Tháng 5 cả thế giới kỉ niệm ngày chiến thắng hoàn toàn quân đội phát xít trên mọi mặt trận, bên cạnh đó cả thế giới cũng chờ đợi một sự kiện khác của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, đó là liên hoan phim Cannes – một trong những liên hoan phim danh giá và uy tín nhất thế gới diễn ra tại Pháp từ ngày 15-26 tháng 5. 

Quay ngược dòng lịch sử, nói không quá thì chính có sự hiện diện của phát xít Đức, Ý mà liên hoan phim Cannes ra đời. Khi điện ảnh với sự phát minh của anh em nhà Loumiere ra đời, thế giới được thưởng thức xem một loại hình nghệ thuật đặc biệt thông qua phương thức ghi hình sự trình diễn rồi chiếu lại, điện ảnh đã tạo thêm công cụ cho người nghệ sĩ đưa những ý tưởng của mình thành những thước phim để tiếp cận công chúng.

Nhưng phát xít đã kìm giữ sự tự do, kìm giữ nghệ thuật chân chính mà điều khiển và chi phối theo những ý đồ chính trị của mình, thì những người Pháp đã quyết định tạo ra một liên hoan phim cho riêng mình và cho tất cả những nhà làm phim chân chính đến từ khắp nơi trên thế giới. Ra đời năm 1946 đến nay là được 67 năm, liên hoan phim Cannes ngày càng khẳng định tính đích thực của một sân chơi chân chính giành cho giới làm phim ở khắp nơi trên thế giới.

1. Giấc mơ của những nhà làm phim trẻ:

Những liên hoan phim danh tiếng thế giới luôn là nơi tiếp cận tốt nhất của những nhà làm phim trẻ để giới thiệu và quảng bá những bộ phim đầu tay của mình như liên hoan phim Berlin, liên hoan phim Venise, vì đó là những liên hoan mở và có nhiều giải thưởng dành riêng cho những nhà làm phim trẻ, ở đó họ giới thiệu những bộ phim của mình và cạnh tranh nhau chứ không phải chạm trán với những đạo diễn hàng đầu khác của điện ảnh thế giới. Liên hoan phim Cannes là một nơi như vậy khi ra đời với mục đích khuyến khích sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh trên mọi hình thức và xây dựng tinh thần cộng tác giữa các nhà điện ảnh đến từ các quốc gia khác nhau. Được thêm vào thành giải thưởng chính thức từ năm 1978 do nhà phê bình điện ảnh Gilles Jacob khởi xướng, giải thưởng Camera vàng là giải thưởng danh giá dành cho tất cả những đạo diễn trẻ có phim đầu tay được tuyển lựa tham dự liên hoan phim Cannes. Với một ban giám khảo độc lập gồm 15 người của ban Tuần lễ phê bình điện ảnh (Semaine de la Critique)  bao gồm những nhà phê bình, những nhà nghiên cứu và theo dỗi điện ảnh, những người chuyên viết cho các tờ báo điện ảnh hàng đầu thế giới, hàng trăm tác phẩm điện ảnh của những đạo diễn trẻ tài năng khắp nơi trên thế giới gửi về được họ tuyển lựa và chọn ra phim xuất sắc nhất. Uy tín và danh giá, giải thưởng đảm bảo một chiếc vé để đến với công chúng thế giới, cũng như là một lá phiếu đảm bảo một cá tính điện ảnh mới đáng chờ đợi. Chính vì là một tấm vé dành cho mọi quốc gia, những nền điện ảnh ít được biết đến thường luôn cố gắng tiếp cận giải thưởng này để giới thiệu nền điện ảnh của mình, và qua đó, là một bước trung gian dễ dàng nhất để có thể tiếp cận được giải thưởng danh giá mà những người làm điện ảnh luôn mong muốn được tiếp cận, giải thưởng Oscar của viện hàn lâm Mỹ.

