Lên kế hoạch vượt ngục đã khó, vượt ngục thành công lại càng khó hơn. Ấy vậy mà vào một đêm tháng 4 năm 2012, luật gia khiếm thị người Trung Quốc Trần Quan Thành đã làm được điều không tưởng khi đào tẩu khỏi vòng vây của hơn 100 cảnh vệ đang canh gác tại nhà ông ở tỉnh Sơn Đông. Những năm tháng hoạt động chính trị chống lại chính phủ đã khiến ông lĩnh 6 năm tù “khổ sai” – tức bị đánh đập thường xuyên – tại trại giam và sau đó là giam giữ tại gia.
Trần Quan Thành trốn thoát vào một đêm tối mịch mù. Vốn mất đi thị giác, ông hoàn toàn dựa dẫm vào những giác quan còn lại để tìm đường leo ra khỏi bức tường bao quanh nhà, băng qua không bao nhiêu sông suối, đường xá để tìm đến Đại sứ Quán Mỹ tại Bắc Kinh, nơi duy nhất nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Trong suốt cuộc hành trình gần 500 cây số, đã có lúc ông phải lết đi vì một chân của ông đã bị gãy khi tẩu thoát.
 Câu chuyện về người đàn ông mù một mình qua mặt cơ quan an ninh quốc gia đã tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ những nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc. Quá mất mặt, giới chức Trung Quốc đã phải thắt chặt kiểm duyệt nội dung trên internet, nghiêm cấm mọi trang web chia sẻ thông tin về Trần Quan Thành. Thậm chí, họ còn chặn luôn cả từ khóa “người mù”, “đại sứ quán” và “Shawshank” trên các công cụ tìm kiếm trong nước.
 Vào ngày 23/9/1994, The Shawshank Redemption chính thức công chiếu tại Bắc Mỹ. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về Andy Dufresne (Tim Robbins thủ vai), một phó giám đốc ngân hàng bị lãnh hai án chung thân do là nghi phạm duy nhất trong vụ án bắn chết vợ và tình nhân. Trong tù, Andy làm quen và kết thân với Red (Morgan Freeman thủ vai), một phạm nhân cũng nhận án chung thân khác, đồng thời cũng là người dẫn truyện.
Nhưng thập niên 90 lại là khoảng thời gian cực thịnh của dòng phim hành động “cháy nổ tưng bừng” với những ngôi sao như Arnold Schwarzenegger và Bruce Willis. Còn với Shawshank, bộ phim là quá trình lên kế hoạch vượt ngục trong suốt 20 năm của Andy, nên tiết tấu của phim lúc nào cũng chậm rãi và trầm lắng. Dù được giới phê bình tung hô, nhưng The Shawshank Redemption lại là một thất bại cay đáng tại phòng vé. Sau 3 ngày cuối tuần công chiếu, bộ phim chỉ thu về được 1 triệu đô và có tổng doanh thu nội địa sau 2 tháng ra rạp là 15 triệu đô, hoàn toàn không đủ để bù đắp kinh phí sản xuất lên đến 25 triệu đô. Không những thế, The Shawshank Redemption còn không có duyên với các giải thưởng điện ảnh, đặc biệt là Oscar dù được đề cử ở tận 7 hạng mục. Bởi vì đơn giản là bởi năm ấy, Hollywood đã vinh danh hai bộ phim khác đình đám hơn là Pulp Fiction và Forrest Gump.
Pulp fiction
Forrest gump
Tuy nhiên theo giời gian, The Shawshank Redemption lại không hề bị lãng quên mà càng chứng tỏ sức hút qua năm tháng. Năm 1995, một năm sau khi được phát hành, tác phẩm này trở thành bộ phim được thuê băng video nhiều nhất tại Mỹ. Sau này khi được lên sóng truyền hình, lượt ratings của The Shawshank Redemption luôn ở mức mức kỷ lục.
Nhà phê bình quá cố Roger Ebert xem đây là một trong những tác phẩm hay nhất mà ông từng xem. Năm 2007, Viện phim Hoa Kỳ AFI đã xếp The Shawshank Redemption ở vị trí thứ 72 trong danh sách 100 phim Mỹ hay nhất mọi thời đại, vượt qua cả hai đối thủ năm xưa là Pulp Fiction (76) và Forrest Gump (94). Trong cuộc thăm dò ý kiến độc giả của tạp chí điện ảnh Empire (Anh) vào năm 2008, bộ phim đứng thứ 4 trong các danh sách 500 phim hay nhất mọi thời đại.
