Tôi luôn nhìn ông, lúc nào ông cũng ngồi ở chỗ đó, trên cầu ở phần dành cho người đi bộ qua cầu. Ông ngồi im lặng, trên tay là tập vé số được ông xoè ra như xoè quạt giơ ra ngoài, để ai đó có hứng thú thì dừng lại mua giúp ông vài tờ. Lúc nào ông cũng ngồi đó, trừ những lúc trời mưa, còn lại tôi luôn thấy ông, bên cạnh là chiếc dù, là lỉnh kỉnh nhiều túi nhỏ có nước, có đồ ăn. Có hôm tôi ngạc nhiên khi thấy ông cắt tóc gọn gàng. Tôi nhớ lại rằng, thực ra ông luôn luôn gọn gàng, ở ông toát ra màu của một người cán bộ viên chức nhà nước nghỉ hưu, chỉn chu, đúng quy cách và không muốn bị người khác đánh giá về vẻ bề ngoài.

Có hôm tôi dừng lại mua giúp ông vài tờ, ông không nói gì, tôi nói ông đưa cháu xem, cháu lấy 5 tờ, ông im lặng đưa tôi chọn, tôi chọn, tôi đưa tiền, ông cũng không nói lời nào. Tôi muốn hỏi chuyện ông, nhưng rồi thấy ông không muốn nói gì, tôi cũng lặng lặng mua xong và đi. Tôi không biết có người đàn bà nào đang đợi ông ở nhà không, có đứa con cháu nào đang đợi ông ở nhà không. Đôi khi tôi để trí tưởng tượng mình đi xa một chút. Tôi nghĩ rằng có một người đàn bà đang đợi ông ở nhà, mỗi ngày vào lúc 5h sáng, bà sẽ dậy, nấu cho ông một bữa sáng đơn giản, với ấm Xamova, tôi nghĩ chắc ông thuộc thế hệ những người đi học ở Nga về. Ấm nước giúp bà pha cho ông bình trà, bà nấu thêm 1, 2 món ăn đơn giản cho ông ăn sáng, để ông đi làm. Không quên dặn với theo là, ông nhớ mang theo ô, vì hôm nay trời nắng. Sài Gòn đa phần lúc nào cũng nắng. Ông bán đến trưa, bà mang ra cho ông bữa trưa đơn giản với một món rau và một món thịt ăn với cơm. Ông bán đến tối, bà mang tiếp cho ông bữa tối, ông ăn ngay tại chỗ mình ngồi bán, dù tiếng xe cô đi lại ồn ào, và bụi bặm, nhưng ông quen rồi và ông cũng chịu được, vì có vợ ông ở nhà đang đợi ông mang tiền về. Cuộc sống của hai vợ chồng phụ thuộc vào những tấm vé số ông bán.

Vậy cũng không tệ nhỉ, nếu cuộc đời ông như vậy. Tôi nghĩ, cũng không cần con cái làm gì, chỉ cần hai người trên thế giới buồn bã và khốn khổ này, ở bên nhau, giống nhau đi qua những ngày buồn, ngày vui, giúp nhau đi qua sự khốn khó. Vậy là ông ấy cũng hạnh phúc, như tôi, tôi sẽ hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi như thế. Nhưng tôi không biết, có một người đàn bà nào đợi ông ở nhà không.

Em tôi nhắn cho tôi, em đang đợi cô ấy, cô ấy đang tắm, bọn em mới đi chơi về. Nước mắt của tôi chợt rơi, vì tôi nghĩ đến ông già đã hơn 60 tuổi kia, cậu em gần 30 tuổi của tôi, và cuộc đời này. Ông ấy có người đàn bà đợi ông ấy không? Cậu em tôi có người đàn bà của mình mãi mãi không? Cậu bé chỉ dám dè dặt, em mong mọi chuyện được lâu. Tôi cứ buồn mãi vì câu nói của nó, tôi buồn lây sang chính mình, liệu rằng ở tuổi 60, người tôi yêu còn ở cạnh tôi không, liệu cô ấy vẫn ở đó, giận dỗi, bất an, cáu gắt và yêu tôi. 

Tôi nhớ đến Drive My Car, tôi nhớ phim hơn những truyện ngắn của Murakami tôi đã đọc, nhân vật chính trong nỗi đau buồn vô tận vì người vợ qua đời, anh đã phải tự vấn rằng liệu anh có hiểu cô ấy, và rằng mất mát của anh khi cô ấy ra đi là quá lớn, anh nhớ cô ấy, thậm chí anh vốn đã luôn chấp nhận việc cô ấy ngoại tình chỉ vì sợ cô ấy đi mất nếu anh nói rằng anh biết cô đã ngủ với những người đàn ông khác. Hay như gã đàn ông tội nghiệp trong The Lost Daughter, người vợ bỏ anh ta đi đẻ lại anh với hai đứa con gái bé nhỏ. Anh bảo, hay là anh quỳ xuống xin em, em hãy ở nhà đi. Sao khốn khổ thế.

Phải chăng đàn ông cứ mãi khốn khổ vì người mình yêu, không phải vì cô ấy sai, cô ấy đáng trách, mà vì đàn ông, sự cô đơn quá lớn đến nỗi, trong cuộc đời này, chỉ có một người có khả năng giúp cho nỗi cô đơn đó biến mất, và vì thế, người đàn ông sẽ chấp nhận, tha thứ hay đại loại như vậy để xoa dịu tâm hồn mình và chấp nhận người đàn bà của mình. Vì sự hiện diện của họ ý nghĩa hơn mọi nỗi đau buồn mang tính cảm xúc. 

Đôi khi tôi nghĩ, đàn ông theo đuổi một người đàn bà, cần một người đàn bà, giống như Ishmael đuổi theo Moby Dick vậy. Nhưng không phải để giết người đàn bà đó, mà để đến cuối cùng, là chinh phục, và tất nhiên, không bao giờ chúng ta chinh phục được họ. Nhưng đâu quan trọng, tôi nghĩ, cái quan trọng nhất, như tôi đã tưởng tượng câu chuyện cho ông già bán vé số. Có một người phụ nữ đợi mình ở nhà, là mãn nguyện một đời rồi, phải chăng?

Facebook Comments Box

Comment