Tôi nhớ, một buổi tối tại nhà anh, anh chơi cho tôi nghe một bản nhạc ngắn của Chopin, tôi không thể nhớ được bản nhạc đó tên là gì, vì đó là lần đầu tiên và duy nhất anh chơi cho tôi nghe. Tiếng Piano trong một căn phòng chung cư nhỏ bé, vang vọng và thấu cảm. Tôi những muốn tìm trong những phím đàn đó cái tâm hồn tổn thương ngồi dạo phím đàn say mê và điêu luyện kia, vì tôi cảm thấy đời tôi, qua nhiều bước ngoặt bước chuyển của thời gian tôi cũng sẽ như anh ấy, một trái tim đầy lửa yêu đương nhưng đồng thời đầy những vết cứa không thể lành. Sau này, khi tôi và anh ấy có những khoảng cách nhất định không thể vượt qua, chúng tôi không còn làm bạn với nhau, thì trong những lúc tuyệt vọng nhất, ngoài việc gọi tên mẹ tôi, tôi lại gọi anh ấy, như thể gọi một thực thế linh hồn tôi tham chiếu ở một hệ quy chiếu khác, tôi chỉ ước anh ấy ở bên tôi lúc này, và sẽ khuyên tôi những lời khuyên chân thành nhất sau tất cả những vụn vỡ về sự nghiệp, về tình yêu mà anh ấy nếm trải. Tôi lúc đó sẽ như một đứa em trai, sẽ khóc và sẽ dịu lại hết những vết thương của mình. Tất nhiên, anh ấy sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Tôi vẫn cứ phải bước trên đôi chân của mình, yêu một cô gái nào đó, đẩy mình vào vực thẳm, rồi đi khi sắp rơi xuống tôi lại kịp thời bám lấy cái bờ vách của vực thẳm, tôi chắc vậy, sẽ lại sống dậy, phải không em?

Tôi nhớ đến Mitia trong anh em nhà Karamazov, dạo này tôi hay nghĩ đến tác phẩm đấy, thỉnh thoảng lại lôi ra đọc một đoạn nào đó, đôi khi đọc mà chẳng hiểu mình đọc gì, dòng chữ lướt nhanh đầy những ám thị gần gũi đến mức tôi thấy sợ và lảng tránh. Mitia tay chơi đại úy, tình yêu của anh dành cho Grusenka lớn đến mức, dưới ngòi bút tuyệt vời của Dostoievski, nó run rẩy, lẩy bẩy, đau đớn và mạnh mẽ vô cùng, cái tâm lý đó, cái sự phân tích tài tình đến mức không thể hiểu nổi đó khiến tôi thấy như thể chính ông đã đang miêu tả tôi, đang miêu tả tâm trạng những kẻ như tôi. Tôi mê mẩn Dostoievski là vì lẽ đó, ông đi vào bên trong tâm hồn một người một cách vô cùng thấu triệt và rành rẽ, như thể ông là một nhà nông biết rõ trên cánh đồng tâm hồn người chất chứa điều gì, mùa này ra sao, mùa kia trồng cây gì… Nghĩ đến ông tôi nghĩ đến một người, người đã tặng tôi “Tội ác và trừng phạt”, một người mà đối với tôi chưa bao giờ có thật, nó luôn chỉ là một ảo ảnh lạ kì trong một cơn mưa nhẹ mùa thu, trời xám xít và đầy gió. Tôi nghĩ trong đời tôi có nhiều thứ ám ảnh mình, nó cứ lấp lánh không thực sự sáng và lung linh và huyền ảo giống những ngọn nến về đêm khi căn phòng đã tắt hết điện, vàng nhạt và u sầu. Chữ duyên thấm đấm khiến cho người ta dù chỉ gặp nhau một lần trong đời, giao cắt nhau tại đúng một điểm trên con đường đó, thì người ta vẫn đứng dừng lại ở chính cái điểm đó, để trao cho nhau một điều gì đó, một totem để định nghĩa hiện thực, nhưng lại luôn mang đến một cảm giác phi hiện thực, một giấc mơ ngắn và điều độ nhưng không phai.

