Lâu nay, “toàn sao” đã trở thành công thức quen thuộc để đảm bảo thành công và sức hút của một bộ phim. Đó là lối tiếp cận “tầm tầm về chất lượng nhưng ầm ầm về số lượng”, lấy số áp đảo chất, và thường thành công về mặt đại chúng. Còn những bộ phim không có lấy một cái tên hay gương mặt quen thuộc thì sao, để gây chú ý cần đến yếu tố gì? Cần đến một câu chuyện thức thời và cái tài của đạo diễn, cũng là trường hợp của bộ phim kinh phí thấp A Coffee In Berlin (tên khác: Oh Boy) của đạo diễn người Đức Jan Ole Gerster, đặt bối cảnh chính ở thành phố trung tâm nước Đức: Berlin.

1. A Coffee In Berlin thuộc dòng phim mumblecore, thể loại phim độc lập đặc chủng Đức; là một bộ phim khiêm tốn, có cốt truyện vi mô nép bên lề thời đại giữa muôn trùng những bộ phim với đề tài vĩ mô khác. Thế nhưng, tiếng thở khẽ giữa dòng thời cuộc của Gerster cũng đã kịp mang về nhiều giải thưởng qui mô danh giá, chứng tỏ câu chuyện của gã Niko lông bông đại diện cho không ít thanh niên thế hệ mới, một thế hệ đứng trước nhiều rủi ro nhưng cũng lắm cơ hội.
Cũng như Manhattan của Woody Allen hay Frances Ha của Noah Baumbach, câu chuyện của Jan Ole Gerster mang âm hưởng của thời đại: những người trẻ tự do vừa lớn nhưng chưa thực sự trưởng thành; họ có đầy đủ đặc quyền của một người trẻ, nhưng lại chưa biết làm gì với nó. Một thông điệp được gửi đi, một câu chuyện được truyền tải tếu táo nhẹ nhàng, một gã thanh niên loay hoay với hàng mớ những sự kiện tưởng như bông đùa, nhưng lại là dữ kiện lắp ghép để người xem hình dung ra cuộc sống của một millennial (8x-9x) giữa một thành phố lớn.

2. Niko Fischer, vừa bị đuổi học khỏi trường Luật, lêu bêu từ đầu này đến đầu kia thành phố, vô mục đích, sống nhờ tiền trợ cấp từ bố trong khi vô vọng tìm kiếm điều gì đó có thể làm gã yêu thích mà lao đầu vào. Niko bắt đầu câu chuyện của mình bằng một cuộc chia tay ễnh ương với bạn gái; cô bạn gái đề nghị làm cho gã tách cà phê buổi sáng, gã uể oải từ chối với lí do: “Anh đang có hàng tỉ việc cần làm”, và rời đi. Thực tế, gã chẳng có gì để làm. Cùng với ông bạn thân Matze (Marc Hosemann thủ vai), hai người biến “thất nghiệp” trở thành một sự nghiệp. “Không làm gì” được xem như một hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của hai gã ương dở này. Niko muốn tìm một cốc cà phê nhâm nhi buổi sáng, nhưng chỗ thì hết cà phê, chỗ thì quá đắt so với túi tiền, chỗ miễn phí thì bồi bàn chưa kịp châm thêm.

Kiếm một tách cà phê giữa Berlin trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với Niko.

Dường như những thành phố lớn, đông dân cư, những quán café mái hiên, khói thuốc…là bối cảnh được trưng dụng nhiều nhất để kể câu chuyện của tuổi trẻ. Dưới bầu trời Berlin lửng lơ, xám xịt, những vùng trời trung tính của cuộc đời, Niko chọn cách… mặc kệ tất cả.

Tom Schilling trong vai Niko phảng phất nét phớt tỉnh Ăng-lê đặc trưng của James McAvoy, bóc tách hoàn hảo tính cách của gã thanh niên Berlin vô nhiễm với nỗi lo về bản ngã, về tương lai. Niko thuộc về lớp Thanh Niên Lạc Lối (The Lost Youth) của thế kỉ 21 mang tư tưởng ngầm chống đối lại những khế ước xã hội, khiến người ta mường tượng đến gã Holden Caufield hoang mang trong tiểu thuyết Bắt Trẻ Đồng Xanh, hay gương mặt tội nghiệp của anh chàng Benjamin trong bộ phim The Graduate kinh điển, một bộ phim thể loại coming-of-age của thế kỷ trước.

Niko đưa người xem lang thang khắp nẻo Berlin, nơi mà bao đại lộ, giao lộ, bao phố xá, quảng trường, quán café, tàu điện đã trở thành một phần không thể tách rời xuyên suốt phim, cũng như trong câu chuyện được kể. Như thể phiêu bạt chỗ này chỗ kia dưới vòm trời Berlin cũng là một cách mang lại ý nghĩa nào đó cho Niko, mặc dù chủ quan mà nói, Niko chẳng thấy cuộc sống có ý nghĩa gì.

83 phút thời lượng của bộ phim bắt sóng hoàn hảo tinh thần và tâm trạng của thành phố Berlin, của cả một thế hệ lững chững nằm ở giữa – chưa đủ lớn để có thể xác quyết cuộc đời, nhưng cũng không còn nhỏ để trông chờ, dựa dẫm vào gia đình. Thế hệ millennial là một thế hệ kì khôi; họ có quá nhiều cơ hội nằm trong tay nhưng đôi khi chẳng biết nên chọn lấy cái nào – một pha tiến thoái lưỡng nan oái ăm của thanh niên thời hiện đại. Điển hình nhất cho sự do dự mang tính khái quát này là cảnh trong tiệm café: Niko chỉ muốn một tách cà phê giản dị nhưng phải chọn lựa giữa muôn trùng vây các loại vị khác nhau – nên bắt đầu từ vị nào, và rằng vị đó có đáng thử hay không.

