Image

Nước mắt, đấy là cái nickname mà tôi đặt cho mình, tất nhiên tôi là người cẩn trọng trong việc tự định tính cho mình, nên cái tên này thực sự có nhiều ý nghĩa. Nhưng ở đây tôi không nói về cái tên của mình, tôi nói về nước mắt cái mà bác nhà thơ Đỗ Trung Quân có lẽ vì quá bức xúc trước các bạn siêu trẻ đang thể hiện sự cuồng loạn đối với thần tượng đã phải lên tiếng bằng một bài thơ mà theo cảm nhận của tôi đúng mà quá khắt khe, và đặt nhầm bối cảnh. Nước mắt, giọt lệ những mĩ từ chỉ nước được đầy ra từ đôi mắt, mà cái mĩ từ đó đẹp nhất khi nước mắt đó được chảy khi cảm xúc dâng trào, khi trái tim đập nhanh theo nhịp của những tình cảm nào đó đang chất chứa, sôi lên, bùng lên, nước mắt rơi khi có điều gì đó xoa lên sự thổn thức, sự yêu thương, sự đau đớn, sự buồn khổ. Người ta chỉ chảy được nước mắt khi người ta không thể kiềm chế được cảm xúc của mình, khi mọi lời nói đều ngưng bặt và câm nín, mọi hành động cử chỉ chỉ là thừa thãi, lúc đó chỉ có nước mắt, với quyền lực của nghệ thuật biểu hiện sẽ rơi ra thay lời nói, nước mắt như lời trái tim vậy, trước mọi buồn vui sầu khổ của cuộc đời. Nói vậy tức khi nào còn người còn có những xúc cảm mạnh mẽ cho bất cứ điều gì đều có thể khóc, đều để giọt lệ mình trôi ra ngoài trong tiếng sụt sùi, trong đôi mắt đỏ, trên bờ vai run run, tiếng nấc nghẹn. Những giọt nước mắt vì thế chẳng có gì đáng xấu, chẳng có gì không được phép, và xét cho tận cùng vấn đề đó là giới trẻ một bộ phận “cuồng” đang bị mất đi những cảm xúc thực tế và đặt những cảm xúc của mình vào những gì hơi ảo vọng.
Khoan nói về cái bộ phận bị cho là “quái thai” đó, nước mắt liệu có ngày càng hiếm? Hãy thử đọc báo mạng của Việt Nam, tràn ngập nhưng tin tức vô nhân tính, nhiều đến mức người ta cảm thấy đó là quá đối bình thường, nó xảy ra quá thường xuyên, có chăng thì lại tặc lưỡi rồi quên đi, xã hội qua báo chí cảm giác là một xã hội thiếu đi trầm trọng tình người, một xã hội như thể hộp Pandora vừa được mở ra, tất cả những giá trị đạo đức, sự nhân bản, tính nhân văn đã biến mất. Nhưng mà bác Quân nhầm lẫn theo tôi, vì nước mắt đó, nước mắt của nhân đạo, của nhân bản, của tính người, của lòng trắc ẩn, của tình cảm yêu nước… là giọt nước mắt khác, khác với giọt nước mắt dành cho “người dưng” mà bác nói, cái nước mắt mà bác Quân nói, tôi cá dù cho thời nào, dù cho người ta có vô tình thế nào thì cũng đều có, chẳng qua vì cái cách hoạt động của cái thế giới báo trí online đang vô tình xóa đi hết cái tính hiện thực của cuộc sống bình thường, mọi thứ đang hoạt động theo một cỗ máy như cỗ máy xay thịt trong The Wall của Pink Floyd vậy, không thể chấp nhận được. Và ngoài nước mắt đó ra, nước mắt thiêng liêng của một dân tộc ưa hòa bình, đã chịu quá nhiều đau khỏ ra còn có những giọt nước mắt khác, những giọt nước mắt mà chúng ta cứ để rơi trong cả cuộc đời trưởng thành của mình. 

