11 năm sau khi The Lord of the Rings làm điên đảo giới hâm mộ điện ảnh với một thiên sử thi hoành tráng dựa theo bộ 3 tiểu thuyết của J.R.R Tolkien. Peter Jackson lại quyết định đưa lên màn ảnh một tác phẩm khác cũng nói về thế giới Middle Earth của Tolkien, nhưng lùi thời gian lại 60 năm trước khi cuộc hành trình của Frodo với chiếc nhẫn bắt đầu. Câu chuyện của bác Frodo Baggins, Bilbo Baggins – một người Hobbit nhỏ bé tham gia vào chuyến hành trình mạo hiểm cùng với 13 người lùn dưới sự lãnh đạo của Thorin con trai của Thrain, và sự giúp sức của phù thủy xám Gandalf với mục đích chiếm lại ngọn núi cô đơn (The Lonely mountain) – nơi từng là vương quốc thịnh vượng nhất của người lùn đã bị con rồng hung ác Smaug chiếm làm chỗ ở. Chỉ là một câu chuyện ngắn so với bộ 3 tiểu thuyết đồ sộ The Lord of The Rings nhưng Peter Jackson vẫn quyết định làm phim thành 3 tập và mỗi tập có độ dài gần 3 tiếng, gần tương đương với độ dài của bộ 3 The Lord of the rings. Ai đọc truyện rồi, hoặc biết về 2 bộ tiểu thuyêt này thì sẽ đều nghi ngờ về tính khả thi của dự án, nghi ngờ liệu Peter Jackson có thành công trong việc chuyển thể này như đã từng vô cùng thành công và liệu chúng ta sẽ lại được chìm đắm trong thế giới tưởng tượng tuyệt vời của J.R.R Tolkien bằng những hình ảnh siêu đẹp mà Peter Jackson đã mang đến như Chúa Nhẫn?

Để nói rằng bộ 3 này có bằng bộ 3 trước không thì chưa thể vì mới có phần 1 được phát hành. [B]Nhưng tôi có thể khẳng định bằng cảm quan của mình sau khi xem tập 1, tác phẩm điện ảnh The Hobbit này đã không hề làm tôi thất vọng. Tôi vẫn có đầy những cảm xúc như khi lần đầu tiên xem chúa Nhẫn. Và tôi tin chắc phần 1 này cũng sẽ giống như bộ 3 kia tôi sẽ có thể ngồi xem đi xem lại mà lần nào cũng rất thích thú.[/B] Tại sao?

Mặc dù chỉ là một tiểu thuyết ngắn, nhưng tác phẩm của Tolkien là một tác phẩm thú vị trong từng chi tiết nhỏ, chính vì vậy Peter Jackson và đội ngũ viết kịch bản (bao gồm cả Guillermo del Toro người ban đầu định là đạo diễn) đã vô cùng thông minh khi dựa gần như hoàn toàn vào truyện và từ những chi tiết đắt giá của Tolkien họ đã nâng nó thêm 1 chút, một chút thôi để không mất cái chất của Tolkien để khiến 170 phút này thật vô cùng thú vị. Phim này chắc spoil thoải mái vì nó chẳng khác gì truyện mà truyện thì đã được dịch ra tiếng việt và nhiều người đọc rồi. Mở đầu phim ta gặp lại Frodo và Bilbo già ở xứ Shire của mình, rồi Bilbo nhớ lại 60 năm về trước. Gandalf xuất hiện kéo theo một lô 1 lốc người lùn râu tóc bù xù, luộm thuộm, ăn uống thô tục, thô lỗ vào nhà Bilbo, Gandalf đã chọn Bilbo Baggins – một người Hobbit nhỏ bé hiền lành chưa bao giờ đi ra khỏi xứ Shire làm thành viên thứ 14 của một hội đồng hành đi tiêu diệt rồng Smaug nhằm giành lại quê hương cho người lùn. Trên đường đi họ bị sự truy đuổi của bọn Orc mà kẻ chỉ huy Azog có mối thù với thủ lĩnh Thorin. Chúng ta sẽ được gặp lại trong chuyến phim lưu này xứ Rivendell nơi ở của tộc tiên với vị vua Elrond (Hugo Weaving), phù thủy trắng Sarouman – kẻ sau này đã phản bội đầu quân cho Sauron (xem bộ 3 Chúa Nhẫn), Galadriel – công chúa xứ Noldorin (Cate Blanchet) (thuộc tộc tiên mà Frodo gặp trong rừng và định tặng chiếc nhẫn cho bà) và đặc biệt là Gollum. Bộ phim phần 1 dừng lại ở đoạn cả hội được đại bàng cứu khỏi tay của Azog, và Peter Jackson tiết lộ một chút xíu về con rông Smaug.

