Bá Vương Biệt Cơ là một tích tuồng cổ kinh điển của nghệ thuật Kinh Kịch Trung Hoa. Tích kể về lòng thủy chung son sắt của nàng Ngu Cơ dành cho Hạng Vũ, khi Sở Vương Hạng Vũ đã suy kiệt về binh lực, Ngu Cơ đã tự vẫn bên tiệc rượu ưu sầu của Hạng Vũ.

Bá Vương Biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca, dựa theo tiểu thuyết của Lý Bích Hoa, đã biến tích tuồng kinh điển trở thành vở tuồng lớn về những số phận mà nghiệp diễn gắn với họ như một định mệnh – thứ định mệnh mà họ đã lựa chọn để gắn bó trong suốt cuộc đời của mình. Bộ phim gần 3 tiếng của đạo diễn Trần Khải Ca lồng trong bối cảnh đất nước Trung Quốc trải dài từ sự hấp hối của chế độ phong kiến nhà Thanh cho đến cuộc Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông. Hành trình của những nhân vật, mà ở đây là hai ngôi sao lớn của nền kinh kịch thời bấy giờ cùng với một cô gái điếm, là hành trình của niềm tin bị vỡ nát bởi sự phản bội, của số phận bị bóp chết bởi định mệnh, là sự hấp hối của một môn nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc Trung Quốc.

Câu chuyện bắt đầu năm 1924, trong một gánh hát, nơi những đứa trẻ phải trải qua sự khổ luyện vô cùng hà khắc của người thầy dạy múa hát. Ở đó, cuộc sống của chúng nằm ngoài sự vui đùa của tuổi thơ, chúng phải gồng mình từ sáng đến tối với những bài học vô cùng gian khổ, buộc phải chiến thắng được ý chí của chính mình. Nổi bật hơn cả là Trình Đắc Di (Trương Quốc Vinh) và Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị), đã trở thành hai tài tử nổi tiếng của nghệ thuật tuồng cổ Bắc Kinh lúc bấy giờ. Do quá nhập tâm vào nhân vật, Trình Đắc Di đã tự biến nhân vật sân khấu thành chính mình, anh luôn luôn nghĩ mình là nàng Ngu Cơ đã phải lòng Đoàn Tiểu Lâu với tình cảm sâu đậm. Trong khi đó, Đoàn Tiểu Lâu, một thanh niên nhanh nhẹn, tinh ranh, luôn phân biệt rõ ánh đèn sân khấu và cuộc sống thực đã cưới cô gái lầu xanh Cúc Tiên về làm vợ. Và từ đó, xung đột của Ngu Cơ sân khấu (Trình Đắc Di), nàng Ngu Cơ ngoài đời (Cúc Tiên) và vị tướng quân Hạng Vũ (Đoàn Tiểu Lâu) đã trở thành một bị kịch song hành với chính bi kịch của đất nước Trung Quốc xuyên suốt thời kỳ chiến tranh với quân Nhật, thời kì Tưởng Giới Thạch, Đảng Cộng Sản lên nắm quyền và điểm kết thúc là Cách mạng văn hóa.

Cuộc hành trình của ba nhân vật là một hành trình giữa ảo và thật, giữa sân khấu và cuộc đời, giữa những sự lựa chọn và định mệnh chờ sẵn cho sự lựa chọn ấy. Khi Trình Đắc Di (do bị cưỡng ép hoặc cũng có thể anh cuối cùng cũng đưa ra một quyết định cho sự lựa chọn của mình hồi bé là từ bỏ giới tính nam) hát nên câu hát của Ngu Cơ: “Bản chất ta là nữ, không phải là nam”, Đắc Di đã hoàn toàn gắn bản thân mình vào nhân vật Ngu Cơ, ý thức của anh đã không còn phân biệt được nữa. Cộng với việc luôn luôn khắc tâm lời thầy dạy về một Ngu Cơ phải luôn luôn ở bên Hạng Vũ để được một vở diễn hoàn hảo, Đắc Di đã vô tình gắn chặt mình vào cuộc đời của Đoàn Tiểu Lâu, một con người sống tình nghĩa, nhưng luôn luôn ý thức được cá nhân tính của mình. Không những thế, sự u mê với vai diễn, với nhân vật đầy mộng ảo trong quá khứ xa xôi còn khiến Đắc Di không thể phân biệt được bạn thù, bất kì ai yêu thích kinh kịch, yêu thích nàng Ngu Cơ đều được anh diễn xướng hết mình, kể cả quân Nhật, quân Tưởng… Tiểu Lâu vốn sẵn tính tình mạnh mẽ, nhanh nhẹn, số phận đã không bắt anh phải lựa chọn như cách Đắc Di phải làm.