 
Tôi nhớ trong đoạn phim giới thiệu album Micheal Jackson: A history có rất nhiều fans hâm mộ kêu gào khóc lóc, thậm chí ngất xỉu vì chen lấn xô đẩy, họ có thể làm rất nhiều chuyện điên rồ nhất để được nhìn thấy thần tượng, và khi được nhìn thấy họ, đó là sự vỡ òa ra sung sướng. Không hẳn là họ yêu con người MJ, mà họ yêu cái cách anh truyền những cảm xúc qua những ca khúc tuyệt diệu, điệu nhảy Moonwalk điêu luyện đầy mê hoặc, họ nghe a qua radio, xem anh qua tivi và được gặp anh trở thành một ước mơ như mọi ước mơ đẹp khác. Nếu như bây giờ mà Pink Floyd vẫn còn biểu diễn và tôi được đi xem show của họ chắc tôi cũng khóc, cũng nghẹn nghào vì được gặp những con người mà âm nhạc của họ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, đã thổi vào tôi những ý nghĩa của cuộc đời, đã gặp tôi khi tôi lạc lối và đau khổ. Đấy là nước mắt của tuổi trẻ, của những ước mơ được thực hiện. Vậy tôi cũng cá rằng các bạn fan cuồng của Kpop kia cũng có những ước mơ được gặp như vậy, mặc dù nói thật lòng thì tôi khá là không coi ra gì nhạc Hàn xẻng đấy, những ước mơ như vậy xét cho tận cùng đâu phải lỗi của các bạn ấy, đâu có gì thực sự đáng chê trách. Hãy nhìn cái cách mà chính phủ Hàn thực hiện hẳn một chiến lược để quảng bá văn hóa của họ, phim Hàn quốc đầy rẫy, toàn trai xinh gái đẹp (có thể là toàn đồ giả nhưng ai quan tâm vì ai cũng muốn nhìn cái đẹp cơ mà), nhạc thì hát là một phần, còn nhảy nhót còn khoe cái này cái nọ thử đặt mình vào là một người trẻ tuổi, thích nhảy nhót, thích những cái đẹp, sống trong một đất nước mà giàu văn hóa nhưng nghèo về cách thể hiện, điện ảnh thì kém, truyền hình thì quá nhạt nhẽo và vô vị, còn truyền hình Hàn, toàn những câu chuyện nhân văn, những mối quan hệ bình thường trong xã hội đưojc thể hiện một cách chân thật, đầy những sự hài hước, đầy lãng mạn, thử hỏi nếu không từng trải, nếu không phải một người có một độ dày về cảm nhận văn hóa thì ai mà không thích, người lớn thì thích thú một cahcs điềm đạm, còn người trẻ, họ muốn thể hiện, họ muốn đã thích là phải sống trong đó vậy trách làm sao. Một thời những ai mà thích nhạc của Elvis Presley, thích Rock N’ Roll mà bị cho là cuồng loạn, ngu ngốc và vô ích, tât nhiên giá trị âm nhạc của 2 thể loại là hoàn toàn khác nhau, nhưng chính vậy mà Elvis đã và đang tồn tại một lượng người hâm mộ nhất định mà không thể mất đi, còn Kpop hay những thứ đại loại kiểu đại chúng và nhất thời như vậy sẽ bị đào thải sau một thời gian chẳng dài, và những bạn trẻ đó khi đã tích trong mình một hàm lượng văn hóa nhất định sẽ hiểu, những giọt nước mắt của các bạn ấy bây giờ không có gì gọi là thừa thãi hay vớ vẩn phải chăng?

 
Tôi không thích nhạc Hàn hay phim truyền hình Hàn nói chung vì tôi nhìn thấy ở đấy là sự giả tạo, là một chiến lược PR quy mô lớn để làm biến đổi cái cốt tính của người Hàn Quốc, phần khác là gout thẩm mỹ về âm nhạc của tôi cũng không thích hợp với thể loại nhạc đấy. Nhưng còn các bạn trẻ khác, các bạn ấy đâu có cần phải nhìn vào điều đấy, các bạn ấy đang sống trong những giấc mơ khác, những ước mơ khác, trẻ con hơn, mơ mộng hơn. Và người lớn cũng vậy, những người đã sống trọn tuổi trẻ, đã trưởng thành về mọi phương diện cũng từng mơ ước, cũng từng thích mặc kiểu Hippie, Hipster, đã từng thích Graffiti, đã từng quậy phá, làm buồn lòng những người ở thế hệ trước nữa. Vậy tất cả chỉ là những vòng xoắn ốc bất tận, với những bán kính khác nhau, những hệ quy chiếu bất định, rồi người trẻ sẽ lớn, sẽ trưởng thành sẽ nhận ra giá trị thật của cuộc sống, họ sẽ đủ chín chắn để lựa chọn cho mình một đam mê cụ thể mà không quá màu mè, phô trương và đáng ghét. Nhưng trước khi đến được cái mốc đó thì người ta sẽ cứ phải theo những thứ mà người lớn, gia đình, nhà trường đã không biết cách định hướng, hoặc tự bản thân họ đam mê theo một cách đầy bản năng, ai định hướng cho họ nghe Rock N’Roll từ bé xíu, ai định hướng cho họ nghe Pink Floyd, nghe nhạc tiền chiến để họ thấy được thế nào là sự nghiêm túc trong âm nhạc nuôi dưỡng linh hồn chứ không phải sự dễ dãi của âm nhạc phải luôn đi kèm vũ đạo khiêu gợi của những con người mà đến 90% là đồ giả trên cơ thể. Ai định hướng cho họ đọc Những người Khốn Khổ, những tấm lòng cao cả, thép đã tôi thế đấy… để họ biết thế nào là một tác phẩm văn học đích thức với những giá trị nhân văn sâu sắc và tràn đầy tính người chứ không phải những tiểu thuyết diễm tình tràn lan trên thị trường chẳng đêm lại giá trị gì ngoài sự nông cạn trong nhận thức và dễ dãi trong cách tiếp nhận tình cảm. Ngay cái bản thân nguyên vật liệu để người trẻ tiếp cận đã chứa quá ít hàm lượng văn hóa cần thiết mà những người làm văn hóa không thể kiểm soát được cái lượng nguyên vật liệu ấy như thể Viêt Nam cứ cả đời phải đi nhập dầu thải, rác thải của thế giới, vậy thử hỏi các bạn trẻ có gì đáng bị phê phán quá mạnh mẽ vậy. Một bộ phận nhỏ của cái giới trẻ đấy đúng thật đang làm xấu đi hình ảnh của đất nước khi thể hiện tình yêu một cách cuồng tín và thiếu hiểu biết, nhưng xét cho cùng như bác Hồ đã nói “tất cả là do giáo dục mà ra”, hay còn do các nhà quản lý văn hóa với cái tầm và tâm quá vô văn hóa nữa.
 
