Một bộ phim hay và sống theo năm tháng là một bộ phim mang đến cho người xem hoài niệm của chính bản thân mình. Người ta tìm thấy mình trong nhân vật, tìm thấy một thời mà ta không thể quên, không muốn “bán” nó cho bất kì ai, một thời, mà ta coi nó là “di sản” để kể lại cho con cháu mình. Stand By Me (1986) của đạo diễn (Rob Reiner) là một câu chuyện phim như vậy. Nó bất tử theo năm tháng, nó khiến người lớn hoài niệm về tuổi thơ, khiến thiếu niên nhìn ngắm cuộc sống của chính mình trên phim ảnh. Và khiến phụ nữ, họ muốn làm đàn ông, để có một hội “chiến hữu” của riêng mình.

Một nhóm bốn người bạn thân ở độ tuổi 12, chúng chia sẻ nhau câu chuyện, chia sẻ cuộc sống, chia sẻ điếu thuốc lá, và những trò đùa nghịch dại dột. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một số phận, nhưng cuộc sống lại gắn chặt với nhau, không phải ở tại thị trấn nhỏ Castle Rock, Oregon, mà ở trong chính thế giới riêng của bọn chúng, thế giới không ai có thể xâm phạm. Thế giới mà từ đó chúng sẽ sẵn sàng làm trái lời người lớn để tìm kiếm trải nghiệm riêng cho mình, để càng gắn bó và bền chặt hơn qua cách chúng bảo vệ nhau, và đi cùng nhau. Ở thế giới đó, chúng cũng trốn chạy khỏi những tổn thương tâm lý mà chính người lớn gây ra cho chúng.

Gordie (Wil Wheaton) rụt rè và có vẻ yếu đuối, Chris (River Phoenix) mạnh mẽ, sống nội tâm và rất muốn che chở cho Gordie, Teddy (Corey Feldman) mât lý thất thường, ám ảnh bởi hình tượng một người lính trong thế chiến hai và cuối cùng là Vern ((Jerry O’Connell), béo ú, vụng về, nói nhiều và hay bị bạn bè mỉa mai. Chúng thường chơi với nhau tại một ngôi nhà trên cây. Một ngày, ở đấy, Vern “nhiều lời” tiết lộ cho bạn mình một bí mật về nơi mà bọn chúng có thể tìm thấy xác chết của một cậu bé. Bọn chúng quyết định làm người hùng, lên đường đi tìm kiếm cái xác đó, sau đó báo cho chính quyền để được lên ti vi, đúng với suy nghĩ của trẻ con, vừa tò mò, vừa muốn được biết đến, và hơn hết, là được tham gia vào một chuyến đi mạo hiểm – những chàng Tom Soyer trẻ tuổi. Bên cạnh đó, trong thị trấn Castle Rock còn tồn tại một băng nhóm thanh niên, những phiên bản người lớn của bốn đứa trẻ. Chúng phá phách, đàn đúm và “hư hỏng”. Chúng cũng muốn đi tìm xác chết.

PD44511607_STA018A_1917805b

Bốn đứa trẻ lên đường, chuyến hành trình bắt đầu. “Niềm vui, hạnh phúc nằm ở trên hành trình chứ không nằm ở đích đến”. Chúng chia sẻ cho ta cảm xúc của việc trốn nhà, ăn cắp đồ của gia đình, và góp với nhau chút tiền ít ỏi để kiếm miếng ăn. Rồi sau đó, trêu chọc nhau, làm những điều ngu ngốc. Đôi khi chúng xung đột nhau, đánh nhau và rồi giảng hoà. Đôi khi có đứa đòi về, có đứa sợ hãi và thậm chí có cả nước mắt. Tất cả đống trải nghiệm đó, chúng trải nghiêm trong chuyến hành trình 1 ngày đi tìm xác chết vì tò mò, vì tinh thần “chiến hữu” – sống chết có nhau. Để rồi cuối cùng, chúng nhận ra nhau, hiểu nhau và cho chúng ta biết, rồi tương lai của chúng, ai sẽ đi với ai cho đến tận cùng.

