Thế giới của Bela Tarr lúc nào mang đến nỗi tuyệt vọng, sự tàn lụi của loài người. The Turin Horse, tác phẩm điện ảnh mới nhất của ông cũng vậy, nó như một bản nhạc cầu hồn của Mozart nối dài từ tác phẩm kinh điển dài bảy tiếng đồng hồ của Bala Tarr có tên Satantango. Trong bộ phim The Turin Horse, tác phẩm mà ông tuyên bố là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp, sự tàn lụi được miêu tả ở mức độ tối giản, trong cách thức mà con người cố gắng chống chọi với cuộc sống hàng ngày để sống, để tồn tại, cho đến khi ánh sáng cuối cùng của đời mình tắt hoàn toàn. Trước đó, khi còn thở, “You have to eat”, chúng ta phải ăn, như một câu thoại ám ảnh về sự sinh tồn mà Bela Tarr nói ra từ miệng của nhân vật.
Sử dụng hai màu trắng đen, với bối cảnh tối giản có thể là bất kì vùng đất quên lãng nào trên trái đất, The Turin Horse dẫn ta vào một tình huống sống cơ bản của loài người, chống chọi với tự nhiên, chống chọi với nỗi tuyệt vọng, sự khốn cùng, chống chọi đến chết để sống. Chỉ sống thôi, ở nghĩa tối giản nhất, ở khía cảnh nguyên thuỷ nhất, mà xã hội hiện đại đã vô tình che lấp đi mất. Bela Tarr và đồng đạo diễn Ágnes Hranitzky đã khơi lên bằng The Turin Horse. “Điện ảnh chết cùng Bela Tarr”, câu nói ngoa ngôn này lúc nào cũng đúng sau khi xem phim của ông. Chúng ta không thể tưởng tượng được sức nặng của sự chân thực và tầm thường, cho đến khi xem phim của ông. Lúc nào cũng vậy, trong mọi bộ phim mà đạo diễn bậc thầy người Hungary đã làm.
Bằng một cú máy dài, với những góc quay khác nhau, cận cảnh, trong cơn gió giật vì bão, cảnh phim về một con ngựa đang kéo xe với người đàn ông đang cầm cương xuất hiện. Con ngựa già, lông xác xơ, rệu rã, người đàn ông cũng rất già, râu tóc bạc, một bên tay bị liệt. Họ đang cố gắng vượt qua cơn bão để về nhà. Bela Tarr thử thách khán giả ngay cảnh quay đầu tiên. Nó kéo dài lê thê, như thể, đối với Bela Tarr, một cảnh quay đủ lâu, khán giả đủ kiên nhẫn, sẽ thực sự có thể giúp khán giả cảm nhận được điều mà nhân vật cảm nhận, hoặc đúng hơn, sẽ cảm thấy được ý nghĩa của sự vật lộn, sự chịu đựng, và thấu hiểu được cảm giác muốn từ bỏ nhưng bản năng không cho phép. Bela Tarr cùng với nhà quay phim Fred Kelemen chỉ sử dụng khoảng 30 cú máy cho một bộ phim dài 150 phút phim. Ở liên hoan phim Berlin, ông đã bảo khán giả khi họ vỗ tay trước khi xem phim “đừng làm vậy cho đến khi bạn xem phim xong”. Bộ phim mang đến sự thử thách rất lớn cho khán giả, vì ông chỉ mang đến một không khí phim tầm thường, vô cùng tầm thường.
Sau khi trở về nhà dưới cơn bão, cô con gái ông già xuất hiện, họ tháo dây cương, tháo dây nối với xe, để đưa ngựa vào nơi nghỉ ngơi. Cuộc sống của họ được camera kiên nhẫn diễn giải, cô con gái giúp ông già cởi bỏ quần áo ngoài, cô gái đi nấu khoai tây, mỗi người một củ. Khoai chín, cô gọi ông lão dậy, họ ngồi vào bàn, ông lão dùng một tay bóc vỏ với dáng vẻ vội vã vì nóng, vì đói, rồi bóp vỡ củ khoai, ăn vội vã, vì đói, vì nóng rồi bỏ dở, ông lão ra ngồi ở nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi cô con gái đã ngồi đó khi đợi khoai tây chín. Camera không vội vàng, đạo diễn không vội vàng, diễn viên không vội vàng vì nhân vật không có gì bất kì nhu cầu gì ngoài ăn, ngủ, nghỉ để đợi ngày trôi qua.