Có thể thế giới đang cười khểnh chúng ta, cái đất nước có 4 ngàn năm văn hóa, 1 ngàn năm văn hóa Tàu tìm cách xóa tan văn hóa Việt mà khôgn được, lại đang bị văn hóa Hàn xâm chiếm thậm chí có cảm giác “chà đạp” lên văn hóa Việt, nhưng tất cả chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, chỉ là sự chưa hiểu biết thực sự thế nào là văn hóa và giới trẻ Việt thực sự đang lớn đang sống yêu thương hết mình cho tổ quốc, biển đông… giống như bố mẹ ta cứ cười khểnh khi nước Mỹ không cấm việc mặc quần lót có in cờ tổ quốc của nó, tất cả chỉ là những xung động theo những nhịp khác nhau của văn hóa, nhưng không vì thế mà kệ, phải bắt sâu trước khi nấu canh, phải thanh tẩy môi trường văn hóa trước khi được xuất bản ra thị trường cho giới trẻ tiếp cận, phải cho giới trẻ chúng ta được nghe những bản nhạc tuyệt vời từ bé, được đọc những cuốn sách tuyệt hay hồi nhỏ. Xã hội kim tiền đang lấy đi điều đó, một xã hội đang bị đồng tiền nuốt chửng, tất cả mọi ngưoif đang lao đầu làm giàu mà quên hết đi những giá trị cơ bản về gia đình, về sự ấm cúng, tất cả chỉ biết cho con vào trường điểm, cho con vào những nơi tốt đẹp mà không biết rằng nơi tốt nhất để dậy chính là nhà, rồi mới đến trường. Hãy cho chúng ta được một bề dầy văn hóa cảm thụ trước khi vứt chúng ta vào đời, nếu không những giá trị văn hóa giả hiệu sẽ dễ dàng nuốt chửng chúng ta trong guồng quay của những máy say thịt.
Văn hóa là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, văn hóa không dựa vào sự lừa dối mới đủ sức nuôi dưỡng một tâm hồn khỏe mạnh và sâu sắc, một thứ văn hóa được hình thành từ những chiến dịch PR, những sự giả dối sẽ làm người ta đến một ngày mất phương hướng, làm người ta có cái nhìn sai lệch về những định nghĩa về đạo đức, về lối sống đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Văn hóa giả hiệu sẽ mang đến sự hời hợt của tình cảm, và lấy đi tình yêu thực sự chỉ để lại ở tình huống tệ nhất là sự vô cảm của tâm hồn. Văn hóa Hàn đâu phải cái gì cũng giả, văn hóa Hàn đâu chỉ có mỗi người Việt thích, thử nhìn vào ca khúc Gangnam stype mà xem, đến Obama, tổng thư kí liên hiệp quốc Ban Ki-Moon còn thích thú và làm theo, và hiện đang trở thành video được xem nhiều nhất mọi thời đại, sức ảnh hưởng của nó lớn vậy cơ mà. Chỉ có điều, cái gì cũng có chừng mực và phải biết chọn lọc.
PS: tôi chưa xem Gangnam Stype và nhất định không bao giờ xem, thật không thể hiểu được, logic của sự vớ vẩn được thừa nhận.
Facebook Comments Box

Comment