Từ đầu phim đến cuối phim có rất nhiều đoạn thú vị, đoạn 13 anh lùn đến “quậy phá” trong nhà của Bilbo, đoạn gặp mấy gã khổng lồ Trolls, đoạn bị rơi vào vương quốc của yêu tinh (Goblins), đoạn Bilbo gặp Gollum, đây là đoạn thú vị nhất phim, Gollum – một con yêu bị mê hoặc bởi chiếc nhẫn, luôn phải sống trong bóng tối, ăn cá, ăn cả yêu tinh… trong đầu luôn luôn tồn tại 2 bản ngã, một hiền lành, một dã thú, chính vì thế, Gollum hiện thân không phải là một con quỷ xấu xa, đoạn hội thoại của Gollum và Bilbo, rồi 2 người chơi trò đố nhau để nếu thắng thì Gollum chỉ đường cho gã Hobbit thoát khỏi cái hang tối đấy, còn nếu thua thì sẽ bị Gollum ăn thịt, đoạn này rất hài hước, cái khuôn mặt của Gollum thật vô cùng sinh động vừa đáng thương vừa đáng ghét….một điều thú vị nữa là không chỉ xuất hiện phù thủy trắng Sarauman, phù thủy xám Gandalf mà còn có cả phù thủy nâu Radagast, một phù thủy già lập dị sống cô lập mình trong rừng như một người cha của muôn thú. Và đúng như Peter Jackson đã nói đây là một câu chuyện dành cho thiếu nhi nên có rất nhiều tình tiết hài hước. Không có gì để chê trong kết cấu phim, có thể nó hơi dài quá nhưng cái sự dài đó nó không nhàm chán, nó làm ta cảm thấy như ta đang thực sự sống ở cái thế giới đấy, thế giới thần thoại nơi có phù thủy, tiên, yêu tinh…. Những cảnh quay siêu đẹp, nhìn ngắm thôi đã sướng rồi, khung cảnh New Zealand hiện lên như chỉ có trong truyền thuyết, trong tranh vẽ, đẹp dã man tàn bạo. Bên cạnh đó là độ hoành tráng về mấy màn hành động, đoạn 2 người đá khổng lồ choảng nhau, hay đoạn chiến đấu giữa người lùn và lũ yêu tinh trong lòng núi… Âm nhạc thì vẫn là người đã làm nhạc cho The Lord of the Rings, Howard Shore, nên khỏi bàn. Hiệu ứng 3D có lẽ chỉ là theo xu thế của thời đại chứ khôgn thực sự cần thiết. Còn 48fs/s thì cũng không đáng bị các nhà phê bình chê bai nhiều thế.

Nói thêm về Martin Freeman người đóng vai Bilbo Baggins. Sau thành công của vai bác sĩ Watson trong series phim Sherlock, lần này quả thực anh đã hoàn thành rất xuất sắc việc hóa thân thành một người Hobbit hiền lành, tốt bụng, thông minh, dũng cảm, đấy cũng chính là một điểm cộng nữa cho bộ phim này.

So với bộ phim dở hơi Avatar được các nhà phê bình ca ngợi thì bộ phim này hay gấp trăm lần mà lại bị một số nhà phê bình chê bai thật hơi khó hiểu. Tôi có thử đọc qua thì phần lớn là chê kĩ thuật quay 48fs/s không cần thiết và nó làm cho phim trôgn giống phim truyền hình khi các chi tiết bị làm quá mịn và sắc nét, mà cũng phải nói rõ là đầu phải 100% khán giả sẽ xem phim với sự trải nghiệm 48fs/s, có thể ở Việt Nam còn chẳng có rạp nào đủ khả năng, hầu hết mọi người vẫn xem ở 24fs/s như bình thường, có một bài phê bình của trang Boxoffice.com còn thậm chí chê cả tiểu thuyết của Tolkien. Nhưng họ chê là việc của họ còn đối với tôi thì The Hobbit một lần nữa đã mang tôi đến một thế giới diệu kì của trí tưởng tượng mà điện ảnh có thể mang lại. Tác phẩm điện ảnh này đã xóa nhòa ranh giới giữa điện ảnh và tiểu thuyết. Dù là phim hay truyện thì ta cũng không dám chắc cái nào hay hơn, cái nào nhỉnh hơn như cách chúng ta thường nhìn nhận một tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết.

PS: Thế giới này chưa thể tận thế được, vì vẫn còn 2 phần phim nữa đang chờ phía trước.

Facebook Comments Box

Comment