ImageMột cô bé bạn tôi chia tay người yêu. Họ yêu nhau 3 năm, xa nhau được khoảng 6 tháng, và chia tay nhau 1 tuần. Tôi không chắc rằng việc chia tay này là một sợi dây tình ràng buộc đã đứt hẳn, hay đơn giản chỉ là sự giãn ra hơi quá của một sợi dây cần một quãng đường để co bớt lại, vì thực chất, từ chia tay (broke up) cũng khó duy trì như từ Yêu vậy, nói không quá thì một đôi yêu nhau chắc chắn sẽ phải dùng đến từ chia tay nhiều lần, nhiều lần để rồi nhận thấy rằng đó là người mình chẳng thể thiếu và lại quay lại. Nhưng không phải kiểu “Quay lại từ đầu” mà một bài hát nhạc trẻ sên sến nào đó nói, sự quay lại để hàn gắn, để nối tiếp những dự định chung còn dang dở.

Cô ấy có vẻ buồn bã và đau khổ hơn cái cách tỏ vẻ bất cần và cứng rắn khi 2 người còn bên nhau mà cô ấy hay thể hiện cho tôi thấy nhiều lần. Cô ấy khóc, cô ấy sợ, cô ấy không biết phải làm gì, cô ấy băn khoăn về những điều cần làm để níu kéo người đấy lại. Những cơn xoáy trong lòng không xa lạ với tất cả những người bị chia tay khi mà tình cảm của họ vẫn còn đầy, con đường phía trước vẫn còn muốn đi cùng người mình yêu. Đã lâu lắm rồi, đã quá xa cái thời sinh viên nồng nhiệt lửa yêu đương, tôi là quân sư một cách thầm lặng cho những người bạn gái thân thiết của mình, tôi giống như một “hòn đá kiên nhẫn” lắng nghe tất cả, chia sẻ tất cả để mỗi khi có chuyện buồn họ lại tìm đến tôi, có lẽ tôi giống như cái chậu tưởng kí có thể hấp thụ được vào lòng nỗi sầu thảm của họ nên họ khá dễ dàng chia sẻ với tôi. Tôi giống một ông lão, ngồi im lặng lắng nghe, nói ít nhất có thể, hoặc đôi khi chẳng nói gì. Tôi sẻ chia với họ qua làn không khí mỏng, hơi thở chậm và những sợi suy tư chảy thành những sóng âm không đủ vang thành tiếng. Nhưng đấy là thời sinh viên đã xa xôi, giờ tôi như một lão già suy tưởng, những cuộn sóng cứ dâng trào trong cõi lòng mạnh và dữ đến nỗi tôi không thể tiếp được nỗi buồn của ai ngoài của chính mình nữa, tôi co lại giống như cái hang của Platon, thế giới của tôi chỉ nằm trong cái hang đấy, mọi thứ khác trở nên xa lạ và vô cảm với tôi. Tôi vẫn nghe cô ấy nói, vẫn cảm thấy tôi đã làm được chút gì đó cho cô bé nhẹ lòng, nhưng bản thân tôi, trong lòng tôi, câu chuyện đấy cứ trôi đi tan vào những con sóng của lòng mình. Cô ấy hỏi tôi những câu hỏi đơn giản với từ để hỏi tại sao. Tại sao người ta có thể nói ra dễ dàng lời chia tay thế khi mà mới đây thôi còn khác? Tại sao nếu đây chỉ là khoảng lặng để nhìn lại cuộc tình thì sao lâu thế?… và nhiều câu hỏi khác, tôi nghĩ tôi có thể trả lời tất cả một cách khách quan, và đầy khôn khéo, nhưng tôi biết, tôi không thể hiểu được bản thân câu chuyện tình của họ, tôi không thể nắm được cõi lòng của anh bạn kia, tôi không thể bắt mạch được những xung đột vốn vẫn luôn xảy ra mà tôi được biết. Tôi sẽ lại nói ra những lời xáo rỗng để an ủi, những lời vô hồn để sẻ chia, và những ngụy biện để duy trì hy vọng, không hơn. Đây không phải hai nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết mà tôi ấp ủ và tưởng tượng để tự biên tự diễn tính cách và tâm lý, họ là những thực thể đầy cá tính với bản sắc riêng của mỗi người không thể hòa lẫn, không thể nắm bắt, tôi đâu có đủ can đảm để mạo phạm vào động từ Yêu ở họ.