Không dừng lại ở đó, kể từ năm 2008 cho đến nay, The Shawshank Redemption luôn đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng của IMDB’s Top 250, trên cả The Godfather và kiệt tác bất hủ Citizen Kane của đạo diễn huyền thoại Orson Welles.
Nam diễn viên Morgan Freeman kể lại rằng bất kì nơi nào ông đi qua, mọi người đều bảo với ông The Shawshank Redemption là bộ phim hay nhất họ từng xem qua. Tim Robbins cũng đồng ý với bạn diễn, rằng dù có đi đến nơi nào trên thế giới, luôn có những khán giả ngợi ca bộ phim là kiệt tác thay đổi cả cuộc đời họ. Thậm chí đến lãnh tụ Nelson Mandela, cựu tù nhân nổi tiếng nhất thế giới cũng đồng cảm với bộ phim. Tim Robbins cho biết trong buổi gặp mặt trực tiếp, Nelson Mandela đã không ngần ngại bày tỏ niềm yêu thích của ông dành cho Shawshank.
Vậy The Shawshank Redemption đã trở thành một hiện tượng toàn cầu như thế nào?
Dù đang là chủ sở hữu một căng biệt xa hoa ngay tại thành phố Los Angeles hoa lệ, ít ai biết rằng vào thập niên 80, đạo diễn Frank Darabont đã có một cuộc sống vô cùng chật vật. Trước khi nhận được đề cử giải Oscar cho The Shawshank Redemption và trở thành nhà sản xuất cho series The Walking Dead đình đám, ông phải cầm trịch những bộ phim kinh phí thấp để sống qua ngày. “Tôi lúc đó chẳng có nghề ngỗng gì cả.” vị đạo diễn cho biết.
Tuy nhiên, có một điều chưa bao giờ thay đổi trong suốt nhiều năm, rằng Frank Darabont luôn là một fan trung thành của nhà văn Stephen King và những tác phẩm của ông.
Có lẽ chưa tác giả nào có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim như Stephen King, bắt đầu với bộ phim Carrie (1976). Để khuyến khích những đạo diễn trẻ ít tên tuổi, Stephen King sẵn sàng bán quyền chuyển thế các tác phẩm của ông với giá chỉ 1 đô. Vào năm 1983, chàng đạo diễn trẻ tuổi Frank Darabont đến gặp Stephen King và mang theo 1 đô la để xin phép ông quyền được thực hiện The Woman in the Room. Tác phẩm sau này trở thành một trong số ít những bộ phim ngắn nghiệp dư được Stephen King đánh giá cao. Nhưng niềm đam mê thật sự của Frank Darabont lại là được đưa The Shawshank Redemption lên màn ảnh rộng.
Với dự án mơ ước nằm ngay trước mắt, Frank Darabont đã kiên trì khẳng định thực lực của bản thân trước khi gặp mặt Stephen King một lần nữa. “Sau khi đảm nhận vai trò biên kịch cho ‘Nightmare on Elm Street 3’, tôi nghĩ giờ đã đến lúc gặp ông ấy rồi”, vị đạo diễn chia sẻ.
Sau khi nhận được sự ủng hộ từ Stephen King, Frank Darabont nhanh chóng bắt tay vào triển khai kịch bản cho The Shawshank Redemption. Và thế là kịch bản 96 trang của bộ phim bắt đầu thành hình. Tuy nhiên, Frank Darabont lúc đó lại càm thấy chưa sẵn sàng để thực hiện bộ phim. Thay vào đó, ông lại dành 5 năm tiếp theo tập trung cho những dự án nhỏ lẻ như The Blob và The Fly II.
Vốn dĩ muốn tạo nên một bộ phim nhằm tôn vinh tiểu thuyết gốc, Frank Darabont đã học hỏi các dẫn truyện đặc trưng của tác phẩm, thậm chí một số đoạn ông còn bê nguyên lời thoại từ nguyên tác. Tuy nhiên, ông cũng đưa khá nhiều sáng tạo của riêng bản thân vào trong phim, với mục đích làm bật lên giá trị cốt lõi của tác phẩm. Trong nguyên tác của Stephen King, nhân vật Brooks qua đời một cách khá mờ nhạt. Tuy nhiên khi lên phim, Frank Darabont đã cho Brooks một câu chuyện riêng, xoáy vào sự lạc lõng của nhân vật này với cuộc sống ngoài trại giam và sau cùng dẫn đến cái chết đầy xúc động của Brooks khi ông quyết định treo cổ để chấm dứt sự bất lực của bản thân.
