“Tôi vốn là kết thúc có hậu của mẹ tôi.” – Gary Romain đã kết thúc cuốn tự truyện “Lời hứa lúc bình minh” của mình như thế. Quả đúng thật, là một nhà văn danh tiếng, một nhà ngoại giao tài giỏi, một nhà quý tộc đúng nghĩa, Gary Romain đã biến tất cả những ước mong của một người mẹ đặc biệt trở thành hiện thực. Tự truyện mà không phải tự truyện, tiểu thuyết mà không đúng nghĩa là tiểu thuyết, hồi ký lại càng không phải là hồi kí, “Lời hứa lúc bình minh” là một câu chuyện tuyệt vời với giọng văn vô cùng giản dị mà lôi cuốn, chân thực mà rất giàu chất thơ, kể về cuộc đời mình mà nhân vật chính nổi lên như một nhân vật tiểu thuyết, một nhân vật tiểu thuyết gần gũi đến mức chân thật vô cùng. “Lời hứa lúc bình minh” là một minh chứng cho một nhân cách lớn, một nhà văn không phải gốc Pháp nhưng mang đầy đủ đặc trưng của một dân tộc mà văn học luôn luôn nằm ở đỉnh cao của thế giới, trau chuốt, đơn giản, đầy triết lý và đậm tính nhân văn. Và có lẽ trong tất cả những tác phẩm viết về mẹ thì cuốn tự truyện này là cuốn viết về người mẹ hay nhất, có lẽ vì người mẹ của Romain thực sự là một hình mẫu lý tưởng của tình mẫu tử. 

Có nhiều thứ tình cảm được định danh trên đời nhưng có lẽ không có gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử. Vì tình mẫu tử mà người mẹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho con, hy sinh hết thảy vì con mà đôi khi dẫn đến cực đoan bằng việc không bao giờ cho đứa con được lớn, luôn luôn dang rộng đôi cánh để chở che, đùm bọc, luôn sợ con bị thiệt thòi, bắt nạt, luôn sợ mất con mà không dám thả con vào đời. Mẹ của nhà văn có đầy đủ những đặc điểm đó của một tình mẫu tử, nhưng bên cạnh đó thì cái cách một người phụ nữ cô đơn, khốn khổ, bị bỏ rơi thể hiện tình mẫu tử và cách bà nuôi dạy Romain thật sự là một hình tượng đặc biệt. Cách yêu con của bà thật kì lạ theo những cách hiểu thông thường.

Là một người phụ nữ đơn độc, nghèo khó, phải bươn chải đủ thứ nghề để kiếm sống nhưng không vì thế mà bà chịu để cho con bà chịu thiệt thòi trong nhận thức, thua thiệt trong giáo dục. Là một người mê nước Pháp say đắm, luôn luôn muốn được thành một phần của giới quý tộc Pháp, bà đã nhồi vào đầu con trai mình những hình ảnh mơ mộng nhất, tốt đẹp nhất của nước Pháp, đất nước của Victor Hugo, của Rimbaud, của tướng De Gaulle. Nước Pháp hiện ra trong trí tưởng tượng của bà là một đất nước trân quý, đất nước của những con người tuyệt vời nhất, những tính cách tốt đẹp nhất. Cái điều đó đi với bà tạo trên mắt bà một cơ chế tự vệ hảo hạn khi mà cuộc sống ban đầu của bà ở Nice – miền nam nước Pháp rất khó khăn, hay ngay cả khi nước Pháp thua trận và đầu hàng quân Đức thì cái tình yêu một cách mù quáng và lý tưởng dành cho nước Pháp trong bà không bao giờ mất đi. Và cái nước Pháp – quê hương của bà ở thì tương lại đấy chính là lực đẩy, là đích đến, là mảnh đất của văn thơ, của quý phái, của những người đàn ông đích thực để cho bà khiến một đứa trẻ bình thường trở thành một cá nhân nổi tiếng. Và dường như bà đã định hướng cho con mình theo mọi lĩnh vực hòng mong tìm ra một tài năng thiên phú nào đó ở con mình để khiến nó trở thành một cá nhân kiệt xuất đặc biệt là 2 lĩnh vực chính trị và nghệ thuật. Có 2 thứ bà muốn con trai mình trở thành sau này là một vị đại sứ Pháp và một nhà văn danh tiếng của Pháp. Và cuộc đời của Romain thực sự là một minh chứng rõ nhất cho chữ Nghiệp của đạo Phật. Bà muốn con trai bà trở thành như vậy nhưng bà không ngồi im mà cầu nguyện. Mọi thứ đã được bà vạch ra một cách thấu đáo đôi khi hơi thái quá. Để trở thành một vị đại sứ bà đã dạy con mình cung cách của giới thượng lưu, cung cách đối xử với phụ nữ, cách ăn nói đi đứng… và cả các cách bà sang Pháp nhập quốc tịch cho con, rồi làm đủ mọi nghề để kiếm sống nhưng không bao giờ để con trai thiệt thòi, để nó đói, để nó thấy mẹ nó thiếu thốn, rồi bà cho đi học sĩ quan, học trường luật… Rồi để thành một nhà văn, bà luôn khuyến khích cũng như tạo mọi điều kiện cho con được yên tĩnh viết, cái sự tha thiết mong muốn con trở thành một nhà văn danh tiếng nó thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ đến nỗi trở thành một nỗi ám ảnh trong ông.

