Tôi nghĩ nhiều đến tôn giáo, tôi cũng cố gắng tìm đọc một cách hạn chế những tác phẩm của các tôn giáo khác nhau, tôi luôn thấy trong tôn giáo là một thế giới tuyệt vời để tìm hiểu bản chất con người, để hiểu được cách trái tim và khối oc hoạt động trong hàng vạn năm nay khi đối mặt với cuộc sống. Tôn giáo cao hơn sự hiểu ở sắc thái duy tâm, đó là triết lý, là sự cao quý của những bộ óc vĩ đại đã nghĩ ra được những điều tuyệt vời để định hướng con người, định hướng họ tìm về một hướng đúng với những luân lý đạo đức nhất định. Tôn giáo chính là chìa khóa mạnh nhất để ta tìm ra những lời giải đáp mà triết học đã và đang chưa thể đưa ra được những lời giải đáp xác thực. Càng tìm hiểu tôi càng thấy rằng bản thân tôi, cá tính của tôi, và sự trải mình của tôi với thế giới gần với đạo Phật nhất. Tôi tìm thấy ở đó những điều giản dị, không cầu kì, không ràng buộc. Đạo Phật trong suốt quá trình phát triển từ khi hoàng tử Sidahda tìm ra con đường giác ngộ thoát khỏi bể khổ, để lại cho người đời Bát Chánh Đạo, định hướng cho con người đi trên con đường của Giới Định Tuệ hòng mong cõi nhân sinh của kiếp người được dịu êm thoát khỏi sầu khổ, khỏi địa ngục của Tham Sân Si.

Gia đình tôi theo đạo Phật, bố mẹ tôi đã quy y với những Pháp danh được sư thầy đặt để tâm tính được nương nhờ cửa Phật, mẹ tôi hay bảo tôi đi quy, nhưng tôi vẫn chưa chịu, tôi nói tôi cần tìm hiểu thêm, tôi cần phải xem tôi thực sự muốn mang chính danh là một Phật tử không? Mẹ hay mắng tôi khi tôi nói vậy, khi thấy tôi có vẻ không thực sự tin tưởng, và còn nhiều chấp ngã. Nhưng mẹ tôi luôn hiểu kiến thức của Phật giáo của tôi còn nhiều hơn của mẹ, tôi đủ lớn để tự kiến giải lượng tri nhận mà tôi đã lĩnh hội và tự định lượng được tâm tính của mình. Tôi biết tôi chưa hoàn toàn nghiêng mình về Đức Phật, đôi khi tôi vẫn thấy gợn lòng, và tôi tránh để ý nghĩ của mình là một Phật tử. Tôi muốn tìm con đường cho chính mình để tiệm cận Phật giáo hơn là nghe theo lời mẹ. Hơn là chỉ dựa vào những suy nghĩ giản đơn của niềm tin để tự nhận mình là Phật tử. Tôi thiết nghĩ khi đã tự nhận mình là Phật tử tôi không thể nói suông với người khác rằng vì tôi tin vào Đức Phật, vì tôi luôn cố gắng sống tốt đời đẹp đạo theo cách mà Đức Phật muốn, vì tôi luôn đối xử với cuộc sống một cách giản dị và chân thành nhất, tôi muốn khi câu trả lời của một người Phật tử phải là một con đường, mà ở con đường đó lờ mờ những dấu vết của Giới Định Tuệ được dẫn dắt bởi Đức Phật.

Khi đã giác ngộ, người ta đã đạt tới cảnh giới của việc bỏ chấp ngã, ta trở về là một bản thể vô ngã. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Nhưng đó là nấc thang tối thượng mà lòng người hướng đến, đó không phải là câu nói ý dựa vào để cho rằng ta chẳng cần thiết phải tìm hiểu gì hết, vì càng tìm hiểu tức ta còn mang nặng sự Chấp, còn đang hoài nghi với những kiến giải, còn phụ thuộc quá nhiều vào tri kiến của bản thân để thâu nạp và bóc tách giáo lý. Đối với tôi, để có thể thực sự là một Phật tử, người ta cần biết ít nhiều giáo lý của đạo Phật, hay suy rộng ra để nói mình là ai đó, ta cần phải hiểu ai đó có nghĩa là gì? Có lẽ đó tôi là điển hình của cá nhân tính mà trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyên có nói: chúng sinh cõi Ta Bà, “cứng đầu khó bảo” dễ gì tin tưởng. Nhưng tôi hay nhiều người khác, khi cái đầu đủ lạnh để thu nạp cuộc sống, thì không thể đặt hai chữ Tin Tưởng một cách toàn nhất theo cách mà Đức Chúa muốn con chiên của mình phải nhất nhất toàn ý tin theo mình. Đức Tin gắn với tri thức, nếu tin mà không hiểu thì gọi là mù quáng, nếu hiểu rồi mà còn chưa tin thì còn cố chấp. Tôi đang hiểu, đang tin, để đi đến cái toàn bích của việc bỏ cái chấp của mình mà hướng về Đức Phật. Nhưgn tôi chỉ “đang” mà chưa đạt điều điều tuyệt đối. Vì có lẽ trong tôi, tai và mắt thấy quá nhiều, đầu óc nghĩ quá nhiều, để hư hại niềm tin đó.