Người ta có bao giờ nhớ giấc mơ của mình không? Tôi thường hay nhớ, và cũng thường hay quên, có những giấc mơ trôi nhanh như một ánh chớp của flash máy ảnh, có những giấc mơ đủng đình và kéo dài như thể nó bắt ta xem một bộ phim 120 phút, có những giấc mơ đơn giản hơn, ngắn gọn đủ ý và đủ khiến người ta cứ bồi hồi. Tôi sợ những giấc mơ tôi nhớ được, vì khi tôi nhớ được nó tôi sẽ lại mổ xẻ và phân tích một cách thiếu chuyên nghiệp và cảm tính nhất, lúc đó tôi sẽ nhìn ra được cái tâm hồn mình đang đau đáu về điều gì, cái khổ nạn mình đang gặp phải có hình thù xa sao, và cái niềm vui vẻ và cảm thông sẽ được mấy phần. Đôi khi tôi muốn kể giấc mơ của mình cho Freud, không phải muốn mà là ước được như vậy, Freud sẽ đoán mộng cho tôi, ông sẽ nhìn thấu tâm can tôi. Khi đó biết đâu ông sẽ điều trị phân tâm cho tôi, ông sẽ chứa lành hết tất cả những vết thương của tôi, như cách ông được giả tưởng chữa cho Hitler trong tác phẩm văn học hư cấu “Nửa kia của Hitler”, người ta có quyền mơ đúng không, mong Freud chữa cho mình cũng chính là mơ vậy thôi. Sao lại không được?

Ngày trước tôi hay bị bạn tôi bảo là nên đi bác sĩ tâm lý, tôi không biết, đôi khi tôi nghĩ tôi chỉ là một gã bình thường, những đôi khi tôi lại nghĩ có những người bị bệnh tâm lý gì đó mà tự thân họ không biết được. Tôi cũng mong được thử một lần, nhưng rồi cuộc sống cứ cuốn đi, tôi lại mơ hết giấc mơ này đến giấc mơ khác, tôi nhớ hoặc không nhớ, và rồi tôi tự chuẩn đoán bệnh cho mình, chuẩn đoán thôi còn chữa thì làm sao chữa được. Tôi lại mơ màng giống Jay Gasby, lại làm hết mình, hết mọi thứ cho tình yêu, hay cho duyên phần. Jay Gasby, khi tôi còn ngồi trên ghế đại học, có người đã in ra và tặng tôi quyển sách đó, những tờ giấy khổ A4 đóng quyển đẹp đẽ tặng tôi. Có lẽ cô ấy thấy tôi giống nhân vật đó ở nhiều điểm, đặc biệt là cái sự cuồng nhiệt của một trái tim nóng đầy yêu thương.

Những lát cắt vụn trôi qua trong đầu, một bản “lược sử thời gian” của cá nhân tính, tháng 9 ôm tôi bằng cái lạnh băng của một tiết thu không bình thường. Tôi kể cho ai đó đọc bài này nghe về một giấc mơ khác của tôi, một giấc mơ kì quặc siêu thực và nặng nề.

Tôi ở trong căn phòng của mình ở Hà Nội, con mèo đen nằm ngáp dài trên ghế như mọi khi, tôi đang kì cụi lau tủ sách và phủi bụi cho những quyển sách của mình, đột nhiên tôi nghe tiếng rít ghê rợn, tiếng rít khiến tôi sởn da gà, con mèo vẫn nằm im không có chuyện gì xảy ra. Tôi đi ra ban công nhìn, thì thấy rắn, rất nhiều rắn, nó là một loại rắn lai với thạch súng, có chân có đuôi nhưng rất dài. Tôi sợ hãi, tôi chạy xuống tầng, nhà tôi không có ai, tôi chạy đến đâu cũng thấy chúng, những tạo vật ghê tởm của tâm trí, tôi không biết làm thế nào, mọi thứ đang ép tôi đến đường cùng. Nhưng đột nhiên, như việc bản năng của tôi không cho phép để trái tim mình ngừng đập, tôi thấy có hai người đang đứng cạnh tôi, họ đang loay hoay lắp một bộ phận gì đó giống như loa, người họ ướt sũng, họ bảo, cái này kêu lên thì lũ rắn kia sẽ chạy hết. Tôi rùng mình, cảnh chuyển, tôi đang ở căn nhà gác mái của mình, con mèo đen vẫn đang nằm đó, không phải căn phòng Hà Nội nữa, nó nằm trên cái bàn thấp, dài ở giữa nhà của tôi, nó đang đạp chân lên 1 con rắn mà tôi đã thấy ở nhà, tôi sợ quá, chạy vội đi, và đột ngột, tôi vấp, cú rơi đã đánh thức tôi dậy.

