La Dolce Vita thường được coi là tác phẩm đỉnh cao nhất trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn người Ý Federico Fellini. Bộ phim dành giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes đồng thời rất thành công về mặt thương mại ở châu Âu dù bộ phim dài gần 3 tiếng đồng hồi với một câu chuyện tập trung vào nhân vật chính trôi vô định trong một thành Rome phù hoa để tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống.

Trong hầu hết các tác phẩm điện ảnh, tầm quan trọng của việc nhân vật biến đổi bản thân để giúp câu chuyện phim tiến về phía trước là không thể tranh cãi. Nhân vật cần động lực, cần sự thay đổi, cần phải “tiến hoá” từ khoảng khắc đầu phim cho đến khi phim kết thúc. Nên mỗi bộ phim giống như một hành trình để nhân vật tự cải hoán bản thân mình. Đó là mô típ thông thường như một đường dây để kịch bản phát triển và khán giả có thể dễ dàng theo dõi. Nhưng La Dolce Vita không đi theo tiêu chuẩn như vậy. Nhân vật chính Marcello không thay đổi từ đầu đến cuối. Ai dám chắc anh ta sẽ làm như anh ta nói là không viết báo, không viết văn nữa. Nó chỉ là sự xúc động nhất thời khi khủng hoảng tinh thần lên cao trào. Điều này dễ dàng có thể nhận ra ở cảnh cuối phim, khi cô gái trẻ mà anh ta gặp trước đó trong một quán ăn ở thôn quê gọi anh ta, cố gắng ra hiệu cho anh ta rằng cô nhận ra anh ta, nhưng Marcello không hiểu, không nghe rõ vì tiếng sóng biển và quay mặt đi. Nó là một sự lặp lại của cảnh đầu phim, khi anh ta cố gắng ra hiệu cho những cô gái đang đứng bên bể bơi lúc anh ta đang ngồi trực thăng bám theo một chiếc trực thăng khác đang kéo tượng Chúa đến Vatican, anh ta cũng không nghe họ nói gì trong tiếng ầm ầm của cánh quạt, và rồi anh cũng quay đi cùng chiếc trực thăng. Nó giống một vòng lặp, nó thể hiện rằng, trong 7 ngày đã trôi qua mà đạo diễn Fellini muốn kể, nhân vật Marcello đã cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi một thành Rome đầy những điều phù phiếm mà anh ta luôn luôn là một nhân vật can dự vào để rồi luôn luôn rực rỡ vào buổi tối nhưng lạc lối vào buổi sáng hôm sau, sau những sự thác loạn, điên rồ đầy nông cạn của giới thượng lưu Ý những năm 60.

La Dolce Vita có một màn mở đầu vô cùng ấn tượng. Chiếc trực thăng từ xa tiền về phía máy quay, nó đang mang theo đó một bức tượng lớn Chúa Jesus, chiếc trực thăng lướt qua thành Rome bên dưới có sự hoang tàn của những di tích lịch sử lâu đời, nhưng cũng có sức sống của những cô gái bận bikini đang tắm nắng, hay nét hiện đại thoáng hiện lên trong khung hình . Một đoạn mở đầu như tóm lại câu chuyện về nhân vật Marcello trong chiếc trực thăng thứ hai, anh sẽ trôi nổi trong thành phố khi đêm xuống, anh ở bệnh viện, anh ta ở trên những con đường vắng, anh ta ngồi ở con phố ăn chơi bậc nhất thành Rome, anh ta ở trong căn phòng của một người đàn ông thành công mà anh ta ngưỡng mộ, anh ta ở bên cô gái trong một căn phòng tồi tại để mặc người tình của mình ở nhà, anh ta mê mẩn cô diễn viên đến từ Thuỵ Điển đang đắm chìm vào vẻ đẹp về đêm tuyệt hảo của Rome… Marcello không thiếu tiền, công việc mang đến cho anh nhà, xe và những mối quan hệ thượng lưu, nhưng anh ta thiếu hạnh phúc.