Nếu trong nguyên tác, anh chàng phạm nhân trẻ Tommy, người nắm trong tay bằng chứng vô tội của Andy, sẵn sàng giữ im lặng để đổi lấy việc được chuyển đến nhà tù an ninh thấp hơn thì khi lên phim, Tommy đã bỏ mạng vì muốn làm chứng giúp đỡ Andy. Không những thế, tất cả những tay cai ngục tàn nhẫn trong tiểu thuyết đã được Frank Darabont tổng hợp lại thành một nhân vật duy nhất là Quản ngục Norton, kẻ thay vì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì những tội ác hắn đã gây ra thì lại tự sát bằng một viên đạn vào đầu.
Như đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock đã từng nói “Để làm nên một bộ phim hay, bạn cần phải có 3 yếu tố sau: Kịch bản, Kịch bản và Kịch bản.” Sau khi đọc qua kịch bản cuối cùng của Frank Darabont, diễn viên Tim Robbins đã thốt lên rằng đây kịch bản tuyệt vời nhất ông từng xem qua. Morgan Freeman dĩ nhiên cũng đồng tình với quan điểm của bạn diễn, tin rằng nếu kịch bản của The Shawshank Redemption không phải là xuất sắc nhất thì nó vẫn chắc chắn nằm trong top những kịch bản xuất sắc nhất mọi thời đại.
Sau 8 tuần làm việc cật lực, Darabont cuối cùng cũng hoàn thành kịch bản bộ phim. Và may mắn thay, kịch bản này lại rơi ngay vào tay nhà sản xuất Liz Glotzer, người có một niềm đam mê mãnh liệt đối với dòng phim “vượt ngục”. Bà chia sẻ: “Vì lý do nào đó, tôi luôn thích phim về đề tài vượt ngục. Hễ cứ có kịch bản nào như vậy là mọi người trong công ty đều nói ‘Liz sẽ đọc ngay.’ “
Dòng phim vượt ngục có lịch sử rất lâu đời ở Hollywood, với những tác phẩm kinh điển như The Big House, Cool Hand Luke, Papillon, Escape from Alcatraz, và Bad Boys. Tuy nhiên, vượt ngục chưa bao giờ nằm trong số những chủ đề ăn khách. Thế nên, ai cũng nghĩ Liz Glotzer đã quá liều lĩnh khi dọa sẽ nghỉ việc nếu Castle Rock Entertainment không đồng ý thực hiện Shawshank. Kịch bản của bộ phim thu hút đến nổi bà không thể “đặt nó xuống”. Giống Robbins và Freeman, bà cũng nói rằng: “Đây là kịch bản hay nhất mà tôi từng đọc.”
Trùng hợp hơn, đạo diễn Rob Reiner—chủ tịch và người sáng lập nên Castle Rock Entertainment cũng “phát cuồng” về kịch bản này. Reiner sau đó đưa ra một thỏa thuận mà ít có nhà biên kịch nào có thể từ chối: ra giá mua lại kịch bản Shawshank với giá 3 triệu đô để ông có thể đích thân đạo diễn bộ phim.
Reiner cũng rất yêu thích tuyển tập tiểu thuyết Different Seasons của Stephen King và ông cũng đã gây tiếng vang khi chuyển thể quyển The Body thành tác phẩm được đề cử Oscar Stand by Me (1986). Thực tế, hãng Cast Rock được thành lập nhờ có thành công của Stand by Me, với cái tên “Castle Rock” được lấy cảm hứng từ một thị trấn giả tưởng trong phim.
Sau khi thực hiện A Few Good Men (1992), Reiner muốn Tom Cruise, ngôi sao chính của bộ phim vào vai Andy Dufresne trong Shawshank. Dù đây dự án của Darabont nhưng Castle Rock vẫn muốn ông nhường lại quyền đạo diễn cho Reiner với Cruise trong vai chính, bù lại ông sẽ được một số tiền khổng lồ.
