Mùa thu đến, nhịp sống có lẽ chững lại đôi nhịp, tôi có cảm giác thời gian chậm lại để mọi người có thể ngẫm nghĩ và thưởng lãm cuộc đời dù xấu dù tốt.

Nhịp thở chậm rãi đó thật thích hợp để thưởng thức tác phẩm điện ảnh kinh điển Doctor Zhivago được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết gối đầu giường của nhiều thế hệ người đọc cùng tên được viết bởi nhà văn đoạt giải Nobel  Boris Pasternak. Trong sự tĩnh lặng và mát lành của mùa thu, hơn 3 tiếng thưởng thức bộ phim là một trải nghiệm tuyệt vời qua đó người ta có thể nghĩ đến duyên phận, tình yêu, cuộc sống, nỗi buồn và những biến cố của cuộc đời mỗi cá nhân để phản chiếu vào đó biến cố của cả dân tộc Nga vĩ đại.

Nếu Bá Vương Biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca là một câu chuyện sử thi về một nước Trung Hoa đầy biến động trải dài từ thời kì trước cách mạng, đến khi cách mạng bùng nổ và chủ nghĩa xã hội của Mao Trạch Đông thì Bác Sĩ Zhivago là câu chuyện chủ nghĩa cộng sản ở Nga từ những ngày đầu của cách mạng chống lại Nga Hoàng cho đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất. Bộ phim kể về cuộc đời của bác sĩ, thi sĩ Zhivago (Omar Sharif) với những lát cắt từ khi còn là đứa trẻ cha mẹ mất sớm, đến khi kết thúc cuộc đời. Qua cuộc đời của Zhivago, một nhà thơ, một bác sĩ, mạch phim được lồng vào đó bối cảnh lịch sử và câu chuyện cá nhân cuộc đời Zhivago, một sự xen trộn của cảm xúc cá nhân, và xúc cảm của cả dân tộc, giữa tình yêu và biến cố cuộc đời.

Mặc dù cha mẹ mất sớm nhưng Zhivago lại có một tuổi thơ yên bình và một thời thanh niên đam mê thành thi sĩ nhưng chọn bác sĩ để hành nghề kiếm sống. Anh kết hôn với người phụ nữ thùy mị nết na và đảm đang Tonya (Geraldine Chaplin). Song song với số phận của anh là số phận của Lara (Julie Christie), người con gái xuất hiện đầu phim với tư cách là một nhân vật trong tập thơ của Zhivago mà người em trai cùng cha khác mẹ với anh cầm trên tay tại một doanh trại quân đội Xô Viết. Lara sống cùng người mẹ góa bụa yêu một doanh nhân giàu có và nhiều tuổi. Với tuổi trẻ xốc nổi và không làm chủ được tình cảm của mình, cô đã yêu người yêu của mẹ, từ đó bị kịch của cuộc đời cô đeo đuổi cô khi cô kết hôn với Pasha, một thanh niên làm cách mạng ban đầu đầy nhiệt huyết và yêu đương, nhưng dần dần mọi cảm xúc đã bị triệt tiêu hết trên khuôn mặt đầy sẹo và vô tình của mình.

Hai số phận làm nên tâm hồn của câu chuyện, họ không bên nhau quá nhiều trong hơn 3 tiếng của phim, hay 10 năm của cuộc đời thực, nhưng họ đã ở bên nhau, tâm hồn họ trong cái nhìn đầu tiên, cái bắt gặp đầy trớ trêu đầu tiên mà Yuri nhìn thấy Lara trong vòng tay của Komarovsky (Rod Steiger), rồi chạm chán nhau tại nơi Lara đã tặng Komarovsky một phát đạn. Số phận họ đan nhau vừa như trêu người, vừa thách thức, vừa lạ lùng. Họ lại gặp nhau ngoài chiến tuyến, một người là bác sĩ quân y, một người là y tá tình nguyện, cả hai đều có gia đình riêng. Rồi lại tách nhau, rồi lại tiệm cận và chạm vào da thịt nhau với sự nồng cháy của tình yêu chưa bao giờ tắt giữa họ, dù chỉ được nhen lên bằng thứ than hồng của xứ sở tuyết phủ lạnh lẽo. Vậy mà lửa than đó không bao giờ tắt. Xoay quanh hai trái tim đó là thời cuộc, biến chuyển và xoay vần, họ chỉ biết nương theo thời cuộc mà sống. Hồng quân hay bạch vệ, đối với họ họ không cần phân biệt bên nào đúng bên nào sai, họ chỉ làm theo trái tim và cuộc đời xô đẩy, số phận chẳng cho đời đành chịu.