A Coffee In Berlin cũng mở ra một vấn đề lớn hơn, rơi ra khỏi phạm vi cá nhân của nhân vật. Berlin là thành phố sôi nổi, đầy khí lực, ngập ngụa những gương mặt nghệ sĩ, hoặc muốn-trở-thành-nghệ-sĩ, những kẻ vô danh muốn trở thành một Mark Zukerbergs thứ hai, một Karl Lagerfelds con huyền thoại, hay trở thành đạo diễn phim điện ảnh nổi tiếng. Và, mọi diễn biến cũng như hành động của ham muốn này đều xảy ra xung quanh, hoặc bên trong những quán café. Họ kì cạch làm việc với chiếc laptop trong quán café, gặp gỡ đối tác trong quán café, bàn thảo về những dự án phim bom tấn tương lai trong quán café, thảo luận tổ chức một bữa tiệc thời trang hay sự kiện nghệ thuật cũng trong quán café với cốc Latte Macchiatos đặt trước mặt. Ai cũng bận rộn, hoặc làm ra vẻ bận rộn để được dán chiếc nhãn “Thành Công”. Bên cạnh những kẻ muốn được “tự định vị” bản thân kiểu như thế, là những người như Niko: một nhóm người vô định, chểnh mảng với mọi hoạt động đời sống, không đặc biệt tha thiết điều gì, và không muốn trở thành một phần của cái cộng đồng những kẻ đi tìm nhãn mác định danh phù phiếm ngồi trong các quán cafe kia.

Có thể xem A Coffee In Berlin là một hợp tuyển phim (portmanteau film), kể những câu chuyện ngắn của những con người vô danh trong thành phố mà Niko là móc nối chính, một bức tranh mosaic được lắp ghép từ những mảng đời sống thực ở đô thị Berlin: những đứa trẻ hip-hop “bling bling” muốn tẩn bạn học cũ một trận, một thần đồng diễn xuất sa cơ lỡ vận, phải đóng vai Hitler trong một bộ phim hạng thường, một người hàng xóm thèm muốn được yêu, một đám đông bên rìa nhà hát… Những mẩu mosaic mang màu sắc đô thị này khiến người xem cười khúc khích bởi tính trào phúng, vừa bi vừa hài, cười ra nước mắt. Nó khiến người xem liên tưởng đến những bộ phim của Jim Larmusch, Aki Kaurismaki hay Noah Baumbach: vắn tắt, ngắn gọn, súc tích với nhân vật kiệm lời nhưng ấn tượng kịch tính.


Cùng với nhà quay phim nhiễu sự nhưng cực tài năng Philipp Kirsamer, Jan Ole Gerster đã trưng ra một Berlin đầy quyền lực về mặt hình ảnh bằng thể loại phim trắng-đen, một đô thị lớn đầy sức sống, trẻ trung và sôi nổi nhưng vẫn còn bị che phủ bởi lớp màn đen tối của lịch sử. Phân đoạn làm mạch phim chùng xuống là khi Niko thăm trường quay bộ phim về Thế chiến thứ 2 của một người quen, một gã sĩ quan Nazi đồng tính đem lòng yêu một người đàn ông Do Thái. Sau tiếp, trong một phân đoạn rõ hơn, gã ngồi vẩn vơ trò chuyện với một ông lão bị ám ảnh bởi quá khứ từ sự kiện Kristallnacht – phát súng mào đầu cho làn sóng diệt chủng người Do Thái ở Đức và Áo dưới thời Đức quốc xã.

Nước Đức đã có một đoạn đường lịch sử đáng xấu hổ. Vả chăng, thế hệ thanh niên sinh sau đẻ muộn vẫn chưa thể thoát ra nỗi tự ti quá lớn từ bóng tối quá khứ?

3. Nhiều nhà phê bình khó tính cho rằng, A Coffee In Berlin chẳng khác gì một nồi lẩu thập cẩm, đúng hơn là một niềm hoài cổ, một dạng “pay tribute” đáp lại những đoạn vàng son của lịch sử điện ảnh: Jazz Age, trào lưu Hiện thực mới Ý (Italian Neorealism), Làn sóng Pháp mới (French New Wave)… Thế nhưng, công bằng mà nói, Gerster đã “nấu” một nồi lẩu tuyệt hảo cho bữa tiệc điện ảnh Đức. Kể từ sau những kiệt tác như Goodbye Lenin!, The Lives Of Others, The Tunnel, Barbara, điện ảnh Đức có một thời gian bị chững lại. Chính Jan Ole Gerster và các đồng môn của mình đa góp phần mang màu sắc trở lại – vượt lên trên tầm các phim hài truyền hình, phim xã hội kịch tính sướt mướt để bày tỏ một thái độ với hiện tại. Gerster và các nhà làm phim cùng thời đã vươn đầu lên đám mây điện ảnh nhưng hai chân vẫn đứng vững trên nền đất quen thuộc, và họ biết cách dẫn dắt người xem đến thế giới quan của mình mà không bị đứt đoạn hẳn với thế giới đang sống. Gerster đã đem nét bút riêng, lập trường riêng của mình vào thể loại black comedy khó nhằn, để từng bước giành thêm tin tưởng vào chiều sâu của nền điện ảnh Đức.

Comment