Được sinh ra trong một trại tập trung dành cho những người chạy trốn khỏi cuộc cách mạng Hungary năm 1956 và sau đó lớn lên trong nghèo khó tại Los Angeles, Darabont dĩ nhiên vô cùng phân vân trước đề nghị này. “Số tiền kiếm được từ nghề biên kịch chẳng đủ để tôi trả tiền thuê nhà”, ông chia sẻ. Nếu chấp nhận bán kịch bản Shawshank, Darabont đã có thể trở thành một trong những nhà biên kịch giàu có nhất Hollywood. Glotzer chia sẻ rằng Darabont đã “vô cùng khổ tâm”. Thậm chí, Castle Rock còn hứa hẹn sẽ tài trợ bất kì dự án nào tiếp theo của Darabont nếu ông đồng ý nhường ghế đạo diễn Reiner.
Ấy thế mà Darabont (lúc đó mới 33 tuổi) lại từ chối đề nghị này, nói rằng “Bạn có thể đổi giấc mơ của bản thân để lấy tiền nhưng cuối cùng bạn sẽ muôn đời tiếc nuối vì đã không thể thực hiện điều mình hằng mong muốn.” Dĩ nhiên, đây là một quyết định rất liều lĩnh khi xét về mặt pháp lý, Castle Rock hoàn toàn có thể sa thải Darabont khỏi vị trí đạo diễn bộ.
Dù không được cầm trịch bộ phim nhưng Reiner cuối cùng vẫn trở thành cố vấn cho Darabont trong quá trình thực hiện Shawshank. Reiner kể rằng: “Điều tôi cảm thấy thú vị là 2 bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King được nói đến nhiều nhất (Stand by Me và The Shawshank Redemption) lại không phải là 2 tác phẩm kinh dị hay siêu nhiên. Chúng cho ta thấy Stephen King là một tác giả có khả năng tạo nên những nhân vật có chiều sâu với những câu thoại vô cùng chăm chút.”
Với Darabont trong ghế đạo diễn, quá trình casting chính thức bắt đầu. Trong nguyên tác của Stephen King, người dẫn chuyện là Red, một người Ireland da trắng. “Tôi nghĩ tới những diễn viên gạo cội mà mình ưa thích như Gene Hackman và Robert Duvall,” Darabont chia sẻ. “Nhưng cuối cùng lại không mời được ai cả.” Nhà sản xuất Liz Glotzer mới quyết định mặc kệ nguyên tác và chọn Morgan Freeman cho vai này.
Chọn diễn viên vào vai Andy Dufresne còn khó khăn hơn. Tom Hanks và Kevin Costner đều không hứng thú với vai này. Mặc dù Tom Cruise rất thích kịch bản, nhưng anh lại không muốn làm việc cùng với một đạo diễn mới vào nghề như Darabont. Cruise chỉ chấp nhận tham gia nếu bộ phim được Reiner giám sát chặt chẽ từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, Rob Reiner lại nói rằng: “Nếu anh (Tom Cruise) tham gia, dự án này hoàn toàn thuộc về Darabont.” Vậy là Tom Cruise quyết định rời khỏi Shawshank.
Theo lời giới thiệu của Morgan Freeman, Darabont quyết định chọn Tim Robbins vào vai Andy Dufresne. Darabont kể lại: “Nếu Morgan muốn Tim Robbins cho vai chính thì tôi hoàn toàn tin tưởng ông ấy.”
Trước thập nên 90, Tim Robbins chỉ mới tham gia một vài vai nhỏ trong những phim như The Love Boat và Top Gun. Tên tuổi của ông bắt đầu được công chúng biết đến với vai “Nuke” LaLoosh trong Bull Durham (1988). Khi ông nhận giải nam diễn viên xuất sắc lại Liên hoan phim Cannes 1992 với vai chính trong bộ The Player, tờ Newsweek đã gọi Tim Robbins là “diễn viên sáng giá nhất hiện nay”.
Robbins cho rằng sự thiếu kinh nghiệm của Darabont trong vai trò đạo diễn sẽ được bù đắp bởi nhà quay phim kì cựu Roger Deakins, người vừa cộng tác với Robbins trong bộ phim The Hudsucker Proxy của anh em nhà Coen. Bổ sung vào dàn diễn viên là Bob Gunton, trong vai Giám ngục Norton; Clancy Brown trong vai Đại úy Hadley; nam diễn viên huyền thoại James Whitmore được chọn vào vai ông lão phạm nhân Brooks Hatlen. Brad Pitt ban đầu được cast cho vai chàng phạm nhân trẻ tuổi Tommy nhưng sau cùng lại rời khỏi bộ phim để theo đuổi những dự án khác trong vai chính.
