Âm nhạc, tôi có một cảm hứng mãnh liệt với âm nhạc, tôi thường nghe nhạc bất cứ khi nào có thể, khi còn chưa biết đến internet chỉ có cái radio nhỏ sony bố cho, tôi cứ để nó cả đêm kênh âm nhạc của vov3, hoặc một kênh nhạc nào đó tôi dò được ở đài AM. Còn khi có laptop, internet, với tai nghe tôi thường đeo nó rồi bật nhạc lên vừa nghe Rock, thậm chí Black Metal và chìm trong bóng tối để ngủ. Giờ thì không chỉ down nhạc về ở những tracker chuyên về nhạc nữa, tôi thường bật TuneIN radio trên ipad, hoặc chọn kênh radio qua last.fm và spotify và cứ để dòng chảy âm nhạc tuôn trài qua tai rung động những dây thần kinh thính giác như tiếng đàn hạc ru ngủ thủy thủ đoàn của nàng tiên cá. Chính vì vậy mà đọc Nhảy Nhảy Nhảy tôi có một sự đồng cảm với nhân vật chính một cách thật đặc biệt. Nhảy Nhảy Nhảy của Haruki Murakami, nhà văn mà văn chương của ông vừa siêu thực lại vừa gần gũi, bị lặp lại qua từng tác phẩm mà vẫn lôi cuốn.

     Tự tôi không chọn đọc quyển này vì trước đó tôi đã tự nhủ sau khi đọc Kafka bên bờ biển, Biên niên kí chim vặn dây cót, người tình Spunik… những cuốn đã được dịch và xuất bản trước đó rằng tôi sẽ dừng đọc Murakami, vì tôi nhận thấy một văn phong không mới, những câu chuyện không còn đủ sức mê hoặc bởi tính siêu thực dường như đồng dạng nhau trong từng truyện. Tôi đã nói điều đó với một cô bạn, cô ấy biết và hiểu tôi, vậy mà vẫn giới thiệu cho tôi nhảy Nhảy Nhảy mà theo như cô ấy tôi sẽ thích, tôi sẽ tìm thấy nhiều thứ không chỉ đơn giản là một câu chuyện không có cốt chuyện thường gặp… Tôi tìm mua, và cũng thật kì là tôi không mua được, hết hàng đại loại thế, một cô bé khác bạn tôi biết tôi tìm quyển đó và tôi không ngờ cô bé đấy lại lưu lại điều đó trong sổ nhớ và mua được cho tôi trước khi tôi lại để thân thể mình lên chuyến máy bay của Korean Airline sang Pháp, nhưng như nhà Phật thường nói, phải tùy duyên, tôi đã không kịp nhận sách, tôi luôn luôn thích những sự kiện được tạo thành bởi một tập hợp những điều tưởng như không thể, như cái cách một cách bướm ở rừng rậm Amazon đập cánh có thể gây ra một cơn bão ở biển Thái Bình Dương vậy. Và bây giờ khi nghĩ lại tôi nghĩ rằng vì sự lệch pha cảm xúc, hay sự chưa chín muồi của thời điểm nên tôi chưa có duyên có nó, cho đến tận hơn nửa năm sau, và nếu như không có những biến cố không thể tưởng tượng ra sẽ xảy đến với mình thì tôi cũng sẽ không thể có quyển sách đấy sớm vậy. Mọi thứ quan hệ và gắn kết với nhau để tạo ra một cái kết quả đơn giản, từ một quyển sách đến kết thúc một quyển sách, như chính câu chuyện của Murakami trong Nhảy Nhảy Nhảy, để nhận biết được rõ ràng cái gì mình cần, mình không muốn mất mà lần đầu tiên gặp mặt đã khơi lên những cảm giác, như những vụn bọt đang nổi trên mặt nước báo hiệu một biến cố nào đó sắp xảy ra, nhân vật chính đã phải đi vòng một quãng đường khá dài, đầy bối rối để quay lại cái điểm đầu tiên mà anh đã biết anh sẽ quay lại, anh sẽ không còn đánh mất nữa, sẽ không để điều cảm nhận tan biến vào bức tường tối đen bên trong mình.

