Tôi định xem phim này đã lâu, nhưng lần đầu tiên bật lên, tôi thấy hoá trang tệ quá, nên mất hứng, vậy là tắt đi. Quả thực, khi mà điện ảnh đã phát triển đến mức người ta có khả năng hoá trang Brad Pitt ở mọi lứa tuổi từ nhỏ cho đến khi về già trong The Curious case of Benjamin Buton, thì việc hoá trang khá tệ trong Ode to my father thật sự khiến tôi thấy mất cảm tình. Cho đến khi tôi xem lần hai, khi có người xem cùng tôi, điều mà khiến tôi sẵn sàng xem mọi phim, những phim tôi đã không còn hứng thú nữa. Khi xem trọn vẹn Ode To My Father, bộ phim đã giúp tôi quên đi việc hoá trang hời hợt cho nhân vật chính khi anh đóng vai một ông già, để có một cái nhìn tổng thể vào bộ phim, và cho tôi biết tại sao Ode To My Father đã từng khuynh đảo phòng vé tại Hàn Quốc năm 2014, và trở thành bộ phim đạt doanh thu lớn thứ hai tại Hàn Quốc, đứng sau bộ phim The Admiral của đạo diễn Kim Han-min.

Đúng tính chất của một bộ phim Hàn Quốc giải trí, Ode to my father là một bản anh hùng ca có phần uỷ mị dễ dàng lấy đi nước mắt của khán giả, như điện ảnh Hàn vốn giỏi, và rất giỏi khi hiểu thấu tâm lý của người xem, không chỉ ở tại Hàn Quốc mà ở châu Á nói chung. Tuy nhiên, bộ phim có phẩm chất của một bộ phim mang trong mình dòng chảy lịch sử của Hàn Quốc khi nhấn mạnh vào những sự kiện nổi bật mà đất nước Đại Hàn trải qua ở nửa sau thế kỉ 20. Sự kết nối của một cá nhân vào những sự kiện lớn của đất nước mang nhiều ý nghĩa và liên tục với tính hợp lý của kịch bản, để ta không cảm thấy tuyến chuyện được kể bị rời rạc và thiếu logic. Chính vì lẽ đó mà bộ phim trôi đi với thời lượng vừa đủ, để khán giả nắm bắt được lịch sử Hàn Quốc cũng như chia sẻ cảm xúc với nhân vật chính.

Bộ phim bắt đầu ở thời hiện đại, hai vợ chồng già và một đàn con cháu, họ hạnh phúc vì một gia đình trọn vẹn. Máy quay tập chung vào người đàn ông lớn tuổi, như nhân vật trung tâm, để rồi từ đó, những thước phim hồi tưởng bắt đầu. Khán giả được đưa về Hàn Quốc những năm 50 trong chiến tranh Triều Tiên, một gia đình ở Hungnam phải chạy nạn vì bom đạn của kẻ thù. Trong lần chạy nạn đó, đứa con gái bị lạc mất, nên người cha ở lại tìm, chỉ còn mẹ, và hai anh em khác có thể chạy thoát. Trước khi rời đi, người cha đã đặt gánh nặng gia đình lên vai đứa con trai lớn. Cậu nhận gánh nặng của cha, và hứa với ông bằng mọi giá sẽ bảo vệ gia đình mình. Người con trai đó là Duk-Soo (Jeong-min Hwang).

Ode-banner

Đúng như tính chất của một bản melodrama, bộ phim được cường điệu lên nhiều để đẩy cao bi kịch mà những gia đình Hàn Quốc gặp phải trong thời chiến. Để từ đó, trong sự ai oán của bi kịch, nhân vật đứng lên mạnh mẽ và đầy quyết tâm để thay đổi số phận của mình. Nhưng Duk-Soo giữ lời hứa với cha. Anh không thay đổi số phận của mình, mà làm tất cả để giúp đỡ mẹ và các em, thay đổi số phận của họ, giúp họ có tiền sống, được học hành thành tài. Duk-Soo nhận phần thiết về mình. Anh đi xuất khẩu lao động tại Đức, anh tham gia chiến tranh Việt Nam, để kiếm tiền gánh vác cả gia đình trên vai.

Kể câu chuyện về cá nhân để nói lên số mệnh đất nước, Ode to my father, vừa bi tráng, vừa giản dị, nó gắn chặt vào gia đình, xoay quanh gia đình, như một nhân tố chính để nói về dân tộc. Sự yêu thương, trở che, một vài tính xấu của con người, nhưng trên hết là tình cảm yêu nước trong cái ý nghĩa giản dị bảo vệ gia đình mình, và những bạn bè thân thiết. Duk-Soo ngờ nghệch, nhưng chân thành. Anh chỉ biết cho đi, chỉ cần cho đi, sống tình cảm, và luôn luôn chịu thiệt thòi. Sức sống và sự cống hiến bền bỉ của anh được sự ủng hộ của người mẹ già, người vợ trẻ đẹp mà anh gặp tình cờ ở Đức, cùng người bạn thân sống chết có nhau Dal-gu (Dal-su Oh). Chính sự giản dị đó, đã giúp cho đạo diễn Kim Han-min khai thác được triệt để tính hài hước để tạo màu sắc tươi sáng cho một câu chuyện gắn liền với bi kịch. Hài hước, như đặc sản của điện ảnh Hàn, mang lại những tiếng cười sảng khoái, nhưng ẩn chứa những giá trị nhân văn của cuộc sống. Chính điều đó, bộ phim đã đánh đúng tâm lý của khán giả, vào sự tự hào dân tộc, vào niềm hãnh diện của một đất nước cầu tiến, và tiến bộ. Sự khôn khéo của đạo diễn và biên kịch Soo-jin Park chính là không cần nói đến cũng khiến khán giả cảm thấy người Hàn Quốc đã thực sự tận tuỵ như nào để xây dựng đất nước của họ.

Tôi nghĩ về đất nước mình, tôi nghĩ đến sự chia rẽ khiến chúng ta không thể có chung những thời điểm để cả dân tộc cùng tự hào trong suốt cả trăm năm qua. Sự chia sẽ giữa Nam và Bắc vì quá khứ khác nhau về quyền lợi khiến một bên vui thì một bên sẽ buồn, một bên kể công thì bên kia bất bình. Nó giống như một cái cân, mà sự cân bằng không có gì hơn ngoài sự im lặng, vì nếu không, chỉ cần một bên lên tiếng, thì cán cân sẽ bị lệch, như sự lệch pha về cảm xúc vậy. Đấy thực sự đáng buồn, nó khiến cho điện ảnh của chúng ta khi làm phim về lịch sử luôn luôn thiếu khía cạnh khuấy động niềm tự hào của cả dân tộc, luôn nửa vời và thiếu cảm xúc.

Nói tóm lại, Ode to my father là một bộ phim tốt của điện ảnh Hàn Quốc, ngoài việc bộ phim cố tình cường điệu hoá tình tiết, để đẩy cao cảm xúc của người xem, thì bộ phim đạt được hai yếu tố thương mại và nghệ thuật, đặc biệt, nếu bạn là người Hàn Quốc, thật không có gì ngạc nhiên khi bạn sẽ thấy tự hào về đất nước mình khi xem phim, sự tự hào và xúc động, thứ mà một bộ phim bom tấn lịch sử nên mang lại, như cách Forrest Gump đã làm tốt vai trò của mình cho lịch sử Mỹ, tính cách Mỹ.

Facebook Comments Box

Comment