Tôi có cơ duyên được gặp và nói chuyện với nhiều thầy sư ở một vài ngôi chùa ở Hà Nội và Hà Tây, thầy có vai vế trong giáo hội Phật giáo cũng có, hay chỉ là thầy chùa làng cũng là duyên vậy. Duyên khởi đến từ mẹ tôi, mẹ tôi thỉnh thoảng đi chùa và hay nói tôi đi cùng, tôi thì thường không bao giờ từ chối, vì đối với tôi, không gian đó không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, đó còn là nơi thanh khiết và yên tĩnh cho bất kì ai muốn sự tĩnh lặng. Mẹ tôi thường đi với một bác, bác ấy là một Phật tử vô cùng thành tâm, thường xuyên đi chùa, có thể tụng niệm nhiều loại kinh mà không cần nhìn vào kinh kệ, chính vì vậy bác thường khá gần gũi với các thầy để được chỉ bảo thêm về Phật pháp, tôi đi cùng nên cũng thường ngồi cạnh nghe hầu chuyện, và các thầy thường có một cảm tình khá đặc biệt với tôi, mẹ kể lúc nào thầy có việc gọi điện cho bác đều hỏi thăm tôi, hay khi tôi tình cờ gặp được thầy, thầy luôn nhớ tên và gọi rất trìu mến, trong khi tôi không phải là cậu nhóc duy nhất thường hay đi chùa với mẹ và mấy bác đấy. Thầy hay hỏi tôi hiểu thế nào về đạo Phật, về khổ, về Bát Chánh Đạo, rồi giảng tôi nghe… Nhưng cũng chính vì gần các thầy, nghe và thấy nhiều điều thân cận, tôi cảm thấy nhiều thứ không ổn, nhiều thứ của đạo Phật tôi được xem từ những bài kinh khác với cách các thầy thể hiện, đôi khi tôi cố muốn tìm một lý giải chấp nhận được, như để tiếp cận nhiều Phật tử hơn, để truyền bá được nhiều Phật pháp hơn… nhưng tôi cứ thấy sượng sùng trong những ý nghĩ nhằm lý giải kia, tôi thấy sự xa rời con đường đi tìm giác ngộ mà một vị sư cần phải có…. Thiết nghĩ cũng không cần dài dài kể ra đây những điều không hợp lòng tôi đó, vì chắc ai cũng nhìn thấy. Tôi càng thấy không ổn hơn ở các vị sư đó khi tình cờ và đầy duyên tôi được gặp và nói chuyện với một thầy tu theo cách tu khổ hạnh ở Bình Định, thầy nghèo đến nỗi chỉ mong có đủ tiền mua cái mõ để tụng kinh. 1 ngày thầy đi khất thực 1 lần ở trong thành phố. Về nhà thì tụng kinh, nơi thầy ở không gọi là chùa được mà là một căn nhà cấp 4 bé xíu, lụp xụp, có một gian đàng hoàng nhất để thờ Phật, gian còn lại là bếp và cái giường sắt là chỗ ngủ của thầy, căn bếp gọn gàng, trên chiếc bàn ăn còn dư một nồi canh rau để ăn cả ngày. Chiếc giường tuênh toàng đầy khổ hạnh, thầy bảo có người muốn cho thầy tủ lạnh để đồ nhưng thầy bảo: “tôi có ăn gì nhiều đâu mà cần đến tủ lạnh cho tốn kém”.thầy tự mình góp nhặt đá để lát cái sân và lối ra vào. Người nhỏ bé, lông mi bạc trắng, nụ cười luôn luôn thường trực trên môi, thầy cứ nhắc nhiều đến cái duyên tôi gặp thầy, thầy giảng cho tôi qua những câu chuyện thầy kể về nhân thế, về cuộc sống, về cuộc đời thầy. Tôi không có tình những những hình ảnh của những thầy tôi quý mến ở ngoài bắc thật khác xa hình ảnh dung dị này của vị thầy sư này, tất nhiên thầy theo phái Nam tông khác với Bắc Tông ở miền bắc, dù sao Nam Tông cũng gần với Phật giáo nguyên thủy, nhưng bỏ qua những điều đấy, đối với tôi, Phật giáo ở bất kì tông phái nào cũng đều có một mục đích duy nhất là bỏ đi chấp ngã, hiểu được sự vô ngã, tìm cho mình con đường xóa bỏ vô minh để nhận ra hạnh phúc của cõi đời, tôi đã không thấy nhiều điều đó ở những ngôi chùa miền Bắc….