Ảnh từ phim Mùi đu đủ xanh

Năm 1993, đạo diễn Trần Anh Hùng với bộ phim Mùa Đu Đủ Xanh đã vinh dự dành giải Camera vàng, anh đã mang đến cho thế giới cái tên điện ảnh Việt Nam, khi đó hầu như không hề được biết đến trên bản đồ của nghệ thuật thứ 7 thế giới ngoài những bộ phim thời kì cách mạng vốn đã qua rất lâu trước đấy. Giải thưởng thực sự là một bước đêm vũng chắc cho sự nghiệp của vị đạo diễn tài năng mang trên mình hai quốc tịch Việt Nam và Pháp, những bộ phim sau này của anh luôn luôn được giới phê bình đánh giá cao và chờ đợi. Anh là đại diện Việt Nam duy nhất từ trước đến nay được lọt vào danh sách đề cử cho giải thưởng Oscar danh giá. Đến năm 2010, một tin vui khác từ Cannes đến với nền điện ảnh vốn đang phát triển một cách yếu ớt Việt Nam, bộ phim Bi Ơi, Đừng Sợ của đạo diễn Phan Đăng Di được tuyển chọn vào danh sách đề cử của giải thưởng Camera Vàng. Những tín hiệu đến từ một liên hoan phim danh tiếng nhất nhì thế giới luôn là những điểm sáng của những nền điện ảnh mà ở đó sự phát triển của bộ môn nghệ thuật thứ bảy còn nhiều hạn chế.

2. Sự cân bằng của các nền điện ảnh khác nhau:

Khi mà giải thưởng Oscar là nơi thống trị của điện ảnh Mỹ và những bộ phim nói tiếng Anh, ngoài một hạng mục duy nhất dành cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất thì liên hoan phim Cannes là nơi quy tụ của điện ảnh thế giới, nơi vinh danh những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật thực thụ bất kể màu da, sắc tốc và ngôn ngữ. Sự đa dạng trong tham dự và sự hoàn thiện về mặt nghệ thuật của tác phẩm được yêu cầu khiến cho giải thưởng càng thêm phần danh giá và đáng được tôn vinh. Ở Cannes là một cuộc chơi cân bằng thú vị của các nền điện ảnh khắp các châu lục khác nhau. Chính vì thế, những bộ phim lạ, độc đáo và giàu chất điện ảnh từ những nước còn chưa được biết đến đã được phát lộ. Đây thực sự là một điểm mạnh của liên hoan phim này. Nhớ lại năm 2010, một bất ngờ vô cùng lớn dành cho nền điện ảnh Thái Lan nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung khi bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul đoạt giải Cành Cọ Vàng, giải thưởng lớn nhất của liên hoan phim. Chiến thằng của Thái Lan đã mang đến niềm hy vọng cho các nền điện ảnh nhỏ, mang đến một phản hồi tích cực về tấm thảm đỏ sẽ dành cho tất cả những ai thực sự có năng lực với những tác phẩm giàu chất điện ảnh ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Ảnh từ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives

Không phải thường xuyên, nhưng việc đoạt được Cành Cọ vàng mang đến rất nhiều hy vọng cho một tượng vàng Oscar cho chính bộ phim đấy. Bộ phim Amour của đạo diễn Michael Haneke là một ví dụ, chiến thắng áp đảo tại liên hoan phim Cannes 2012 đã khiến viện hàn lâm Mỹ trao giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất một cách không hề hoài nghi. Đấy là nói về phim, còn ở khía cạnh cá nhân, những đạo diễn từng được Cành Cọ Vàng luôn trở thành một tên tuổi đáng chờ đợi của nền điện ảnh thế giới. Hơn nữa, nhờ vào việc tôn vinh sự sáng tạo, chất điện ảnh vốn đang bị Hollywood xem nhẹ hơn là nội dung và tính giải trí, những cá tính đạo diễn đó luôn luôn tràn đầy hy vọng cho tượng vàng Oscar – đỉnh cao nhất của sự tôn vinh nghề nghiệp của họ.

Liên hoan phim Cannes 2013, chọn lựa 19 tác phẩm tranh giải cành cọ vàng thì có đến 8 tác phẩm thuộc về điện ảnh châu Á, Tuy nhiên, một điều thú vị là sự nổi bật của điện ảnh Mỹ, vốn thường chỉ ở mức tương đương trong các liên hoan phim trước đó với chủ nhà Pháp. Đạo diễn quyền lực của Hollywood  Steven Spielberg làm trưởng ban giám khảo. Bộ phim Mỹ “The Great Gasby” với sự tham gia của tài tử Leonardo Dicaprio được chọn chiếu mở màn. Liên hoan phim Cannes luôn là một màn trình diễn quyến rũ của nghệ thuật, tài năng, những minh tinh hàng đầu của thế giới và những phẩm chất điện ảnh đích thực. Sự đa dạng của 12 ngày diễn ra liên hoan khiến mọi con mắt đều đổ dồn đến đấy mong đợi một kết quả bất ngờ, mong đợi một sự chân thành tôn vinh những tác phẩm điện ảnh đầy tâm huyết của mọi nhà làm phim, và mang đến những luồng sinh khí mới của sự sáng tạo.

Tạp chí VTC kỳ 1 tháng 5

Facebook Comments Box

Comment