Quay ngoại cảnh cũng lúc nào cũng mệt mỏi và Shawshank cũng không phải ngoại lệ với một lịch quay “tàn bạo”: mỗi ngày làm việc từ 15 tới 18 tiếng, 6 ngày 1 tuần và trong suốt 3 tháng tại Trại cải tạo bang Ohio và trường quay gần đó. “May mắn lắm chúng tôi mới được nghỉ ngày Chủ Nhật.” Darabont cho biết.
Nhờ có bộ phim Shawshank, Trại cải tạo bang Ohio giờ đã trở thành một địa điểm du lịch. Tuy nhiên, trước khi trở thành nơi thu hút khách tham quan, nơi đây đã bị đóng cửa vào năm 1993 do những phạm nhân tại đây phải sống trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. “Đây là một nơi đầy ám ảnh”, đạo Darabont kể lại. Nam diễn viên Tim Robbins còn chia sẻ rằng: “Bạn có thể cảm nhận được nỗi đau của hàng ngàn con nười ở đây.” Bộ phim thậm chí còn tham khảo những cựu phạm nhân có hoàn cảnh tương tự như trong kịch bản để tái hiện lại chính xác những gì họ đã trải qua trong tù, từ việc bị đánh đập thường xuyên cho đến việc bị cai ngục ném ra khỏi buồng giam.
 
Robbins nhớ lại khoảng thời gian quay phim 3 tháng ở trong tù, “bộ phim không khiến tôi cảm thấy tuyệt vọng, bởi vì ở trong Andy luôn có khát vọng tự do cháy bỏng. Tuy nhiên, nhiều lúc bộ phim cũng thật sự u ám vì những gian khổ mà những nhân vật trong đó phải trải qua.” Deakins đồng ý với điều này, cho rằng quá trình thực hiện bộ phim thật sự rất căng thằng, “có một số cảnh khiến tôi không kiềm được sự xúc động.” Cảnh phim khiến Deakins phải “rợn người” cũng là phân đoạn Robbins yêu thích nhất trong cả phim. Đó là khi những người tù nhân được tận hưởng chai bia lạnh trên nóc nhà máy. Trong suốt hơn nửa tiếng đầu phim giữa bầu không khí ngột ngạt xám xịt, đây chính là phút giây ấm áp và nhẹ nhàng nhất. Bất chấp việc có thể bị Đại úy Hadley ném khỏi nóc nhà bất cứ lúc này, Andy vẫn kiên quyết để đổi lấy một chầu bia cho các người bạn tù và chứng kiến nụ cười trên môi họ – từ một nạn nhân bất đắt dĩ, anh đã trở thành một người hùng.
Theo như lời Freeman, cảnh phim này được thực hiện vô cùng vất vả. “Chúng tôi thật sự phải trải nhựa đường lên nóc nhà. Nhựa đường thì đâu có nóng chảy được bao lâu, chỉ trong chốc lát là khô cứng lại ngay. Mỗi lần quay chúng tôi đều phải làm lại từ đầu.”
Một vấn đề kỹ thuật cũng xuất hiện trong cảnh quay này, bởi vì mỗi cảnh quay đều phải trùng khớp với lời thoại mà Freeman đã thu sẵn từ trước, đòi hỏi phải quay đi quay lại rất nhiều lần. Đạo diễn Darabont kể lại: “Tôi nhớ lúc vừa thực hiện xong một cảnh quay khá chỉnh chu, có người trong ê-kíp đã mừng đến phát khóc, tôi nghĩ thế là ổn rồi, cảnh này có thể sử dụng được.” Tới lúc lúc hoàn tất phân đoạn này, cả đoàn đều kiệt sức. “Thế nên không còn gì tuyệt vời hơn là được ngồi xuống uống chai bia mát lạnh”, Freeman kể lại.