Bộ phim không đơn giản chỉ là chuyến đi mạo hiểm với khu rừng đầy đe doạ về đêm, hay một đầm lầy đầy đỉa. Nó còn là hành trình cho ta nhận ra mỗi đứa trẻ không chỉ đối diện với cuộc sống bên ngoài, mà còn phải tìm cách chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân mình. Gordie ngày càng như cái bóng trong chính gia đình mình, khi người anh trai của anh, người được bố mẹ yêu thương và kì vọng qua đời. “Đáng lẽ phải là mày chết mới đúng” – lời thoại đau nhói, ám ảnh đứa trẻ. Gordie tự ti và không dám làm điều mình muốn. Dù cho cậu bé có tâm hồn mơ mộng của một nhà văn, có trí tưởng tượng phong phú và kể được những câu chuyện khiến bạn bè mình thích thú. Và hẳn nhiên, câu chuyện mà Gordie kể, được đạo diễn mô tả lại bằng hình ảnh về một cậu bé béo ú trả thù những người chế giễu cậu, là một trong những trường đoạn phim đặc biệt độc đáo và ấn tượng.

Nhưng Gordie được Chris ủng hộ và khích lệ. Chris đứa trẻ luôn bi quan về tương lai và cho rằng mình sẽ không làm được gì, cũng như không thể thoát khỏi cuộc sống tại thị trấn buồn tẻ Caste Rock. Chris nhìn thấy đam mê trong Gordie, thứ mà mình thiếu, và cậu muốn bảo vệ bạn mình bằng mọi giá. Còn Teddy bị chấn thương tâm lý do người cha từng là một người lính bạo hành. Vern thì yên ổn hơn về mặt gia đình nhưng hèn nhát, và dễ sợ hãi, hoảng loạn. Cứ vậy, bộ phim chợt vô cùng ngây thơ và quyến rũ. Quyến rũ ngay cả trong cách cả bộ phim không có một nhân vật nữ nào. Không phải chúng không tò mò về giới tính. Mà ở một khía cạnh nào đó, tinh thần của những cậu bé dành cho nhau đủ lớn và mãnh liệt để đẩy lùi cái chủ đề về giới tính, vốn là “đặc sản” không thể thiếu của những phim dành cho tuổi mới lớn.

Sự khôn lớn sẽ làm tình bạn tan rã. Nếu cuộc sống chỉ đưa cho tình bạn sự vui vẻ, và chia sẻ. Nhưng khi ở cuối chặng đường, những người bạn dám đứng bên cạnh nhau cùng sống cùng chết thì tình bạn đó sẽ bất tử. Trên cuộc đời mỗi người, chỉ cần ta có được một tri kỉ như vậy, kể cũng đã “lãi” lắm rồi. Bốn diễn viên nhí đã có một vai diễn để đời, và chứng tỏ tài năng của mình. Đặc biệt là River Phoenix. Cái chết quá trẻ của anh đã để lại rất nhiều sự thương tiếc cho người hâm mộ. Nhưng tôi luôn nghĩ, mỗi con người có số phận riêng dành cho cuộc đời. Và River Phonix đã để lại cho đời những vai diên tồn tại mãi mãi với thời gian. Và như vậy anh chết, như thể đã hoàn thành số phận của mình.

Ai cũng có tuổi thơ cho riêng mình, và điều đó đặc biệt ý nghĩa, khi nó được bạn bè chia sẻ, và được trải qua những hành trình không thể quên. Gordie trở thành nhà văn, và kể lại hành trình một ngày với nhóm bạn thân của mình. Còn khán giả, phần nhiều trong chúng ta nhìn thấy hình ảnh của chính mình ở độ tuổi đó, và rồi chúng ta “lục lọi” lại kí ức của mình, một hành trình mà ta đã trải qua để tâm đắc rằng, chúng ta không thể quay về tuổi thơ, nhưng cái tuổi thơ đó đã tạo nên con người chúng ta hiện tại. Đạo diễn Rob Reiner không chỉ làm ra một bộ phim hay, mà còn tạo ra một biểu tượng, một biểu tượng, mà mỗi lần ta xem lại nó, ta nhận ra được thứ điện ảnh tinh khiết, thuần tuý không chỉ vị nghệ thuật, mà còn vì con người trong chân dung giản dị và quyến rũ nhất.

Facebook Comments Box

Comment