Có một lần cô bạn thân nhất của tôi đang yêu nói với tôi rằng, tớ sợ, tớ sợ một ngày tớ với anh Hùng (tên này tôi tự bịa chứ k phải tên thật của anh ấy) sẽ chia tay, vì đây chỉ là mối tình đầu của bọn tớ. Có lẽ vì những mối tình đầu thường dang dở, ngay cả hồi xưa khi tôi còn hay làm thơ thẩn tôi cũng từng bảo:

Mối tình đầu với ai cũng đẹp
Nhưng chỉ đậm màu tiểu thuyết văn chương
Chỉ là chỗ dừng chân cho khách bộ đường
Không thể nào và không bao giờ vĩnh cửu.

Nhưng tôi bảo bạn tôi rằng tình yêu nó đâu có khái niệm về sự giới hạn, về sự đong đếm, về sự cụ thể, về những giai thoại, hay những thống kê, tình yêu hơn tất cả là một trạng thái, mà ở trạng thái đó, nó sẽ còn duy trì khi nào những trái tim còn được đập cùng một nhịp với nhau, khi 2 bản thể đó là hai bản thế mà trong muôn vàn kiếp trước, họ là một bản thể người trung tính duy nhất đã bị tách ra và tìm được nhau ở kiếp này, là những kì vọng về một sinh thể chung tương lại có những phẩm chất tốt nhất khi kết hợp cả hai, là những tính toán trong vô thức về một sự hợp đôi hoàn hảo vẫn còn đúng. Hay đơn đó là sự đợi mong mà như Niklas Luhmann trong cuốn Love as Passion đã nói, tình yêu mang lại cho họ những kì vọng, những hy vọng về một người đáng tin hơn hết thảy, biết chăm lo và chăm sóc mình hơn hết thảy, hiểu mình hơn tất thảy, và sống vì người mình yêu hơn là sống cho chính bản thân mình. Đấy là 3 cách lý giải khác nhau của 3 nhà triết học, xã hội học khác nhau, cả ba tôi đều nhìn thấy điều đúng đắn, và tôi nghĩ không nhất thiết phải hợp nhất cả 3 để tạo ra được một tình yêu hoàn hảo, chỉ cần 1 trong 3 tiêu chí đấy được thỏa mãn dựa vào chức năng định lượng của vô thức và ý thức để nhận biết được bản thể đối diện mình có phải là tình yêu mình tìm kiếm. Nhưng tình yêu thường là sự mù quáng, sự mù quáng vì tất cả những cảm thức về yêu đều đến từ vô thức. Người ta không thể lý giải vì sao lại vì một người xa lạ mà bỏ cả gia đình, bỏ hết bạn bè, người ta không thể lý giải vì sao có nhiều người tự tử vì yêu, quyền lực của chữ yêu lớn vậy sao? Tất cả những câu hỏi vì sao ngay bản thân những người soi tận vào từng ADN của tế bào cũng không thể lý giải, những nhà triết học với bộ óc kì vĩ nhất về khả năng quan sát và luận đoán về con người cũng bó tay. Con người đã thoát khỏi chữ “yêu” của động vật nhằm phục vụ cho quá trình duy trì nòi giống, quá trình tiến hóa để thích nghi với môi trường sống, đối với loài người “Yêu” theo tôi như một sự mặc khải, một sự giác ngộ về một thứ cảm xúc vươt lên trên tất cả cảm xúc khác, giống như cách mà Châu Tinh Trì đã để cho tình yêu giúp Đường Tăng ngộ ra được con đường Phật Pháp của mình. Tình yêu, trong cái sự cao đẹp của danh từ đó, nó giống như một cái lõi, một cái lõi của một quả bom, một cái lõi còn lại của viên thiên thạch sau khi bị bầu khí quyển đốt cháy hết phần bên ngoài, cái lõi đó giúp mở tung mọi cảm xúc, mở tung mọi giác quan, tung hê tất cả vẻ đẹp của cuộc đời.
Nhưng, mọi thứ đều tồn tại ở hai mặt đối lập, ai học Triết học Marx-Lenin ở trường đại học chắc đều đã nghe qua câu nói đấy, và sự đối lập càng cao khi một mặt kia càng dữ dội, vì chỉ có sự tương đồng về mật năng lượng mới giúp cho sự vật ở trạng thái cần bằng, chính tình yêu mở bung mọi cảm xúc, thì cũng chính tình yêu đổ đầy sầu khổ vào những cảm xúc đang vô cùng mỏng manh vì sự căng phồng đấy. Con người lại lạc lối, người ta lại đau khổ, nỗi đau dằn vặt và quằn quại, như cơn ác mộng, như địa ngục, mà không như sự tồn tại chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Tại sao tình yêu lại làm điều ác thế? Đâu cần đau khổ để hiểu tình yêu đẹp thế nào đâu? Vì ta yêu trước khi đau khổ mà, khi ta yêu ta đã thấy sự tuyệt diệu mà tình yêu mang lại rồi, chứ đâu phải vì ta buồn mới thấy hạnh phúc, hạnh phúc ở đây đến trước mà. vậy đâu cần phải dùng đến quy luật của Marx để biện minh cho sự đau khổ vì tình, để an ủi những mối tình thất bại. Hay ta sẽ đổ tại cho bản chất, bản chất của mỗi cá thể là sự cô đơn, sự ích kỉ, và khi đạt đến mức độ hạnh phúc nhất định, mỗi cá thể ở trong sâu thẳm sẽ sinh ra tự mãn và quay trở về với bản thể cô đơn của mình, và nỗi cô đơn như được sự ngấm ngầm đồng tính của lý trí, quay trở lại, càn quấy tâm hồn, gây ra những xung đột, tạo một vết rách giữa tình yêu, và để từ đó, vết rách cứ rạn dần ra, nếu người ta không biết kìm hãm cái cô đơn tính đang muốn chiếm lấy cõi lòng mình, thì vết rách rẽ dứt ra hẳn, cho sự chia lìa. Tôi rất rất muốn từ sự cô đơn, tôi muốn phân tích mọi thứ trên đời này liên quan đến con người đế lý giải mọi hành vi, mọi thái độ. Vì tự tôi thấy rằng, chúng ta không phải là những tạo vật bị thiếu do sự chia cách của tổ tiền hàng triệu năm trước, mà chúng ta là những cá thể vật vã đi tìm cái bản ngã của mình, cái bản ngã mà theo đạo Phật là không tồn tại, cái hư không trong sâu thẳm của mình, cái Tự Ngã sâu cay của Freud. Trong bản thân mỗi cá thể có cái gì đó chi phối tất cả, tôi không biết, tôi cứ phàn bừa, là Linh Hồn ưa thích sự Cô Độc.