Robbins còn không nở nổi nụ cười mỗi khi nhắc lại những căng thẳng trên trường quay Shawshank, anh chỉ nói ngắn gọn rằng “khó khăn nhất là một ngày làm việc thật sự quá dài.” Giống như nhân vật Red trong phim, Freeman rất điềm tĩnh khi kể lại những khó khăn này. “Hầu hết căng thẳng là giữa đạo diễn và dàn cast. Cả tôi cũng mất bình tĩnh với đạo diễn vài lần.” Freeman kể lại. Hầu hết những phút giây “căng thẳng” này là do Darabont muốn quay đi quay lại 1 cảnh. “Và tôi nói tôi không muốn quay, tôi không muốn nhai mãi một cảnh. Diễn xuất thật ra không khó nhưng nếu cứ lặp lại điều gì đó mà không có lý do cụ thể rất là mệt mỏi và bực mình”, Freeman chia sẻ. Ông nhớ lại cảnh lính canh phát hiện ra lối tẩu thoát của Andy, “Nhân vật của tôi lúc đó phá lên cười. Tôi phải quay lại cảnh đó không biết bao nhiêu lần.”
“Tôi học được rất nhiều điều. Đạo diễn phải có một bản khảo sát nội bộ để xem các diễn viên cần gì.” Darabont nói về kinh nghiệm thu được sau khi thực hiện Shawshank, bộ phim đầu tay của ông.
Darabont thường dùng cụm từ “bị dập tơi tả” khi nói về những căng thẳng trong quá trình quay phim, khi quan điểm nghệ thuật của ông khiến mỗi ngày trên phim trường như cực hình. Nhưng một khi đã bước vào giai đoạn hậu kì, mọi rắc rối đó đều biến mất. Bản cắt đầu tiên dù đã rút gọn hết mức nhưng vẫn có thời lượng lên đến gần 2 tiếng 30 phút, và bị nhà sản xuất Glotzer chê là “dài”. Trong số những cảnh bị cắt có đoạn Red đi đạo ngoài phố sau khi được ân xá và xung quanh ông vô số những cô gái xinh đẹp. “Không có cô nào mặc áo ngực cả”, giọng của Red vang lên.
Cũng có một cảnh mà Glotzer nhất quyết giữ lại cho bằng được – đoạn Red và Andy hội ngộ ở bãi biễn Zihuatanejo, Mexico. Đoạn kết ban đầu Darabont giống y nhưng trong nguyên tác, một kết thúc mở với cảnh Red ngồi đợi xe bus đến Mexico. Darabont nghĩ cái kết mà Glotzer chọn quá sến súa và chỉ để câu khách. Tuy nhiên, Glotzet vẫn kiên quyết với quyết định của bà, nói rằng “Nếu đã có ý muốn cho 2 nhân vật này gặp nhau thì tại sao lại không cho khán giả thấy cảnh đó?”
Dĩ nhiên chẳng ai nghĩ một bộ phim vượt ngục với tiết tấu chậm chạp là một quả bom tấn cả. Nhưng Shawshank được giới phê bình tung hô lên tận mây xanh trong buổi chiếu thử. Glotzer còn nói rằng bà chưa thấy buổi chiếu thử nào thành công như vậy. Nhà báo Gene Siskel gọi đây là “một trong những phim hay nhất năm” và so sánh Shawshank với tác phẩm kinh điển One Flew over the Cuckoo’s Nest. Dù vậy không phải ai cũng thích bộ phim. Nhà phê bình Kenneth Turan cho rằng bộ phim quá “sến súa” và “trông chẳng khác gì một cây kẹo bông gòn khổng lồ.”
Thế nên khi chính thức ra rạp vào ngày 23/9/1994, Shawshank được kì vọng rất cao. Theo truyền thống tại Hollywood, ê-kíp làm phim sẽ đi hết rạp này đến rạp khác trong đêm mở màn để quan sát phản ứng của khán giả dành cho tác phẩm của họ. Glotzer cùng Darabont đến rạp Cinerama Dome, rạp phim “đỉnh” nhất thời bấy giờ, nơi Shawshank đang được công chiếu. Tọa lạc tại đại lộ Sunset Boulevard, Cinerama Dome có hơn 900 chỗ ngồi nhưng ngạc nhiên thay, hôm đó lại chẳng có khán giả nào đến xem bộ phim cả. Glotzer đổ lỗi cho đánh giá thiếu tích cực của tờ L.A. Times.
Thậm chí, Glotzer cùng Darabont phải chặn 2 cô gái lại để bán vé, khẳng định rằng nếu thấy Shawshank không hay, họ có thể gọi trực tiếp lên Castle Rock để yêu cầu hoàn tiền. “Đáng lẽ đây phải là một đêm mở màn hoành tráng”, Glotzer chua chát nói.
