Kramer vs Kramer ra mắt từ năm 1979, nhưng đó là bộ phim tồn tại mãi với thời gian vì nó đặt ra câu hỏi xuyên suốt dành cho mọi gia đình ở mọi thế hệ, là cha mẹ, chúng ta đối diện với con cái ra sao khi chúng ta tự huỷ hoại hạnh phúc gia đình mình bằng sự ích kỷ?


Kramer vs Kramer không phải là sự phán xét, và không trả lời cho câu hỏi ai đúng ai sai khi những xung đột trong gia đình bị đẩy đến mức tuyệt vọng và không thể cứu vãn. Bộ phim đưa chúng ta vào một tình huống, cho cho khán giả sự lựa chọn giữa việc đối mặt với nó hay bỏ đi để cho thấy rằng, người lớn, dù đã lập gia đình nhưng đôi khi chưa thực trưởng thành và chín chắn trong việc làm cha, làm mẹ và hiểu được giá trị của đời mình.


Bắt đầu bằng một người đàn ông (Dustin Hoffman) tương đối thành công trong sự nghiệp vì sự giỏi giang và chăm chỉ. Anh ta về nhà vẫn bận rộn với điện thoại và công việc trong khi chị vợ (Meryl Streep) nước mắt ứ đầy trong mắt thông báo rằng, cô ấy đang bỏ đi. Anh ta vẫn không tin vào tai mình. Cô lại nhắc lại. Cho đến khi anh ta thấy việc nghiêm trọng hơn anh ta nghĩ. Nhưng không thể thay đổi được gì. Cô ta bỏ đi.


Họ là một đôi vợ chồng trẻ ở New York, có một đứa con trai và đã từng sống hạnh phúc. Nhưng việc làm vợ, phải lo toan tổ ấm mà không hề có sự giúp đỡ của chồng đã khiến cô dần dần trở nên chán nản, buồn bã và bức bí trong cuộc sống hôn nhân mà “đàn ông lo sự nghiệp còn đàn bà lo tổ ấm”. Cô muốn đi tìm kiếm lại bản thân và cuộc đời mà mình lãng phí. Việc bỏ đi bất ngờ, đã khiến anh chồng khó có thể xoay sở khi chưa bao giờ thực sự chăm sóc đứa con trai, gần gũi nó và biết nó muốn gì. Hai bố con, một người đàn ông không biết làm bữa sáng cho mình và một đứa trẻ đang cần mẹ, họ sẽ sống sao?


Đưa con đến trường học, ông bố hỏi “con đang học lớp mấy?” “lớp 1” thằng con trai trả lời. Câu thoại đơn giản nhưng đủ để cho chúng ta biết một tình huống kinh khủng mà gia đình này gặp phải? Tại sao cô vợ có thể vô tình đến vậy bỏ hai bố con đi trong đêm? Và tại sao, anh chồng lại không hề quan tâm chút gì đến đứa con trai?

Nhân vật của Dustin Hoffman phải học cách chăm sóc đứa con của mình. Đứa trẻ còn đang ở trong vòng tay của mẹ nay được một người đàn ông dù là bố mình nhưng không biết cách lo đến bữa ăn, cách cho nó chơi và ru nó ngủ. Bộ phim trở thành câu chuyện “gà trống nuôi con” để chứng minh rằng, theo đúng lời của ông bố nói, đâu phải chỉ có phụ nữ mới có thể biết cách làm phụ huynh chỉ vì giới tính của mình. 


Sự tận tuỵ của một người cha yêu thương con đã khiến ông bị sa thải khỏi công ty quảng cáo. Nhưng Dustin học được rằng, tình cảm cha con mới là thứ đáng giá. Những cảnh phim ấm áp của hai người, họ chăm sóc nhau, yêu thương nhau và cần nhau.


Bộ phim ấm áp, thứ tình cảm gia đình, tình cảm cha-con thiêng liêng được thể hiện trọn vẹn, có nét duyên dáng hài hước, có tình cảm xúc động. Cho đến khi cô vợ về. Cô đòi được nuôi con, đứa con trai mà cô đã bỏ rơi nó khi nó cần cô nhất. Bộ phim trở về với một thức tệ đáng buồn về việc chúng ta phải thông cảm cho ai? Người vợ đã bỏ đi nhưng có quyền với đứa con của mình, vì nguyên nhân sâu xa vẫn là do ông chồng đã quá ôm đồm công việc mà quên mất vun vén tình cảm vợ chồng. Hay người chồng đã tự học được cách chăm sóc đứa trẻ, yêu thương nó và được nó yêu thương lại?


Thật không dễ để dùng những luân lý đạo đức thông thường phán xét hai người lớn, một người đã từng ích kỷ và một người đang ích kỷ. Kramar vs Kramer cho ta thấy rằng, cuộc sống phức tạp hơn câu trả lời “đúng” hoặc “sai”. Mà trên hết, cuộc sống là những quyết định của người lớn đối với chính cuộc đời mình để họ không bao giờ được hối tiếc. 


Dustin Hoffman đã có được vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp điện ảnh rất dài của mình. Ông xuất hiện trong những tựa phim nổi tiếng như The Graduate (1967), Midnight Cowboy (1970), Rain Man (1988)… nhưng với Kramer vs Kramer, Dustin đã đủ chứng minh tài năng của mình. Ông thể hiện tuyệt vời vai một người cha đã có thể tự sửa lại cuộc sống của mình khi tình huống trớ trêu xảy đến. Nhưng phần xuất sắc nhất phải dành cho diễn viên nhí Justin Henry – là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử được đề cử Oscar.


Kramer vs Kramer mặc dù là một bộ phim làm năm 1979, đã cách khá xa thế kỉ 21, nhưng sức sống của nó sẽ mãi mãi trường tồn vì câu hỏi đơn giản mà bộ phim đặt ra về giá trị của tình cảm cha con, của gia đình. Hơn nữa sự hài hước của bộ phim ở sự tinh tế đã làm cho câu chuyện không bao giờ xáo mòn mà luôn luôn tươi mới và hấp dẫn. Bộ phim dành đến 5 giải Oscar trong tổng số 9 đề cử. Kramer vs Kramer luôn là viên ngọc quý của điện ảnh Hollywood.

Facebook Comments Box

Comment