    Vẫn là một câu chuyện siêu thực khác của Murakami, cái lối viết dường như có đôi chút nhàm chán, để kể về một câu chuyện không có cốt truyện, câu chuyện toàn những ám chỉ, những dẫn dắt mơ hồ, những mối liên hệ không rõ ràng, những nhân vật mờ nhạt trong cuộc đời nói chung nhưng đặc biệt trong thế giới chất đầy nỗi cô đơn, và quá nhiều tự tình của Murakami, một anh chàng chuyên “xúc tuyết” – cái hình ảnh ẩn dụ cho công việc viết báo của mình, viết tất tần tật mọi thứ, những thứ có cầu, những thứ tạo thành cung của các tạp chí, tòa soạn, một cô bé 13 tuổi vô cùng nhạy cảm đến mức có thể nhận biết được những năng lượng đặc biệt phát ra từ người khác, cô bé 13 tuổi con nhà giàu có nhưng không ai quan tâm, không có bạn, không đến lớp vì không thể hòa nhập vì quá xinh đẹp nhưng không bao giờ biết dùng nó, những cô gái điếm cao cấp có học, thông minh và biết chiều chuộng, người Cừu… luôn luôn là một bộ sưu tập những cá nhân bất thường. Thật ra thì mỗi người trong chúng ta ai cũng có những điều bất thường, kì quặc, chỉ có điều phải nhìn trong thế giới quan riêng của mình thì mới thấy, Murakami đã biết cách trộn 1 mớ các thế giới quan riêng thành một thế giới chung của những người phát chung một tần số sinh học để kết nối với nhau.

     Nhắc đến âm nhạc ở trên không phải không có lý do, vì Nhảy Nhảy Nhảy là một album nhạc khổng lồ của những năm 60,70s, không phải nhạc Nhật mà là nhạc Mỹ, Mỹ – thứ văn hóa dễ lan như cúm bệnh, nhưng không khiến người ta chết mà chỉ khiến người ta cảm thấy sức sống được chảy trong huyết mạch một cách rõ ràng. Từ đầu truyện đến cuối truyện không phải chỉ có những con chữ nhảy múa trước mắt, mà còn là những giai điệu của Rock n’ Roll, classic Rock, Pop, Jazz, thậm chí cả Psychedelic nữa, không phải là thứ âm nhạc sẽ được truyền âm qua tai mà là thứ âm nhạc phát ra từ bên trong, từ kí ức, từ những đêm dài mất ngủ mải miết nghe radio, mải miết down nhạc rồi nghe, mải miết tìm cách nghe được nhạc trên last.fm, trên spotify, tất cả ùa về theo những bản nhạc của nhân vật chính, của cô bé 13 tuổi nghe: Pink Floyd, Talking Heads, Styx, Ray Charles... trời ơi, nội điều đấy thôi đã khiến tôi thích tiểu thuyết này rồi, như thể tôi mê mẩn anh chàng giết người hàng loạt Patrick Bateman trong American Psycho [ Kẻ sát nhân cuồng tín] chỉ vì anh chàng có gout nhạc cũng như anh chàng còn mổ xẻ nhạc của Genesis và Phil Collins nữa. Với một người nghe nhạc suốt ngày thì việc đọc trang nào cũng thấy có nhạc là một điều gì đó vô cùng thú vị, tôi luôn tự hỏi giờ họ nghe Ray Charles, the Rolling Stones, sang trang tiếp theo họ nghe gì nhỉ? Coltranes, Louis Armstrong, Deep Purple…Thật tuyệt khi không có internet, iPhone, iPad xét ở một khía cạnh nào đó, vì khi đó người ta có rất ít thứ để giải trí và thường tâm trí và tinh thần sẽ dành rất nhiều thời gian cho âm nhạc, và đặc biệt là sẽ tập trung nghe một album hay một bản nhạc nào đó rất rất nhiều lần, điều này có thể gây nhàm chán, nhưng cũng có thể khiến bài hát có cơ hội được thẩm thấu thực sự từ giọng của ca sĩ, lời bài hát, thậm chí cả tiếng kèn Trombone cũng được thính giác lưu nhớ. Ví dụ như tôi sẽ thuộc lời được bài hát dài hơn 14 phút của Avantasia “The Seven Angels”  mà tôi vô cùng yêu thích nhưng không đủ rãnh nhớ trên não để lưu hết lời.

