Michael Haneke trong một bài phỏng vấn với tờ The Paris Review đã nói rằng:

“Tôi không bao giờ thấy những kết quả tốt đến từ những người cố gắng nói về những thứ mà họ không thực sự trải qua. Họ nói về mọi thứ nhưng rốt cuộc đó chỉ là những thứ học đọc trên báo hoặc xem tivi. Và họ giả vờ như họ biết họ đang nói gì. Nhưng đó chỉ là sự nhảm nhí. Tôi luôn tự thuyết phục mình rằng tôi chẳng biết cái gì ngoài những thứ xung quanh tôi. Những thứ tôi nhận thấy và lĩnh hội hàng ngày, hoặc những thứ tôi tự trải nghiệm qua. Chỉ những thứ đó là những thứ mà tôi tin tưởng. Mọi thứ khác chỉ là sự giả vờ hiểu biết nhưng không sâu sắc gì. Tất nhiên tôi không chỉ viết về những thứ một cách chính xác như chúng đã xảy ra với tôi – nhiều thứ không hẳn vậy. Nhưng ít nhất, tôi luôn luôn viết ra câu chuyện của mình với thứ mà tôi có thể rút ra từ bản thân mình.”

Tư tưởng của ông có lẽ đôi phần cực đoan khi đánh giá thấp khả năng sử dụng tài nguyên của người khác. Nhưng đó là cách ông định vị những tác phẩm điện ảnh của mình, khiến chúng gần gũi, và đưa ra một cái nhìn siêu hình vào xã hội của loài người.

Có điều gì đó không đúng. Đấy là cảm giác đầu tiên trong hầu hết các bộ phim của Michael Haneke. Một cảm giác kì lạ, bức bối, và bắt ta tò mò về câu chuyên sẽ xảy ra sau đó. Haneke đưa những thứ bình thường nhất để mở đầu, rồi giống như chiếc camera chưa bao giờ bị lộ diện trong tác phẩm Caché. Ta cảm thấy có một bản tay vô hình đẩy cơ thể ta gần sát với khung cảnh, ta tham gia vào chính hành trình của nhân vật. Hành trình của bất an, sợ hãi đầy bản năng và khó lý giải. Hãy bắt đầu với Funny Games. Câu chuyện bắt đầu trên một chiếc oto, nơi một gia đình đang đi đến ngôi nhà ở ngoại ô của họ để nghỉ ngơi. Họ đang chơi trò đó tên ca khúc. Vui vẻ, hạnh phúc, đột nhiên tiếng nhạc ầm ĩ, khủng bố chợt tràn khắp cả khuôn hình, có gì đó không đúng, gì đó tồi tệ sắp xảy ra. Như một sự gián đoạn vào không khí bình yên. Như cuộn video xuất hiện trước căn hộ của đôi vợ chồng mới cưới. Mọi thứ bắt đầu như vậy, một vật thể ngoại lai xâm chiếm, ban đầu nhỏ bé, nhưng rồi nó chiếm dụng cả không gian, chiếm dụng cả lòng băn khoăn của nhân vật và người xem.

Một cảnh trong phim Caché

Hay đến tác phẩm được để cử Oscar The White Ribbon. Một ngôi làng bình yên, nhưng lại xảy ra một chuỗi các tai nạn. Người dân để ý nhưng chưa đề phòng cho đến khi một đứa trẻ thương. Người ta nhìn quanh và tự hỏi tại sao, cái gì là nhân tố trong tất cả những sự kiện này? Không ai biết, người ta chỉ tò mò, băn khoăn, đôi khi người ta chợt thờ ơ vì nghĩ chỉ là sự tình cờ, để rồi một tội ác, một loạt tội ác, một sự nảy mầm tội ác được phát sinh khi đã quá muộn.