Chiến tranh không có đúng có sai, giống như tình yêu vậy, chỉ có tham vọng, sự nồng nhiệt, cháy bỏng, đau đớn và nước mắt quyết định những điều đó. Trên khuôn mặt của Zhivago lúc nào cũng nở một nụ cười nhỏ, nửa miệng dù cho anh đang ở nơi nào, nơi chiến trường ác liệt, hay bên người vợ hiền, hay bên người anh yêu. Vì anh biết, anh chấp nhận mọi thứ, anh không thể biết làm gì ngoài việc đi theo nó, ban đầu là đi theo tình nguyện nhằm giúp đỡ những người lính bị thương do chiến trận, rồi bị ép buộc, ràng buộc bởi chủ nghĩa cộng sản, bởi nghĩa vụ của một người dân lành trong một xã hội sau thời loạn. Sa Hoàng, Le Nin, Stalin không hiện ra trực diện chỉ là những qua lời người thứ 3, những bức ảnh khẩu hiệu, nhưng nó cũng đủ lột tả một thời tao loạn chuyển từ phong kiến sang chủ nghĩa xã hội tại Nga. Nhưng bên trong anh, Zhivago không bao giờ mất đi tình yêu với Lara, với thơ. Hình ảnh bên trong căn nhà tuyết phủ, anh ngồi bên bàn viết, bên ngoài là tiếng soi tru hòa với cơn lạnh của mùa đông bất tận, làm thơ. Những vần thơ về Lara, nàng thơ của anh là một hình ảnh vô cùng ấn tượng và đẹp, sự hoài cảm như thẩm thấu qua khung hình đến với người xem trong bản nhạc phim bất hủ “Lara’s Theme” của Maurice Jarre. Cảnh quay tuyệt đẹp, những đại cảnh mênh mông và buồn bã, cộng hợp với số phận của từng cá nhân gắn liền với sứ mệnh lịch sử đã nâng bộ phim lên như một biểu tượng kinh điển của việc truyền tải một tác phẩm văn học kinh điển thành hình ảnh.

Nhưng không thể có điều đó nếu không phải đến từ đạo diễn bậc thầy của thể loại sử thi David Lean với những tác phẩm hoành tráng và bất tử khác như Lawrence of Arabia (1962)The Bridge on the River Kwai (1957)A Passage to India (1984)… Ông đã mang lịch sử thế giới đầy biến động của thế kỉ 20 vào phim ảnh bằng sự truyền tải sâu sắc và đầy gợi cảm, khiến cho lịch sử từ khô khan trở thành một món ăn có đầy đủ gia vị khiến người ta không thể nào quên. Doctor Zhivago cũng là một tác phẩm như vậy, với sự tham gia diễn xuất vô cùng điêu luyện Omar Sharif, Julie Christie, Rod Steiger, công với bối cảnh “rất Nga” dù được tạo giả tại những địa điểm ngoài Nga như Tây Ban Nha, David Lean đã thổi một sức sống thực sự cho tác phẩm văn học vì thực tế mặc dù kinh điển nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đọc hết quyển sử thi đồ sộ đó về nước Nga thời kì cách mạng. Chính vì vậy, việc xem phim dường như cũng đủ để cảm nhận được sự vĩ đại của Boris Pasternak khi đặt bút viết nên thiên truyện này.

Comment