Cô bé bạn tôi có thể chia tay thật sự, hoặc không chỉ là một đường nhánh vô duyên tách ra ở điểm nào đó rồi sẽ lại gặp nhau không sớm thì muộn. Nhưng đối với tôi, một kẻ đã biến mình thành một người theo kinh nghiệm chủ nghĩa, một kẻ muốn tìm sâu vào bản chất hơn là những mắc mối nằm ở bề mặt, tôi nghĩ rằng, rồi thời gian sẽ làm vết thương của cô bé khô lại nếu họ không thể quay lại nữa. Cả 3 cách lý giải về tình yêu tôi nói ở trên đã không áp dụng được vào cặp đôi này, đơn giản là họ trong hành trình còn rất dài của cuộc đời mình, sẽ lại gặp đâu đó một nhịp đập khác đồng điêu hơn, bền vững và an toàn hơn. Đó là tất cả kinh nghiệm tôi đã để lại trong não bộ mình như một kho lưu trữ để hiểu rằng lý luận về tình yêu là vô nghĩa, và mặc cả với tình yêu là một điều xúc phạm. Còn cô bạn thân tôi thì đã lấy được người ở mối tình đâu của cô ấy, họ vẫn hạnh phúc và có với nhau một thằng ku kháu khỉnh, để đến được như hôm nay, để mỗi sớm thức dậy, họ nhìn nhau mỉm cười như hiện tại họ đã trải qua những tháng ngày yêu nhau không chỉ nồng nhiệt mà còn nhiều cay đắng, nhiều vết rách, nhiều lần vỡ bung tưởng chừng không thể nối lại, nhưng họ thuộc về nhau với những kì vọng được đáp ứng một cách êm ả, một sinh thể chung khỏe mạnh, và họ tìm ở nhau những sóng não hoàn toàn trùng khớp như đã từng là 1 bản thể hàng triệu triệu năm trước. Tôi không nghĩ nhiều về tương lại, vì như thế có vẻ quá độc ác với họ nếu chẳng may tôi lại luận ra một điều quái ác trong cái đầu vốn không phải đầy những mong đợi tốt lành của mình, tôi chỉ muốn nhìn họ hiện tại để hiểu rằng, tình yêu, trong những thời khắc cụ thể, nó là vĩnh cửu và thoát khỏi dòng cuốn của thời gian.

Facebook Comments Box

Comment