Văn chương, từ trước đến nay được tìm đến không chỉ là vì mục đích mưu cầu kiến thức mà để tìm đến một thực tại khác, một hiện thực thú vị hơn hay những trải nghiệm đáng giá mà có thể ở ngoài hiện thực chúng ta không thể nào có được. Jorge Luis Borges từng nói “mỗi một cuốn tiểu thuyết là một miền tư tưởng đan vào vương quốc hiện thực”. Vậy nên mỗi một tiểu thuyết gia là một nhạc trưởng của thực tại và những giấc mơ. Vậy đằng sau những trang sách dày đặc nhưng ô ruộng ngôn từ là gì? Có gì trong bộ não của những nhà văn?

Francois Ozon, vị đạo diễn của thế hệ làn sóng mới ở Pháp, cũng là một người thường xuyên mang câu hỏi đó. Swimming Pool năm 2003 là một câu chuyện lấy trọng tâm xung quanh một nhà văn. 9 năm sau, Ozon lại trở về với đề tài này, mang theo các hương liệu của tác phẩm cũ là những khát khao cháy bỏng thầm kín cùng hoà quyện lại sau ngọn bút nhưng đẩy lên một cấp độ mới, tạo nên một mê cung của cảm thức và trí tò mò, khiến người xem phải đuổi theo từng khung hình từ đầu đến cuối như nuốt lấy các con chữ từ mặt trước đến mặt sau một cuốn sách.

Dans La Maison, tựa tiếng Anh là In the House, kể về một thầy giáo “làng” đã qua tuổi tứ tuần là Germain (Fabrice Luchini thủ vai). Ông luôn trăn trở về những suy ngẫm văn học của mình đang bị phí hoài vì không có học sinh nào chịu để tâm nghe lời ông truyền thụ. Cho đến một ngày Germain nhận được bài tập về nhà của một nam học sinh thông minh và sắc sảo tên Claude (Ernst Umhauer) với đề bài “viết về một người bạn thân của mình”. Lối viết tự nhiên đầy bản năng nhưng lôi cuốn của Claude khiến Germain tin rằng mình đã tìm ra một viên ngọc thô của văn học và quyết tâm rèn rũa phát hiện của mình cho bằng được.

Vợ của Germain, Jeanne (do Kristin Scott Thomas đóng) là chủ của một gallery trưng bày nghệ thuật trong thị trấn. Tuy nhiên, gallery của bà bị nhiều người thành kiến vì để trưng bày nhiều tác phẩm có phần phồn thực, đồi truỵ. Jeanne ban đầu không đồng tình với bài viết của Claude vì cậu đã thâm nhập quá sâu vào đời tư gia đình của cậu bạn Rapha Artole, nhất là cách Claude miêu tả Esther, mẹ của Rapha một cách thấm đẫm khát khao và thèm muốn như thế. Tuy nhiên, cũng như chồng mình, dần dần Jeanne bị cuốn vào cùng với giọng viết của Claude bất chấp rằng sau giọng kể sặc mùi dục vọng kia là những hiểm hoạ khó lường.

Germain và vợ của ông đều là những người có đam mê với nghệ thuật. Tuy nhiên họ lại thiếu những điểm cần thiết để có thể trở thành một người làm nghệ thuật, hay nói đúng hơn, là trở thành những người có thể sống bằng nghệ thuật của mình. Germain là người có hoài bão văn chương và đã từng xuất bản một tác phẩm. Tuy nhiên, ông tự thấy mình không có đủ phẩm chất để thành nhà văn và không thể nào sánh kịp với các thần tượng của mình nên đã thu mình lại và sống dưới cái lốt khiêm tốn của một thầy giáo trường cấp hai.

Jeanne thì đam mê với nhiếp ảnh và hội hoạ nhưng cũng không đủ tầm để với tới được thế giới mà mình đam mê rồi dốt cuộc bị kẹt lại trong căn gallery nhỏ ở một thị trấn bình dân, mù mờ về nghệ thuật, nơi các tác phẩm tâm đắc của bà bị coi là khiêu dâm trá hình. Germain và Jeanne là hai kẻ bị bỏ lại ở thế giới hiện thực. Đối với họ, ở phía trên kia, nơi trí tưởng tượng và những cảm thức nghệ thuật đang dang cánh bay mới là nơi mình sống và hít thở, còn bản thân họ ở dưới chỉ là những cái bóng của trí tưởng tượng của mình ở bên trên.

