Bàn Tay Của Chúa, tựa phim được lấy từ pha ghi bàn bằng tay đi vào lịch sử của Maradonna tại World Cup 1986 nhưng bộ phim không muốn nói về cầu thủ vĩ đại người Argentina mà là hành trình đi tìm lại kí ức của chính đạo diễn Paolo Sorrentino tại Napoli những năm 80 khi ông còn rất trẻ với niềm vui và sự mất mát đã giúp ông trở thành một đạo diễn tài năng như bây giờ.
The Hand of God (Bàn Tay Của Chúa) mang đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn. Nhưng cái dấu ấn cá nhân đấy sẽ khó có thể khiến khán giả đại chúng đồng cảm nếu như đạo diễn không đủ dũng cảm để kể lại những thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời ông trong đó có nỗi đau không thể chịu đựng nổi, cũng như những niềm hoan lạc của tuổi mới lớn khi tìm thấy nàng Malena của mình. Chính sự thành thật trong ngôn ngữ điện ảnh, sự chân thành trong câu chuyện, và sự bình dị của những người con nước Ý đã giúp cho The Hand of God đi thoát khỏi một cuốn phim kí ức của đạo diễn, nó trở thành một tác phẩm điện ảnh toàn vẹn mang đến cho khán giả những giờ phút được vui buồn và chứng kiến một người đàn ông trưởng thành.
Bộ phim màn mở đầu thật thú vị, một hàng dài người đợi xe bus, trong đó có Patrizia, một người phụ nữ nóng bỏng, một Malena của những câu trai tơ. Một chiếc oto tách ra khỏi làn và tiến đến Patrizia, người đàn ông trong xe tự tỏ ra biết rất rõ cô, và nói rằng ông ta có thể giúp cô có con, điều mà Patrizia muốn đến tuyệt vọng. Cô về trễ, người chồng nghi ngờ cô lại đi bán dâm để kiếm tiền, anh ta đánh cô. Cô gọi gia đình mình qua giúp đỡ. Ngồi trên giường, áo trễ xuống một bên, lộ ra cả khuôn ngực khổng lồ, Patrizia đã khiến đứa cháu trai của mình là Fabietto Schisa mê mẩn nhìn.
Nhân vật chính của chúng ta chính là Fabietto, một cậu nhóc mới lớn, coi người dì Patrizia là người phụ nữ nóng bỏng và hấp dẫn nhất trên đời. Cậu sống cùng bố mẹ và người anh trai tại thành phố Napoli quê hương cùng rất nhiều họ hàng và bạn bè. Bộ phim đi qua những điều giản dị và bình thường nhất. Như bữa tiếc cùng họ hàng bạn bè trong khu vườn ngập nắng của mùa hè, nơi những thành viên trong bữa tiệc nói đủ thứ chuyện trên đời, nơi bố mẹ của Fabietto dù đã lớn tuổi nhưng luôn có cách thể hiện tình yêu với nhau thật đặc biệt, nơi mọi người “cà khịa” nhau… Một cuộc sống đáng mơ ước với nắng, người phụ nữ đẹp mà mình yêu và những tiếng cười rộng khắp.
Fabietto thích nghe nhạc và yêu bóng đá. Lúc đó, cậu và rất nhiều người khác đang rất mong đợi Maradonna sẽ gia nhập đội bóng Napoli quê hương cậu. Tình yêu bóng đá của người Ý mà, chắc chúng ta đều có thể cảm nhận được. Bộ phim cứ thế đi theo Fabietto, thông qua khuôn mặt có phần ngây thơ, gặp gỡ những người xung quanh cậu, bố mẹ cậu, dì Patrizia nóng bỏng nhưng luôn đầy đau khổ, người bạn tội phạm cậu gặp giữa đêm… Fabietto có một cuộc đời bình thường cho đến khi cậu gặp biến cố không thể nào gọi là bình thường được nữa. Sự mất mát, nỗi đau dành cho Fabietto quá lớn. Nó đã xoay chuyển hoàn toàn con người cậu, cách cậu đối diện với cuộc sống, và cách cậu từ nay, đã không còn người có thể tâm sự cùng cậu được nữa. Tôi nghĩ đạo diễn Sorrentino đã thật dũng cảm khi kể lại cách mà ông đã mất cả cha lẫn mẹ trong một buổi tối thật bình thường. Nhưng dường như nó cũng chỉ là một biến cố, trong vô vàn các biến cố lớn lao và đau khổ mà con người phải chịu đựng. Nhưng với Fabietto, biến cố đó tạo động lực cho cậu muốn trở thành một đạo diễn, muốn được làm phim.
The Hand of God đầy những cảnh đời thường, đầy ắp những câu thoại dân dã, đầy những điều tầm phào chứ không thể hiện những chủ đề mang tính triết lý như cách 2 bộ phim trước đó của ông là The Great Beauty và Youth thể hiện. Và chính cái nét đời sống đó được đưa vào phim, với những góc máy đủ đẹp để cho ta đi theo nhân vật qua những góc ngách khác nhau của thành phố Napoli, giúp khán giả như thể cũng đang sống trong đó, muốn đến đó vì thế mà cảm được cuộc đời của nhân vật. Đây quả thực là một bộ phim hay, có vui, có buồn, có sầu khổ, nhưng trên hết cả, là con người rồi sẽ vượt qua hết để trưởng thành.