Tháng 12 đến bằng một giấc mơ làm vỡ vụn mọi giấc mơ khác. Giấc mơ buồn nhất trên đời, giấc mơ đánh gục mọi đam mê, phá hết mọi hy vọng sống, giấc mơ hiện thực hơn tất cả mọi hiện thực đang sờ nắm được. Ngủ được một giấc mà thấy được cả tương lại cho đến lúc chết. Mong manh như nhật nguyệt, vỡ vụn như tuyết rơi. Mơ giấc đấy được mơ trong khi tôi thiếp đi khi xem “The wizard of Oz”, một bộ phim trẻ em dễ thương vô cùng. Có lẽ, cái sự trẻ con, và trong sáng của bộ phim, của Dorothy với bác sư tử, chú bù nhìn rơm, chú người thiếc đã đánh cuộc đời người lớn trong mơ của tôi.

Tôi thấy mình mục nát và thối rữa, tôi thấy tôi rệu ra bước còn không còn vững được như anh người thiếc, tôi thấy mình yếu đuối khụy gối nước mắt lăn dài còn hơn bác sư tử, tôi thấy tôi không cần tim nữa, tôi không cần có một quả tim nóng và nhiệt huyết trái tim của tôi đã rụng đi lúc nào mất rồi. Giấc mơ là một bộ xếp hình đã được xếp xong quá hoàn chỉnh về cuộc đời tôi, không một mảnh thừa, không một mảnh thiếu, tất cả hiện ra trong đó với sự trần trụi khủng khiếp, sự phũ phàng đau đớn. Tôi thấy bế tắc và bất lực, tôi thấy bản ngã, sự tự tin của mình đang mờ dần, đang đi xa đang bỏ rơi tôi lại trong nỗi chán chưởng boải hoải.