Marcello do diễn viên Marcello Mastroianni thủ vai, với vẻ ngoài điển trai, lịch lãm và cách yêu nồng nhiệt, cộng thêm việc anh ta là chủ cột báo về những câu chuyện câu khách xảy ra tại Rome, nên Marcello dễ dàng tiếp cận phụ nữ và khiến phụ nữ yêu thương mình. Anh ta có vị hôn thê ở nhà, người đã dùng thuốc quá liều và rất đau khổ khi Marcello dễ dàng dành tình cảm cho những người phụ nữ khác, dù thứ tình cảm đó chỉ thoáng qua và bất chợt. Qua 7 ngày trong chuyến hành trình của Marcello, ta hiểu, anh ta là một kẻ trống rỗng, một tâm hồn lạc lối, và một trái tim yêu cái đẹp mù quáng và rồ dại. Anh gặp Madalena trong một quán bar, anh ngay lập tức phải lòng nữ diễn viên hạng A, xinh đẹp và kiều diễm này. Anh đi theo đoàn nhà báo đến sân bay đón nữ diễn viên đến từ Thuỵ Điển Sylvia (Anita Ekberg) anh đã bị cô hút hồn. Anh tìm cách đi riêng với cô khi cô cãi nhau với người bạn trai say xỉn, anh tìm sữa cho con mèo hoang mà cô bắt được trên đường, anh ngơ ngẩn đi vào trong đài phun nước trong một phân cảnh bất hủ khi anh thể hiện sự say mê của mình với người nữ diễn viên lần đầu tiên anh gặp.

Marcello sống từ hoàng hôn tràn đầy năng lượng đến bình minh mệt mỏi, nơi thân xác đã rã qua sau những tiệc vui và sự yêu đương bất tận, cứ vậy, bộ phim vừa tập trung vào Marcello như một tâm hồn lạc lối, vừa mô tả thế giới phù hoa của giới thượng lưu Ý, khi người ta tụ tập lại, cười nói, hát hò điên cuồng, để thời gian trôi đi vô nghĩa và bất an. La Dolce Vita bóc trần, kéo ra khỏi bóng tối sự thực dụng, tình yêu đầy nhục dục và sự giễu đùa của con người trong một thế giới đã không còn đức tin nữa. 

La Dolce Vita soi chiếu một thế giới phù hoa diễm lệ, với những con người lúc nào cũng như cười tươi vì hạnh phúc, nhưng ở trong đó lại là những cá thể bất hạnh, như Steiner – một nhân vật tri thức mà Marcello ngưỡng mộ đã giết chết hai đứa con của mình và tự sát, như cô diễn viên xinh đẹp Sylvia yêu một người đàn ông say xỉn, hay trọng tâm nhất, trung tâm của thế giới đó là Marcello, anh trôi dạt mà không tìm được ý nghĩa sống cho mình. Bên trong thế giới phù hoa là vậy, còn bên ngoài, những kẻ săn tin, những tay săn ảnh như một đám kền kền, tìm kiếm thông tin nóng sốt, những tin lá cải để kiếm sống. Một sự tương phản kì lạ. Phân cảnh khi bên trong căn nhà mà Steiner tự sát thì yên tĩnh biết bao, còn bên ngoài, đám báo chí bu lấy như thể họ vớ được mỏ vàng quả thực buồn bã. La Dolce Vita cũng chính là bộ phim đã mang đến từ Paparazi – những tay săn ảnh người nổi tiếng đến với thế giới.

Đạo diễn Fellini đã chứng tỏ mình là một nhà làm phim bậc thầy trong cách ông di chuyển camera để khán giả có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Rome, và vẻ đẹp lụi tàn của lòng người. Công hợp với âm nhạc của Nino Rota và dàn diễn viên xuất sắc, La Dolce Vita thực sự trở thành một kiệt tác điện ảnh, nơi Fellini đặt tâm huyết của mình vào để tạo dựng một thế giới đặc sắc, nơi con người đang tự huỷ hoại chính mình.

Facebook Comments Box

Comment