Haneke đánh vào bản năng sợ hãi của con người, sợ hãi tất cả những gì mà người ta không thể hiểu. Ông không dùng camera để quay những cảnh bạo lực, ông quay sự đau đớn, và sức chịu đựng của nạn nhân. Những hình ảnh tĩnh, nhưng gây ra hiệu quả cực kì xuất sắc. Vệt máu trên chiếc tivi đang bật trong funny games hay con chim bị đâm chết trong The White Ribbon. Ông có nói rằng ông muốn quay gián tiếp để xoá đi những hình ảnh bạo lực giả hiệu trên màn ảnh, và mang đến cho người ta sự chân thực của nỗi đau và sự chịu đựng. Đấy mời là điều còn lại, là thứ cuối cùng mà con người sẽ phải gánh trên mình một cách dai dẳng và khó rũ bỏ. Nhưng đôi khi, sợ hãi chỉ vì ta không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến tận cùng. Đôi vợ chồng Georges và Anne đôi khi cảm thấy rất gần, người đã quay những chiếc video đó, nhưng mỗi lần tưởng như lần ra, mỗi lần tưởng như tìm thấy nơi chiếc camera được quay là một lần họ càng bối rối. Quá khứ của Georges, con người cũ của anh, những thứ anh giấu, những thứ giấu đằng sau chiếc camera. Tạo ra rất nhiều câu hỏi, và khi người ta càng bị quấn vào mê cung của chính mình. Bài toán mãi mãi không thể giải quyết.

Phim The White Ribbon

Tôi muốn nhấn mạnh rằng Haneke là một bậc thầy trong việc viết kịch bản. Vì ông hiểu cái thế giới mà ông đang sống, ông hiểu bản chất con người, sự sợ hãi và bất an trong một cuộc sống hiện đại tưởng như an toàn và bình yên. Ông biết đặt vào trong kịch bản của mình những nút thắt mở tài tình, những hình ảnh mang tính chất ám chỉ, để rồi dùng tính chất hoán dụ để biến câu chuyện phim, thành câu chuyện mà bản thân người xem cũng dự phần vào, “một trò vui”, “một bi kịch” hay “mầm mống của tội ác”.

Thậm chí ở hai bộ phim có chủ đề tình cảm The Piano Teacher và Amour cũng mang nhiều tính chất bất thường như vậy, một mối quan hệ kì lạ của cô gíáo và sinh viên, hay những ngày cuối cùng của tình yêu giữa một cặp vợ chồng gia trong một căn hộ ở Paris. Ông luôn để máy quay ở nơi mà ta cảm thấy mình đang can dự vào một câu chuyện riêng tư mà họ đang ở một tình huống mạnh mẽ, mà đôi khi ta muốn tránh nhìn vào, nhưng vì tò mò ta không thể rời mắt. Đó là khi ta bắt gặp giáo viên dạy Piano đang quan hệ với cậu sinh viên của mình trong nhà vệ sinh, hay xác người vợ già đã chết nằm giữa rất nhiều hoa trong một căn phòng được người chồng dán kín bằng băng dính.

Như vậy, đạo diễn Haneke bằng chủ nghĩa hiện thực, đã mở ra cánh cửa đi thẳng vào trong bản năng của mỗi người, cũng như khuấy động sự tò mò, và bất an để qua mỗi bộ phim, đạo diễn giúp ta khám phá thế giới tư duy của ông về cách thế giới vận hành, cách con người đối xử với nhau, cách con người để bản năng của mình cuốn đi mất những mô phạm đạo đức trong xã hội hiện đại. Sự tinh tế, sâu sắc của ông công với sự sắp xếp bối cảnh mang nhiều ẩn dụ đã giúp ông trở thành một trong những đạo diễn tài năng nhất đương đại.

Những bộ phim cần thiết phải xem để hiểu về Michael Haneke:

  1. The White Ribbon (2009)
  2. Caché (2005)
  3. The Piano Teacher (2001)
  4. Funny games (1997)
  5. Amour (2012)

Comment