Buổi tối tôi đi xem Skyfall ở ngoài rạp, trời lạnh căm căm, tai lạnh buốt, mũi lạnh băng. Tôi khoác ngoài cái áo len có lớp lông bên trong mà còn cảm thấy không đủ ấm cho dù tôi là người chịu lạnh khá tốt. Rồi tôi trở về căn nhà áp mái của mình, căn phòng cũng lạnh lẽo vì cửa chính còn bị hở, sưởi không được bật, nước nóng chưa có. Tôi co mình như một con ốc trên ghế Canapé, bầu trời tím tái của một đêm đông đầy mây, như thể ở đâu đó cuối chân trời đang xảy ra hỏa hoạn vậy. Tôi lặng im, nghĩ ngợi trong những sơi dây dài của bộ não, những sợi dây dẫn ý nghĩ len lỏi trong mọi thứ mà tôi biết. Đấy là một cảm giác thật tuyệt. Tôi trong căn phòng trống, hơi lạnh co ro trong bộ quần áo nặng nề, chìm trong âm nhạc, âm nhạc của tâm hồn mình, âm nhạc của Pink Floyd. Và tôi nghĩ đến “In the mood for Love” của Vương Gia Vệ. Đã lâu lắm rồi tôi không xem lại, bộ phim hợp một cách kì lạ với những tâm hồn cô độc, những kẻ náu mình bên trong nụ cười luôn nở trên môi, những kẻ đi trong đêm tối với sự bao quanh đến nghẹt thở của ý nghĩ, tư tưởng. Tôi xem lại.

Trong sự trần trụi của cơ thể, sự trần trụi của tâm hồn cô độc, sự kìm nén cảm xúc cứ ngày càng mãnh liệt để không bộc phát ra ngoài, bộ phim lại một lần nữa chạm vào tâm hồn tôi như thể tôi đang tắm mình trong bồn nước nóng, mọi lỗ chân lông nở rộng, mạch máu thông suốt. Một bộ phim Hồng Kông nói tiếng Quảng Châu thứ tiếng mà hồi xưa nghe khá khó chịu, vậy mà lại cứ bị nó mê hoặc, như những thanh kẹo Carabar.

mood1

Bộ phim nói về hai tâm hồn cô đơn, hai tâm hồn đều đã có gia đình riêng của mình, nhưng đặc biệt là vợ của người đàn ông (Lương Triều Vỹ) và chồng của người phụ nữ (Trương Mạn Ngọc) không bao giờ xuất hiện chính diện trước ống kính, có chăng chỉ là nhìn thoáng sau lưng, hoặc ở góc quay ngoài hành lang mà giọng nói vọng ra ngoài. Tất cả bộ phim hầu như trong mọi cảnh chỉ là hai con người đó. Hai tâm hồn phát hiện ra rằng mình đang bị lừa dối vì chồng (vợ) đang ngoại tình, họ cứ lầm lũi sống trong hai căn phòng sát cạnh nhau trong sự cô đơn cùng cực, sự cô đơn và buồn bã thấm đẫm trong nụ cười của Châu (Lương Triều Vỹ), trong những tối đi mua cháo về ăn một mình do chồng đi công tác của cô Trần (Trương Mạn Ngọc).

Cuộc đời vốn vậy, dù trong mọi hoàn cảnh người ta cũng chẳng bao giờ thoát khỏi nỗi cô đơn, nó gắn với con người còn hơn cả bản ngã, nó là khói thuốc ám mùi vào cơ thể, ám nhiều đến mức như thể hòa vào làm một với mùi cơ thể, không thể giũ đi, không thể giải thoát. Những cảnh quay trong phim của họ Vương thật đắt giá, những cảnh quay đơn giản, trong một căn nhà chật chội hầu như luôn được phủ bởi tiếng cười của chủ nhà nhưng mọi khung hình đều ám ảnh nỗi cô đơn. Rồi những cảnh quay ngoại, bên cạnh bức tường của khu nhà, trời quang hay trời mưa, họ đứng một mình hay họ nói chuyện với nhau, những câu chuyện cứ nhát gừng, và gượng ép, hai đôi mắt cô đơn thấu hiểu nhau mà không dám nhìn vào mắt nhau. Liệu hai tâm hồn như vậy, đều bị tổn thương ở cạnh nhau ban đầu với ý nghĩ tốt đẹp như một tình bạn một thứ tình cảm trong sáng mà cô Trần đã nói: “Chúng ta không giống như họ”, liệu trong họ có nảy sinh tình cảm, thứ tình cảm mà dù có thì chúng ta những người xem hoàn toàn hiểu và thông cảm, vì chúng ta đứng ở hệ quy chiếu khác, chúng ta giống như những vì sao đang quan sát số phận của họ như những thiên thần đang nhìn vào cuộc đời của George Bailey*.

