George Orwell, tác giả của 1984, đã nói: Kẻ nào kiểm soát được quá khứ sẽ kiểm soát được tương lai. Đạo diễn Guillermo del Toro đã chứng minh điều ấy trong bộ phim Nightmare Alley. Nhưng để kiểm soát được nó, con người sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

BẮT ĐẦU TỪ MỘT KẾT THÚC

Nightmare Alley được mở đầu bằng hình ảnh một người đàn ông nặng nề kéo lê một bịch xác, chôn vùi dưới móng của căn nhà rồi phóng hỏa.

“Last stop. End of the line.”

Câu thoại mở đầu phim nhưng cũng là đánh dấu cho sự kết thúc của một quá khứ để Stan (Bradley Cooper) – nhân vật chính trong Nightmare Alley, khởi đầu một cuộc đời mới trên chuyến tàu mà đích đến cuối cùng đưa anh tới một gánh xiếc.

Sự tò mò của khán giả về Stan cũng hiếu kỳ như những khán giả trong phim khi vây quanh để xem một quái nhân bị bỏ đói lâu ngày sẵn sàng gặm sống một con gà. Điều gì đã khiến cho một con người lại ra nông nỗi đó? Nhưng khán giả sẽ vội quên câu hỏi này khi bị cuốn theo hành trình của Stan từ một tay sai vặt vô danh trong gánh xiếc rong đã nhanh chóng trở thành nhà ngoại cảm nổi tiếng và tìm được chỗ đứng trong giới thượng lưu.

Giữa trung tâm của những khán phòng hạng sang, trong bộ suit sang trọng và với miếng vải đen che mắt, cùng sự trợ giúp từ Molly, Stan đầy tự tin với quyền năng nhìn thấu được quá khứ và những ẩn ức sâu kín trong những vị khách giàu có và quyền lực. Và vị thế ấy của anh bất ngờ bị đe doạ bởi một người phụ nữ bí ẩn. Nhưng nhờ cô ta, một nữ bác sĩ tâm lý, Stan lại càng leo cao hơn trên nấc thang danh vọng. Bằng những chiêu trò, mánh khoé, cùng sự giúp sức của nữ bác sĩ tâm lý, anh dễ dàng đọc vị được bất kỳ ai, thậm chí vượt qua được cả máy nói dối, và dễ dàng lừa được vị thẩm phán quyền lực và vô cùng khó tính. Những tưởng đã leo được tới đỉnh cao, thì bất ngờ Stan lao xuống vực thẳm. Lúc này anh ta mới nhận ra cơn ác mộng của Nightmare Alley.

QUÁ KHỨ và LỪA DỐI

Đạo diễn Toro đã vô cùng xuất sắc khi cuốn người xem vào câu chuyện phim, khiến khán giả không còn phân biệt được hình ảnh, âm nhạc, âm thanh, diễn xuất, bối cảnh đang trình diễn gì. Mạch phim lôi cuốn trong một nhịp phim điêu luyện, hoà quyện trong một kịch bản chặt chẽ như một vòng lặp khép kín. Đó là một vòng lặp mà điểm bắt đầu cũng là kết thúc, để rồi kết thúc cũng là điểm bắt đầu. Đó là một vòng tròn ma thuật bao vây số phận của nhân vật.

Giăng mắc suốt chiều dài của Nightmare Alley là vô số những điềm báo. Nó gợi nhớ đến những bi kịch cổ điển, mà rõ nhất là bi kịch của Vua Oedipe, càng chạy trốn lại càng sa vào định mệnh. Nhưng khủng khiếp thay, định mệnh của con người trong Nightmare Alley lại bị vận hành trong sự LỪA DỐI và bị chi phối bởi QUÁ KHỨ.

Thế giới con người trong Nightmare Alley, là thế giới của những tổn thương dai dẳng. Cuối cùng thì, từ gánh xiếc ngoài trời cho đến khán phòng sa hoa, từ kẻ bình dân cho đến giới thượng lưu, từ dân thường cho đến vị thẩm phán nắm quyền lực và tiền trong tay, con người dù là ai, ở đâu, địa vị nào cũng đều có những ẩn ức trong lòng mang tên quá khứ. Tất cả đều muốn thay đổi nó, tất đều muốn hoá giải nó và họ chỉ cần một người, và Stan chỉ là kẻ đó, kẻ nắm được những dấu hiệu từ quá khứ còn lưu dấu vết ở hiện tại, để mang đến cho họ một niềm tin mù quáng rằng, họ có thể được tha thứ, để quá khứ ngủ yên.

Thế giới con người trong Nightmare Alley, là thế giới của sự dối lừa. Nhưng Stan rốt cuộc chẳng lừa được ai, chỉ là họ tự lừa chính mình. Bởi chỉ có sự lừa dối mới mang đến chút an ủi cho những nuối tiếc về những gì đã xảy ra mà chẳng thể đổi thay. Bởi chỉ có sự lừa dối mới có thể mang đến cho con người ta niềm tin vào sức mạnh của bản thân. Như Stan đã tin mình sẽ lật ngược được quân bài. Ông chủ gánh xiếc cũng vậy. Nhưng cuối cùng thì cả hai cũng mất tất cả bởi những gì họ có được chỉ là nền tảng của sự dối lừa.