Freeman thì lại cho rằng tựa đề là nguyên nhân chủ yếu khiến không ai muốn đến rạp xem phim. “Cái tựa ‘Shawshank Redemption’ rất khó đọc. Hiệu ứng truyền miệng là nhân tố chính tạo nên thành công cho một bộ phim. Tưởng tượng có người nói với bạn rằng ‘Tôi vừa đi xem cái phim này về. Tựa gì ấy nhỉ? Shank, Sham, Shim hay gì đấy. Nói chung là phim hay. Nghe đến đây liệu bạn có còn muốn ra rạp xem phim nữa hay không?”
Không những thế, 1994 còn là năm rất sôi động tại Hollywood với 2 tác phẩm là Pulp Ficton và Forrest Gump. Cả 2 đều được xem là những kiệt tác kinh điển thời hiện đại và nhanh chóng nhấn chìm bản xếp hạng doanh thu. Trong khi đó “The Shimshunk Reduction” (phỏng theo lời Freeman) vẫn phải chịu cảnh ra rạp mà không có khán giả.
Đến đầu năm 1995, Shawshank được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật vinh danh với 7 đề cử Oscar, trong đó có 3 hạng mục quan trọng là Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Martin Freeman) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Đáng buồn là đến đêm trao giải, Shawshank cùng những bộ phim khác lại làm nền cho Forrest Gump tỏa sáng. Nhưng bù lại, hiệu ứng Osacar đã giúp băng VHS của Shawshank bán “đắt như tôm tươi”, và sau đó trở thành tựa phim được thuê nhiều nhất năm. Thậm chí nhà quay phim Roger Deakins cũng ngạc nhiên vì điều này.
Vào đầu thập niên 90, ông trùm truyền thông Ted Turner phải đau đầu vì tìm kiếm nội dung cho kênh truyền hình TNT do chính ông lập ra. Lúc đó, ông đã sở hữu bản quyền của tất cả những phim do hãng MGM phát hành trước năm 1948. Dĩ nhiên, Ted Turner sớm nhận ra rằng đài TNT không thể thu hút khán giả mới bằng những bộ phim cũ được. Thế nên vào năm 1993, ông đã thực hiện phi vụ mua lại hãng Castle Rock, cũng như là quyền sở hữu kho phim đồ sộ của họ. Với đơn vị sản xuất lẫn phát hành đều nằm chung một nhà, TNT nhanh chóng trở thành một gã khổng lồ truyền thông, nổi tiếng là nơi chiếu những bộ phim rạp sớm nhất trên truyền hình. Và thế là The Shawshank Redemption chính thức có mặt trên đài TNT.
Không rõ Ted Turner đã bỏ ra bao nhiêu tiền để đưa Shawshank lên đài TNT nhưng con số này chắc chắn thấp hơn rất nhiều so với những bộ phim lớn khác, bởi dù gì, ông vẫn là chủ sở hữu của Castle Rock. Darabont nhớ lại: “Theo hợp đồng thì trong khoảng thời gian Castle Rock nằm dưới quyền Turner, ông ta có quyền phát sóng tất cả những bộ phim mà hãng đã sản xuất bao nhiêu lần tùy thích”. Còn theo Glotzer, phí bản quyền của thường phụ thuộc vào doanh thu của bộ phim; Shawshank chỉ thu về được 28 triệu đô nên thật sự tiền bản quyền của bộ phim “rẻ như cho”, còn TNT thì vẫn thu tiền quảng cáo “giờ vàng” đều đều. Shawshank được phát sóng lần đầu tiên trên TNT vào tháng 6/1997 và thu về mức ratings kỷ lục. Và thế là bộ phim cứ được chiếu đi chiếu lại suốt đến nỗi Freeman nói rằng “chẳng cần biết ngày nào mấy giờ, chỉ cần mở TV lên là thấy The Shawshank Redemption.”
Chính nhờ được chiếu trên TV, Shawshank đã chạm đến trái tim của hàng triệu khán giả. Theo như lời của Freeman, danh tiếng của bộ phim không lên nhanh như “nấm sau mưa” mà trái lại chậm rãi như “cây sồi”.
