Khi chủ nghĩa khủng bố đang leo thang, thì những bộ phim về đề tài này luôn gây chú ý ở mức độ nhất định, tuy nhiên không dễ để khai thác những khía cạnh đặc biệt hòng xây dựng một câu chuyện không đi theo motip thông thường, mà vẫn tạo được sự căng thẳng, hấp dẫn, khiến chúng ta không chỉ có một bộ phim giải trí “cao cấp” (đảm bảo chất lượng nghệ thuật và tính hấp dẫn mang yếu tố thương mại), mà còn giúp chúng ta hiểu mối liên hệ giữa khủng bố và chống khủng bố, đặt chúng ta vào tình thế phải đưa ra những quyết định mà rất có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng.

Eye in the sky của đạo diễn người Nam Phi Gavin Hood đảm bảo được hầu hết các yếu tốt đó. Không hẳn là một bộ phim chống khủng bố ở thực địa, hay một bộ phim đấu trí, Eye in the sky đặt ra một tình huống, trong đó, bộ chỉ huy chống khủng bố ở Anh hoàn toàn nắm chắc khả năng tiêu diệt mục tiêu, là những kẻ đang được truy nã bởi chính phủ Đông Phi. Nhiệm vụ ban đầu là tìm cách bắt sống những kẻ thủ ác, vì trong đó có 1 người mang quốc tịch Anh, và hai người mang quốc tịch Mỹ.

Chỉ huy chiến dịch là nữ đại tá Catherine Powell (Helen Mirren), với sự ủng hộ của thiếu tướng Benson (Vai diễn cuối cùng của Alan Rickman), chiến dịch sử dụng tối thiểu nhân lực, mà sử dụng các phương tiện kĩ thuật tiên tiến, những “con mắt” từ máy bay không người lái, và robot điều khiển bằng tay.

Từ “con mắt” đó, bà Powell có thể quan sát toàn cảnh cũng như điều khiển chiến dịch ở bộ chỉ huy trung tâm. Sau 1 diễn biến ngoài dự định, nữ đại tá đã quyết định thay đổi nhiệm vụ từ bắt sống sang giết chết. Một tên lửa sẽ được phóng đến mực tiêu dưới sự điều khiển của viên phi công đang ngồi tại Nevada (Aaron Paul).

1401x788-eye-sky

Bộ phim lúc này ngoài mô tả hoạt động hợp tác quân dự giữa Anh, Mỹ với những quyết định quan trọng cần sự đồng ý của thủ tướng Anh và tổng thống Mỹ, thì còn xoay quanh cuộc sống của người lính phi công có nhiệm vụ ném bom mục tiêu. Họ phải chấp hành mệnh lệnh bất chấp việc tinh thần đạo đức không cho phép vì có thể giết những đứa trẻ vô tội.

Bộ phim đặc biệt ấn tượng bởi diễn xuất của Alan Rickman, tác phẩm cuối cùng trước khi ông mất. Giọng nói nhỏ nhẹ, quyết đoán, và đầy tâm tư của một vị tướng hiểu quyết định của cấp dưới, ngán ngẩm sự thiếu quyết đoán của cấp trên vì những lý do chính trị. Alan rickman và Hellen Mirren đã hoàn toàn chiếm lĩnh màn ảnh bằng kinh nghiệm diễn xuất, hai người đã neo rất tốt bản thân vào nhân vật, để ta có thể cảm nhận một cách chân thật cảm xúc của Powell khi mất kiên nhẫn, chả Alan Rickman với thái độ chán ghét nhưng điềm tĩnh… Xem mới thấy tiếc khi ông ra đi quá sớm, và người Anh đã mất đi 1 diễn viên tốt đến nhường nào.

Tiết tấu phim nhanh, gọn gàng, kịch tính được đẩy cao bằng sự mất kiên nhẫn, căng thẳng, bằng sự do dự, bằng giá trị đạo đức của quân nhân, và đặc biệt là bằng sự “mặc cả”. Liệu chúng ta có nên hy sinh một người để có thể cứu hàng chục mạng sống khác. Khi Powell nhìn thấy những kẻ mang bom tự sát, bà đã k do dự ra quyết định phóng tên lửa tiêu diệt. Nhưng nếu phóng tên lửa sẽ có người vô tội chết oan. Nhưng nếu không phóng tên lửa. Khi những kẻ ôm bom trà trộn vào nhà ga, sân bay thì thảm hoạ sẽ lớn hơn rất nhiều. Lý thuyết nói ra thật đơn giản, chúng ta không có quyền hy sinh 1 người để cứu nhiều người, vì giá trị mạng sống là như nhau, bình đẳng. Và không ai có quyền cướp đi mạng sống của người khác. Nhưng có thực là thế không? Một người lính như Benson hiểu rất rõ hậu quả của một vụ nổ bom tự sát ở nơi công cộng, nên ông quyết đoán, quyết liệt, nhưng những người như anh chàng phi công điều khiển máy bay không người lái thì không có trải nghiệm đó, thật khó có thể hiểu và chấp nhận được việc hy sinh người này để cứu nhiều người khác.

Eye In The Sky có tính thời sự rất cao. Khi mà thế giới ngày càng bất ổn, chủ nghĩa khủng bố, sự cực đoan đang leo thang. Những vụ ném bom tự sát liên tục diễn ra không chỉ ở các nước châu Phi, ở cả các nước phương Tây, những nơi đông người, những nơi được coi là thân thiện và an toàn. Bộ phim cho chúng ta có cái nhìn về nhiệm vụ chống khủng bố của những người lính thầm lặng. Đặt chúng ta vào vị trí của họ để hiểu, để suy tư về giá trị đạo đức. Và đặc biệt là để mong cầu cho thế giới này yên bình hơn, yên ổn hơn.

Facebook Comments Box

Comment