Đến khi gặp Claude, cảm giác được vươn lên bầu không khí phía trên ấy được khơi gợi lại trong họ. Cậu ta thông minh, nhiều khát khao, thừa máu phiêu lưu và đủ sắc sảo để biết tạo cliffhanger cho cuối mỗi chương viết của mình. Một đứa trẻ mới mười mấy tuổi mà đã biết khát khao một người đàn bà đẻ ra bạn thân của mình. Cái vẻ tăm tối cồn cào đầy năng lượng dồn nén sau từng nét bút rồi chấm dứt đột ngột với hai từ “Còn Nữa” (À Suivre) có hấp lực lạ lùng với đôi vợ chồng. Germain và Jeanne cảm thấy rằng trong Claude có những gì mà mình còn thiếu và coi cậu ta là sự bù đắp cho những gì mình đã không đạt tới được ở tuổi trẻ đã qua của mình. Đây cũng là điểm thường thấy trong các mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Vì vợ chồng Germain vốn không có con nên điều này cũng dễ hiểu.

Họ muốn làm nghệ sĩ, nhưng đồng thời cũng biết rằng mình chưa bao giờ là nghệ sĩ. Ở đây, Ozon muốn đặt ra một góc nhìn trực diện về 2 mặt đối lập là cách tạo ra nghệ thuật và cách tiếp nhận nghệ thuật, cũng giống như chủ để của Paul Auster trong bộ tiểu thuyết New York Trilogy. Vợ chồng Germain phải vượt qua được ranh rới giữa nghệ thuật cao cả và trí tò mò tầm thường khi Claude cứ ngày một thâm nhập sâu vào đời tư gia đình của nhà Artole đến mức trở thành một phần của nó. Liệu rằng quan điểm “nghệ thuật như là góc nhìn từ cái lỗ khoá” của Germain có đúng hay nó chỉ là “con mắt nhìn trộm” tỏn mỏn về niềm vui hay nỗi buồn của một gia đình 3 người trong cùng khu phố mà bạn sống. Germain và vợ ông dốt cuộc đứng ở phần nào của ranh giới, câu trả lời thuộc về phía khán giả phán xét.

Cũng giống như một tác phẩm văn học hậu hiện đại, Dans La Maison cũng có đặc tính tương tác. Từ phần giữa phim trở đi, người xem phải tự tham gia và tự tìm thấy câu chuyện cùng nghĩa lý của nó. Sau phần đầu như một bộ phim thriller giật gân, bộ phim trở thành một văn bản mở. Cũng như chính Germain nói với Claude trong phim: “Đừng giải thích, hãy để người đọc tự điền vào những chỗ trống”. Điều này có thể khiến mạch phim bị cụt, và khán giả nhiều người sẽ hiểu là bộ phim bị nhạt và đuối ở phần sau nhưng nếu tập trung lại và nhìn nhận thấu đáo thì đó là một cách làm đúng và hay.

Với sự phù phép của nhà soạn nhạc Philippe Rombi, các góc máy của Ozon có một sức quyến rũ khôn lường. Khung cảnh gia đình kiểu Opera Soap tưởng là nhàm chán như được phủ một lớp lụa nhung, mềm mại và huyền bí, cuốn khán giả vào bên trong câu chuyện, giữa những bức tường ấm cúng và giản dị, nơi trí tưởng tượng của con người đang đung đưa cùng những nốt nhạc du dương của nó. Ngoài ra, nguyên tác của bộ phim là một vở kịch của Juan Mayorga có tên gọi The Boy in the Last Row. Vậy nên nếu đặt góc nhìn khéo léo một chút thì Dans La Maison thực ra chính là một hiện thực ảo lồng trong một hiện thực ảo khác trong một vở kịch của một nhà văn viết về việc viết văn. Chỉ riêng điểm này thôi đã đủ để coi Dans La Maison như là tác phẩm của một “nhạc trưởng” rồi.

Tóm lại, Dans La Maison là một món ăn của hiện thực với những gia vị bay bổng của tưởng tượng và sự thăng hoa của trí tò mò. Khán giả có thể hiểu và cảm nhận bộ phim theo cách của riêng mình. Nhưng có lẽ tất cả đều phải thừa nhận rằng, sân chơi của trí tưởng tượng bao giờ cũng đáng thử và trải nghiệm hơn nhiều so với địa hạt của thực tại bởi đâu phải ai cũng có thể đứng lên sân khấu của cuộc đời và nói “À Suivre” trước khi hạ màn.

Comment