The Shawshank Redemption chắc chắn không phải là một phim chick-flick. Nếu không tính poster của Rita Hayworth, Marilyn Monroe, và Raquel Welch thì trong phim chỉ có đúng 2 nhân vật nữ và toàn bộ lời thoại của họ chỉ có 23 từ. Nhưng Shawshank có thể được xếp vào những phim khiến nam giới “rơi lệ”. Ngồi xem Shawshank trên TV là một dịp hiếm hoi để cánh mày râu có thể tuông ra những “giọt lệ đàn ông”, nhất là đoạn Brooks tự vẫn để giải thoát cho bản thân. Rất nhiều khán giả đã không kiềm được lòng trước thông điệp đầy xúc cảm về khát vọng sống thông qua tình bạn khắn khít giữa Red và Andy.
Như lời Robbins, “Đây là một bộ phim về tình bạn giữa 2 người đàn ông mà không hề có màn rượt đuổi bằng xe hơi nào.” Freeman thậm chí còn đi xa hơn khi nói ”Với tôi đây là một câu chuyện tình yêu. Họ thật sự vô cùng yêu thương nhau.” Tình bạn giữa Andy và Red được vung đấp suốt nhiều năm, giống như tình cảm khán giả dành cho bộ phim trong suốt thời gian đó vậy. Nếu tình cờ gặp phải Shawshank trong lúc đang dò đài thì khán giả sẽ bị thôi miên trước giọng nói đầy truyền cảm của Morgan Freeman, khiến cho họ không muốn bật đài khác nữa. Như lời đạo diễn Darabont. “Nói cách khác, một khi bạn đã bước vào rồi thì sẽ không thể rút chân ra được. Bạn bắt buộc phải xem hết bộ phim.”
It’s a Wonderful Life và The Wizard of Oz — 2 bộ phim được xem nhiều nhất lịch sử — cũng có câu chuyện tương tự như Shawshank. Cả 2 đều là những thất bại phòng vé nhưng sau đó lại trở thành một hiện tượng trên truyền hình. Giống như câu nói “There’s no place like home” trong The Wizard of Oz, Shawshank cũng để lại một câu thoại vô cùng đáng nhớ “Get busy living or get busy dying”. Freeman chia sẻ, “Đấy ắt hẳn là câu nói đi sâu vào trong tâm hồn khán giả nhiều nhất. Giống như, liệu bạn có muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời này hay không?”
Đỉnh điểm của The Shawshank Redemption là khi Andy chui ra khỏi đường cống thải của nhà tù, nơi Red gọi là “river of shit”, sau gần 20 năm chuẩn bị với chỉ cây búa khắc đá nhỏ xíu. Khi ra đến con kênh bên ngoài, Andy cởi phăng chiếc áo, dang tay tận hưởng cơn mưa của sự tự do và tạo nên một trong những thước phim đẹp nhất lịch sử điện ảnh. Không rõ Trần Quan Thành đã ăn mừng như thế nào khi đến Lãnh sự quán Mỹ tại Bắc Kinh, nhưng Reuters có đề cập đến số phận của Hà Bội Dung, người phụ nữ đã giúp cho ông tẩu thoát. Chuyện kể rằng khi bà đang bị cảnh sát thẩm vấn tại một khách sạn thì trên TV tình cờ chiếu The Shawshank Redemption. Thế là cả bà lẫn những nhân viên cảnh sát đều ngồi xuống theo dõi bộ phim.
Variety đã gọi Shawshank là “một viên kim cương thô kệch” trong lần đầu ra mắt, nhưng theo thời gian (2 thập kỉ) và áp lực (liên tục được phát sóng), bộ phim đã trở thành báu vật tuyệt mỹ của điện ảnh. “Tôi nghĩ lý do Shawshank lại có sức ảnh hưởng đến như vậy là vì khán giả có thể dễ dàng cảm nhận được sự gần gũi trong phim, họ có thể nhìn thấy một phần cuộc đời của mình trong đó” Robbins chia sẻ. “Dù ‘nhà tù’ đang giam giữ bạn là gì – có thể là một công việc chán chường, một mối quan hệ tệ hại, dù tên giám ngục đang dày vò bạn có là gã sếp khó ưa hay là bà vợ, ông chồng thích càu nhàu — thì bên trong bạn vẫn luôn tồn tại một dốm lửa tự do chỉ chờ dịp được bùng cháy. Dù có phải tốn nhiều thời gian đi chăng nữa, đến một lúc nào đó, mỗi người rồi cũng sẽ tìm thấy được bãi biển cát trắng dành riêng cho họ mà thôi.”
Đăng Khoa (Nguồn: Vanity Fair)

Comment