Một cơn ác mộng khá vô nghĩa nếu nhìn ở bề ngoài, đôi khi tôi cung nghĩ không có gì thú vị ở cái giấc mơ đó để mà nhắc đến cả, nhưng tôi nghĩ, mọi thứ đến và đi đều có giá trị của nó, dù tốt dù xấu thì nó cũng phát sinh ra từ bên trong cái ngã của mình. Nên việc chối bỏ nó là điều tôi không muốn làm. Giấc mơ và hiện thực, hai thứ chấp lại với nhau tạo nên cả cuộc đời mình. Tôi muốn sống ở cả 2 nơi như thế, nên tôi lúc nào khi tỉnh dậy, cũng soi chiếu vào kí ức của mình để tìm xem tôi đã làm gì đêm qua trong trạng thái vô thức. Cũng giống như khi tôi nghe album Darkside of the Moon của Pink Floyd, tôi đã để sự vô thức dẫn lỗi cho tôi viết những dòng này:

Và khi âm nhạc tấu lên tôi lên đồng để thấy rằng cuộc đời này dù cho tất cả đều là sự buồn khổ não nề nhưng có nó sẽ khien tâm hồn được dịu lại, nó chính là khăn bông thấm nước mắt trong những ngày thu buồn bã, trong những đêm đông không có ai ômâấp, trong những ngày sóng gió không thể chia sẻ cùng ai, không có ai để chống chịu cùng mình trên cuộc đời. Đời là bến tam, được tập hợp vô vàn những bến tam, để chi đi và ở cái bến đó đúng một lần duy nhất rồi sẽ lại đi sẽ lại tách ra, sẽ lại về với thế giới khác mà không có gì có thể thay đổi, dòng thời gian không có sự luân chuyển, con người vẫn cứ phải bước đi, tiếng trống dồn dập, tiếng lead điên cuồng của guitar điện, tiếng gào thét của người ca sĩ, tất cả tạo nên sự thăng hoa về mặt cảm xúc không thể dùng lại, mùa thu lá rơi, mùa đông đến cây trụi hết, bản nhạc chưa kết thúc, chữ còn tuôn ra, tình cảm còn nối tiếp, cuộc sống vẫn tiếp tục không dừng, nó liền mạch và vô thường trong tiết tấu. Nếu ai đó bảo tôi rằng họ không cần viết dấu khi sự tuôn trào cứ chảy, thì sự cầu toàn khiến tôi viết dấu, giống một khoáng lặng khó đoán của bạn nhạc, tiếng ngân kéo dài của một khuông nhạc nào đó mà người nghệ sĩ cần đặt vào cho sự tròn trịa trong sự bất ổn tràn đầy của cả ca khúc. Âm thanh là nhịp thở, âm nhạc là cuộc đời, một cuộc đời không thể có âm nhac, nó đến và đi rồi lại đến và đi, những bản nhạc nối tiếp, nhắc lại, gợi nhớ, gắn kết những bên tạm với nhau. Tại đây là Lazarus của Porcupine Tree, đây là bản nhạc của Pan of Salvation, đây là ca khúc Nymphetamine, một loại thuốc giảm đâu của Cradle of Filth. nghe nó để thấu thị cuộc sống, để nhìn thấy sự mặc khải vô bờ vô tận, không có điểm đầu và điểm cuối, để trải nó thành một tấm thảm và rải lên bầu trời một màu của cá tính, màu đặc biệt của những tâm hồn luôn lạc lối đi tìm mục đích sống cho chính mình, cho bản ngã của mình. Cái vô ngã ở đâu, đạo Phật ở đâu, một người đàn bà với cọng hành của THiên Chúa, quyển kinh Koran với kiến thức vô cùng của đạo Hồi nơi mà họ cho rằng cuộc ôống tất cả chứa đựng trong đó trong sự khai tuệ từ Chúa, để hiểu thấu loài người từ thuở hồng hoang cho đến ngày tận thế. Âm nhạc không dừng lại, nó chỉ chuyển từ tiết tấu nhanh sang chậm, buồn gào thét sang sầu sâu lắng, nó không có tạp âm, nó không hỗn loạn trong sự hỗn loạn của xã hội, của loài người, nó mượt mà như một bài thơ không trúc trắc của Puskin, hay nó trúc trắc trong những vần điêu đầy sức mạnh mà đôi khi không cần hiểu chỉ cần cảm được sức nặng của cảm xúc đặt trong đó. Từ mềm mại sang mạnh mẽ hay ngược lại, từ du dương của tiếng đàn Piano chuyển sang tiếng trống bạo liệt, âm thanh thành một đường tuyến tính một kiểu lên xuống liền mạch và lạ lùng. Lạ lùng như chính tình yêu của con người vậy. Tôi luôn nhìn thấy âm nhạc trong tình yêu và tình yêu trong âm nhạc, vì âm nhạc cổ vũ tình yêu mang tình yêu từ đau đớn buồn khổ sầu não đến vui sướng hạnh phúc không thể thốt thành lời, như một nốt ngân cao, một giọng Tenor như của Pavarotti. Trong nốt ngân đấy, sự màu nhiệm của trần thế, sự mầu nhiệm của sự lan tỏa mà loài người trong những sự thật hiếm hoi của mình, mang đến sự tử tế cho đời sống này.

Facebook Comments Box

Comment