Sự thật là con người chỉ là những sinh vật nhỏ bé trong vòng xoáy của định mệnh. Chẳng ai đủ sức thay đổi được số phận bởi quá khứ đã an bài. Quá khứ sẽ không bao giờ mất. Nó là một thứ bất di bất dịch mà con người chẳng thể đổi thay, chuyển dời. Quá khứ có một quyền năng khủng khiếp, dù đã lùi xa, bị chôn vùi hay thiêu cháy, thì nó cứ mãi đeo bám con người như những bóng ma bủa vây, ám ảnh cả hiện tại và tương lai. Vì vậy kẻ nào kiểm soát được quá khứ, kẻ đó quyền lực nhất. Nhưng để kiểm soát được nó, con người có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Stan đã chứng minh điều đó, tuy nhiên những người phụ nữ trong phim mới là những người có quyền năng kiểm soát được quá khứ. Đó là bí ẩn nữ tính mà những người đàn ông như Stan chỉ biết lợi dụng nó mà thôi.

BÍ ẨN NỮ TÍNH

Hành trình trên những nấc thang của quyền lực, tiền và danh vọng của Stan luôn có sự giúp sức của những người phụ nữ.

Đầu tiên, anh chủ động tiếp cận Zeena – người phụ nữ từng trải, dày dặn kinh nghiệm trong tình trường và là nhà ngoại cảm, Stan nhanh chóng học được những mánh khoé từ chồng của Zeena, về cách thức họ ra hiệu cho nhau để thôn tính người khác bằng những quá khứ được để lại qua những dấu vết trên vẻ ngoài của họ.

Stan dễ dàng lấy lòng Molly – cô gái trẻ trong gánh xiếc với một tình yêu đầy hứa hẹn. Họ nhanh chóng dời bỏ gánh xiếc để gây dựng sự nghiệp từ những gì học được từ gánh xiếc.

Phần hai của phim bất ngờ chuyển hướng khi lúc này Stan và Molly đã tạo dựng được tiếng vang trong giới thượng lưu, với khả năng “đọc vị bất kỳ ai”. Cho đến khi Lilith Ritter một người phụ nữ bí ẩn xuất hiện, đe doạ năng lực của Stan, nhưng cô ta nhanh chóng bị khuất phục trước anh. Chẳng thể ngờ đó là một bác sĩ tâm lý và bước ngoặt cuộc đời của Stan bắt đầu từ đây.

Trong suốt hành trình chinh phục quyền lực của Stan, khán giả chỉ quan tâm tới nam chính và cuộc trinh chiến của anh ta, mà không để ý đến những người phụ nữ. Họ không phải nhân vật chính trong Nightmare Alley, nhưng chỉ đến khi bộ phim kết thúc, khán giả mới nhận ra chính họ mới là những nhân vật có sức mạnh thực sự. Tưởng như họ chỉ là bệ đỡ cho những nấc thang để Stan leo lên cao và cao hơn, bởi đạo diễn Guillermo del Toro đã rất tinh tế khi xây dựng hình tượng những nhân vật nữ trong phim là những bông hồng có gai, mang vẻ đẹp tiềm ẩn và quyền lực ngầm.

Họ có vẻ ngoài mỏng manh, nhu mì như Molly nhưng cô lại có khả năng kiểm soát cảm xúc và lý trí để chịu được dòng điện chạy qua người, biết mình biết người, biết ta biết cả tình địch khi nhận ra người đàn ông bên mình đang tơ tưởng đến người phụ nữ khác cô chọn cách ra đi thay vì tranh giành.

Họ có vẻ ngoài từng trải, như Zeena không ngần ngại tấn công “con mồi”, nhưng họ đủ tỉnh táo để biết cuộc chơi nào cũng có luật của nó, họ không chọn cách chơi đến cùng mà phải biết điểm dừng và đâu mới thực sự là người đàn ông mà họ nên nương tựa.

Họ có vẻ ngoài u sầu, đau buồn như nhân vật người mẹ mất con trong chiến trận. Nhưng họ đủ điên rồ để quyết định cho số phận của chính họ và người mà họ thương yêu. Để rồi tự chọn cách găm viên đạn vào ông chồng, sau đó tự mình kết thúc bi kịch gia đình khi mà ý nghĩa của cuộc đời họ không còn nữa.

Họ có vẻ ngoài gai góc nhưng ẩn sau một tâm hồn nhiều tổn thương như nhân vật nữ bác sĩ tâm lý Lilith Ritter (Cate Blanchett). Nhưng họ biết khi nào thì tiến, khi nào thì lùi, để rồi chính họ mới là người điều khiển cuộc chơi.

Họ có thể đã chết như nhưng vẫn có quyền năng ám ảnh tâm trí ngài thẩm phán đến suốt đời.