    Nhưng đừng liên hệ tên tiểu thuyết với các bản nhạc, nhảy ở đây và khiêu vũ có vẻ mối liên kết khá mỏng manh, Nhảy ở đây giống như những bước nhảy theo hệ quy chiếu không gian và thời gian hơn, Nhảy giữa thực tại và thế giới bên trong anh (nhân vật chính) nơi người Cừu tồn tại, cái thế giới mà mọi sợi dây liên hệ với cuộc sống hiện tại đều tập trung ở đấy như một nút thắt, như “tổng đài” để gắn kết những thứ tưởng như chẳng liên quan lại với nhau. Nhảy giữa những điểm không gian về mặt địa lý, Sapporo, Tokyo, Hawaii, Hakone. Không phải như kênh radio của Anathema đang nhảy theo một tần số vô định Pain of Salvation, Opeth, the Gathering… Tôi hiểu vậy không biết đúng không? Và như mọi thứ mơ hồ trong truyện thì chắc đúng thôi, một cách mơ hồ.

    Một cuộc du hành của nhân vật chính với những bước nhảy qua những điểm mỏng manh của không gian và thời gian, khách sạn Cá Heo, đường phố ở Honolulu, đôi mắt cô bé 13 tuổi, cô gái điếm có đôi tai đặc biệt, để đưa anh về với Yumioshi – cô lễ tân khách sạn có cái tên hiếm như tên của nhân vật nữ Aomame trong 1Q84 vậy, vậy là nếu nhân vật thiếu đi nét đặc biệt trong tính cách thì sẽ luôn có điều gì đó khác đặc biệt thậm chí chỉ là cái tên – người mà anh đã có những cảm giác không đơn thuần từ lần gặp đầu tiên ở khách sạn Cá Heo. Mọi thứ bắt đầu từ khách sạn đó và kết thúc cũng ở đó như một chu kì hay đúng hơn là như những vòng tròn bí ẩn ở nước Anh qua một mê cung những mối quan hệ, những sợi chỉ bị rối tưởng như không thể tìm được đầu mối để tháo ra. Mọi thứ tưởng như rời rạc nhưng thực chất mọi thứ đều có duyên để khởi lên những hệ quả, kết quả hay đơn giản là bước tiếp trong một bàn cờ người mà anh đại diện như một quân đen hoặc quân trắng trong cờ vây. Anh phải tự đặt mình vào bàn cờ, vào một điểm nào đó để khóa vòng lại, để những thứ mơ hồ trở nên rõ ràng, để anh tìm ra được điều mà anh đang đau đáu tìm, đang được dẫn dắt bởi những hình dung mở nhạt.

     Không quá nặng nề, nhiều chữ và mang nhiều lớp nghĩa khó hiểu như những tác phẩm lớn của ông như “Kafka bên bờ biển”, “Biên niên kí…” hành trình của nhân vật chính lần này mang đầy chất siêu thực nhưng chỉ như bức tranh của Salvador Dali được vẽ khi ông đang bị vợ mắng, nên không quá khó hiểu, khó theo dõi, những mỗi liên kết đơn giản hơn nhiều, nỗi cô đơn của mỗi cá nhân không nặng nề và giằng xé như “Rừng Nauy”, tình dục – bản nhạc riêng mà Murakami sáng tác tiết chế khá vừa phải, như một bản phối lại an toàn khi cover lại nhạc của Black Sabbath. Có lẽ vì thế mà khá nhiều sạn, khá nhiều những điều phi logic trong một tập hợp phi logic sẵn có nhưng hợp lý, có những thứ thêm vào dường như hơi thừa, và nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ sau cái kết không được thỏa mãn. Hay tác giả cố tình thế để người ta nghĩ, hoặc giả tác giả biết rằng đang đưa người đọc vào một mê cung vốn vô cùng phức tạp của lòng người, vậy há cứ phải rõ rằng rằng 1+1=2 sao? Nhưng tôi vẫn thích 1+1=2 + 1 hàm entropy tuyến tính theo thời gian hơn là một hàm phi tuyến. Nói vậy chứ tôi khá thỏa mãn với cuốn tiểu thuyết này vì lẽ gì thì đã trình bày ở trên, thêm nữa là vì tôi đã có nhiều cảm xúc để viết được rất dài thế này.

“Nhưng công bằng trong quan hệ tình dục thì có ý nghĩa gì chứ? Nếu thứ ta muốn là sự công bằng, cuộc sống tình dục của ta sẽ chỉ thú vị như tảo mọc trong bể cá mà thôi”.

Comment