Chính vì vậy, thỉnh thoảng lỡ lời tôi hay buột miệng nói điều gì đó khó nghe về các thầy sư, về các ngôi chùa đang được xây dựng ngày càng nhiều cả về số lượng và quy mộ, những lúc đó mẹ tôi lại trách tôi, mắng tôi báng bổ. Nhưng mẹ tôi là một người hiểu rộng, mẹ tôi biết rằng tôi nói không sai, mẹ cũng hiểu rằng khi đã là một Phật tử tức là có một cái nhìn đầy con người đối với Đức Phật, Ngài không phải là chúa, không phải là thành với những phép thuật phi thường, Ngài chỉ là người thường đã tìm ra con đường thoát khỏi sự u mê của kiếp sống, tìm ra con đường để ta thoát ra khỏi trầm luân của sự luân hồi. Nên rồi mẹ tôi lại thở dài và nói với tôi những câu sâu sắc về sự tin tưởng và vì sao những vị thầy đó hành xử như thế. Tôi hiểu chứ, tôi hiểu rõ là khác, nhưng hiểu thì hiểu nhưng chấp nhận là chuyện khác, tôi vẫn là một kẻ có nhiều thiên kiến cố chấp mà. Còn hơn thế nữa, trong cõi lòng không tĩnh của tôi, tôi hay nghĩ những điều mong lung ngơ ngẩn và đầy ích kỉ, xong tôi tự nói với mình: “những thứ xấu xa này của đầu óc tôi chỉ có Đức Phật biết” rồi tôi lại nghĩ “nói thế chứ ai thèm quan tâm đến một kẻ như mình, một người đơn điệu trong một cuộc sống đầy những thứ mang tên “‘thường nhật””. Tôi cứ vậy, chấp chới giữa niềm tin và giác tính của chính mình, tôi quỳ trước Đức Phật sám hối tội lỗi của mình, cầu mong Ngài cho tôi con đường giải thoát chính mình, nhưng rồi ở một góc nào đấy trong đầu mình, tôi lại thấy chính tôi phản kháng, chính tôi bảo tôi không đưojc làm vậy, chính tôi thấy sự vô ích của bức tượng Phật tuyệt đẹp kia, tôi quỳ đấy mà trong tôi lại là sự tranh đầu của đức tin và sự thật trần trụi của lý trí của tôi, tôi sợ hãi, tôi run rẩy, tôi không biết tôi thực sự là gì trước ban thờ Tam Bảo đó. Tôi không biết liệu chẳng chẳng phải chỉ mình tôi như vậy, chẳng phải mình tôi không thể nhất tâm, liệu những Phật tử chân chính họ có nhất tâm không? Sự nhất tâm không đến với tôi, là một lý do quá mạnh để tôi không dám nghe lời mẹ đi quy y với một Pháp danh nào đó.

Tôi sẽ là một Phật tử tốt, tôi biết điều đó, bản tính của tôi, cá tính của tôi, những điều tôi đối diện với cuộc sống cho tôi hiểu rằng đạo Phật là điều gần gũi vô cùng đối với tôi. Nhưng không phải bây giờ. Tôi còn trẻ, tôi có một cái ngã quá lớn, tôi quá tự tin để cần một niềm tin đến từ nơi khác giúp tôi đứng vững trên đời, tôi vẫn có thể đứng vững bằng niềm tin của chính mình, tôi đi theo những điều con tim và lý trí mình mách bảo, để vẫn đầy chấp ngã trong đời sống, để lúc nào cũng cho bản ngã của mình được tự tung tự tác, để tự làm mình sầu khổ nhằm tìm ra vị ngọt dịu trong cái đắng đến nhăn mặt mày của ly cafe đen không đường. Tôi vẫn cần lang thang trong biển khổ như vậy, nên tôi không muốn trở thành một Phật tử mà không có sự chu toàn về ước muốn giúp cho cuộc đời bớt đi khổ ải. Nhưng tôi biết Đức Phật tin tôi, nếu ngài chịu đọc tâm hồn tôi, ngài tin tôi sẽ theo Ngài một ngày nào đó. Mọi thứ Tùy Duyên, chữ tùy này không phải sự tùy tiện, chư Duyên này không phải tự nhiên mà có. Tôi trong bể khổ trầm luân vẫn luôn một phần bên trong tôi cố gắng bơi về phía ánh sáng thiêng liêng của Đức Phật. Tôi hiểu đạo Phật có cái hay là Tùy người mà thuyết Pháp, với những kẻ như tôi, Đức Phật chỉ cần mỉm cười ở đâu đó, tôi một đêm nằm mộng nhìn thấy, và hiểu rằng, đã đến lúc tôi chọn cho mình một cuộc sống khác cái tôi bây giờ, một cái cây im lặng và nhìn ngắm cuộc đời, không còn chút Tham Sân Si nữa.

“Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” – Thích Ca Mâu Ni.

Comment