Năm lớp 7, tôi được xem trên TV bộ phim Dreams của đạo diễn Akira Kurosawa. Bộ phim được chia ra làm 7 chương, kể về những giấc mơ của đạo diễn. Và giấc mơ đáng nhớ nhất với mình trong đó là giấc mơ số 5 – Crows. Kể về cuộc gặp trong mơ của nhân vật chính với danh hoạ Vincent Van Gogh khi đang ngắm nhìn các bức tranh của ông trong viện bảo tàng. Cuối cuộc gặp gỡ, người hoạ sĩ biến mất và nhân vật chính thấy mình đuổi theo ông trong những bức tranh của Van Gogh, nơi những nét cọ nhảy múa còn nhà cửa, ruộng vườn luôn sặc sỡ các sắc màu.

Phải nói thật rằng, những gì xảy ra trên màn hình lúc đó chẳng khác nào thế giới sau tấm gương của Alice. Cảm giác giống như vừa tìm thấy một chiếc rương kho báu. Ta mở khoá ra và để ánh sáng vàng chói của trong rương chiếu lên mặt. Một cô tiên ở trong bước ra và thì thầm vào tai ta những lời màu nhiệm, rồi ta thấy mình bay tít lên tận trời xanh. Phía dưới, tất cả những hạt mưa phùn trên thế gian đang rơi trên những tất cả những thảm cỏ xanh mịn trên khắp thế gian. Chưa bao giờ mình thấy một trải nhiệm nào lạ lùng và kỳ diệu đến thế.

Sau này tôi mới biết, để có được 1 segment dài hơn 15 phút đó, đạo diễn Akira đã có được sự chung tay góp sức của đạo diễn Martin Scorsese làm diễn viên vai Van Gogh (thú thực đến nay, mỗi lần nhắc đến Van Gogh thì hình ảnh hiện ra trong đầu mình vẫn là Martin Scorsese trong lớp hoá trang năm nào). Phần hậu kì, dàn dựng do đạo diễn của Star War Geogre Lucas đảm nhiệm. Toàn là những tên tuổi khủng lúc bấy giờ. Lúc ấy, mình hiểu rằng tầm ảnh hưởng của Van Gogh đối với giới nghệ thuật là vô cùng lớn.

Năm 2017, tôi là sinh viên năm thứ 3 đại học, Loving Vincent ra đời. Bộ phim được giới thiệu là “kiệt tác có 1-0-2 trong lịch sử điện ảnh”, được tạo nên hoàn toàn bằng những nét vẽ thủ công của 100 hoạ sĩ, cùng nhau miệt mài vẽ 65.000 bức tranh sơn dầu trong vòng 5 năm. Tổng thể tạo nên một kỳ quan stop-motion của sự dụng tâm và kiên trì. Tất nhiên, bộ phim không thể mượt mà như các bộ phim hoạt hình mô phỏng chuyển động người thật khác như Waking Life hay A Scanner Darkly được vì công đoạn dựng hình hoàn toàn là vẽ bằng tay và số tốc độ là 12 hình trên giây chứ ko phải 24.

Tuy nhiên, Loving Vincent vẫn đẹp đến kinh ngạc và chạm đến trái tim người xem. Có lẽ bởi vì lòng chân thành ẩn trong từng nét cọ quá lớn. Chính ekip trong phim cũng nói rằng chúng tôi quả thật không biết thêm cách nào khác ngoài kể câu truyện này qua các nét vẽ sơn dầu của ông. Quả thật, với một hoạ sĩ thiên tài như Vincent, việc tốt nhất mà một nhà làm phim có thể làm, là dùng điện ảnh để chuyển tải thẩm mỹ hội hoạ của ông. Loving Vicent hay Crows, đều là những nỗ lực bù đắp cho người nghệ sĩ cô độc, là sự đối lập giữa niềm vui khi biết Vincent tồn tại trên đời và nỗi buồn khi cùng lúc đó nhận ra rằng Vincent không còn trên đời nữa.

Vincent có tuổi thơ bất hạnh, bị chính cha me dè bỉu từ khi mới sinh ra. Chuyện xảy ra với cha mẹ ông cũng giống như chuyện xảy ra với nhiều cặp đôi khác bị chết thai đầu lòng. Nhưng lần này, người phải gánh chịu hậu quả tâm lý ghê gớm nhất lại là con trai sinh ra thứ 2 của họ. Vincent lớn lên với mặc cảm là đồ bỏ đi và chịu chứng trầm cảm nặng. Đang từ hạnh phúc tột độ có thể chuyển sang vực thẳm bế tắc chỉ trong vòng 6h. Tất nhiên, những người như thế thì cuộc sống rất khổ. Tuy nhiên Vincent vẫn giữ lại cho mình được khả năng yêu thương cái đẹp và thiên nhiên đến mức cuồng nhiệt.

Vẻ đẹp của ngoại cảnh kích thích tâm hồn ông đến đột tộ và Vincent tìm mọi cách để giữ nguồn năng lượng đẹp đẽ đó ở lại trong mình. Đó là lý do vì sao ông luôn vẽ không ngừng nghỉ, để không bỏ lỡ dù chỉ là một giây của cái đẹp trước mắt. Trong tim Vincent có một ngọn lửa, ngọn lửa đó đem đến cho ông sự thăng hoa tuyệt vời trong hội hoạ. Nhưng ông quá say đắm nó, để bị nó thu hút nên cuối cùng đã để mình bị ngọn lửa nuốt trọn. Vincent đã ra đi, nhưng ngọn lửa đó của ông thì vẫn còn. Nó sáng mãi, miệt mài và bất diệt như ngọn hải đăng bất tử trên mặt biển thời gian.

Ông ấy đã cảm nhận sâu sắc. Ông ấy đã cảm nhận tinh tế. Vincent thương mến của chúng ta…

Facebook Comments Box

Comment