Tuyết rơi, sớm như mùa thu năm nay đến quá muộn. Tuyết rơi trong giai điệu của nữ hoàng ở hồi 2 của vợ nhạc The Magic Flute, rơi chậm rãi, trong sáng sớm lạnh mờ sương, rồi rơi nhanh dần, những bông tuyết to hơn, dày hơn, với nhịp điệu của sự im lặng trong giai điệu của một bản hợp xướng mùa đông của châu Âu trung cổ. Những bông tuyết trắng tinh, phủ lên đời một lớp màu của sự thanh khiết, nhưng rốt cuộc, cuộc đời vốn đầy bụi bặm, đầy những màu xám u ám, tuyết lại tan, những vũng nước đọng, những màu nhem nhuốc ảo não hiện ra trong đôi mắt thơ thẩn của những khách bộ hành lãng mạn. Mùa đông chỉ mới đến ngang cửa, thổi nhẹ một luồng hơi lạnh lẽo sau gáy rồi lại đi mất, mùa đông đang ở một quán bar nào đó, có thể đang ngắm nhìn mùa thu mua thoát y trên một cây cột, đang thưởng lãm sự trần trụi của mùa thu, và đang uống một cốc cooktail “Bloody Mary” trong khuôn mặt sảng khoái. Người ta thì cứ “ồ mùa đông đến”, “ồ tuyết rơi”, “ồ trời ấm lên rồi”… mùa đông vẫn chưa vận hành nhà máy của mình, những người công nhân khuôn mặt khắc khổ của mùa đông còn đương ngái ngủ.
Tháng 12 đến, chỉ thấy mang đến nỗi buồn ô trọc của những cái cây không còn lá, không còn sinh khí, rệu rã và bần hàn. Mọi người lâu lâu lại nhắc đến tận thế như câu chuyện vui cửa miệng, như chuyện nghiêm túc thật sự. Tận thế hay không thì cũng chẳng ai biết, tương lai vốn mờ mịt và không có tự tính, sao cứ ôm đồm vào trong suy nghĩ, rốt cuộc thì Pavarotti chết rồi, quá khứ mới thực sự là điều đã diễn ra, còn tương lai, đừng quỳ gối hỏi Chúa hay Phật, họ cũng chẳng biết được gì, con người đã lấy đi quá nhiều thứ, hưởng lợi quá nhiều từ trái đất, vậy thì cũng đến lúc phải trả nợ là điều không cần bàn cãi, tận thế cũng vậy, mà không tận thế cũng vậy, dù sao thì cuộc đời mỗi cá nhân đã phủ đầy hối tiếc, thêm 1 lần hối tiếc cuối cùng cũng chẳng to tát gì. Trước khi chết nhớ nghe bản Symphony số 9 của Beethoven.
Thật hay là giáng sinh đến sau ngày tận thế. Vậy những con chiên sẽ nghĩ gì nhỉ? Còn tôi tôi nghĩ, Chúa là người có quyền phép toàn năng, tại sao không để tận thế lùi lại vài ngày, để mọi người được ăn mừng “sinh nhật” ngài đã, hãy để thế giới thắp lên ngọn nến, thắp sáng cây thông Noel đón chào chúc tụng ngài đã, rồi ngài hẵng thanh tẩy thế giới này, có khi đến Noel ngài thấy thế giới này thật thanh bình, những con người thật dễ thương và yếu đuối, những nụ cười hạnh phúc tràn ngập trong ngôi nhà của George Bailey, ngài sẽ đổi ý thì sao? Ngài sẽ bay trên cây thánh giá của mình, đi về phương đông, nơi mà phương đông gọi là “Tây Phương cực lạc”, ngài sẽ hội ngộ với Đức Phật, và ở Trung Đông, tháng Allah ngồi trong cỗ xe để không lộ ra hình dạng thật của mình, họ sẽ hội đàm, sẽ bàn xem có thật sự nên có ngày tận thế không? Và đúng cái ngày Noel đó, thì Israel lại cho nổ bom vào Palestin, hàng loạt trẻ em bị giết, những linh hồn bé bỏng vô tội đấy không siêu thoát cứ lởn vởn trên những mái nhà khóc òa đầy thương xót. Thánh Allah giân giữ, Chúa thì ngao ngán vì những đứa con của mình, còn Đức Phật lại nói “Thiện Tai, Thiện Tai”, và khuôn mặt đức hạnh đầy nét sầu khổ. Ở dưới trần gian, một loạt các báo đài truyền hình của các nước đưa tin phản đối, phê phán, lên án kịch liệt, tổng thống Obama cũng lên tiếng yêu cầu nhà nước Israel không nên có những hành động đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng thế giới… Các vị Chúa, Phật, Thánh, ngồi im trong tư thế của những triết gia, hoặc có thể trong tư thế mà Rodin đã điêu khắc nên người SUy TƯởng, họ ngồi thế ngày này qua ngày khác, họ tranh luận, cãi vã, họ dùng quyền phép đánh nhau. Ngày này qua ngày khác. Đấy là thời gian tương đối. Các vị ấy quyên mất rằng ở chỗ các vị không có thời gian, không có không gian, đấy là một thế giới nằm ngoài những quy luật vật lý của vũ trụ, một thế giới mà nếu ai đó lỡ có bằng chứng về sự tồn tại thì chắc Stephan Hawking sẽ xé vụn quyển “Lược sử Thời gian” của mình. Các vị ấy cứ nghĩ trong khi dưới trần gian, ngày nối tiếp ngày, năm nối tiếp năm, thế giới cứ tồn tại trong một cái đích về tận thế khác ở tận đâu đâu, đau khổ, trầm luân, vui buồn hạnh phúc lại phủ lên loài người, rốt cuộc hộp Pandora không được đóng lại, không có giống loài nào khác thay thế giống loài người. Vậy là chưa có hậu tận thế. Các tiểu thuyết gia lại tha hồ tưởng tượng cái thế giới post-acapolyse ấy trông sẽ thế nào, toàn khỉ ư? toàn nước ư? hay chảng có ma nào?
Tháng cuối của năm, tháng mà ai cũng bắt đầu tổng kết lại một năm của mình, được gì, mất gì, đạt thành công hay không? Ai người sẽ tự tạo ra một biểu đồ, một bảng tính với những số liệu khô cứng về chính sự tồn tại của mình trong năm qua. Còn tôi, chẳng được gì, chẳng mất gì, tháng 12 sẽ trôi qua như một câu thơ của nhà thơ Byron:
“Lòng hận thù anh không còn giữ lại
Và em nhé, hãy quên.”
Facebook Comments Box

Comment