếu để làm cho cuộc sống của mình hoàn chỉnh. Ánh mắt, cử chỉ của hai người yêu nhau đã được thể hiện vô cùng chân thực. Máy quay như con mắt nhìn trộm, nhìn vào nụ cười của cô gái, vào sự rụt rè của chàng trai, nhìn vào khuôn mặt trong sáng tràn đầy năng lượng sống của họ.

Vì yêu, Anna muốn ở lại với Jacob lâu hơn 1 chút. Họ tận hưởng từng khoảng khắc bên nhau. Bộ phim chậm, nhưng chắc, chắc trong từng lát cắt, cừng cử chỉ, từ yêu thương đến giận dỗi để sự chia cắt của họ là nỗi buồn khó có thể nắm bắt. Vì không muốn rời, Anna đã ở lại quá hạn visa mà cô có thể ở lại. Cô chủ quan, cô trở về. Họ hứa hẹn nhau gặp lại sau 3 tháng hè. Nhưng khi quay lại, cô bị mắc kẹt trong phòng hải quan, Jacob từ vui mừng trở thành vô cùng buồn bã, cầm bó hoa chạy khắp sân bay vô vọng. Camera vẫn vậy, vô tình và giống kẻ nhìn trộm, dòm vào bi kịch của cả hai, qua cánh cửa phòng hải quan. Giá mà họ có thể nhìn được nhau một chút cũng được?

maxresdefault

Bộ phim là sự tranh đấu nội tâm của hai người trẻ, yêu nhau tha thiết nhưng còn rụt rè muốn ràng buộc nhau. Những cuộc gặp gỡ ngắn khi Jacob bay qua Anh chỉ để lại một chút hạnh phúc, còn đâu là sự lo âu, sự xa cách và bất lực. Tình yêu đủ lớn để chiến thắng khoảng cách về thời gian và không gian hay không? Tình yêu đủ lớn để họ buộc chặt lấy nhau? Tình yêu có đủ lớn để buông nhau ra cho nhau tìm đến hạnh phúc của riêng mỗi người? Bộ phim dù xuất hiện người thứ 3, người thứ 4, có xuất hiện những vết rạn nứt, có để lại những nỗi buồn trống rỗng vì ghen tuông, vì bất lực, thì vẫn cho chúng ta thấy một sợi dây yêu thương xuyên suốt của hai nhân vật chính. Qua cử chỉ, ánh mắt. Một sự tinh tế đáng ghi nhận, một nỗ lực tuyệt vời để biến nhân vật thành bản thân chính người diễn viên.

Đầy những khoảng khắc đẹp, không dùng những ngôn từ quá hoa mỹ, không phải lọ lem, hoàng tử, hay người hầu, đại gia, họ chỉ là hai người trẻ, yêu nhau, gặp những trắc trở, đưa ra những quyết định cần có để thấu hiểu nhau, để biết được trong đời mình ai mới thực sự quan trọng, quan trọng cho sự sống của chính mình. Nên bộ phim độc lập kinh phí thấp Like Crazy giống một trải nghiệm, một khảo cứu về tình yêu cho bất kì ai, vì bất kì ai cũng có thể rơi vào hoàn cảnh như vậy. Bộ phim đẹp, giàu cảm xúc. Và cũng chính bởi vì lý do đó mà sự ra đi của Anton Yelchin là nỗi tiếc nuối dành cho nhiều người. Nụ cười của anh quá chân thành, khả năng diễn xuất không thể chê trách từ Star Trek cho đến Like Crazy hay mới nhất là bộ phim kinh dị Green Room của đạo diễn Jeremy Saulnier được giới phê bình đáng giá rất cao. Thật đáng tiếc, anh đã ra đi quá sớm, 2016 là một năm kì lạ, rất nhiều người tài giỏi rời khỏi cõi trần gian này. Chỉ mong sao, họ đến được nơi mà họ vẫn có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình. Ở nơi nào, con người còn được mơ mộng, thì ở nơi đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn với đầy đủ dáng vẻ của nó. Tôi mong, kiếp sau là một nơi như vậy, cho Anton Yelchin, cho tôi và cho tất cả chúng ta.

Comment