mood2

Nhưng những người sống cùng khu nhà với họ thì không bao giờ hiểu, và họ phải giữ mình tránh khỏi dị nghị, điều tiếng, họ sống cuộc đời của mình nhưng lại chịu sức ép của những cuộc đời khác, một điều thường thấy trong các xã hội phương đông. Một cuộc sống cộng đồng thật sự rất ấm áp và đầy sẻ chia nhưng kìm kẹp hết mọi tự do cá nhân, ảnh hưởng đến mọi quyết định của mình. Tôi chợt nhìn lại gia đình mình, tôi giống như một đứa con lạc loài khi ra ngoài xã hội nhưng lúc về nhà luôn luôn phải ở trong một cái khuôn mà từ đó bố mẹ tôi có thể tránh khỏi những điều tiếng của hàng xóm láng giêng, kìm tôi khỏi sự tự do trong cách hiện diện để yên phận trong một cuộc sống cộng đồng. Nói vậy để thấy tất nhiên họ đã yêu nhau. Và cái “mood” (tâm trạng) của họ khi chuyển dần từ bạn tâm giao sang tình yêu thật đẹp và thẫm đấm nỗi buồn, và ngay cả khi họ đã yêu nhau nhưng những ràng buộc cổ hủ lại khiến họ không thể đến bên nhau, họ lén lút như làm điều sai trái. Họ đau khổ vì người chồng (vợ) mình ngoại tình một thì họ đau đớn vì tình cảm phải dồn nén với nhau mười, họ vừa muốn sát lại gần nhau, vừa tìm cách cố tách nhau.

Châu là một người đàn ông dù sao khả năng tự chủ vẫn mạnh hơn, anh tự quyết định cho tình cảm của mình, nhưng Trần lại khác, là một người phụ nữ Á Đông thực sự, bị ràng buộc trong cái đạo cổ hủ của Khổng Tử về người phụ nữ, chị không bao giờ dám thoát ra khỏi cái định mệnh của mình. Cái cảnh quay khi Châu đóng giả là chồng của cô Trần ngồi ăn cùng nhau và Trần hỏi xem chồng mình có ngoại tình không. Đoạn đó thật là thương cảm, thương cho thân phận phụ nữ luôn ở chiếu dưới so với người đàn ông, thương một người phụ nữ yếu đuối không dám vượt ra khỏi cái bóng chiếu mệnh mình. Chị nghe bà Tôn chủ nhà nói về việc cô ra ngoài buổi tối nhiều, cô đã sợ và thôi đến gặp Châu nữa.

mood4

Nỗi buồn cứ thẫm đẫm như khói thuốc mịt mù trên bàn làm việc của Châu, trong khi hai người cùng viết truyện kiếm hiệp dài kì đăng báo, trong mưa, trong hành lang hẹp, trên cầu thang chật, ở đâu cũng đầy rẫy buồn thương và cô độc. Như thể không gian đó được bọc kín và cô lập đến mức dù có hét lên hết sức thì cũng không thể thoát ra được khỏi tiếng cười của chủ nhà, thoát ra khỏi cái cầu thang hẹp, khỏi cái bóng của chính hai tâm hồn đấy. Sự cô đơn đặc quánh và bao trùm trong mọi câu nói làm cho mọi thứ trở nên mơ hồ và yếu ớt. Và trong một không gian phim như vậy âm nhạc của Nat King Cole cứ vang lên xuyên suốt bộ phim lan tỏa như làn khói, len lỏi vào mọi ngóc ngách, mọi sâu thẳm. Giọng và âm nhạc của Nat King Cole chính là “tâm trạng” của phim, chính là phần hồn của phim. Tâm trạng mà dù rất ít thoại, dù những cảnh quay ngắn và cắt cảnh nhiều nhưng ai đã xem thì đều hiểu, và thấy đắng lòng.

Cái đắng lòng như nhìn thấy những cái đẹp buồn đến mê đi, buồn đau đớn, buồn như thể đôi khi ta bắt gặp ở ta khi nào đó chính là cái tâm trạng này, cái tâm trọng của phim, của giọng hát Nat King Cole, giọng kể tối giản của Vương Gia Vệ. Nỗi buồn mãi mãi là vẻ đẹp vĩnh cửu của cuộc đời, nhưng để mang được cái nỗi buồn man mác trong một tâm trạng nào đó của cảm xúc thì chắc chỉ có họ Vương. Ông đã mang nỗi buồn từ sâu thẳm lên bề mặt và thể hiện nó trong hơn 90 phút từ hai tài tử điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc. Cái nỗi buồn mà nếu Vương biết thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh thì Murakami thể hiện bằng ngôn ngữ văn học, cái nỗi buồn mà bất kì ai cũng đều thấy đó là của mình.

Comment