Họ có thể bị hủy hoại nhưng không bao giờ gục ngã.

Họ có sự tinh tế, sâu sắc trong suy nghĩ, thấu đáo trong hành động.

Họ đủ can đảm và cả thừa sự điên khùng.

Họ mới thực sự là những kẻ quyền lực và cả điên cuồng nhất.

Họ mới thực sự là người giỏi chế ngự bản thân và kiểm soát người khác.

Họ mới là người có thừa sự tinh tế để nhìn ra trước hậu quả, để biết khi nào cần dừng lại và từ bỏ.

Sức mạnh họ có được chính là sự chịu đựng. Như cách Molly cảm nhận sự đau đớn của dòng điện để cơ thể quen dần với nó.

“- The thing you need to know is, if you displease the right people, the world closes in on you, very, very fast.

– What happened to you?

– Life. Life happened to me.”

Lời cảnh báo từ vết sẹo trên ngực của nhân vật nữ bác sĩ cũng chính là những bài học từ trường đời đã dạy cho cô. Để rồi chính cô đã cho Stan một bài học bằng một vết sẹo trên tai.

Stan luôn được những người phụ nữ bên mình cảnh báo, nhưng anh chỉ là gã đàn ông đam mê tiền và quyền mà trở nên mù quáng. Những người phụ nữ cũng chỉ là mục đích lợi dụng để anh leo lên cao hơn và cao hơn. Nhưng cuối cùng thì “vỏ quýt dầy có móng tay nhọn”. Stan mánh khoé nhưng nữ bác sĩ tâm lý còn mánh khoé hơn, để rồi anh bị cô đẩy xuống vực thẳm bằng chính thứ đã đưa anh ta lên đỉnh cao.

SỨC MẠNH và QUYỀN LỰC OSCAR

Nightmare Alley gợi nhớ đến The Power Of the Dog, một bộ phim cũng trong cuộc đua tranh giải Best Picture của Oscar 2022, đều lấy bối cảnh từ những năm 1920-30 của thế kỷ trước. Mượn quá khứ để nói về hiện tại và tương lai, cả hai bộ phim đều phản ánh sự sụp đổ của sức mạnh và suy yếu của quyền lực bị che đậy bởi những điều giả dối. Đó cũng là lời cảnh tình cho những đế chế và thể chế rằng chỉ có sự thật mới duy trì được quyền lực và sức mạnh.

Nightmare Alley cũng gợi nhớ đến hình ảnh “người đẹp và quái thú” trong The Shape Of Water. Thế giới con người trong phim của Guillermo del Toro không đẹp như những câu chuyện cổ tích. Nữ chính xấu về ngoại hình, thì nam chính xấu về tính cách. Cả hai bộ phim đều phô bầy cái sự thích mua vui của con người trên sự khác thường, dị biệt và nỗi đau khổ của kẻ khác. Nhưng dù trong hay ngoài song sắt, họ cũng chỉ là nạn nhân của cuộc đời. Tuy nhiên trong Nightmare Alley, đạo diễn Guillermo del Toro đã thực sự khiến người xem bẽ bàng khi cho chung ta thấy “người đẹp và quái nhân” cũng chỉ là một mà thôi. Vì vậy hãy cảnh giác với những gì bạn đang tò mò, hiếu kỳ, kinh ngạc lẫn kinh sợ nhìn thấy trước mắt, bởi tất cả đều có thể là những điềm báo cho số phận của những người đang xem.

LÁ BÀI ÁC MỘNG

Nightmare Alley kết thúc bằng nụ cười đầy chua chát của Stan khi anh ta nhận ra những gì đã – đang – sẽ diễn ra như thế nào. Đó là một cơn ác mộng huy hoàng nhưng cũng đầy bẽ bàng. Nhưng dù kết phim đạo diễn Guillme đã biến Stan thành kẻ thân tàn ma dại, thì người xem vẫn có quyền hy vọng rằng:

“Chúng ta chẳng thể thay đổi những quân bài đã chia, nhưng có thể thay đổi cách chơi chúng”.

Stan đã chứng kiến số phận của kẻ mọi rợ là gì.

Stan, tên anh ta, gần với Stand (đứng lên) và Satan (kẻ chống đối).

Và một kẻ ranh ma, khát quyền lực như anh ta liệu có thể thay đổi số mệnh đã an bài?

Câu trả lời, đã được đạo diễn Toro đặt ở ngay những phút đầu tiên của bộ phim. Đó là dòng chữ tại khu trò chơi mê cung ở rạp xiếc, khi Stan tìm thấy gã quái nhân:

“Take a look at yourself, sinner.”

Đây cũng chính là lời cảnh báo chúng ta.

Hãy để những tấm gương cho bạn biết mình là ai và sẽ là người như thế nào.

Hãy cảnh giác kẻo chính ta cũng sẽ gặp ác mộng như Nightmare Alley.

Đọc thêm các bài khác của Hanhfm

Comment