 “Tôi thấy mình phải khẩn trương lên, phải nhanh chóng viết kiệt tác văn học bất hủ. Kiệt tác đó, khi biến tôi thành Tolstoi trẻ nhất mọi thời đại, sẽ cho phép tôi bù đắp ngay những khó khăn, vất vả của mẹ, tôn vinh ngay cuộc đời mẹ.”.

Người mẹ của Romain thực sự là một người hoạch định thiên tài, một người biết nuôi dưỡng và hình thành nên một người tài giỏi. Một người mà việc biến con mình thành một hình mẫu mong ước là lẽ sống tron đời.

Có lẽ cái cách mà bà muốn con trai mình phải chinh phục được những cô gái đẹp nhất, quý phái nhất, danh giá nhất như một cách để thể hiện sự thành công trong cuộc sống của một người đàn ông thực thụ thật sự đặc biệt. Chẳng thế mà khi Romain là người duy nhất không được cấp quân hàm trong khóa huấn luyện phi công, ông sợ sự thất vọng của mẹ ông sẽ khiến mẹ ông suy sụp và ông đã nghĩ ra được một lý do tuyệt vời, một lý do chỉ có thể nghĩ ra bởi một người hiểu quá rõ mẹ mình như nào. Ông bảo rằng ông ngoại tình với vợ sĩ quan chỉ huy nên đã bị đánh trượt. Và quả vậy, không những bà không phiền lòng mà còn lấy làm hãnh diện, hãnh diện vì người con trai mình đã vượt cả chỉ huy mà chiếm được tình cảm của vợ ông ấy. Cái cách bà mẹ muốn ông trở thành một người mạnh mẽ và nam tính như một hình ảnh phản chiếu người đàn ông bội bạc nhưng mạnh mẽ đã bỏ bà đi nhiều năm trước đã khiến Romain luôn là một người dám làm mọi thứ vì phụ nữ một cách quả quyết và can đảm. Như hồi bé khi muốn lấy lòng cô bé Valentine ông sẵn sàng ăn mọi thứ để thể hiện mình, ăn giun, bướm, thậm chí ăn cả giày… Tôi lại liên tưởng đến người mẹ của Florentino Ariza, dù biết rằng tình yêu của con trai mình với Fermina Daza là mù quáng, là đau khổ, nhưng bà luôn luôn ủng hộ con trai mình, mỗi khi nỗi đau thương của anh cuộn trào thành những dòng nước mắt, bà mẹ lại ôm con vào lòng không hề trách móc, không hề mắng nhiếc về tình yêu tuyệt vọng của con mình, và tôi nghĩ cái cách mà người phụ nữ – người mẹ nuôi dưỡng tình yêu của con trai mình như thế thật đặc biệt, vượt lên trên tình cảm chiếm hữu của cái tôi thường có của những người mẹ khác.

Romain bằng nghị lực của mình, bằng sự sắc sảo trong cuộc sống, bằng tình yêu thương mẹ một cách trọn vẹn, bằng sự thấu hiểu tất cả những hy sinh mà người mẹ vĩ đại của ông đã dành cho ông, ông đã làm được tất cả những điều mà bà mong ước con trai bà đạt được. Tình mẫu tử của 2 người đã trở thành như một hình mẫu lý tưởng trong cuộc sống vậy.

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy quyển này và thích cái bìa của cuốn sách nhiều nhưng cứ chần chừ không mua cho đến khi cô bé bạn tôi giới thiệu một cách tâm đắc thì tôi mới đưa ra quyết định mua và đọc. Và quả thực câu chuyện của ông đã cuốn hút tôi hoàn toàn, tình yêu mà người mẹ của ông dành cho ông chẳng khác gì cách yêu thương con một cách cực đoan mà mẹ tôi dành cho tôi, có lẽ tình mẫu tử dù ở bất cứ đâu đều có một mẫu số chung mà những ngoại lệ chỉ xảy ra do vị trí địa lý, do khác nhau về mặt nhận thức xã hội, khác nhau về những giá trị truyền thống, và khác nhau về hoàn cảnh sống nữa. Mẹ của Romain thật sự đặc và lý tưởng nhưng xét cho cùng thì ở nhiều khía cạnh khác mẹ tôi cũng thực sự đặc biệt và lý tưởng, cái cách mẹ tôi trở thành lý tưởng không nằm ở cách mẹ tôi tạo ra con người tôi với những phẩm chất như bây giờ, mà là cái cách mẹ đối nhân xử thế để khiến những đứa con như tôi nhìn vào và học cách làm người, cái cách mẹ tôi cưu mang người khốn khó, tìm mọi cách giúp đỡ, luôn luôn chìm trong suy nghĩ phải giúp người này người kia, cả cuộc đời không khi nào thôi làm những điều tốt đẹp nhất cho con cho cháu, thật sự hãy hỏi những người ơn nghĩa với bố mẹ tôi thì sẽ hiểu mẹ tôi cũng thật đặc biệt, và đối với tôi, ba mẹ chính là những người vĩ đại nhất trong cuộc đời mình. Có lẽ thế nên tôi có một sự đồng cảm rất lớn với Romain, và khiến tôi từ một kẻ không ưa đọc tự truyện đã trở nên đọc say sưa cuốn sách này. Nói vậy nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chỉ là một kẻ lông bông còn làm chưa thành chữ Hiếu.

Comment