Sự rạch ròi giữa kịch và đời là điều rõ ràng trong mắt Tiểu Lâu, vì lẽ đó anh hoàn toàn không nhận ra được tình cảm của Đắc Di dành cho mình mà lấy nàng gái điếm Cúc Tiên về làm vợ. Mẹ của Đắc Di là gái điểm, nàng Ngu Cơ thật mà Tiểu Lâu yêu thương cũng là gái điểm, sự trớ trêu của số phận đã khiến bi kịch trong cuộc đời Đắc Di nhân lên gấp bội. Những trớ trêu đó là sự hợp loan của hai tâm hồn hiểu nhau cùng yêu một người đàn ông. Cúc Tiên biết cách để Đắc Di bỏ qua lòng ghen ghét mà cứu chuộc cho Tiểu Lâu, Cúc Tiên hiểu cảm giác của Đắc Di khi bị chính học trò mình phản bội. Và Đắc Di cũng dần thấu hiểu người đàn bà phong trần đầy khôn ngoan đó, tất cả mọi hành động của cô chỉ để bảo vệ tướng quân của lòng mình, người đã cứu cô khỏi đám khách khó ưa ở lầu xanh. Cúc Tiên hy sinh tất cả để bảo vệ tình yêu đó, bảo bọc cuộc sống gia đình đó. Nhưng tình yêu của hai người đàn bà trớ trêu thay lại dành cho một người đàn ông chỉ biết chiều chuộng chính bản thân mình, một người những tưởng đầy nghĩa khí, nhưng rốt cuộc ở tận cùng chỉ là một gã “tướng cướp” với sự ích kỉ cứu bản thân mình hơn là chịu hy sinh cho người khác. Hành trình của vở tuồng kết thúc với cái chết của nàng Ngu Cơ nhằm thể hiện lòng chung thủy của mình đối với Hạng Vũ, còn hành trình của những nhân vật trong bộ phim là hành trình nhận thức giá trị thực sự của bản thân mỗi người trong tấn kịch lớn của cuộc đời. Vì những giá trị đó, nhiều khi người ta mất cả đời, trải qua muôn vàn biến cố để hiểu, để thoát khỏi những cơn mộng mị tràn lan của kiếp người, thoát khỏi cõi cô đơn sầu thẳm của những cá tính không được thông hiểu, hoặc không thể thông hiểu. Cõi đời đầy mơ mộng và những ảo tưởng triền miên kéo những số phận tàn theo kiếp sống.

Bộ phim diễn ra trong bối cảnh những biến cố lớn xảy ra với đất nước Trung Quốc, từ chế độ phong kiến thối nát, những vết rách của ngoại xâm, rồi đến những ngày tháng 2 chế độ Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản nối tiếp nhau điều hành đất nước. Bối cảnh lịch sử phức tạp như một tấm phông nền, một sân khấu bi kịch lớn, mà trên đó những màn kịch nối tiếp nhau cứ tiết lộ dần bản chất của mỗi cá nhân, đồng thời đưa ra từng bước lựa chọn cho số mệnh của họ. Bộ phim đã vô cùng khéo léo khi lồng ghép tấm phông bi kịch vào những số phận để tạo nên những hình tượng điển hình và cô đọng. Một lão Công Công của triều đình Mãn Thanh bệnh hoạn đầy quyền lực trở thành một gã ăn xin. Một viên đại thần mê mẩn Kinh Kịch, đồng thời cũng mê mẩn Ngu Cơ – Trình Đắc Di đã bị hành hình dưới chế độ Cộng Sản. Một viên tướng Nhật say mê Kinh Kịch Trung Quốc, một nhóm quân lính Quốc Dân Đảng tỏ ra thô lỗ và ngu dốt khi nghe Trình Đắc Di trình diễn, một Tiểu Sĩ với sự ích kỉ và hèn hạ đã trở thành một tên Hồng Vệ Binh độc ác dưới thời kì cách mạng văn hóa.

Qua mỗi thời kì, ba nhân vật chính vẫn ở đó với số phận mà họ đã lựa chọn, chỉ đến tận cùng của bản năng sống, bản chất thực sự mới được bộc lộ, phần đen tối chiếm trọn tâm trí những kẻ yếu đuối, tâm địa phản bội của mỗi cá nhân buộc phải trỗi dậy để bảo vệ chính mình. Vở tuồng bi ai của cuộc đời cũng vì thế mà kết thúc, mỗi thân phận đã tự diệt chính bản ngã của mình, tự diệt cái số phận mình đã chọn khi nhận ra thứ mộng ảo hoang tàn của kiếp nhân sinh mà họ đã chìm đắm trong đó. Số phận và tương lai là do ta tự lựa chọn bằng cách đi trên con đường của chính mình, nhưng số phận nào cũng nằm trong sự kiềm tỏa của những mối quan hệ. Nói cách khác, số phận cá nhân phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử – xã hội như một phần không thể tách rời của tổng thể, là một phần nhỏ trong bức tranh mà những phần khác đã được họa sĩ tạc xong.

Tài năng đạo diễn của Trần Khải Ca cùng khả năng diễn xuất vô cùng xuất sắc của Trương Quốc Vinh, Củng Lợi, Trương Phong Nghị đã xây dựng nên một thiên sử thi đầy thuyết phục về một giai đoạn đầy biến cố trong lịch sử Trung Quốc. Lồng bên trong tích tuồng cổ là một vở tuồng lớn của kiếp người, ở đó số phận của họ thể hiện đầy đủ sự lựa chọn và cá tính của mỗi nhân vật. Bộ phim với những hình ảnh tuyệt đẹp về kinh kịch, những bộ trang phục truyền thống, những câu thoại thông minh, nhiều lớp nghĩa, những hình ảnh ẩn dụ và liên tưởng… hoàn toàn xứng đáng được nhận Giải Thưởng lớn tại liên hoan phim Cannes danh tiếng.

Facebook Comments Box

Comment