Cứ vậy, ngày này qua ngày khác, đạo diễn nhắc lại từng đó hành động bên trong căn nhà tối tăm hoàn toàn tương phản với ánh sáng bên ngoài. Điều khiến bộ phim cực kì ấn tượng đó là cách sử dụng ánh sáng, ánh sáng bên ngoài trong cơn gió giật làm hiện lên trên khung hình là bụi, lá chết và sự tàn lụi, thì ánh sáng bên trong nhà u tối, với ánh sáng thỉnh thoảng lọt qua cửa, ánh sáng của lửa le lói của lửa trong lò sưởi, thứ ánh sáng chỉ đủ làm nổi lên khuôn mặt u buồn của cô con gái, và khuôn mặt luôn khó chịu của ông già. Tối giản đến hết mức có thể, phải đến phút thứ 60, cuộc đời của hai bố con mới bị xen ngang bởi một người đàn ông đến mua rượu. Sự im lặng được thay thế bằng một đoạn thoại dài, trong đó người đàn ông dẫn giải về sự phai tàn của loài người như một thứ triết học mà Nietszche đã viết trong suốt cuộc đời mình. Nhưng bằng một câu cắt ngang đầu châm chọc và mỉa mai, ông bố nói rằng đó chỉ là rác rưởi, thứ triết học mà người đàn ông kia nói đến. Người đàn ông đó, cười mỉa mai, đứng dậy, cầm chai rượu, và ném bên bàn vài đồng xu để trả tiền rượu, rồi bỏ đi.
Bela Tarr muốn nói gì, ông chỉ đang cho chúng ta thấy cuộc đời, khi ý nghĩa của nó chỉ còn lại là sự tồn tại thì mọi thứ là vô nghĩa, tận thế hay không cũng vậy, sống qua ngày, mới là cái điều mà họ quan tâm. Nhắc đến Nietszche tôi mới cắt nghĩa tên bộ phim, nó nằm ở ngày đoạn đầu phim, trong giọng kể chuyện của người đang kể câu chuyện về hai cha con và con ngựa của mình. Một giai thoại kể rằng, khi Nietszche ở Turin, ông chứng kiến một con ngựa không chịu nghe lời người chủ xe, con ngựa cứng đầu bị người chủ xe tức giận, quất cương lên người liên hồi. Nietszche không đành lòng, ông lao đến, nhảy lên lưng ngựa, che cho nó, rồi ông khóc, ngã xuống ngất đi. Từ đó Nietszche bị chuẩn đoán bị bệnh thần kinh, ông được mẹ và chị chăm sóc, và chết sau đó 10 năm. Bela Tarr lúc đó mới đặt câu hỏi: Còn số phận con ngựa, không ai biết gì hết.
Phát triển giai thoại đó, Bela tarr cùng biên kịch László Krasznahorkai “tiểu thuyết hoá” thành câu chuyện phim The Turin Horse. Số phận của con ngựa già ra sao? Sang ngày thứ 2 nó không chịu kéo xe trong thời tiết bão nữa, nó từ chối ông già, nó muốn ở nhà. Ông già bất lực, cùng cô con gái trở vào nhà. Sang ngày thứ 3, con ngựa không chịu ăn cỏ. Những hành động ám thị đến cái chết. Con ngựa, phương tiện duy nhất nuôi sống gia đình, đang không thể làm việc được nữa. Họ muốn bỏ đi, nhưng không thể, cơn bão quá lớn, họ lại trở về. Họ cố gắng giữ sự sống, nhưng bản thân họ cũng đang rời bỏ cuộc sống vì có lẽ cuộc sống đang rời bỏ họ. Những cảnh quay cuối cùng, khi ánh sáng không thể được bật lên, khi giọng kể chuyện đọc lên rằng, họ đang sờ soạn bóng tối, đang tìm kiếm chăn để đắp lên người, để đi ngủ, để hy vọng vào một ngày mai sẽ khác, trong sự im lặng chết chóc của màn đêm, của cơn bão đã tan, ta cảm thấy sự tuyệt vọng đạt ở mức đỉnh điểm. Sự bất lực với kiếp người. Con ngựa cứ vậy đang từ bỏ cuộc đời nó. Nhưng con người thì không thể, họ vẫn phải đấu tranh đến cùng. “You have to eat”, ông già bảo con gái. Nếu không sống thì chẳng còn ý nghĩa gì, nhưng có ý nghĩa gì khi chỉ tồn tại?
Bộ phim là sự thử thách để bắt đầu cho khán giả với những cú máy quá dài, những cảnh quay lặp đi lặp lại, dù dưới những góc nhìn khác nhau. Nhưng khi để bản thân chìm trong đó, bằng sự hiện sinh, bằng những góc máy đầy ám ảnh trong thứ nhạc nền đan xen với tiếng gió giật tưởng như không dứt có thể dập tắt mọi hy vọng sống, khán giả sẽ như bị mê hoặc khi chìm đắm trong sự chiêm nghiệm về sự hiện hữu của mỗi bản thể người trên trái đất này. The Turin Horse xứng đáng là tác phẩm của bậc thầy, người có thể khơi dậy sự tầm thường mà không cần dùng bất kì kĩ thuật tái tạo hay giả dạng nào mà vẫn khiến cho người xem bị kéo hút vào bộ phim, vào những khung hình tĩnh, những cảnh quay lặp lại, vào nhưng cảnh cận khuôn mặt buồn bã của con người. Con người, ở xã hội hiện đại đầy những sự phù phiếm và khoe mẽ, nhưng thực chất, trong cái bản chất bị che lấp, chỉ có đúng một thứ, sự đấu tranh để sống, dù hoàn cảnh khác nhau, cuộc tranh đấu mang những hình ảnh khác nhau, nhưng tựa chung lại, ở cốt lõi, ở sự nguyên thuỷ, không có ai khác biệt hết.